Sự kiện tàu Titanic va phải núi băng và bị chìm vào sáng sớm ngày 15 tháng 4 năm 1912 là một trong những sự kiện đau buồn và kinh hoàng nhất trong lịch sử. Hàng ngàn hành khách trên tàu đã vùi mình trong làn nước giá lạnh của Đại Tây Dương. Có rất nhiều câu chuyện đau buồn về số phận những hành khách đi trên chuyến tàu định mệnh này, nhưng cũng có nhiều câu chuyện may mắn về những người sống sót sau thảm họa.
Nếu những người sống sót qua thảm họa này thực sự gặp may thì điều đó thậm chí còn tuyệt vời hơn khi các hành khách là trẻ em có thể sống và vượt qua thảm họa Titanic. Chúng ta không thể hình dung nỗi sợ hãi của những đứa trẻ này, nhưng chắc chắn là thảm họa này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của chúng.
1. William Carter II
William Carter, còn được gọi là Billy, mới 11 tuổi vào lúc ông đặt chân lên con tàu Titanic. Billy là hành khách đi vé hạng nhất và gia đình Carter nằm trong số các gia đình giàu có đi du lịch trên tàu.
Họ không những mua vé hành khách hạng nhất cho cả nhà, mà còn đưa một người hầu đi cùng với họ trên tàu. Tuy nhiên, tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo đều cùng chịu chung số phận như nhau.
Vào cái đêm tàu Titanic va vào núi băng trôi, gia đình Carter cũng xếp hàng để được lên thuyền cứu sinh. Mẹ và các em gái của Billy dễ dàng lên thuyền, nhưng Billy không được cho lên vì các thủy thủ cho rằng ông đã lớn.
Theo như lời kể lại, bà Carter suy nghĩ và nhanh chóng cải trang Billy thành một bé gái để ông được cho lên thuyền. Với sự may mắn và cách xử lý nhanh chóng của người mẹ, cậu bé 11 tuổi này đã có thể sống sót và vượt qua một trong những thảm kịch lớn nhất thế giới.
2. Robert Douglas Spedden
Khi chiếc tàu Titanic đâm vào núi băng thì Robert Spedden chỉ mới 6 tuổi. Ông đi tàu cùng với cha mẹ. Spedden là một cậu bé nổi tiếng từ sự kiện Titanic vì sau này, mẹ ông đã viết một cuốn sách có nhan đề là The Titanic Bear.
Cuốn sách này dành riêng cho Spedden; và đó là câu chuyện về chú gấu bông yêu quý từng gắn bó với Spedden trong chuyến hành trình. Vì Spedden còn quá nhỏ khi chiếc tàu đang chìm, mẹ và vú em đã tìm cách giữ cho ông bình tĩnh. Họ nói với Spedden rằng cả nhà chỉ thực hiện một “chuyến đi ngắm sao”, trước khi mọi người được đưa lên thuyền cứu sinh.
Nhờ sự bình tĩnh của mẹ và người vú em, Spedden đã không chú ý đến việc mình đang rời khỏi tàu Titanic. Spedden và mẹ ông là những người may mắn. Họ được xếp ngồi trên một trong những chiếc thuyền cứu sinh cuối cùng rời khỏi con tàu và cũng là người phụ nữ và đứa trẻ cuối cùng rời tàu vì trên thuyền cứu sinh của họ chỉ toàn đàn ông. Spedden đã ngủ thiếp đi trong lúc chiếc thuyền được chèo ra xa khỏi con tàu đang chìm.
Câu chuyện này cho thấy mọi người cảm nhận sự việc khác nhau như thế nào khi con tàu Titanic bị chìm.
3. Jean Hippach
Jean Hippach khi đó là một thiếu nữ 16 tuổi đi du lịch cùng với mẹ. Vào cái đêm xảy ra va chạm, Hippach ngủ say nên không biết gì. Cô không bị đánh thức cho đến khi nghe thấy tiếng hơi nước ầm ĩ thoát ra từ con tàu.
