Lâu nay, dư luận bàn tán về một kiểu lừa không mới nhưng nhiều người vẫn mắc phải, bán hàng đa cấp. Thực ra, kiểu lừa này từng xuất hiện trên thế giới cách đây gần thế kỷ, có tên Đề án kim tự tháp (Pyramid Scheme).
Pyramid Scheme là gì?
Đề án kim tự tháp là kiểu đầu tư bất hợp pháp hay “lách luật”, trong đó nhà đầu tư được hứa lợi nhuận cao, tuy nhiên mức lợi nhuận này là không thể có được. Đây là những trò gian lận, trong đó tiền từ các nhà đầu tư sau được sử dụng để trả cho nhà đầu tư trước.
Đề án kim tự tháp, gọi tắt PS là một kiểu kinh doanh đa cấp, tiếp thị đa cấp (Multi-Level Marketing) hoặc kinh doanh theo mạng lưới (Network Marketing), chiến lược tiếp thị để bán sản phẩm hoặc dịch vụ đang tranh cãi, được dư luận quan tâm.
Doanh thu đa cấp có nguồn gốc từ lao động không phải trả lương nên được gọi mĩ miều là ‘nhà phân phối’ hay ‘chủ doanh nghiệp độc lập’… với nhiều đẳng cấp khác nhau. Thu nhập của người tham gia bắt nguồn từ một hệ thống hoa hồng hình kim tự tháp, vậy nên mới có tên Đề án kim tự tháp.
Mặc dù mỗi công ty kinh doanh đa cấp đều có “phương án trả hoa hồng cụ thể thay cho thanh toán thu nhập”. Thường thông qua hai dòng tiền hoa hồng: một, được thanh toán từ hoa hồng bán hàng của người phân phối bán trực tiếp cho khách bán lẻ. Hai, được thanh toán từ các khoản hoa hồng dựa trên doanh số bán ra của các nhà phân phối khác mà người đầu tuyển dụng được, hay còn gọi là các nhà phân phối “thứ cấp” theo cấu trúc kim tự tháp.
Tuy nhiên, theo thống kê, nguồn doanh thu này cũng là nguồn thu nhập thấp nhất và chủ yếu là của nhân viên bán hàng. Tuy nhiên đối với đại đa số người tham gia, cả hai nguồn doanh thu này đều không có lợi nhuận sau khi đã trừ đi các chi phí hoạt động. Nghiên cứu của các cơ quan giám sát người tiêu dùng độc lập đã chỉ ra rằng, cứ 1.000 người thì có từ 990 đến 999 người (tương đương 99,0% đến 99,9%) bị mất tiền khi tham gia vào kinh doanh đa cấp.
Cho dù kinh doanh đa cấp hay theo Đề án kim tự tháp, thì về bản chất hầu hết lợi nhuận của những người đến sau bị thua thiệt, không thu được gì bởi số lượng các nhà đầu tư mới không đủ để trả cho những nhà đầu tư hiện tại. Trò gian lận kiểu này giống như Mô hình Ponzi, tức vay tiền của người này để trả nợ người kia.
Bởi vậy trước sau rồi cũng sụp đổ vì chúng đòi hỏi tốc độ tăng trưởng số lượng người tham gia tại mỗi công đoạn mà bản chất kinh doanh thuần túy là điều không thể đạt được. Đối với người tham gia Đề án kim tự tháp, trước tiên là bán giấc mơ, sau mới đến bán sản phẩm và dịch vụ.
Đề án kim tự tháp trú trọng đến tạo ra sự tự tin giả tạo cho những người tham gia rằng họ sẽ có khả năng tài chính độc lập thông qua việc tham gia kinh doanh đa cấp nên gọi là bán giấc mơ. Còn các công ty kinh doanh đa cấp hiếm khi đề cập đến thất bại, hoặc tổn thất tài chính nên nhiều người hám lời cả tin.
Theo Bách khoa thư mở, nguồn gốc của kinh doanh đa cấp và công ty đầu tiên kinh doanh đa cấp hiện đang là chủ đề tranh cãi. Các công ty kinh doanh đa cấp đã có mặt ở Mỹ từ những năm 20 ở thế kỷ trước. California Vitamin Company, sau đổi tên thành Nutrilite hoặc California Perfume Company, sau đổi tên thành Avon Products… là hai trong số những công ty đa cấp đầu tiên có mặt tại Mỹ từ những năm thập niên 30 ở thế kỷ trước.
