Lâm Tấn Lợi – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất võng xếp Duy Lợi, người khai sinh ra nó được cấp bảy bằng sáng chế và một bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Xuất hiện trên thị trường chưa đầy 5 năm, “võng xếp Duy Lợi” đã nhanh chóng trở thành một “địa chỉ ngả lưng” của hàng triệu khách hàng trong nước và nước ngoài, như Nhật, Đức, Úc, Hàn Quốc, Mỹ.
Những ngày này, báo chí đang râm ran chuyện ông sắp đâm đơn lên một tòa án Mỹ để kiện một công dân Đài Loan “cầm nhầm” sáng chế của ông đem đăng ký ở Mỹ. Một việc động trời! Chúng tôi muốn “khai thác” chút ít vụ này. Nhưng ngay từ đầu, ông cho chúng tôi cảm tưởng dường như mọi việc sắp xong tới nơi: “Tôi đã nhờ văn phòng luật sư Phạm&Liên Doanh lo giùm vụ này”. Thẳng thắn, khiêm tốn, bình dị, “ông vua võng” tiếp chúng tôi thật cởi mở từ phút đầu đến phút cuối.
____
Nếu có thể, chúng ta sẽ khởi đầu câu chuyện bằng chút tiểu sử của ông được không?
Quê cha tôi ở Quảng Ngãi, còn tôi sinh ra ở Hải Phòng (năm 1958), sau đó một năm, gia đình dời lên Thái Nguyên và tôi lớn lên, học hành ở đó. Tốt nghiệp đại học khoa Cơ khí cũng tại Đại học Thái Nguyên. Năm 1981, tôi vào Nam, bắt đầu một hành trình mưu sinh lận đận như tất cả những con người bình thường khác trên đời này. Đến năm 1984, tôi mới tìm được việc làm tại Xí nghiệp liên hiệp Mô tô xe đạp, nhưng sớm thấy không sống được nên xin nghỉ việc. Và từ đây cái vòng lẩn quẩn xin việc – nghỉ việc bủa vây lên số phận tôi, ngỡ như không dứt ra được. Từ năm 1984 đến năm 1999, tôi làm việc ở sáu nơi khác nhau. Có thể nói, cho đến trước tuổi 42, tôi là người lông bông vô tích sự.
____
Nhưng dường như ngoài sự lông bông như trò đùa của số phận, ông là người khó tính trong đời nên mới ra sự thể đó chứ?
Quả thật, hồi còn đi làm cho Nhà nước, tôi dị ứng với nhiều thứ: thói bon chen, thói nịnh trên đạp dưới, tranh giành địa vị quyền lợi, những ràng buộc giả tạo và nhất là tệ quan liêu, cửa quyền. Tôi rất bất bình khi chứng kiến mỗi cuộc ăn uống nhậu nhẹt dù linh đình hay đơn sơ, nhưng hễ có mặt các vị thủ trưởng thủ phó thì người móc tiền ra trả luôn là cấp dưới lương hướng chẳng bao nhiêu.
____
Nếu vậy thì ông không chơi với ai được?
Đúng, trong môi trường như vậy tôi thật là khó gần. Nếu cực đoan nghĩa là không chịu có chung một cách nhìn, cách đánh giá sự việc với số đông thì tôi quả có cực đoan. Chẳng hạn, tôi yêu cầu các lái xe chở hàng về tỉnh khi qua trạm, cứ đi, không được dừng lại chung chi làm luật gì hết. Mình không vi phạm thì không việc gì phải làm thế. Và như vậy là tôi ôm cái khó về cho mình. Chuyện nhũng nhiễu là chuyện thường ngày bất tận, chắc các anh không muốn nghe đâu, phải không?
____
Lúc khác ông cho chúng tôi nghe kỹ hơn quan điểm của ông về vấn đề đó. Còn bây giờ chúng tôi muốn ông nói về chuyện làm ra chiếc võng xếp của ông?
