Trong một cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án này hồi đầu tháng 7, các cơ quan chức năng cho biết số tiền trên có thể chỉ vào khoảng 5,6 tỉ USD. Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn còn băn khoăn về việc sẽ lấy đâu ra khoản tiền quá lớn này.
Trong một phát biểu có phần trấn an dư luận, các quan chức của ngành hàng không cho rằng với việc phân kỳ triệt để trong giai đoạn 1 và giảm thiểu quy mô nhà ga, chi phí xây dựng có thể rút xuống còn 4 tỉ USD.
Cho dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các chuyên gia tham dự hội thảo đều ủng hộ một sân bay tầm cỡ khu vực cho ViệtNamtrong thời kỳ hội nhập.
Sân bay quốc tế Long Thành nằm tại các xã Long Phước, Bàu Cạn, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu và Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai (cách TP. Hồ Chí Minh 40km theo hướng đông bắc, cách Vũng Tàu 70km theo hướng tây bắc, cạnh quốc lộ 51A gần thị trấn Long Thành), đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phê chuẩn. Theo quy hoạch tổng thể, sau khi hoàn thành, sân bay này có bốn đường cất hạ cánh đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất (dài 4.000m, rộng 60m) có thể phục vụ các loại máy bay khổng lồ như Airbus A380, có các nhà ga rộng lớn và hiện đại có công suất tổng cộng 100 triệu khách/năm. Nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm. Diện tích khu vực sân bay vào khoảng 26.000ha bao gồm 5.000ha sân bay và 21.000ha cho khu đô thị, các dịch vụ và dân cư xung quanh sân bay, dự kiến đây sẽ là cảng trung chuyển hàng không quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế đầu tiên của Việt Nam và là thủ phủ hàng không của cả nước cũng như của cả khu vực, sánh ngang tầm với các sân bay lớn trên thế giới. Theo tư vấn thiết kế của Công ty Hansen Partnership (Úc), khả năng phát triển của sân bay Long Thành là rất lớn và hầu như không có giới hạn, sân bay sẽ đóng góp 3 – 5% GDP cả nước.
Chủ đầu tư dự án này là Cụm cảng hàng không miềnNamđang cùng với các tư vấn nước ngoài tiến hành lập nghiên cứu tiền khả thi và đang quy hoạch lẫn thiết kế sân bay.
Theo dự kiến trước đây, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2011 đến 2014-2015 với việc xây dựng hai đường cất hạ cánh 4.000m x 60m, một nhà ga hành khách có công suất 20 triệu khách/năm, đài kiểm soát không lưu, các công trình phụ trợ.
Bắt đầu từ năm 2015, tùy theo tình hình thị trường, sẽ nâng cấp tương ứng giai đoạn 2 với các nhà ga công suất 40-60 triệu khách/năm trước năm 2020 và 100 triệu khách/năm sau 2020 và có tổng cộng bốn đường hạ cánh.
Gia Minh tổng hợp