Ở Mỹ, doanh thu bán dầu cá – thường được bán dưới dạng acid béo omega-3 giàu dinh dưỡng – đạt 2,25 tỉ USD vào năm 2014.
Được chào đón vì khả năng “làm được tất cả mọi thứ” của nó, dầu cá đã trở nên một trong những loại thuốc bổ thời thượng nhất.
Nó đứng hàng thứ ba trong số những thực phẩm chức năng được sử dụng rộng rãi, chỉ sau các vitamin và chất khoáng.
Tuy vậy, trên thực tế những lợi ích dinh dưỡng của dầu cá không dồi dào như chúng ta vẫn nghĩ, kèm theo nó còn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn gây tranh cãi.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, người ta sử dụng dầu cá để hỗ trợ điều trị bệnh tim, đột quỵ, trầm cảm, rối loạn tâm thần, hội chứng rối loạn hiếu động thái quá, bệnh Alzheimer, mắt khô, tăng nhãn áp, bệnh thoái hóa điểm vàng của mắt do cao tuổi (AMD), đau hành kinh, đau ngực, sẩy thai, huyết áp cao khi mang thai, tiểu đường, hen suyễn, bệnh rối loạn thần kinh vận động, chứng khó đọc, béo phì, bệnh thận, loãng xương, một số bệnh đau nhức và sưng viêm, bệnh vẩy nến, ngăn ngừa sụt cân và ngăn ngừa cao huyết áp và suy thận, và những bệnh khác. Một quan niệm phổ biến cho rằng dường như dầu cá là loại thuốc có phép màu, chữa được bách bệnh.
Trên thực tế, một nghiên cứu vào tháng 12-2016 ở Đan Mạch phát hiện thấy những phụ nữ mang thai sử dụng dầu cá trong ba tháng cuối cùng đã làm giảm được đáng kể nguy cơ bị hen suyễn cho con cái của họ.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu những đứa trẻ có mẹ đã uống thuốc viên nang dầu cá và phát hiện chỉ có 16,9% trẻ em bị suyễn năm lên 3 tuổi, so với tỷ lệ 23,7% ở những bà mẹ dùng các loại thuốc placebos (thuốc giả chữa bệnh thật, đây là loại thuốc chữa bệnh theo tâm lý, cũng không có hại gì cho sức khỏe). Như vậy, nói chung đã giảm được khoảng 31%.
Thêm nữa, một nghiên cứu vào tháng 8-2016 được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy rằng những liều cao acid béo omega-3 có thể giúp tim hồi phục sau cơn đau tim.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc sử dụng dầu cá trong vòng sáu tháng sau khi bị đau tim đã giúp làm giảm vết sẹo ở cơ tim và làm gia tăng khả năng bơm máu.
Sự thật phía sau những phép màu
Nhưng cũng giống như tất cả các loại thuốc bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ, chúng đều là những sản phẩm có tác dụng thần kỳ, dường như không có lời than phiền nào ngoài những phép màu. Dầu cá nằm trong trường hợp đó.
- Xem thêm: Ăn cá hay uống viên dầu cá?
Mặc dù có bằng chứng cho thấy dầu cá rất hữu ích trong việc điều trị một số chứng bệnh, nhưng cũng có nhiều vấn đề về dầu cá vẫn chưa được chứng minh.
Dầu cá đi kèm với một danh sách gây bối rối về những độc tố tiềm ẩn, những phản ứng phụ cũng như các vấn đề có thể chứng minh được.
Chất béo tốt: Acid béo omega-3
“Ma thuật” của dầu cá xuất phát từ sự ưu đãi liều lượng cao các acid béo omega-3. Acid béo omega-3 là loại acid béo đa bất bão hòa (polyunsaturated fatty acid) mà cơ thể không thể tạo thành được, do đó phải hấp thụ nó thông qua bữa ăn.
Nhóm acid béo này bao gồm các acid eicosapentaenoic (EPA), acid docosahexaenoic (DHA) và acid alpha-linolenic (ALA). EPA và DHA được tìm thấy chủ yếu trong các loại hải sản vốn là những sinh vật đại dương ăn tảo biển, chúng được chuyển thành dầu cá.