Đến bây giờ, nhìn lại, tôi tự rút ra một kinh nghiệm thế này (không biết là có ích cho ai không?): đó là để muốn biết mình làm được nghề nào tốt nhất thì ông phải lăn lộn làm thật nhiều nghề, mà nghề nào cũng phải đi sâu tìm hiểu rồi thực hành tới nơi tới chốn. Đến một lúc nào đó, ông sẽ biết được mình phù hợp với nghề nào nhất. Còn chuyện làm võng xếp của tôi? Đó hoàn toàn là một sự tình cờ đẩy đưa của hoàn cảnh – hoàn cảnh của cái anh cấp dưới trước “sức ép âm thầm” của cấp trên.
Đó là vào năm 1989, khi tôi là trưởng bộ phận cơ khí của Công ty giày Phú Lâm. Một hôm, nhà ông giám đốc có một cái võng kiểu xích đu bị hư, tôi là kỹ sư cơ khí nên nhận được lệnh sửa lại. Cái võng hư nặng quá, không cách nào sửa được, dù lúc ấy cũng có nhiều người trong công ty góp sức vào – gọi là tìm cách tâng công, lấy điểm với giám đốc. Thế là tôi vắt óc ra suy nghĩ, cuối cùng, quyết định làm một cái võng mới cho giám đốc.
Sau đó, thấy cũng hay hay, tôi làm thêm bốn cái nữa cho gia đình nội ngoại sử dụng. Lúc bấy giờ tôi đâu có nghĩ là mình đang sáng chế ra một sản phẩm có giá trị. Và dĩ nhiên là tôi vẫn tiếp tục “cầm hơi” với đồng lương kỹ sư ba cọc ba đồng không nuôi nổi vợ con. Chỉ nhờ làm cho Công ty kem đánh răng P/S được một cái máy, kiếm được một số tiền đủ sống khá hơn và mua một chiếc xe Citi, tài sản quý của tôi lúc bấy giờ.
Từ tháng 11 năm 1996 đến tháng 11 năm 1999, tôi làm cho một công ty liên doanh nước ngoài, chuyên sản xuất nhôm và đây là lần đầu trong đời tôi lãnh lương cao nhất (1,3 triệu đồng/tháng). Nhưng rồi cũng nghỉ. Sau đó, tôi vào làm cho Công ty Tàu biển Sài Gòn, nhưng cũng chỉ được sáu tháng lại nghỉ việc, vì vẫn thấy không hợp và tù túng. Chính lúc này, ở tuổi tứ thập nhi bất hoặc, biết chắc không còn “Nhà nước” nào muốn nhận mình nữa, tự nhiên tôi nghĩ đến cái võng xếp từ 10 năm trước.
Tôi luôn tâm niệm, có một sản phẩm phù hợp để mọi người cùng nhau kiếm tiền được là rất tốt.
____
Cái võng cho sếp Công ty giày Phú Lâm đó hả?
Ừ, nói vậy cũng được.
____
Vậy là làm?
Vâng. Nhưng gian nan lắm.
____
Ông bắt đầu thế nào với hai bàn tay trắng?
Lúc đầu, do không có vốn nên tôi liên kết với Công ty Tàu biển Sài Gòn sản xuất 100 cái khung võng, họ bỏ vốn, tôi giữ bản quyền thiết kế, lời chia đôi. Nhưng công ty này e ngại, chỉ quyết định sản xuất 50 cái. Gần hoàn tất công đoạn sơn võng thì lại gặp trở ngại của tệ hành chính quan liêu. Do thiếu sơn, phải mua thêm 1,5kg sơn ngoài dự toán; kế toán nhất định không chịu đưa vào giá thành; thế là 50 cái khung võng không được nhập kho; chưa nhập kho thì dĩ nhiên là không xuất kho bán ra thị trường được, đơn giản vậy thôi. Họ muốn làm tiền tôi thôi.
