Cầu thang bộ trong bệnh viện như bị kẹt lại vì phía bên tay vịn cầu thang có hai người đang đi từng bước thật chậm xuống và lên.
Một cụ ông từ trên lần xuống và một cụ bà từ dưới lần lên. Cả hai người đều không có ai hỗ trợ và đều một tay cầm sổ khám bệnh một tay vịn cầu thang. Mọi người dạt hết phía bên này, chưa ai có ý định tiến tới đỡ hai cụ tách “làn đường” ra để nhường cho một người xuống hoặc lên.
Thấy một thanh niên khoảng đôi mươi từ dưới bước lên, cụ ông gọi: “Cháu đỡ giúp bà tránh cho ông xuống”. Chàng thanh niên chưa phản ứng kịp thì một phụ nữ từ dưới lên nhanh chóng đỡ cụ bà tách rời tay vịn cầu thang để cụ ông có lối xuống.
Người mẹ của cậu thanh niên thấy hết và bà cảm nhận con trai mình phản ứng chậm quá! Bà hiểu, một phần do bị động, lúng túng chưa biết ứng phó xử lý việc khẩn cấp, một phần do không biết tình huống đó cần phải có sự trợ giúp mà nếu là người nhanh nhẹn họ sẽ biết phản ứng ngay.
- Xem thêm: Tế nhị
Suy rộng ra, ngay phép xử thế trên xe buýt là điều rất tế nhị và ai cũng phải biết, thế nhưng có nhiều thanh niên ngồi ì một chỗ mặc cho người già, phụ nữ mang thai phải đứng. Có khi anh phụ xe nói thanh niên đó đứng dậy nhường chỗ cho người già, có khi bận thu tiền, xé vé, thông báo cho khách xuống, anh quên luôn.
Và cũng ít có người trên xe nói giúp cho người già được ngồi. Họ mặc, coi như không phải chuyện mình, đôi khi dính vào còn mang họa. Lỡ thanh niên đó không đồng ý thì sao, hay gặp người hung hăng, hắn còn chửi mình ấy chứ.
Sự vô cảm còn nhiều nữa trong xã hội bởi đôi khi làm ơn thành mắc oán. Thấy người gặp tai nạn đến giúp đỡ có khi còn bị ăn đòn bởi người nhà họ tưởng mình là thủ phạm gây ra tai nạn.
Trong bộ phim Cuộc tấn công của cá mút đá kể về một loài cá chình sát thủ trong khu vực vùng hồ, một địa điểm du lịch ở Michigan (Mỹ). Sau khi đã tiêu diệt hết các loài cá trong quần thể sinh vật tại hồ này, hàng ngàn con cá chình sát thủ bị bỏ đói bắt đầu tấn công dân xung quanh khu vực hồ qua các cống rãnh, đường ống nước… Cộng đồng dân cư phải chống lại sự tấn công của chúng để tồn tại.
Có một chi tiết khi cậu bé bảy tuổi ra bờ hồ và chứng kiến một người chết do bị cá tấn công. Cậu không vội chạy đi mà tiến lại gần người bị nạn, cởi áo khoác ngoài của mình đắp lên người chết. Chỉ là một chi tiết rất nhỏ, nhưng khiến người xem suy nghĩ về một phản ứng rất nhanh, một hành động đầy tính nhân văn.
Tất nhiên, không phải cậu bé tự biết, tự suy nghĩ để làm được mà phải có sự dạy dỗ ở trường học hay từ cha mẹ cậu. Người xem còn suy nghĩ, liệu có mấy đứa trẻ con làm được như vậy, ở xứ mình? Hay là chúng sẽ hoảng sợ, ngất xỉu, hay là bỏ chạy đi?
Phản ứng nhanh chỉ có ở những người nhanh nhẹn chăng? Nhiều người cho rằng, ngay từ nhỏ con người đã bộc lộ phản ứng nhanh của mỗi người như: nói nhiều, nhanh tay, lẹ mắt… Mẹ đi chợ về dù đang làm gì, ở đâu con cũng nhanh chóng bước ra đỡ lấy cái giỏ.
Mẹ đi làm về, con nhanh nhảu dắt xe vào nhà. Ngay từ khi còn rất bé có đứa trẻ đã biết đứng trong nhà chào hỏi người qua đường. Chính những lời nói qua lại này khiến đứa trẻ càng tự tin hơn. Những đứa trẻ chậm chạp ít nói không làm được điều đó.
- Xem thêm: Thành công hay thất bại không ở hai chữ may rủi mà ở cách chúng ta phản ứng lại với cuộc sống
Một bạn trẻ tâm sự, bạn phản ứng cực kỳ chậm chạp, nhiều lúc đơ ra không biết nói gì, một cảm giác trì trệ thật khó hiểu, đầu óc không suy nghĩ được một câu trả lời thích hợp, dù đã chuẩn bị rất kỹ. Sau đó, mọi thứ qua rồi mới trách mình đã không phản ứng nhanh!
Các chuyên gia cho rằng, nếu bạn trẻ hay bất cứ ai suốt ngày chơi game, đọc truyện hay ngay cả vùi đầu vào học mà không chịu giao tiếp xung quanh sẽ dẫn đến tất cả các loại phản xạ (tư duy lẫn hành động) đều bị giảm đi, mức độ phụ thuộc vào thời gian sa vào các thói quen đó. Khi ít giao tiếp, đầu óc càng trì trệ, thụ động khiến càng mặc cảm.
Vậy thì, chỉ có một cách duy nhất là vượt qua và cố gắng luyện tập mà thôi. Phản ứng nhanh có thể là trời phú cho người đó, nhưng nếu biết rõ điểm yếu của mình thì yếu tố quyết định vẫn là tự mình lựa chọn.