Trong vài thập niên qua, hết cuộc nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đã cho thấy mối liên quan giữa việc hấp thụ omega-3 với một số lợi ích về sức khỏe, đáng chú ý nhất là những người có vấn đề về sức khỏe tim mạch, sưng viêm, thị giác và nhận thức.
Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) ghi nhận rằng acid béo omega-3 làm giảm đau và giảm sưng, điều đó có thể giải thích tại sao dầu cá có hiệu quả tốt đối với bệnh vẩy nến và chứng mắt khô.
Những acid béo này cũng giúp máu không bị đông lại dễ dàng, vì thế dầu cá rất tốt cho các bệnh tim mạch. NIH liệt kê danh sách hai chứng bệnh mà trong đó dầu cá được xem là “rất hiệu quả” (như bệnh cao triglyceride máu), “dường như có hiệu quả” (bệnh tim), và 26 chứng bệnh mà qua đó acid béo omega-3 “có thể có hiệu quả” (mọi thứ bệnh, từ đột quỵ đến ung thư hoặc rối loạn tâm thần).
Khoa học còn mơ hồ
Đã có bằng chứng ủng hộ từ nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ lượng DHA và EPA được đề nghị dưới dạng ăn cá hoặc uống dầu cá làm giảm chất bớt lượng chất béo triglycerides; giảm nguy cơ tử vong, đau tim, nhịp tim bất thường nguy hiểm và đột quỵ nơi những người mắc bệnh tim; làm chậm lại sự xơ cứng các động mạch, và làm giảm huyết áp được chút ít.
Trong mấy thập niên qua, mặc dù tất cả các nhà nghiên cứu đã đồng ý dầu cá rất tốt, nhưng những cuộc nghiên cứu gần đây dường như đã không đồng tình với những kết quả nghiên cứu trước kia. Và sau đây là một số phản bác khoa học:
– Một phân tích của Anh năm 2018 về 10 cuộc nghiên cứu bao gồm hơn 77.000 tình nguyện viên đã tiết lộ rằng khi người ta uống những viên nang dầu cá bổ sung omega-3 trong thời gian trung bình bốn năm “không thấy có dấu hiệu liên quan gì đến việc giảm tử vong vì bệnh mạch vành tim hay bất kỳ các sự cố mạch máu nào khác”.
– Một cái nhìn tổng quan về 20 cuộc nghiên cứu đã được công bố trên tờ JAMA (tờ báo của Hiệp hội Y khoa Mỹ) dù có ăn cá hay dùng dầu cá vào bữa tối cũng chẳng làm giảm nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim hoặc tử vong.
- Xem thêm: Cẩn thận khi sử dụng dầu cá
– Một bài báo đăng trên tờ BMJ trực tuyến đã phân tích dữ liệu từ 38 cuộc nghiên cứu và phát hiện ra rằng việc ăn từ hai đến bốn khẩu phần cá mỗi tuần giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ được 6%, so với ăn dưới một khẩu phần, và nếu ăn năm khẩu phần một tuần sẽ giảm được nguy cơ 12%. Nhưng các kết quả từ các cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên về việc dùng thuốc viên nang dầu cá cho thấy chẳng có tác dụng đáng kể nào đến nguy cơ cả.
– Một tổng kết các cuộc nghiên cứu được công bố đại diện cho tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Cochrane Collaboration kết luận rằng những viên dầu cá đã thất bại trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh suy giảm nhận thức. Tuy có nhiều cuộc nghiên cứu liên quan việc tiêu thụ dầu cá để giảm bớt chứng trầm cảm, một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Yale đã bác bỏ ý tưởng rằng omega-3 làm giảm bớt chứng trầm cảm.
– Một cuộc nghiên cứu công bố năm 2015, được xem là quy mô nhất và lâu dài nhất về vấn đề này, đã phát hiện thấy những viên omega-3 không hề cải thiện sức khỏe não bộ và ký ức nơi những người lớn tuổi. Đó là đợt đánh giá sức khỏe về nhận thức của 4.000 người kéo dài trong năm năm.
Lịch sử lý giải sự hâm mộ dầu cá
Vào những năm 1970, hai nhà khoa học Đan Mạch là tiến sĩ Hans Olaf Bang và tiến sĩ Jorn Dyerberg đã nghiên cứu những người Inuits sống ở những ngôi làng xa xôi ở phía bắc Greenland.