Hippach nhớ lại rằng đầu tiên không một ai được cảnh báo về tai nạn xảy ra. Một nhân viên phục vụ thậm chí còn nói với cô đừng lo lắng gì cả và hãy quay trở lại phòng ngủ tiếp.
Cuối cùng, Hippach và mẹ cô phải chạy lên boong tàu trên cùng để lên thuyền cứu sinh. Tuy nhiên, họ đã không chịu lên các thuyền đầu tiên vì tin rằng họ sẽ an toàn hơn khi ở trên tàu. Một thủy thủ đã buộc họ phải ngồi vào thuyền cứu sinh.
Ngay sau khi thuyền cứu sinh hạ thủy và bắt đầu trôi ra xa, Hippach nhìn thấy những cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra trên tàu Titanic. Có một “vụ nổ kinh hoàng” và con tàu từ từ tách ra làm đôi.
Cô nhìn thấy đèn trên tàu tắt ngúm trong khi những người trên thuyền khua mái chèo một cách điên cuồng để thoát khỏi sức hút của xoáy nước tạo ra từ chiếc tàu chìm. Nếu Hippach và mẹ cô không lên chiếc thuyền cứu sinh đó, họ sẽ không thể sống sót.
4. Madeleine Violet Mellinger
Madeleine Violet Mellinger chỉ mới 13 tuổi khi đi cùng với mẹ bằng vé hành khách hạng hai.
Trong đêm tàu Titanic va vào tảng băng trôi, Mellinger bị đánh thức bởi âm thanh rùng rợn tạo ra khi vỏ tàu cạ vào tảng băng. Rồi Mellinger quay trở lại giường, nằm một lúc cho đến khi một người đàn ông đập cửa và nói với họ chạy ngay lên boong trên. Mellinger và mẹ cô đã đi lên boong trên và ngồi vào thuyền cứu sinh.
Khi họ lên thuyền, Mellinger nhớ lại cảm giác hối tiếc cho những người vẫn đang chờ một chiếc thuyền cứu sinh và ước gì chiếc thuyền cô ngồi có thể chứa được tất cả.
Cô nhớ hình ảnh những viên đạn pháo sáng được bắn ra từ con tàu, mong tìm được ai đó đến giúp đỡ. Cô cũng nhớ đến tiếng gào thét của những người vùng vẫy trong làn nước lạnh giá. Những hình ảnh và âm thanh đó in đậm vào ký ức Mellinger, không bao giờ phai nhạt.
5. Bọn trẻ nhà Navratil
Câu chuyện tiếp theo đây là minh chứng hùng hồn cho việc lòng tốt con người có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một đứa trẻ.
Vào cái đêm tàu Titanic bị chìm, ông Navratil và hai con trai đang ở trên tàu. Trước đó, ông Navratil bị tòa xử mất quyền nuôi con cho người vợ đã ly hôn của mình; vì vậy, ông đã quyết định lánh sang Hoa Kỳ cùng với những đứa con.
Trước khi đưa hai con lên một chiếc thuyền cứu sinh, ông Navratil bọc chúng lại trong chăn để giữ ấm và nói lời tạm biệt. Những đứa con sống sót nhưng ông Navratil thì không. Khi các cậu bé đã được giải cứu, thủy thủ đoàn và các hành khách khác nhận ra rằng chúng chỉ nói được tiếng Pháp và họ không thể giao tiếp với chúng bằng tiếng Anh.
Một nữ hành khách tình nguyện đưa những cậu bé này về New York để giữ cho chúng an toàn cho đến khi họ có thể tìm ra những gì cần làm với chúng. May thay, mẹ của chúng đã nhìn thấy một bức ảnh chụp hai cậu bé trên một tờ báo ở Pháp và bay đến New York để tìm con.