Khổ nỗi là trước đó, tôi nhớ như in ngày 29/12/1999, tôi đã đăng một mẩu quảng cáo bằng cái “cạc vi-dít” hết 400 ngàn đồng trên báo Người Lao Động, nhiều người đã gọi điện đến hỏi mua. May sao sự vụ đến tai người có quyền hạn cao nhất, chứ nếu cứ nằm mãi ở các cấp trung gian thì không biết đến bao giờ. Mãi đến ngày 6/1/2000, những cái khung võng đầu tiên mới được bán ra thị trường và lập tức bán hết ngay ngày hôm sau. Tôi còn nhớ có bà cụ ở miền Tây nghe quảng cáo nên vội vã lên Sài Gòn tìm mua một cái, nhưng không mua được bà khóc suốt cả buổi chiều.
Sau 50 bộ khung võng vừa kể, tôi cũng không còn liên kết được nữa. Tôi chạy lòng vòng đây đó, cuối cùng mượn cái xưởng nhỏ bỏ trống của người bạn ở Gò Vấp để sản xuất; về sau thuê được một nửa mặt bằng còn trống (75m2) của Công ty bột giặt NET, rồi toàn bộ diện tích. Lúc này, những tháng đầu, trung bình tôi bán được 200 cái, trừ bốn kỳ quảng cáo hết 1,6 triệu đồng, lãi khoảng 20 triệu. Sau đó, tôi liên tục mở rộng nhà xưởng và liên tục quảng cáo.
____
Có vẻ như ông sớm nhận ra hiệu quả của quảng cáo ngay từ khi bước chân vào thương trường?
Tôi nghĩ ngoài chuyện tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ tốt, nhất là sản phẩm/dịch vụ, gắn trực tiếp với lợi ích của người tiêu dùng, nhà doanh nghiệp phải có trách nhiệm giới thiệu rộng rãi cho người tiêu dùng biết. Mà trong tình hình hiện nay, quảng cáo là cách tốt nhất. Tiếc tiền quảng cáo thì sẽ không bán được sản phẩm. Có những tháng trong năm 2001, cùng một lúc sản phẩm của tôi được quảng cáo trên 38 tờ báo. Nhưng tôi dám nói một điều chắc chắn là sản phẩm của tôi luôn tốt hơn những gì chúng tôi muốn quảng cáo.
____
Nói vậy, nhưng làm sao để biết rằng sản phẩm võng Duy Lợi là có chất lượng cao, khi nó không phải là thứ có thể nếm được bằng miệng?
Nếu không tốt thì người ta đâu có mua nhiều như thế, và các nhà sản xuất khác đâu có nhái sản phẩm nhiều như thế. Hiện nay theo chỗ tôi biết thì ở TP.HCM có trên 60 loại võng nhái có tên nhãn hiệu, còn không có tên hoặc giả tên thì nhiều vô kể.
____
Ông đối phó với những trường hợp nhái này như thế nào?
Tôi đâu có đối phó gì. Tôi luôn tâm niệm, có một sản phẩm phù hợp để mọi người cùng nhau kiếm tiền được là rất tốt. Làm sao một doanh nghiệp như chúng tôi lại có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu. Có điều, khi có nhiều cơ sở sản xuất, hàng nhái hàng thật lẫn lộn, giá bán cũng bị phá đi rất nhiều. Hiện nay, tôi bán trung bình từ 200 đến hơn 600 ngàn đồng một cái, tùy theo loại.
Tôi là kẻ làm ăn tài tử, vừa làm vừa học trên chính kinh nghiệm của mình, không có kiến thức gì về quản lý kinh tế, không biết vi tính, không biết ngoại ngữ. Tôi chỉ có lòng say mê sáng tạo.
____
Không xử lý, thưa kiện với hàng nhái trong nước, sao ông lại sang tới bên Nhật, bên Mỹ mà kiện tụng?