Những người dân làng này có tỷ lệ bệnh tim mạch thấp đáng kể và các nhà khoa học kết luận rằng sở dĩ sức khỏe tim mạch của họ tốt là nhờ vào chế độ ăn uống.
Những người Inuit ăn nhiều mỡ của cá, hải cẩu và cá voi. Những nhà nghiên cứu đề nghị rằng mọi người cũng có thể hưởng được những lợi ích như thế nhờ vào chế độ ăn cá chứa nhiều omega-3.
Về sau, những nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thật ra các nhà khoa học Đan Mạch chưa bao giờ chứng minh được rằng những người Inuits thực sự có tỷ lệ thấp về bệnh tim. Nhưng chuyện đã quá trễ.
Báo The Washington Post cho biết, lời tuyên bố về lợi ích của chế độ ăn cá và thuốc bổ omega-3 đã bắt đầu lan rộng. Nhưng cho đến khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đồng ý cho sản xuất những viên nang dầu cá thì thị trường mới thực sự bùng nổ.
Tuy nhiên vào năm 2002, đã xảy ra những tranh cãi. Ông Bill Harris, một trong ba tác giả của Bản tuyên bố AHA, nói rằng cho đến nay “vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng” để kết luận về lợi ích của dầu cá.
Nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vẫn ủng hộ dầu cá và đề nghị những người bị bệnh tim, đặc biệt là những người không ăn nhiều cá, nên sử dụng nó.
Các độc tố có thể là vấn đề
Các acid béo omega-3 sống trong các mô mỡ của cá; đó cũng chính là môi trường ô nhiễm tích tụ các sinh vật và điều này có nghĩa là dầu có nguồn gốc từ các mô này có thể cũng là nơi tập trung cao các chất gây ô nhiễm môi trường.
Các kim loại nặng như thạch tín, cadmium, chì và thủy ngân đã đến với chúng ta theo đường công nghiệp và không dễ bị phá vỡ, và cuối cùng những thứ này thẩm thấu vào môi trường ở mức độ thấp, đặc biệt là ở trong cá và trong dầu cá.
Những tác dụng phụ do ăn phải kim loại nặng có thể bao gồm các sự cố như suy giảm nhận thức, rối loạn chức năng hệ thần kinh, mù lòa, thiếu phối hợp, bị điếc, phát triển một số loại bệnh ung thư nhất định, rối loạn chức năng gan và tử vong.
Cùng với kim loại nặng, còn có các hợp chất độc hại khác tích tụ sinh học trong cá. Chất Polychlorinated biphenyl (PCBs) có thể gây ra các vấn đề về da, co thắt cơ, viêm phế quản mạn tính và rối loạn thần kinh; các chất dioxin và furan có liên quan đến một số ảnh hưởng xấu cho sức khỏe bao gồm các sự cố về da, gan và hệ miễn dịch, rối loạn nội tiết và sinh sản cũng như sự phát triển của một số loại bệnh ung thư.
Đối với nhiều người, một trong những vấn đề khó khăn nhất là tìm hiểu xem loại cá nào nên ăn cá nào không, nghĩa là loại cá nào chứa ít độc tố nhất.
Để giúp giải quyết các vấn đề tương tự khi lựa chọn dầu cá, người mua có thể kiểm tra qua Chương trình Tiêu chuẩn Dầu cá Quốc tế (IFOS).
Đây là một chương trình chính thức được công nhận và chuyên xét nghiệm những độc tố có trong các sản phẩm dầu cá omega-3.
Dầu cá tự nó đã có phản ứng phụ
Acid béo omega-3 có thể làm tăng mức đường trong máu. Đó là điều các bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý. Hơn nữa, dầu cá đã được lấy ra trong nhiều tháng có thể gây ra thiếu hụt vitamin E và làm tăng nguy cơ nhiễm độc vitamin A hoặc D. Do đó khi cần sử dụng một số lượng lớn thì phải thận trọng.
Có thể hấp thụ omega-3 ngoài dầu cá
Những người muốn tránh hoàn toàn tình trạng khó xử đối với cá có thể tìm nguồn acid omega-3 ở hạt lanh, hạt chia, hạt cây gai dầu và hạt vừng, nhất là dầu của chúng, đều là những nguồn chất béo omega-3 chay rất tốt.