Sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi trong phong cách sống của gia chủ khiến cho ranh giới giữa các khu chức năng nhiều ngôi nhà ngày càng phai nhạt.
Tuy nhiên, vẫn có những gia đình bảo lưu tâm thức truyền thống và điều này khiến cho nội thất phải chịu thêm sức ép bài trí sao cho hợp phong thủy.
Trong những trường hợp ấy, phòng khách sẽ là “đối tượng” chịu nhiều ảnh hưởng, đòi hỏi các quan niệm xử lý phải vừa khoa học vừa đảm bảo cốt lõi văn hóa vững chắc.
Thực chất phòng khách truyền thống của nhà dân gian Việt nói riêng và các nước Á Đông nói chung từ xưa đã là dạng không gian đa năng, vừa để tiếp khách, ăn uống, hội họp, vừa dùng cho nhu cầu tâm linh.
Vấn đề nằm ở liều lượng và cách thức bài trí của mỗi nhà sao cho không phạm vào các kiêng kỵ và gây ra va chạm văn hóa trong ứng xử.
Xưa – nay có sự kế thừa
Theo thời gian, các vấn đề kiêng kỵ ngày càng gia tăng song hành với biến động về tâm lý xã hội. Từ xưa, những ngôi nhà dài, nhà rông (Tây Nguyên) hay đình làng, hội quán… đều là không gian đa năng, là “phòng khách” của cộng đồng dân cư.
Với nhà riêng cũng vậy, phòng khách phải chịu các áp lực “vừa là… vừa là…” khá nhiều nên cách bài trí phải thực sự linh hoạt trên cơ sở các trục, điểm, khoảng… xác lập theo nguyên tắc phong thủy.
Ví dụ như xác định vị và hướng cửa có hợp mệnh chủ nhân hay không, xác định cung theo vùng cát hung trong la bàn toàn nhà, xác định chính và phụ, khách và chủ để sắp xếp chỗ ngồi, xác định các phương vị trước sau phải trái của từng vị trí.
Hầu hết các xác lập đó đều ảnh hưởng đến không gian phòng khách, mà theo kiểu ngôn ngữ hiện đại là living room, nơi để sống, chứ không chỉ là “căn phòng dùng để tiếp khách”.
Với nhà phố diện tích eo hẹp thì phòng khách còn kề cận chỗ để xe, liên thông với cầu thang thành trục giao thông, và (có thể) kiêm cả chức năng thương mại, giao dịch.
Nếp sống thời hiện đại đã không giữ cho phòng khách với trục thờ cúng tâm linh được đảm bảo tĩnh tại, trang nghiêm, thậm chí còn gây thêm sức ép về giao tiếp cả đối nội lẫn đối ngoại lên không gian này.
Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến nhà hiện nay phải chuyển chức năng thờ cúng lên lầu, qua không gian khác.
Còn đối với căn hộ chung cư thì phòng khách là chỗ “kiêm nhiệm” nhiều sinh hoạt chung nhất, cũng như chịu các “chống chỉ định” về phong thủy nhiều nhất.
Nội thất nhà truyền thống hay tập trung những món đồ có giá trị ở phòng khách, như bộ bàn ghế, tủ thờ, bộ ván ngựa, hoặc trang trí các bức bình phong, hoành phi,… dễ khiến nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự giàu sang và may mắn.
Thực ra ngay cả trong “nhà nghèo” thì trục tâm linh – tiếp khách vẫn luôn được người Việt bài trí cẩn trọng, cho dù vật dụng có đắt giá hay không.
Giữ gìn phong thủy tốt cho nhà bắt đầu từ phòng khách, và khởi nguồn từ cách thức bài trí cơ bản, chứ không phải là sắm đồ đắt tiền chính là nguyên tắc “từ ý đến hình”, xem trọng giá trị tinh thần trước, hình thức chỉ là biểu hiện bề mặt.
Đa năng hơn để thông minh hơn, tiết kiệm hơn
Việc chuyên năng rồi sau này đa năng hóa không gian chính là tăng tiện nghi, cho dù điều kiện diện tích cư trú ngày càng trở nên eo hẹp. Ngôi nhà hợp phong thủy hiện nay là nhà được hoàn thiện trên tinh thần hữu dụng.