Sản phẩm của tôi hiện nay xuất khẩu là chính, nên sống chết gì tôi cũng phải kiện, nếu không tôi sẽ mất hai thị trường rất lớn này, nghĩa là sản phẩm của tôi không được nhập vào vì có người đã đăng ký độc quyền kiểu dáng. Mà kiểu dáng lại do mình thiết kế và đã đăng ký độc quyền (23/3/2000) mới giận chứ. Tại Nhật, tôi thắng kiện tương đối dễ dàng vào tháng 4/2003. Xử cho tôi thắng kiện, nước Nhật chấp nhận để cho doanh nghiệp bản xứ của họ bị thua thiệt, nhưng họ vẫn làm. Đúng là một nước văn minh.
____
Lần này đi kiện tại Mỹ, ông không bị ám ảnh vụ cá basa sao?
Tốn kém hơn vụ kiện ở Nhật nhiều, phải mất vài chục ngàn USD nhưng tôi cũng hy vọng mọi việc suôn sẻ, tức là tôi sẽ thắng, vì thời điểm đăng ký kiểu dáng sản phẩm của doanh nghiệp Đài Loan là ngày 15/8/2001, rõ ràng sau chúng tôi rất lâu, hơn nữa nó mô phỏng rõ ràng kiểu dáng độc quyền của tôi được thể hiện qua bảy bức hình chụp ở mọi góc độ.
____
Chúng tôi thắc mắc là võng xuất khẩu sang các nước có khác gì về mặt chất lượng với võng nội địa?
Lẽ ra là phải khác, không nhiều thì ít, bởi người tiêu dùng ở mỗi thị trường có một mức sống khác nhau nên họ cần chất lượng khác nhau là điều dễ hiểu. Nhưng tôi không bằng mọi cách chạy theo lợi nhuận để dần dà đánh mất nét đặc sắc của mình. Người giàu ở Mỹ cũng như người nghèo ở Việt Nam đều nằm trên một thứ võng có kiểu dáng và chất lượng như nhau của Duy Lợi.
____
Không bằng mọi cách chạy theo lợi nhuận, phải chăng đây là một lời ngoa ngôn?
Không. Tôi muốn duy trì thương hiệu võng xếp Duy Lợi theo hướng chất lượng ngày càng cao, ngày càng có nhiều người ưa thích nằm võng của tôi. Còn kiếm tiền cho thật nhiều, nói thực tình, tôi không xem đó là nhu cầu sống còn. Khi tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền cũng là lúc tôi thấy mình có thể chia sẻ bằng vật chất với những người không may hơn mình.
____
Vâng, nhiều người biết ông rất nhiệt tình trong công tác từ thiện và người ta nói với nhau rằng phân nửa số lợi nhuận kiếm được, ông dùng làm từ thiện. Từ góc độ của một nhà doanh nghiệp, ông nghĩ gì về việc này? Có phải đó là một “sinh hoạt tâm linh” thường thấy của nhà giàu?
Tôi đã nói với các anh rồi, với tôi, sống là cảm thông và chia sẻ. Đó là quan niệm của tôi. Và tôi vui vì mình có thể thực hành được điều mình nghĩ một cách thường xuyên. Còn sinh hoạt tâm linh, ông muốn nói là “mê tín” chứ gì? Tôi tuyệt đối không mê tín. Tôi cho rằng, nếu tất cả các doanh nghiệp thành đạt đều lo nghĩ và chia sẻ với người nghèo, thì chẳng bao lâu người nghèo sẽ không còn nữa.
Nhiều doanh nghiệp giàu sụ, không sao tiêu hết tiền, thế mà họ lại không bớt đi chút ít cho người nghèo, thật lạ lùng. Tất nhiên với những việc đã và đang làm, tôi không nghĩ đó là làm từ thiện, tôi nghĩ chia sẻ thì đúng hơn. Tiền mình chưa cần thì chia sẻ cho những người thực sự cần. Có lẽ vì xuất thân trong một gia đình nghèo và trải qua nhiều lận đận khổ cực nên trong tôi sẵn có lòng trắc ẩn.
