Ngay đầu thị trấn Chúc Sơn có một con đường nhỏ dẫn vào núi Trầm. Từ đây, bức tranh nước non hữu tình đã hiện ra với dải núi xanh biếc uốn lượn theo sông. Tương truyền ngày xưa ở trên ngọn núi cao nhất có một cây trầm rất lớn, thân cây nhiều người ôm không xuể, tỏa hương thơm khắp vùng.
Sau này, dù cây không còn nữa nhưng người ta vẫn gọi là núi Trầm hay núi Tử Trầm. Toàn bộ khu núi Trầm này xưa kia cũng là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung và đã cho xây nhiều công trình mà nay vẫn còn dấu tích. Trong đó có ba kiến trúc còn khá nguyên vẹn là chùa Vô Vi, chùa Trầm và chùa Hang.
Theo con đường nhỏ quanh co giữa hàng cây có tán lá vi vu trong gió, nơi du khách thường ghé thăm đầu tiên là chùa Vô Vi. Ngôi chùa nhỏ mang vẻ đẹp cổ kính, cùng với khoảng sân rộng được những cây đại thụ vây quanh chào đón khách thập phương bằng không gian tĩnh lặng chỉ văng vẳng tiếng chim.
- Xem thêm: Thăm miền sông núi Tiêu Tương
Điểm đến thứ hai – chùa Trầm trước đây vốn là chùa Hang được xây dựng năm 1536 trong động Long Tiên dưới chân núi. Kiến trúc này khá đặc sắc với những pho tượng đá, trống đá, khánh đá, văn bia khắc trên vách động… Đến cuối thế kỷ XIX, tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đã đưa một phần chùa Hang lên sườn núi xây dựng lại thành chùa Trầm.
Trải qua nhiều thay đổi, song dấu tích chùa Hang xưa vẫn còn nhiều trong động Long Tiên. Ở gian rộng nhất của động là bàn thờ Phật và nhiều bức tượng Tiên, Phật, Hộ Pháp rất sinh động. Từ chùa đi vào các ngách động sâu và hẹp hơn, du khách sẽ được ngắm nhìn nhiều nhũ đá hình thù ngộ nghĩnh và những mạch nước ngầm của thiên nhiên.
Từ đây còn có một ngách động mà nhiều bạn trẻ hay gọi là “thung lũng tình yêu” bởi ngách hẹp, dài, ngoằn nghèo, trắc trở như những thử thách chờ các đôi lứa vượt qua. Rời động Long Tiên, du khách có thể thử sức đôi chân bằng cách men theo các mỏm đá tự nhiên để trèo lên đỉnh núi Trầm. Khi lên đến nơi, được nhìn ngắm toàn cảnh bức tranh đồng quê vùng ven sông Đáy trù phú xanh tươi, ắt hẳn ai nấy sẽ cảm thấy thật sảng khoái.
Đến hẹn lại lên, cứ mùng Hai tháng Hai Âm lịch hằng năm, dân quanh vùng và khách hành hương lại về chùa dự lễ hội. Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hóa dân tộc với những trò chơi dân gian như đu tre, rối nước, bàn cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà… Ngày nay, những trò chơi xưa như leo cột mỡ, cờ tướng được thay thế bởi bóng chuyền, bóng đá… song nét đẹp hội chùa Trầm vẫn không vì thế mà phai nhạt.
Sau lễ, dù không xa phố xá nhưng những ngôi chùa trên núi này vẫn còn giữ được vẻ êm đềm tĩnh lặng, như một cõi thiền bên cạnh đời sống lao xao.