Trong số nhiều bệnh lý có thể dẫn đến suy thận (bệnh mãn tính có tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%) như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu… thì sỏi thận là nguyên nhân hàng đầu.
Ở châu Á, đặc biệt là các nước nhiệt đới gần xích đạo như Việt Nam, tỷ lệ người bị sỏi thận rất cao, chiếm khoảng 50% tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa niệu.
Buổi trò chuyện với PGS-TS Vũ Lê Chuyên, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng về căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa đơn giản mà hiệu quả.
Thưa bác sĩ, nguyên nhân của sỏi thận có phải do chúng ta ăn các loại thức ăn chứa nhiều calci và uống ít nước không?
Đó chỉ là hai trong rất nhiều nguyên nhân gây bệnh sỏi thận. Các nguyên nhân gây bệnh có thể liệt kê như sau:
Nguyên nhân thứ nhất là do trong nước tiểu có quá nhiều calci và urat. Như chúng ta đã biết, nước tiểu có chức năng hòa tan các tạp chất và đưa ra bên ngoài cơ thể.
Khi nồng độ calci và urat quá lớn thì nước tiểu không thể hòa tan hết được, các chất này sẽ lắng đọng ở thận và đường tiểu gây sỏi. Bình thường, khi chúng ta tiêu thụ lượng thực phẩm chứa 100mg calci, cơ thể chỉ hấp thu khoảng 1mg chất này vào máu.
Ăn quá nhiều các thực phẩm như tôm, cua, ốc…, calci sẽ không hấp thu hết vào máu mà tích tụ gây sỏi thận. Sữa không trực tiếp cung cấp calci cho xương như chúng ta vẫn hiểu nhầm. Thành phần trong sữa chỉ giúp tăng khả năng hấp thu calci của cơ thể lên từ 20-40 lần.
Nếu uống quá nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa (bơ, phô mai…) cũng sẽ gây nguy cơ sỏi thận, đặc biệt là người lớn tuổi thường xuyên uống các loại sữa chứa nhiều calci với mong muốn phòng ngừa và chữa trị loãng xương.
Ngoài ra, một số bệnh cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận do tăng lượng calci trong nước tiểu đột biến như: loãng xương, chấn thương phải nằm bất động lâu ngày hoặc tăng urat do bệnh gout.
Nguyên nhân thứ hai là do tình trạng quá ít nước tiểu thường xuyên, không thể hòa tan các tạp chất trong nước tiểu. Nước tiểu bị cô đặc vì uống ít nước mỗi ngày hoặc do uống nhiều nước nhưng nước đã theo mồ hôi thoát ra ngoài khi vận động, làm việc nhiều.
Nguyên nhân thứ ba là do thay đổi môi trường nước tiểu (độ PH). Ở bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu, vi khuẩn tiết ra chất ureas làm cho môi trường nước tiểu bị kiềm hóa. Có những loại sạn hòa tan trong môi trường axid thì bị kết tủa trong môi trường kiềm và ngược lại gây ra sạn.
Nguyên nhân thứ tư là do hòn sỏi sót lại từ những lần chữa trị trước hoặc các dị vật từ nhiều vị trí trong cơ thể trôi xuống thận và đường tiểu như: chỉ không tan, vòng tránh thai, ống thông…
Nguyên nhân thứ năm là do những dị tật bẩm sinh như hẹp niệu đạo, tắt ống dẫn tiểu, bướu lành tuyến tiền liệt gây tình trạng ứ đọng tạp chất trong nước tiểu.
Có phải bệnh nhân bị sỏi thận sẽ gặp những cơn đau dữ dội?
Sỏi thận có rất nhiều triệu chứng, có người bệnh nặng nhưng chỉ đau thoáng qua, có người bệnh nhẹ nhưng có những triệu chứng rất rõ rệt. Các triệu chứng của sỏi thận gồm:
- Cơn đau: Bệnh nhân cảm thấy đau đớn khủng khiếp (còn gọi là cơn đau bão thận) khi hòn sỏi di chuyển dọc theo đường tiểu và cơ thể co bóp cố đẩy sỏi ra; đau nhiều do sỏi bị kẹt ở ống tiểu, nước tiểu không thoát ra được gây ứ đọng, căng lên; đau âm ỉ hoặc đau nhiều do mô thận bị nhiễm trùng…
- Tiểu ra máu khi làm việc nặng vì hòn sỏi di chuyển, cọ xát vào đường tiểu gây nhiễm trùng thận và ống tiểu. Trường hợp có máu sau khi tiểu xong có thể là sỏi bọng đái, bàng quang.
- Bế tắc đường tiểu.
Các triệu chứng trên có phần giống với nhiễm trùng đường tiểu, ung thư thận, viêm tuyến tiền liệt và bướu lành tuyến tiền liệt… Vậy chúng ta có cách nào để phân biệt không?