Chưa bao giờ khái niệm “giải pháp thông minh” được nhắc đến nhiều như hiện nay, bởi không gian hạn chế khiến các thiết bị ngày càng cần phải có mẫu mã gọn gàng, kiêm nhiều chức năng.
Xu hướng này dẫn đến thay đổi tư duy về xử lý không gian phải tinh giản hơn mà khả năng kết nối hệ thống lại cao hơn.
Những vấn đề này trên thế giới đã làm trong tiến trình phát triển, nhưng gần đây ở Việt Nam mới dần phổ biến.
Các tiêu chí của E-home hiện nay là Ecology (môi trường sống xanh sạch), Economy (tiết kiệm, kinh tế) và Efficiency (khai thác hiệu quả từng mét vuông sử dụng) thực sự trùng khớp với quan niệm phong thủy truyền thống về nơi sống an lành, hài hòa.
- Xem thêm: Từ cửa chính đến chỗ tiếp khách
Biểu hiện cụ thể và dễ tiếp cận nhất của tính tiết kiệm – hiệu năng cao là tích hợp đa năng, tránh thay đổi cơi nới phần cứng, dễ thích ứng và thay thế sửa chữa… thể hiện được qua giải pháp nội thất đa năng.
Về phong thủy, có thể xét đơn cử như tấm bình phong. Xưa thì chỉ là hình thức che chắn, là vật dụng trang trí để ngăn lối vào trực diện, góc nhìn trực tiếp từ ngoài vào trong.
Theo thời gian, bình phong trở thành chi tiết phong thủy biến thể khá phong phú, từ làm bằng rào cây hồ nước, đến dạng vách ngăn cứng và mềm.
Khi xu hướng đa năng phát triển như hiện nay thì xử lý bình phong theo dạng vách ngăn kết hợp tủ kệ, lam trang trí, sẽ đạt được hiệu quả phong thủy lẫn công năng.
Những “bình phong hiện đại” tại phòng khách, lối vào căn hộ… có thể đáp ứng tốt ít nhất ba vấn đề phong thủy sau:
– Điều chỉnh và tạo đối lưu nội khí nhờ thông gió xuyên phòng. Khi cần thông gió nhưng không muốn gió lùa mạnh thì bình phong dạng lam, gạch bông gió rất hữu hiệu, nhất là trong nhà ống hoặc căn hộ chung cư.
– Xoay chỉnh hướng giao tiếp, hướng mệnh trạch khi tuổi gia chủ không hợp với hướng Khai Môn. Dạng này thường dùng vách nhẹ bằng kính, gỗ hay khung cây xanh để chuyển hướng cửa.
– Giảm ảnh hưởng qua lại giữa các chức năng, như giữa bàn ăn và chỗ tiếp khách, giữa bàn thờ và khu sinh hoạt nội bộ (vệ sinh, bếp núc), hoặc giữa góc làm việc cá nhân với khu ăn uống, họp nhóm trong nội thất văn phòng.
Dĩ nhiên, nội thất đa năng không chỉ ở tấm bình phong, mà biểu hiện ở rất nhiều vấn đề khác, như bố trí các cụm vật dụng kiêm nhiệm, sử dụng đồ đạc tích hợp chức năng, và thậm chí chính phong cách tối giản hoặc kiểu nội thất Nhật Bản ngồi trên sàn, ít trang trí… cũng là đa năng, dễ dàng co giãn theo nhu cầu biến đổi thực tế.
Chỉ cần không xáo trộn vị và hướng, giữ được các điểm mấu chốt về quan hệ chủ khách, chính phụ… là có thể đảm bảo phong thủy cơ bản cho không gian phòng khách.
Chuyển đổi định hình sang định thế
Rõ ràng là cách mạng về khoa học công nghệ đem đến nhiều tiện dụng, nhưng cũng khiến nhiều người lệ thuộc vào sức mạnh công nghệ trong không gian sống.
Ví dụ như việc nấu ăn sẽ tiện lợi thoải mái hơn với hệ thống làm bếp và thiết bị hiện đại, nhưng phong thủy bếp thì vẫn vậy, cần đảm bảo vị và hướng, hình và thế, chứ không phải thay bếp than củi bằng bếp điện từ cảm ứng thì tính chất Hỏa của bếp không còn.
