Cổ nhân đã dạy “đừng đùa với lửa” bởi có những người sẽ chịu đựng vì “một sự nhịn là chín sự lành”. Nhưng, đôi khi vì công lý, vì tình yêu, vì tổ quốc, vì thể diện…, nó có thể đưa đến một hành động cực kỳ đáng sợ hoặc đáng khâm phục.
Nó đủ để khiến cho một phụ nữ hiền lành trở thành dũng tướng lái xe tăng ra chiến trường giết địch, một nhà vua “nộ khí xung thiên”, san bằng cả đế đô giàu mạnh, đông quân hơn gấp 5 lần…
1. Sắm xe tăng trả thù cho chồng
Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, Mariya Oktyabrskaya (Nga), vợ của một sĩ quan quân đội Liên Xô được sơ tán đến Siberia, còn chồng của cô thì vẫn ở lại Nga để chiến đấu. Tiếc là anh lại sớm hy sinh. Tuy nhiên, vì đường sá xa xôi và thông tin liên lạc thời chiến hay bị đứt quãng, nên phải mất tới hai năm sau, tin báo tử mới đến chỗ Mariya.
Quá đau lòng và căm hận phát xít Đức, Mariya liền bán hết tài sản, đem tiền mua một chiếc xe tăng T-34 (hạng xe tăng tầm trung được sản xuất trong thập niên 1940-1950, chủ yếu sử dụng trong chiến tranh Xô-Đức). Cô hứa sẽ tặng nó cho quân đội Liên Xô nếu họ chấp nhận huấn luyện và để chính tay cô lái chiếc T-34 ấy ra chiến trường.
Quân đội Liên Xô đồng ý. Sau khi trải qua vài tháng huấn luyện, Mariya gia nhập Sư đoàn Xe tăng 26. Ai nấy cũng tưởng cô chỉ làm màu thế thôi, đâu dè Mariya chiến đấu thật. Ngày 21-10-1943, trong lần ra trận đầu tiên, cô diệt sạch các ụ súng máy và họng súng pháo trong tầm nhìn. Khi T-34 bất ngờ bị trúng đạn, cô còn lập tức nhảy ngay ra ngoài, tự tay sửa chữa giữa làn đạn địch. Ngày 17, 18-11, trong lúc Mariya hỗ trợ lực lượng Liên Xô chiếm thị trấn Novoye Selo, T-34 lại bị trúng đạn.
Vì phải tốn thời gian “cứu” xe tăng, “chị góa” anh dũng và các chiến sĩ lái xe cùng đội bị bỏ lại đằng sau. Không hề hốt hoảng, Mariya bình tĩnh chỉ huy, bắt kịp đoàn quân. Ngày 17-1-1944, trong trận chiến cuối cùng của cuộc đời, cô vẫn thẳng tay bắn giết địch, loại bỏ nhiều ụ súng máy và chiến hào cho đến khi bị một miểng đạn trái phá văng trúng vào đầu.
Ngày 15-3-1944, sau hai tháng hôn mê, Mariya qua đời. Cô được phong là “anh hùng Liên Xô”, danh hiệu cao quý nhất đối với một chiến sĩ Xô Viết.
2. Biến tư dinh của đối thủ thành nghĩa địa
Trong Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), xác binh lính phe Liên minh thường được đưa tới Nghĩa trang Quân đội ở Washington hoặc Nghĩa trang Alexandria ở Virginia để chôn cất. Tuy nhiên, kể từ năm 1864, hai nghĩa trang này đã trở nên quá tải. Người ta cần một nghĩa trang mới để an táng những chiến sĩ đã hy sinh vì lý tưởng thống nhất Hoa Kỳ. Tướng Montgomery C. Meigs được giao phó trọng trách này.
Vốn là người khao khát một nước Mỹ toàn vẹn nên Meigs cực kỳ căm ghét tướng Robert E. Lee, kẻ mang tư tưởng ly khai đối địch. Thật tình cờ, Meigs phát hiện tư dinh đang bỏ không của Lee ngay tại Columbia, nơi mà ông được lệnh quy hoạch một nghĩa trang chiến tranh mới. Lập tức, Meigs lên kế hoạch biến mảnh đất của Lee thành nghĩa địa.
Ban đầu, ông chỉ đưa một số thi thể binh sĩ vào chôn ở vườn hoa của nhà Lee mà thôi. Nhưng có vẻ như chỉ với vài xác chết là chưa đủ để “giết” ngôi nhà. Thế nên Meigs bèn hạ lệnh đưa hết xác binh sĩ hy sinh trên chiến trường về đây. Cuối cùng, ông lấp kín khu đất của Lee bằng cả 400.000 bia mộ.
Ngày nay, Columbia đã không còn dấu vết nào của tư dinh nhà Lee. Thay vào đó là Nghĩa trang Quốc gia Arlington đầy thành kính, ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất Hoa Kỳ.
3. Thâu tóm cả công ty để trả đũa
Chúng ta không lạ gì cái tên Warren Buffett, người đàn ông liên tục được xếp hạng giàu nhất nhì thế giới. Nhưng trước khi trở thành tỉ phú, Buffett cũng từng là một anh chàng cả tin. Vào năm 1962, khi mới 32 tuổi, thanh niên Buffett cũng tập tành đầu tư cổ phiếu. Anh quyết định mua một số cổ phiếu trị giá 11 đôla/cổ phiếu của Tập đoàn dệt may Berkshire Hathaway. Nguyên do là bởi chủ tịch của tập đoàn này lúc bấy giờ, Seabury Stanton hứa sẽ mua lại với giá 11,5 USD/cổ phiếu. Nào ngờ lúc lập hợp đồng, lời hứa đã… gió bay, tụt xuống chỉ còn có 11,375 USD/cổ phiếu.