Đúng là các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Nhiều người còn nhầm với bệnh cột sống hoặc quan hệ tình dục quá nhiều khi thấy lưng đau. Thực tế bệnh nhân không thể phân biệt được mà bác sĩ cần phát hiện các triệu chứng thực thể qua thăm khám thấy các điểm đau đặc biệt ở lưng, sờ thấy bàng quang to hơn bình thường, sờ thấy hạt sạn kẹt trong đường tiểu…
Bên cạnh đó, bác sĩ cần phải tìm hiểu các triệu chứng cận lâm sàng bằng thiết bị y tế như: siêu âm phát hiện vị trí sỏi, điểm ứ nước, ứ mủ, nhiễm trùng; X-quang và CT giúp thấy chi tiết về vị trí, kích thước, cấu trúc và tác hại của sỏi; thử nước tiểu xem có bị nhiễm trùng hay không; kiểm tra chức năng thận, thử công thức máu để xác định tác hại của sỏi trên toàn bộ cơ thể.
Việc phát hiện và điều trị sỏi cần được thực hiện sớm và đúng cách vì sỏi thận có thể dẫn đến suy thận, ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn máu, điện nước và điện giải và có thể gây tử vong.
Chúng ta có thể tầm soát sỏi thận ở thời điểm nào trong cuộc đời và bằng cách nào, thưa bác sĩ?
Siêu âm là biện pháp tầm soát sỏi thận tốt nhất vì siêu âm phát hiện bệnh lý này rất nhanh chóng. Trẻ sáu tuổi nên được tiến hành siêu âm để tầm soát xem có dị tật bẩm sinh ở thận và ống dẫn tiểu hay không. Sau đó, nên kiểm tra trở lại năm trẻ 12 tuổi và 18 tuổi. Đến khi trưởng thành thì nên tầm soát sỏi thận mỗi năm một lần. Tuy nhiên, trên thực tế thì siêu âm chuẩn đoán sỏi cũng chỉ cho kết quả chính xác từ 50 – 60% mà thôi.
Hiện nay, bệnh nhân sỏi thận được điều trị bằng các phương pháp nào?
Sỏi thận được điều trị bằng rất nhiều phương pháp tùy theo nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị gồm:
- Điều trị nội khoa là phương pháp dùng thuốc làm tan sỏi, thuốc giúp giãn ống dẫn tiểu, thuốc kháng sinh kháng viêm, uống nhiều nước và năng vận động.
- Phương pháp không xâm lấn vào cơ thể bằng cách sử dụng máy tán sỏi ngoài cơ thể. Máy thường được áp vào lưng bên ngoài thận, sóng shock từ máy truyền vào trong thận để tán nhỏ hòn sỏi. Máy có khả năng tán sỏi to lẫn nhỏ, sỏi càng hỗn tạp, sần sùi, liên kết càng kém thì càng dễ vỡ. Một số sỏi có bề mặt trơn láng, thuần chất thì khó vỡ hơn.
- Phương pháp nội soi lấy sỏi: các thiết bị đặc biệt được đưa vào bọng đái và thận qua đường tiểu rồi dùng sóng siêu âm, tia laser, máy dùng thủy động lực để tán sỏi rồi đưa ra ngoài.
- Phương pháp nội soi xuyên da: đục một lỗ nhỏ trên lưng để đưa thiết bị vào thận để lấy sỏi ra.
- Phương pháp phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ nội soi, xuyên qua ba hoặc bốn lỗ trên lưng để lấy sỏi, điều chỉnh các khiếm khuyết của đường tiểu.
- Phương pháp mổ mở khi bệnh đặc biệt nghiêm trọng, sỏi quá to, nhiễm trùng, suy thận, hoặc cần mổ cắt bỏ, thay thận hoặc cần sửa các khiếm khuyết bẩm sinh (hẹp niệu đạo, tắt ống dẫn tiểu…).
Xin bác sĩ hướng dẫn các cách phòng ngừa bệnh sỏi thận
Cách phòng ngừa đơn giản nhất là uống nhiều nước mỗi ngày, đặc biệt là những người bị bệnh phải nằm một chỗ nhiều ngày.
Cần lưu ý là chỉ nên uống nước đóng chai hoặc uống nước máy đun sôi, không uống nhiều nước khoáng (thường được gọi là nước khoáng thiên nhiên). Nước giếng bơm chứa nhiều vôi và sạn, cần qua khâu lọc kỹ trước khi sử dụng.
Không ăn quá nhiều hải sản như tôm cua, nghêu, sò, ốc… trong mỗi bữa ăn và không nên ăn liên tục mỗi ngày.
Năng vận động để giúp thông tiểu và phòng ngừa sỏi tích tụ. Các bệnh bẩm sinh về đường tiểu và bệnh nhiễm trùng đường tiểu cần điều trị sớm và dứt điểm để không ảnh hưởng đến thận.
Với người lớn tuổi, bị loãng xương, không nên chỉ uống nhiều sữa mà quan trọng nhất là nên sử dụng thêm những thuốc để tăng khả năng hấp thụ calci và ngăn ngừa tích tụ sỏi ở thận và đường tiểu.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.