____
Ông khởi sự công việc chia sẻ đó như thế nào?
Tôi đọc trên báo An Ninh Thế Giới bài viết nói về một gia đình có sáu người điên ở Quảng Bình, một câu chuyện quá đau lòng, tôi liền liên lạc với tòa soạn báo và đề nghị đóng góp 50 triệu đồng xây cho gia đình đó một căn nhà, nhưng các anh nhà báo nói chỉ cần 30 triệu đã có thể xây được nhà tốt. Từ đó, tôi gắn bó với các chuyến đi làm công tác từ thiện của các báo. Và lâu ngày thành một thói quen.
Tôi cho rằng, nếu tất cả các doanh nghiệp thành đạt đều lo nghĩ và chia sẻ với người nghèo, thì chẳng bao lâu người nghèo sẽ không còn nữa.
____
Vươn ra ngoài xã hội với nhiều việc làm từ thiện, ông có chu toàn được chuyện tề gia không?
Trước đây tôi rất ít nghĩ về chuyện này, cho nên đến bây giờ tôi vẫn còn ở nhà thuê. Dường như mọi thứ đến với tôi luôn chậm chạp và muộn màng, theo như cách nói của nhiều người. Phải vài tháng nữa tôi mới về ở nhà của mình bên quận 8, khi xây xong. Còn với bản thân, nếu ai quen biết, đều thấy tôi chẳng quan tâm gì nhiều về hình thức, một đôi giày có thể mang ba, bốn năm mà không cần đánh xi. Trong phòng làm việc của tôi lúc nào cũng có một thùng mì gói để có thể giải quyết bữa trưa mà không gián đoạn công việc, suy nghĩ hàng ngày của tôi.
____
Ông có vẻ không thương mình lắm! Nhưng ông thương các con ông chứ?
Cô con gái của tôi học lớp 9, rất muốn có một chiếc Spacy, nhưng tôi nhất định không chiều ý cháu, bắt phải đi xe đạp đến hết phổ thông. “Vào đại học bố sẽ mua cho”, tôi hứa với cháu thế. Tôi cũng mong các con tôi, dâu rể, em cháu sẽ theo nghề của tôi, giữ gìn và phát triển bền vững thương hiệu võng Duy Lợi. Đó là mơ ước lớn nhất của đời tôi. Tôi sẽ truyền hết kinh nghiệm nghề nghiệp cho các con tôi, nhưng sẽ không để lại hết tài sản cho chúng.
____
Ông có cho mình là người thành đạt?
Tôi là kẻ làm ăn tài tử, vừa làm vừa học trên chính kinh nghiệm của mình, không có kiến thức gì về quản lý kinh tế, không biết vi tính, không biết ngoại ngữ. Tôi chỉ có lòng say mê sáng tạo, ngày nào cũng ngồi cố nặn cho ra những cải tiến, kiểu dáng mới, sản phẩm mới. Thành đạt, theo tôi, nhiều khi không ở việc có xe Mercedes, ở nhà cao tầng, vung tiền qua cửa sổ… mà ở phương cách anh theo đuổi sự chọn lựa của mình. Nhưng tôi tự hào là người sáng chế ra ba kiểu võng đứng hàng đầu trong số 10 kiểu võng của toàn thế giới. Đó là đặc sản Việt Nam do tôi làm ra.
____
Câu hỏi cuối cùng, xin ông cho biết tại sao người ta thích nằm võng?
Tôi cho rằng nằm võng xem ti vi, đọc sách báo là tốt nhất, có thể nằm dài, ngồi ngửa, nằm nghiêng, đu đưa, vặn vẹo người đủ mọi tư thế rất thoải mái.