Những vụ lừa mang tên Đề án kim tự tháp
1. Vụ lừa của CLB ô tô Năm sao
Nhắc đến CLB ô tô Năm sao (The Five Star Auto Club) hay FSAC người Mỹ lại thấy ớn lạnh bởi cách móc tiền tinh vi, “công nghệ cao”. Ai đã từng làm nghề lái xe, sở hữu ô tô điều biết, để mưa được chiếc ô tô không khó nhưng nuôi nó mới là việc nan giải, như mua các loại bảo hiểm, tiền xăng nhớt, bảo dưỡng, chi phí đột xuất…, thậm chí cả những loại phí không tên khác, đặc biệt là trong bối cảnh nhiên liệu đắt đỏ hiện nay. Nắm được điểm yếu này, một số công ty đa cấp đã xuất hiện.
Câu lạc bộ FSAC quảng cáo, “mọi người có thể thuê chiếc xe mà bản thân mơ ước mà không phải bỏ ra một xu nào”. FSAC còn nhấn mạnh, những người tham gia dịch vụ của họ có thể kiếm trung bình từ 180 đến 80.000 USD/tháng (khoảng 4,1 triệu đến 185 triệu VNĐ) mỗi tháng nếu cách thuyết phục bạn bè hay người thân thuê xe từ FSAC. Hoa hồng sẽ được trả hàng tháng thay cho tiền thuê xe mà người thuê đầu phải trả, nếu thiếu sẽ nhận trả thêm bằng séc thanh toán.
Quảng cáo nói trên của FSAC khá hấp dẫn, khiến nhiều người bị lừa, thuê được một chiếc xe mới tinh, sử dụng ngay từ lúc còn bóc tem, đập hộp, nhưng kết cục không phải vậy, nhiều người đã nuốt quả lừa mà không muốn thổ lộ cùng ai.
Năm 1999, sau nhiều đơn tố giác, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã quyết định đưa FSAC ra tòa vì dùng Đề án kim tự tháp để lừa khách. Các tài khoản ngân hàng của FSAC lập tức bị đóng băng, các trang web cũng bị đánh sập. Theo quyết định của tòa án, FSAC phải ngưng hoạt động vào năm 2000 và phải trả lại 2,9 triệu USD cho khách hàng.
2. Vụ lừa của quý bà Madame Gil
Năm 2005, một phụ nữ 74 tuổi người Pháp tên là Gilberte Van Erpe đã xuất hiện trước công chúng với cái tên là Madam Gil (Quý bà Madame Gil). Đến từ Chile, Madame Gil đã khởi nghiệp, thuyết phục mọi người rằng những điều vô lý nhưng nhiều người lại tin thật. Theo Madame Gil, các bà các chị nội trợ chỉ cần bỏ ra 400 USD là có ngay một bộ đồ nghề làm phó mát dưỡng da vô cùng hấp dẫn.
Sản phẩm sẽ bán lại cho các công ty mỹ phẩm để kiếm lời. Quảng cáo bùi tai của Quý bà Madame Gil khiến nhiều phụ nữ bị cuốn hút, thaajmchis còn được tặng mẫu sản phẩm miễn phí. Sau đó, những người mua bộ đồ nghề nói trên, kèm theo hướng dẫn cách trộn sữa với hỗn hợp bột cho đến khi lên men, và sau đó sử dụng để làm kem dưỡng da dưới dạng mặt nạ.
Mặt nạ sữa và sữa chua thực sự là công thức “sạch hữu cơ” giúp làm làn da của con người óng mượt, vì vậy phần lớn pụ nữ đã bị thuyết phục và bỏ tiền ra mua bộ đồ nghề mà không một chút do dự. Hơn 5.500 người đã mua bộ dụng cụ của Quý bà Madame Gil, chưa hết họ còn được khuyến khích rủ bạn bè mua hay bán cho bạn bè, bởi như vậy họ sẽ kiếm được nhiều hoa hồng.
