Nối tóc hiện đang là cách mà phái đẹp lựa chọn để biến mái tóc ngắn thành dài, dài thành… dài hơn! Có khá nhiều kiểu nối tóc và cũng có nhiều giá dịch vụ nối tóc. Ngoài ra, việc chăm sóc tóc nối cũng là điều quan trọng trong việc duy trì được mái tóc nối được lâu dài mà bạn nên biết.
Chọn kiểu nối
Thời gian nối một mái tóc trung bình từ hết 1 giờ đến 3 giờ. Chi phí nằm trong khoảng từ 2 đến 6 triệu đồng tùy thuộc kỹ thuật nối, số lượng lọn tóc cần nối, chiều dài bộ tóc nối và mục đích nối là để cho dài, hoặc dày hơn hay là nối design (bao gồm cả uốn và nhuộm màu).
Tóc muốn nối được thì phải có chiều dài tối thiểu là 10cm tính từ gốc. Ngoài ra, mái tóc không thể quá thưa (vì cần có đủ tóc nền nhằm che phủ mối nối) và cũng không thể quá yếu (để khi đeo thêm lọn tóc nối vừa dài vừa nặng hơn nó cả chục lần mà không bị gãy rụng).
Nếu nối cho tóc dày hơn thì chiều dài của bộ tóc nối tùy thuộc vào chiều dài của tóc thật, còn nối cho dài hơn thì không nên cố gắng tăng tối đa độ dài. Chiều dài hợp lý của bộ tóc nối là gấp ba lần chiều dài tóc thật.
Hiện nay đã có nhiều cách nối tóc theo nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm:
- Nối bấm chì: Ưu điểm của cách nối này là thời gian gắn vào hay gỡ ra đều nhanh nhưng mối nối rất cứng, lại không bền và dễ làm đứt tóc khi bấm xả.
- Nối thắt bím: Điểm nổi bật của cách nối này là giữ được lâu nhưng mặt hạn chế là mất nhiều thời gian khi thực hiện thao tác nối và tháo ra (vì phải dán kỹ bằng keo sau khi bím). Cách nối này thường làm cho tóc ở phần nối bị nhừ, giống như tóc sâu và hay bị đứt, gãy tóc.
- Nối chỉ: Không dùng tới keo nhưng mối nối chỉ hơi thô nên không được nhiều người ưa dùng.
- Nối keo: Đây là cách nối thông dụng nhất vì thao tác nối nhanh, độ bền mối nối cao, nhưng nếu sử dụng chất liệu keo không tốt thì tóc sẽ dễ bị gãy.
- Nối tóc bằng sáp hoặc silicon: Cách nối này kết hợp dùng ống nhựa để bọc mối nối lại nên mối nối bền chắc và khá an toàn, thường được thợ thực hiện công phu tại các salon làm đẹp, do vậy giá thành cao hơn so với các cách nối đã nêu.
Chăm sóc tóc nối
Điều quan trọng trong việc chăm sóc tóc nối là luôn giữ da đầu thật sạch, tóc suôn thẳng, không bị rối. Sau khi nối tóc, từ việc gội đầu, tạo kiểu tóc và ngay cả việc đơn giản như chải tóc đều mất thời gian hơn bình thường. Tất cả các thao tác này cần thực hiện chậm rãi và cẩn thận để không làm rối tóc hoặc tuột mối nối.
Hằng ngày, nên bôi loại dầu dưỡng như keo chống rối và dưỡng bóng để phần tóc nối vốn không còn được da đầu cung cấp dưỡng chất nữa vẫn bóng mượt.
Tóc đã nối thì càng phải giữ cho sạch. Nên sử dụng loại dầu gội có chất tẩy nhẹ để bảo vệ tóc và tốt nhất là hỏi người thợ trực tiếp nối tóc xem sử dụng loại dầu nào là hợp lý nhất. Trước khi gội đầu, hãy chải tóc nhẹ nhàng để gỡ rối. Từ từ làm ướt tóc và đừng để nước chảy mạnh trên tóc vì các lọn tóc có thể dễ bị rối. Gội tóc nhẹ nhàng, sau đó làm sạch bằng nước ấm và dầu xả rồi để tóc khô tự nhiên.
- Xem thêm: Tự tin hơn với mái tóc dài
Khi cần tạo kiểu tóc, tránh sử dụng máy uốn tóc hoặc máy sấy vì nhiệt độ cao sẽ làm giảm độ bền của mối nối. Có thể buộc tóc cao, tết hoặc búi.
Để chải mái tóc nối, nên sử dụng loại lược bẹt có răng lược mềm. Khi gỡ rối, phải chải thật nhẹ nhàng từ gốc tới ngọn.
Giữ cho mái tóc khô trước khi đi ngủ. Để tránh tóc bị rối, nên buộc tóc lỏng.
Nếu đi bơi hoặc ra biển, cần bảo vệ mái tóc nối bằng cách đội nón bơi. Chải tóc và tết tóc lại cho chắc chắn để mái tóc nằm gọn trong nón bơi. Sau khi bơi phải gội đầu kỹ vì nước ở bể bơi có nhiều clo hay nước biển có thể đã thấm vào tóc và gây hư tổn cho tóc.
Điều lưu ý cuối cùng là không nên nối tóc khi tóc đang bị rụng bệnh lý hoặc da đầu đang bị viêm loét, có mụn nhọt, gầu ngứa… Nối tóc khi tóc không khỏe như vậy dễ làm cho tình trạng xấu thêm trầm trọng và khó điều trị.