3 mẹ con sau đó đã quay về Pháp, nơi họ sống chung với nhau trong suốt cuộc đời. Thật ấm lòng khi biết được rằng một người xa lạ có thể tử tế như thế nào và các cậu bé đã may mắn đến thế nào khi người mẹ đã tìm thấy chúng nhờ một bức ảnh đăng trên báo.
- Xem thêm: Chọn tên bệnh, một vấn đề hóc búa
6. Millivina Dean
Millvina Dean chỉ mới tròn 2 tháng tuổi khi tàu Titanic đang trên đường hướng về New York. Điều này khiến bà trở thành hành khách trẻ tuổi nhất trên tàu. Dean và gia đình bà là những hành khách mua vé hạng ba và tìm đến Mỹ với mơ ước sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong cái đêm định mệnh ấy, Millvina, mẹ và anh trai cô đều lên chung một chiếc thuyền cứu sinh và sau đó cả gia đình được đưa đến New York an toàn.
Mặc dù Millvina hoàn toàn không nhớ gì về việc chìm tàu, bà được đề cập đến trong bài viết này vì một lý do rất quan trọng. Millvina Dean đã trở thành người sống sót cuối cùng (sau vụ chìm tàu Titanic) qua đời vào năm 2009 ở tuổi 97.
Bà đã có thể chia sẻ câu chuyện của mình trong suốt những năm qua và giúp mọi người luôn nhớ về tấn thảm kịch xảy ra ở Đại Tây Dương vào lúc 23 giờ 40 ngày 14 tháng 4 năm 1912.
7. Mary Conover Lines
Mary Conover Lines đã 16 tuổi khi ở trên tàu Titanic. Cô đi cùng với mẹ và hai mẹ con sang Mỹ để dự lễ tốt nghiệp đại học của người anh trai Lines.
Khi Titanic va vào tảng băng trôi thì hai người đang ngồi trong phòng tiếp khách trên tàu. Lines và mẹ cô vội vã chạy lên boong tàu. Ở đó, họ nhìn thấy rất nhiều tảng băng nhỏ nằm trên sàn tàu. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng họ đã trèo được vào thuyền cứu sinh.
Câu chuyện của Line sẽ làm người nghe ớn lạnh vì cô nhớ được rất nhiều sự kiện xảy ra trong đêm đó và nó cũng sẽ ám ảnh cô mãi mãi.
Cô nhớ lại cách mà các thủy thủ đã rất bình tĩnh khi giúp mọi người vào thuyền cứu sinh như thế nào, mặc dù biết rằng họ sẽ mất mạng trong đêm đó.
Cô nhớ đến sự hỗn loạn trên tàu, mọi người chạy tán loạn, cố tìm cho mình một lối thoát trong sự tuyệt vọng.
Cô cũng nhớ cảnh tượng khủng khiếp khi con tàu từ từ chìm xuống và biết ơn vì thuyền đã trôi khá xa nên cô không còn nghe tiếng la hét não lòng từ những hành khách còn kẹt lại.
8. Jack Thayer
Câu chuyện của Jack Thayer là một trong những câu chuyện ly kỳ nhất từ vụ chìm tàu Titanic, và Thayer cũng là một trong những người cực kỳ may mắn.
Thayer, khi đó 17 tuổi, đi cùng với cha mẹ và đã kết bạn với vài người trên tàu. Đêm Titanic va vào tảng băng trôi, Thayer và một người bạn khi ấy không ở cùng với gia đình nên phải tự đi tìm thuyền cứu sinh.
Thật không may, họ không được phép lên thuyền và buộc phải đứng nhìn chiếc thuyền cứu sinh cuối cùng rời khỏi tàu. Thayer và người bạn quyết định sẽ nhảy xuống biển trước khi tàu chìm để tìm kiếm cơ hội sống sót.
