Người ta phải đi chơi. Ngày lễ tết không đi chơi thì chắc chắn là… nghèo quá hoặc già rồi.
Không phải lời quảng cáo đâu nhé, toàn là lời thật thà cả: Đến Thái Lan mãi mà không chán. Đi Đà Lạt bao nhiêu lần vẫn muốn đi… Nghĩa là, hỏi sao đi lắm vậy, là câu hỏi… ngớ ngẩn.
Trên phố đi lại, nhìn hình ảnh trên báo, tivi, không thể kìm được kêu lên “kinh sợ”: Người đâu mà lắm vậy, đi đâu vậy không biết?
Nhiều khi chỉ muốn có ai làm một cái điều tra, hỏi trên phố: “Ông, bà cho biết đang… đi đâu vậy?”. Nghe ngớ ngẩn thật, nhưng mà rõ ràng không thể hiểu nổi dòng người ùn ùn kẹt cả phố xá đi đâu mà giờ nào cũng đông.
- Xem thêm: Đi nước ngoài… như đi chợ
Mùa xuân, nghỉ tết, lễ, không chỉ ở Việt Nam, mà bên Trung Quốc cũng có những cuộc “hành hương vĩ đại cả chục triệu người” về nhà ăn tết, xong rồi lại từ nhà lên thành phố.
Hỏi câu đó cũng giống như hỏi các cô siêu sao, người đẹp người mẫu, đầy quần áo chật tủ mà sao mùa nào cũng thấy mua sắm. Mà không chỉ các cô ấy đâu, nhiều phụ nữ khác cũng vậy. Các mẹ các chị, các bà các cô, năm nào lại chẳng đi “thiên đường mua sắm” Thái Lan, Hàn Quốc, Hongkong, châu Âu?
Hỏi sao đầy quần jeans rồi, lại cứ “điên lên” vì Skinny rách gối, Boyfriend jeans xắn gấu hay Mom jeans dáng rộng cạp cao màu xanh nhạt?
Tại sao Việt Nam đầy xôi ngon, lại cứ đi Bangkok để ghé chợ bình dân Chatuchak, phố đêm Kheosan, thích ăn xôi xoài?…
Lên Đà Lạt người bảo Thành phố Tình yêu, sương mù, hoa và thông reo, người lại nói có cái mới thú vị homestay siêu chất, sống giữa thiên nhiên, ít tiền cũng không sợ. Có cả giường hơn trăm ngàn đồng. Không thì lều cũng có luôn.
Kẻ ham phượt thì nói, có ba con đường đẹp miền Trung: Sài Gòn – Vũng Tàu – Phan Thiết. Rồi Phan Thiết – Phan Rang – Nha Trang. Hay là Nha Trang – Tuy Hòa – Quy Nhơn.
Tức là, mỗi người thấy cái mới theo cách của mình. Làm sao mà cũ nổi.
Vậy có ai “Không thích đi đâu” không? Có chứ. Người già, bệnh. Kẻ sợ đi. “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt – Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” (thơ ai, quên rồi?).
Một anh bạn, người tân tiến hẳn hoi, còn trẻ chứ chưa già, sang thăm con du học Mỹ về, lắc đầu: “Giờ có ai… cho cũng không đi nữa”.
Hỏi sao vậy, trả lời: “Đi với con, chờ con vào siêu thị, mình đứng ghé cái wifi của nhà hàng. Đến giờ họ đóng cửa rồi mà con còn say đắm mua sắm chưa ra. Đường đi không biết, đành đứng đó mới có chỗ hút thuốc. Tay ôm cái túi. Ông cảnh sát da đen to béo cứ đứng chiếu tướng cho đến tận lúc con ra”.
Chắc bộ dạng anh trông… nghi quá, nghề của họ thì họ canh anh chứ sao.
Mỗi người một câu chuyện đời. Lý do “đi đâu mà lắm vậy” là đó chứ đâu.
- Xem thêm: Nguyên nhân của tết nhạt
Chỉ có một điều buồn. Đó là sau mỗi trận “hành hương” lễ lạt là lại có cả trăm người ra đi không về. Đó là ai, là người hôm trước còn mua mua sắm sắm, còn vui vẻ chụp hình bên hoa, còn tụ tập bên mâm cơm gia đình, bè bạn, người thân, còn đi chơi danh lam thắng cảnh. Chẳng ai ngờ mình sẽ gặp không may.
Lỗi tại ai? Tại tay lái xe vui xỉn tiệc xuân tay run cầm lái, tại con đường khúc khuỷu gập ghềnh, tại ta vui quá chạy bạt mạng, tại cái xe kia húc liên hoàn… Chẳng ai biết trước được. Nếu mà khắc phục được điều này thì xuân sẽ vui lắm. Mới trọn vẹn là xuân.
Nhưng mùa xuân vẫn cứ đến, bất chấp, con người cứ vui sống và lạc quan nhìn về phía trước. Như lá rụng rồi sẽ đâm chồi, như đông giá qua rồi lại nắng ấm.
Có lẽ đó là trả lời cho câu hỏi ngớ ngẩn “Đi đâu mà lắm vậy?”.