Biết mình bị lừa, Buffett điên máu mua hẳn cả một đống cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Với số cổ phiếu lớn trong tay, anh đá bay Stanton ra khỏi vị trí chủ tịch và nghiễm nhiên thế chỗ. Sau này, Buffett hay ca cẩm hành động tư thù ấy là “sai lầm của tuổi trẻ”. Nhưng Berkshire Hathaway của ông lại vẫn là tập đoàn đa quốc gia lớn thứ 5 trên thế giới. Nếu đó là “sai lầm” thì cũng thật đáng để sai.
4. Không cho nuôi chó thì nuôi hẳn gấu
Đương thời, Lord Byron (nhà thơ lãng mạn người Anh) nổi tiếng là yêu thích thú cưng. Ông nuôi đủ các loại động vật, từ con lửng đến cáo, công, khỉ, diệc… Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là yêu thích chó. Những năm còn là sinh viên của Trường Đại học Cambridge, ông có nuôi một con chó Newfoundland, đặt tên là Boatswain. Byron hết lòng yêu thương và chiều chuộng Boatswain, lúc nào cũng kè kè bên nó như một cặp, nửa bước cũng không nỡ rời. Vậy mà đột ngột, nhà trường lại ban lệnh cấm nuôi và thả chó trong khuôn viên.
Byron bị bắt buộc phải rời xa chú chó thân thiết. Uất ức không chịu nổi, chàng thanh niên Byron đi tậu hẳn một con gấu về, điềm nhiên dắt gấu đi dạo trong sân trường.
Quy định của Cambridge chỉ cấm nuôi chó chứ không có khoản nào cấm nuôi gấu nên các thầy cô cũng đành bó tay. Byron còn bỡn cợt rằng sẽ đăng ký nhập học cho “bằng hữu mới”, kiếm cho “bạn” một chỗ ngồi trong lớp học luôn. Tất nhiên là thi sĩ tương lai không thể hiện thực hóa điều ấy. Chỉ có điều, anh chàng ương bướng ấy vẫn cứ mỗi ngày đều đặn dắt gấu đi dạo trong trường.
5. Tước 180 triệu USD rửa hận cho cây ghita
Tháng 3-2008, trong khi đang đứng ở sân bay O’Hare của Chicago, nhạc sĩ David Carroll (Mỹ) nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một hành khách “Ôi Chúa ơi, họ đang ném cây ghita đi kìa”. Thật đáng hận, đó lại chính là cây ghita yêu quý trị giá những 3.500 đôla (khoảng 81,5 triệu đồng) của Carroll! Ông lập tức xông tới hỏi nguyên do. Nhân viên sân bay người nọ đổ lỗi người kia, cuối cùng khẳng định đó là lỗi của Carroll, vì ông đã ký giấy… từ bỏ hành lý.
Mặc kệ Carroll đang tràn đầy oan ức và phẫn nộ, không biết “giấy từ bỏ hành lý” là… cái của nợ gì, United Airlines, hãng hàng không phụ trách vụ việc vẫn không xin lỗi hay đền bù thiệt hại cho ông. Điên tiết, Carroll dồn hết sự tức giận và thất vọng của mình vào loạt video âm nhạc mang tên United Breaks Guitars. Khi loạt video này được lan truyền, nó tích được gần 20 triệu lượt xem, khiến cổ phiếu của United Airlines giảm hẳn 10%, tổn thất những 180 triệu đôla (4.190 tỉ đồng). Lẽ ra hãng hàng không này nên đền cây ghita cho Carroll chứ không phải cứ phớt lờ ông đi.
6. Xóa sổ cả một đế chế
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) vốn nổi tiếng là một ông vua hung bạo. Vậy mà những năm 1200, khi ông gửi sứ giả đến Ba Tư, đề nghị đế chế Kwarezmia đương thời hợp tác giao thương, quốc vương Ba Tư lại bắt giết sứ giả. Ban đầu, Thành Cát Tư Hãn cứ ngỡ bên mình có gì thất thố. Ông bèn gửi đoàn sứ giả thứ 2 tới, hy vọng bên Kwarezmia xem xét lại đề nghị. Nào ngờ lần này, Kwarezmia còn cạo đầu sứ giả làm trò cười và cắt cổ thông dịch viên. Hay chuyện, Thành Cát Tư Hãn nổi giận lôi đình, lệnh cho 200.000 quân lính tiến ngay vào Trung Á.
Vốn chỉ toàn là lính thời bình, an nhàn ăn no ngủ kỹ nên dù đông hơn binh tướng của Thành Cát Tư Hãn gấp 5 lần, Kwarezmia vẫn nhanh chóng bị san bằng. Kẻ đứng đầu thành Kwarezmia bị đổ vàng nóng chảy vào cổ họng, còn dân chúng thì bị thảm sát. Hàng trăm ngàn người vô tội bị dẫn về Mông Cổ làm nô lệ. Chưa nguôi giận, Thành Cát Tư Hãn còn hạ lệnh cho binh sĩ đắp đập chặn ngang sông Oxus, ép dòng nước khổng lồ chảy ngược vào thành Kwarezmia, quét sạch mọi dấu vết của thành quách dám “gây thù chuốc oán”.