Thayer đã không gặp lại bạn mình sau khi anh ta nhảy xuống biển. Còn Thayer khi chạm vào mặt nước, mặc dầu có mặc áo phao vẫn bị kéo xuống bởi sức hút và gần như chết đuối. Khi Thayer cuối cùng trồi lên mặt nước, may mắn đã đến với anh. Thayer nổi lên ngay bên cạnh một chiếc thuyền cứu sinh bị lập úp khi được đẩy xuống từ trên tàu.
Anh và 28 người khác hoặc trèo lên ngồi ở đáy thuyền hoặc bám vào hai bên mạn thuyền cho đến khi họ được các thuyền khác đến giải cứu và cuối cùng đã giữ được mạng sống. Thật không thể tin vào vận may mà một số người có thể có được, và may mắn của Thayer đã đến thật trọn vẹn.
- Xem thêm: Bí mật phía sau những chiếc mũ nổi tiếng
9. Eve Hart
Eva Hart khi ấy mới được 7 tuổi. Cô đi cùng cha mẹ trên chiếc tàu vượt đại dương được xem là lớn nhất vào thời đó.
Hart và gia đình là những hành khách mua vé hạng hai. Khi xảy ra sự cố, Hart và mẹ được cho lên xuồng cứu sinh và sống sót, nhưng cha Hart đã chìm cùng với Titanic xuống lòng biển sâu thẳm và lạnh giá. Tuy nhiên, thảm kịch mà Hart trải qua lại dẫn đến một kết thúc có hậu.
Sau tai nạn, Hart tự hào vì đã sống cuộc sống của mình một cách đầy đủ nhất. Cô đã nói chuyện với nhiều người về việc chìm tàu để giữ cho ký ức về nó sống mãi. Cô cũng đi khắp nơi trong suốt cuộc đời và đó là một bước tiến lớn đối với cô. Nó cho thấy rằng cô không sợ những chuyến đi biển hoặc bất kỳ phương tiện vận chuyển đường dài khác, mặc dù một thảm kịch kinh khủng như vậy đã xảy đến với cô.
Cô muốn người khác biết rằng ngay cả khi gặp bi kịch, họ vẫn nên sống tiếp cuộc sống của họ sau đó, bởi vì đó là điều khiến cho cuộc sống trở nên đáng sống. Hart đã gửi đến chúng ta một thông điệp tuyệt vời về việc không từ bỏ cuộc sống, ngay cả khi nó có vẻ khủng khiếp và ảm đạm.
10. August Abraham Johannes Abrahamsson
August Abrahamsson 19 tuổi khi đặt chân lên tàu Titanic. Anh là hành khách hạng ba trên tàu, đi cùng cha mẹ và hai anh chị em.
Trong đêm xảy ra vụ tai nạn, Abrahamsson rời phòng rất chậm vì không tin có vấn đề gì có thể xảy ra với con tàu. Vì Abrahamsson đợi rất lâu mới rời khỏi phòng nên anh không tìm được phao cứu sinh nào. Anh lên boong tàu và tiến về phía mũi tàu để xem liệu có còn chiếc thuyền cứu sinh nào không.
Vì đã 19 tuổi, sẽ rất khó để Abrahamsson được cho lên thuyền. May thay, Abrahamsson đã lên được chiếc thuyền cứu sinh cuối cùng rời khỏi tàu. Nếu phải nhảy xuống biển mà không có một phao cứu sinh, có lẽ anh sẽ chết một cách nhanh chóng. Khi họ rời khỏi con tàu, Abrahamsson nghe thấy những tiếng nổ bị bóp nghẹt và tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàu chìm.
Tất cả những câu chuyện về Titanic thực sự cho thấy con người có thể may mắn như thế nào. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng được thảm họa này đáng sợ đến mức nào đối với những đứa trẻ này, nhưng họ đã có được cơ hội thứ hai trong cuộc sống, và họ đã sống trọn vẹn cuộc đời của họ.