Vào ngày 7-10 tới đây, nhà Sotheby’s sẽ tổ chức phiên đấu giá mùa thu các tác phẩm hội họa Đông Nam Á với khoảng trên 150 bức tranh từ nhiều nước trong khu vực, trong đó có khá nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng.
Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hongkong nằm trong khu thương mại sầm uất Wanchai mà theo nhà Sotheby’s thì một loạt tác phẩm xuất sắc sẽ được giới thiệu với thị trường dịp này, nhiều bức chưa từng được biết đến, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng nghệ thuật cao và là “hàng hiếm” đến từ nhiều bộ sưu tập cá nhân có uy tín trên khắp thế giới.
Những cây đinh tại cuộc đấu giá
Ông Mok Kim Chuan, phụ trách mảng hội họa Đông Nam Á của Sotheby’s cho biết: “Ở hàng đầu của cuộc đấu giá này là bức Lộc và Thọ của Lee Man Fong, một tuyệt tác trong toàn bộ sự nghiệp của ông và là một tác phẩm thể hiện sự cân bằng giữa phương Đông và phương Tây. Không có một bức tranh nào từng được biết đến trước đây của Lee Man Fong có thể so sánh với tác phẩm này về kích thước, sự quý hiếm, ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như tính sáng tạo và kỹ thuật tuyệt hảo… Trong số những tác phẩm đáng kể khác của các họa sĩ quan trọng ở khu vực Đông Nam Á còn có: từ các bức tranh thời kỳ đầu của Lê Phổ, các bức sơn mài hiếm hoi của Phạm Hậu, tranh sáng tác nhiều thời kỳ của Fernando Amorsolo (Philippines) cho tới loạt tranh hiếm thấy của nhóm năm họa sĩ tiền phong thuộc họa phái Nanyang đến từ Singapore. Tập hợp được các tác phẩm có chất lượng này vào một mùa đấu giá quả là một cơ hội cực hiếm, và chắc chắn là cuộc đấu giá sẽ thu hút được sự tham dự của các nhà sưu tập kỳ cựu cũng như các nhà sưu tập mới vào nghề”.
Vào tháng 4-2010, cũng tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hongkong, một bức tranh của Lee Man Fong (1913-1988) có tên Cuộc sống ở Bali đã lập kỷ lục về giá tranh Đông Nam Á khi được bán với giá 3,2 triệu USD. Còn bức Lộc và Thọ sắp đấu giá được ông vẽ năm 1951, vào thời kỳ sáng tác dồi dào nhất của danh họa Indonesia gốc Hoa này, có kích thước 86 x 260cm – một trong vài tác phẩm có kích thước lớn nhất của ông và từ hơn 60 năm qua thuộc về một bộ sưu tập tư nhân. Theo ước tính của nhà Sotheby’s, tác phẩm này có thể đạt được mức giá khoảng 1,54 triệu USD. Cũng được coi là ngôi sao của kỳ đấu giá này và cũng đến từ Indonesia là hai tác phẩm của Affandi (1907-1990), người được coi là cha đẻ của hội họa Indonesia hiện đại: bức Tự họa, ăn dưa hấu vẽ năm 1976 và bức Khu Ginza vẽ năm 1970. Cả hai theo dự kiến sẽ đạt được mức giá khoảng 200.000-300.000 USD hoặc cao hơn.
Tranh của các họa sĩ châu Âu đến sống, sáng tác tại Indonesia vào các thập niên đầu thế kỷ XX như Walter Spies (Hà Lan, 1895-1942), Romualdo F. Locatelli (Ý, 1905-1943) cũng được đưa ra đấu giá dịp này và nhà đấu giá hy vọng sẽ bán được với giá có thể lên đến 880.000 USD mỗi bức.
Như vậy, các tác phẩm được coi là sẽ đạt được giá cao nhất tại phiên đấu giá ngày 7-10 ở Hongkong đều có xuất xứ từ Indonesia, đất nước từ vài năm gần đây đã trở thành cường quốc số 1 ở Đông Nam Á về mặt mỹ thuật. Ngay cả tranh của các họa sĩ đương đại Indonesia như Handiwirman Saputra’s (sinh năm 1975), Ay Tjoe Christine (sinh năm 1973) cũng được đợi chờ sẽ đạt giá cao.
Tranh của các tác giả Việt Nam
Dẫn đầu các tác giả Việt Nam tại cuộc đấu giá này vẫn là họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), điển hình là bức Mẹ và con được ông vẽ vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 mà theo nhận định của nhà Sotheby’s thì đó là một bức tranh lụa với kỹ thuật hoàn hảo của một bậc thầy, một sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật phương Tây và tâm hồn Việt Nam, qua đó cho thấy hội họa của Lê Phổ là một tiến trình không ngưng nghỉ của thời gian và sự sáng tạo cùng với lòng khao khát tình người nơi ông.
Chủ đề tình mẫu tử – một cách Đông phương hóa hình ảnh Đức Mẹ Maria và Chúa Jesus – được lặp đi lặp lại trong tranh ông, nhưng mỗi tác phẩm lại mang một tinh thần khác, tất cả đều hướng người xem đến với sự nhất quán mà đa dạng và tế vi của hội họa Lê Phổ. Tác phẩm Mẹ và con này theo dự kiến có thể được bán với giá trên 150.000 USD. Cách đây ba năm, cũng vào phiên đấu giá mùa thu tại nhà Sotheby’s ở Hongkong, bức tranh sơn mài Phong cảnh Bắc kỳ của Lê Phổ đã lập kỷ lục về giá tranh Việt Nam khi được bán với giá trên 264.000 USD, vượt xa giá dự kiến ban đầu. Ngoài ra, tranh Lê Phổ đấu giá dịp này còn có Mùa hè, Thiếu nữ với hoa đào, Thiếu phụ bên hoa tuy-lip, Gia đình nhỏ, Giữa vườn hoa, Hoa quỳ vàng, Người đẹp giữa hoa mẫu đơn…
Họa sĩ cũng có nhiều tranh dự đấu giá là Vũ Cao Đàm; bức được trông đợi sẽ bán với giá cao nhất của ông là Thiếu phụ áo xanh (tranh lụa vẽ năm 1944): khoảng gần 80.000 USD, bên cạnh đó là các bức sơn dầu Tình mẫu tử, Chân dung thiếu nữ, Nhạc công… Ngoài ra còn có tranh sơn mài Cảnh chùa Tây Phương của Phạm Hậu (1903-1995, họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương), tranh sơn mài Phong cảnh Hà Tây của Nguyễn Gia Trí, Chị em của Lê Thị Lựu…, và một số tranh sơn dầu vẽ cảnh và người Việt Nam thời Pháp thuộc của các họa sĩ người Pháp đã đến sống và sáng tác tại nước ta như Henri Mège (1904-1984), Gaston Roullet (1847-1925), Evariste Jonchère (1892-1956)… Tuy nhiên, mặt bằng giá tranh của họ cũng như giá tranh của các tác giả người Việt đều khá thấp so với tranh đến từ Indonesia. Đó là một thực tế đáng buồn!
- Lê Bản