Kết quả Madame Gil đã kiếm bộn tiền, trên 14,5 triệu euro. Cũng vào thời điểm chính quyền Chile nhận được đơn tố giác và vào cuộc và tìm ra sự thật. Cảnh sát đã tìm thấy một nhà kho bỏ hoang chứa đầy sản phẩm phô mai thối rữa mà chẳng bán cho ai, còn Quý bà Madame Gil thì biến biệt tăm sang Pháp. Năm 2008, Công ty của Madame Gil đã ngừng hoạt động, còn người sáng lập thì bị bắt, bị buộc tội dùng Đề án kim tự tháp để lừa thiên hạ.
3. Lừa đa cấp núp danh khóa học làm giàu
Nếu nói chính xác, trong số những ngành nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nhất phải kể đến đầu tư bất động sản. Các nghề khác muốn có lãi phải có thời gian nghiên cứu và thực hành. Nắm được xu hướng muốn đổi đời bằng bắt động sản, một công ty lừa đa cấp có trụ sở tại Arizona, Mỹ tên là Five Star Capital Market (SFCM) đã xuất hiện, quảng cáo dạy cách làm giàu nhanh thông qua khóa học mang tên Nouveau Riche. Đây là cụm từ tiếng Pháp có nghĩa New Rich (Kiểu giàu mới). FSCM tuyên bố, nếu trả tiền để tham gia, họ sẽ được học bí quyết kinh doanh bất động sản chỉ trong vài ba khóa dự học.
Nouveau Riche không được công nhận là cơ sở giáo dục, nhưng không hiểu sao FSCM vẫn thuyết phục được 9.000 sinh viên trả tiền cho các lớp học. Những sinh viên này cũng được khuyến khích giới thiệu bạn bè đến dự học. Từ năm 2005 đến 2006, FSCM đã kiếm được hơn 5 triệu USD từ 105 sinh viên đã bỏ tiền ra theo học dưới dạng tài sản đầu tư ban đầu.
Giống như các kiểu bán hàng đa cấp khác, người ban đầu sẽ được thưởng hoa hồng, học miễn phí nên nhiều người hám lợi. Sau khi nhận được thư tố giác, năm 2011, FSCM đã bị Tòa án bang Arizona trát lệnh ngừng hoạt động và trả lại hàng triệu đô la thu lợi bất chính từ khách hàng của mình.
4. Vụ lừa đa cấp mang tên TelexFree
TelexFree được thành lập vào năm 2012 để cung cấp số điện thoại Internet VOIP tương tự như Google Voice hoặc Skype. Thực tế, sản phẩm này đã tồn tại trên Internet miễn phí, nhưng nhiều người lại ít quan tâm tới chất lượng dịch vụ, quan tâm nhiều hơn đến quảng cáo làm giàu nhanh của TelexFree, theo kiểu “trở thành triệu phú chỉ sau một đêm thức dậy”.
TelexFree đã tính phí cho mọi cơ hội hiển thị quảng cáo TelexFree, với lời hứa, nếu bất kỳ ai nhấp vào quảng cáo liên kết của TelexFree sẽ kiếm được hưởng hoa hồng. Và họ sẽ được trả nhiều hoa hồng hơn nếu thuyết phục được bạn bè, người thân tham gia đăng quảng cáo. Kiểu kinh doanh kim tự tháp của TelexFree khiến nhiều người mắc lừa bởi việc mời chào quảng cáo đâu phải là dễ, kể cả khi miễn phí, nhưng những người bán hàng đa cấp đã bị lóa măt vì hoa hồng nên tiền mất tật mang.
Lần theo đơn thư tố giác, đầu năm 2017, cảnh sát Mỹ đã đột nhập vào một căn hộ ở Westborough, Massachusetts phát hiện 20 triệu USD tiền mặt được giấu dưới đệm. Cảnh sát cho biết họ tìm thấy số tiền sau khi bắt nghi phạm 28 tuổi người Brazil tên Cleber Rene Rizerio Rocha.
Rocha bị cáo buộc rửa tiền, có liên quan tới vụ lừa đảo của TelexFree. Theo tòa án bang Massachusetts, có khoảng 965.225 người đã mất tổng số tiền trị giá 1,75 tỷ USD khi công ty này phá sản. Một trong những sáng lập của TelexFree đã trốn sang Brazil còn những người khác thừa nhận phạm tội.