Đi đâu mà vội
Diễn biến thị trường trong những phiên giao dịch vừa qua thể hiện sự do dự của giới đầu tư. Do dự là đúng bởi các thông tin kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đều đang cho thấy sự đa chiều, bao gồm cả việc tình hình có thể tốt lên nhưng không phải không có rủi ro chế ngự. Sự lạc quan, kỳ vọng bắt nguồn từ việc giảm bớt thắt chặt tiền tệ, những chính sách tài khóa mang tính cởi gỡ cho doanh nghiệp, lãi suất đã và đang tiếp tục hạ, cung thêm tiền vào lưu thông, vốn đầu tư công thay vì đình hoãn là đẩy nhanh tốc độ giải ngân, miễn giảm thuế… Sự bi quan, nghi ngại đến từ “mặt trái” khi có những phân tích cho rằng các chính sách hỗ trợ đã quá chậm trễ, không đủ lượng và khó tiếp cận khi nhiều doanh nghiệp đã ngập trong nợ nần, không còn đủ khả năng để tiếp cận “cửa thoát hiểm”. Thật mệt mỏi khi tham gia thị trường vào lúc này. Các chỉ số chính chưa tăng xong đã vội giảm, giảm chưa “đã” lại vội vàng tăng. Nhà đầu tư loay hoay tưởng chừng không cần lo ngại quá mức nhưng khi ngó lại tài khoản đã thấy lỗ kha khá.
Xu hướng sụt giảm mạnh của thị trường tài chính và thị trường hàng hóa toàn cầu cũng đang cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa. Việc giá dầu thô đánh mất ngưỡng hỗ trợ 80 USD/thùng có thể được xem là một tín hiệu cảnh báo cho triển vọng u ám của nền kinh tế thế giới. Giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng đang phản ánh tâm lý lo ngại. Kinh tế trong nước không còn đối mặt với rủi ro lạm phát mà lại rơi vào tình trạng tổng cầu co hẹp và giảm phát. Cầu từ thị trường xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng nhất định do tình trạng trì trệ ở Mỹ, châu Âu và các nước mới nổi. Diễn biến này sẽ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung sản xuất kinh doanh tại những công ty niêm yết vẫn trong tình trạng khó khăn, đình đốn. Và tháng 7 “đến hẹn lại lên”, kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm của doanh nghiệp sẽ dần hé lộ và diễn biến ra sao, tác động thế nào – các nhà đầu tư không thể võ đoán cũng như chưa thể vội vã “tham chiến”.
Ngành nào có hy vọng?
Đứng trước mùa báo cáo, hẳn nhiều nhà đầu tư mong muốn sớm có được thông tin về ngành, doanh nghiệp có những đột biến trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mùa báo cáo này sẽ khó có đột biến bởi sự khó khăn chung của cả nền kinh tế đang tạo ra áp lực không có loại trừ. Với các đại gia ngân hàng, dù rằng những con số lời lãi được công bố vẫn khá rầm rộ nhưng nhà đầu tư không vì thế mà tin tưởng hoàn toàn bởi bóng ma nợ xấu còn rình rập. Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và công khai nợ xấu trong thời gian tới có thể sẽ cho thấy những vấn đề mà bấy lâu các ngân hàng vẫn cố tình che giấu. Ngành chứng khoán cũng chưa thể có được “bữa tiệc vui vẻ” bởi với diễn biến giao dịch như những tháng qua thì tự doanh không hiệu quả, phí môi giới đủ để bù đắp chi phí thường xuyên là may (!).
Trong bối cảnh khó khăn này, được đặt nhiều kỳ vọng là các công ty thuộc nhóm ngành thực phẩm bởi dù khó khăn, thắt chặt hầu bao đến đâu thì người ta vẫn phải chi cho thực phẩm. Hơn nữa, khi kinh tế khó khăn thì việc lựa chọn các sản phẩm nội được ưu tiên hơn. Bên cạnh đó, có những ngành không chịu chi phối nhiều của tình hình kinh tế chung như dược phẩm, dịch vụ và khai thác dầu khí, những doanh nghiệp không nợ ngân hàng… Nhắc đến nợ ngân hàng không thể không nhắc đến một ngành đang “rất nhạy cảm” đó là bất động sản. Những chính sách hỗ trợ cho bất động sản đã phát đi tín hiệu tốt nhưng hồi âm trở lại của thị trường chưa rõ nét. Nhiều nhận định cho rằng, còn lâu mới đến lúc doanh nghiệp bất động sản bỏ lại sau lưng những bĩ cực. Những chính sách hỗ trợ mới đây chỉ có lợi với những doanh nghiệp còn khỏe, ngược lại, tiếp tục đẩy những doanh nghiệp đang khó khăn vào thế khó khăn hơn trong cạnh tranh.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 25-6, VIC bất ngờ tăng kịch trần vào cuối phiên nhưng trụ cột này đã không đỡ nổi thị trường khi BVH, HAG, SSI… giảm khá mạnh. Chung cuộc, VN-Index giảm tới hơn ba điểm, xuống còn 424,12 điểm. Trên HoSE giao dịch thỏa thuận tăng vọt với việc OGC có 12 triệu đơn vị chuyển nhượng, nâng giao dịch toàn sàn lên trên 62,7 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 1.031 tỉ đồng. Diễn biến của VN-Index khá nhạy cảm khi ngay từ đầu tuần chỉ số này đã rơi vào vùng
415-430 điểm, một vùng chống đỡ quan trọng.
Song Hà