Trong phòng khách cũng vậy, việc chuyển đổi từ nội thất đơn năng sang đa năng diễn ra sẽ ảnh hưởng đến một số tính chất phong thủy.
Ví dụ như không gian tâm linh có cấu trúc trục chính và bộ bàn thờ “một đời gỗ mấy đời người” kích thước hầu như bất biến.
Nhưng khi chuyển sang dạng căn hộ chung cư hay nhà phố hẹp thì bộ tủ thờ hoành tráng cẩn xà cừ sẽ thiếu khoảng không tương thích và khó ăn nhập với cấu trúc phòng khách chung cư trần thấp, vật dụng hiện đại.
Lúc này hệ thống tủ thờ “đa nhiệm” và “tích hợp” sẽ đáp ứng tốt hơn: trên cao để đặt bài vị, thắp nhang; tầm giữa có thể làm chỗ trưng bày, tủ sách; tầng dưới làm tủ chứa đồ hoặc thờ ông địa, thần tài.
- Xem thêm: Phong thủy chung cư: đủ để đúng, đẹp
Những bộ tủ thờ ráp khối có phần bàn dưới kéo ra cũng được khai thác tốt ở nhà phố hẹp để khi nhà có việc giỗ tết thì linh hoạt đóng mở khá tiện dụng.
Hiện nay có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề thiết kế – sử dụng nội thất đa năng. Nhóm ủng hộ, đa phần là người trẻ, ưa đời sống xê dịch, thích tiện lợi và… ít dọn dẹp (?) thì khen nội thất đa năng cũng như chiếc điện thoại đời mới tiện lợi nhiều mặt.
Những văn phòng chia sẻ, văn phòng mở, bệnh viện như khách sạn, siêu thị kiêm nơi giải trí… cũng là xu hướng phổ biến và ngày càng chứng minh tính ưu việt của tổ chức không gian đa năng có thể thích ứng tốt với thời đại công nghệ.
Nhóm phản đối thì cho rằng ngôi nhà để ở đâu phải như một cái máy, mỗi món đồ phải ghi dấu kỷ niệm thời gian và tính chất độc bản, riêng tư nữa.
Dĩ nhiên, theo “trường phái” nào là quyết định của người dùng cảm thấy mình phù hợp hay không, nhưng tất cả không thể đi ngược xu hướng tích hợp công nghệ và giải pháp kết nối, vận hành theo đúng quy luật phát triển tất yếu. Nội thất đa năng cho phòng khách do đó cần đáp ứng ít nhất hai tiêu chí cơ bản:
– Đa năng trong tính chất sử dụng, dẫn đến mẫu mã thiết kế tiện lợi và dễ thay đổi khi có biến động về nhân khẩu hay kỹ thuật.
– Đa năng trong tổ chức không gian, dẫn đến giảm ngăn chia cứng, bớt chi phí vật tư, công sức hoàn thiện khi xây dựng và hoàn thiện công trình.
Cả hai tiêu chí trên đều gắn với xu hướng thiết kế mở: giảm bớt sự bó hẹp trong phạm vi một căn phòng.
Yếu tố liên thông, co giãn theo sinh hoạt dẫn đến bỏ bớt các vách ngăn cứng, cũng là tinh thần kết nối khí của truyền thống Đông phương trong ngôi nhà xưa.
Điều kiện tiện nghi hiện đại hôm nay sẽ luôn giúp cho phòng khách trở thành không gian kết nối nhiều thế hệ được tiện dụng hơn.
Do đó, thay vì định hình phòng khách theo các kiểu như đối xứng, bám biên, tạo góc… thì nội thất phòng khách hiện đại hợp phong thủy chỉ cần tạo thế cho đúng vùng ngồi giao tiếp giữa khách và chủ, vùng gắn trang thiết bị giải trí (thiên về động) và vùng tâm linh, lưu giữ truyền thống (nếu có) thiên về tĩnh là đủ.
Những chỉ định cụ thể về màu sắc hay chất liệu hoàn toàn có thể được các nhà chuyên môn sáng tạo trên cá tính gia chủ và điều kiện cụ thể của mỗi không gian.