Sự thành bại của một doanh nghiệp lệ thuộc rất nhiều vào các nhà lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo thành công là những người nhận thức rõ những điểm mạnh và điểm yếu, những thuận lợi và rào cản của mình.
Hiểu được những sai lầm phổ biến và thực hiện những biện pháp tránh phạm phải những sai lầm này cũng là một điều kiện tiên quyết quan trọng quyết định đến thành lông của nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Dưới đây là những sai lầm khiến các nhà lãnh đạo có thể “giết chết” doanh nghiệp của mình.
1. Cho rằng tất cả nhân viên đều hiểu được mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp
Cho dù doanh nghiệp có thực hiện một kế hoạch chiến lược ấn tượng đến mấy thì kế hoạch đó cũng chẳng có giá trị gì nếu nhân viên ở tất cả các cấp chưa thấu hiểu.
Các nhà lãnh đạo cần phải dành thời gian để giảng giải cho nhân viên về các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp và lập ra các mục tiêu cho từng nhân viên, cũng như phải điều chỉnh các mục tiêu cho nhân viên khi mục tiêu của doanh nghiệp thay đổi.
2. Tùy tiện trong tuyển dụng nhân sự
Nếu không dành đủ thời gian và áp dụng các quy trình thích hợp cho tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc chỉ để tuyển dụng những nhân viên không phù hợp với công việc.
Thực tế cho thấy, không ít lãnh đạo doanh nghiệp thường tuyển dụng người theo cảm tính và các quan hệ cá nhân.
Các cuộc phỏng vấn nghiêm túc và việc kiểm tra các thông tin liên quan đến đời tư của ứng viên sẽ giúp doanh nghiệp có được một bức tranh chính xác về hành vi của họ trong quá khứ và dự báo về hành vi của họ trong tương lai.
3. Cho rằng nhân viên đã được đào tạo đủ
Doanh nghiệp sẽ bị lãng phí nguồn nhân lực hiện có của mình nếu không có những chương trình đào tạo và phát triển nhân tài thích hợp.
Nhiều doanh nghiệp chi nhiều tiền cho những hợp đồng bảo trì máy móc hơn là cho các chương trình đào tạo nhân viên dù vẫn thường xuyên nói rằng con người là tài sản hàng đầu. Đầu tư cho nguồn nhân lực chính là đầu tư cho sự thành công trong tương lai.
4. Không thường xuyên xem xét, đánh giá
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, thường nghĩ rằng việc kinh doanh đang diễn ra bình thường nên không phải quá bận tâm với những việc đã đi vào nề nếp.
Thế nhưng, nhà lãnh đạo cần phải thường xuyên rà soát và đánh giá lại hiệu quả của các hoạt động của doanh nghiệp để có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Ngoài ra, khi đã lượng hóa được các kết quả, thành tích mà doanh nghiệp đạt được, nhà lãnh đạo sẽ có cơ sở vững vàng để xây dựng các mục tiêu cho nhân viên và đề ra những biện pháp thích hợp để động viên họ.
5. Không đưa ra phản hồi
Do ngại va chạm và xung đột, các nhà lãnh đạo thường né tránh những hành vi không thể chấp nhận được của nhân viên và không thẳng thắn yêu cầu những người có lỗi phải chịu trách nhiệm.
Thông qua việc đánh giá kết quả làm việc định kỳ hay các cuộc trao đổi trong công việc hàng ngày với nhân viên và đưa ra những phản hồi tích cực, mang tính xây dựng, nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy nhân viên vươn tới thành tích cao hơn và giúp họ phát triển nghề nghiệp.
6. Cho rằng doanh nghiệp đang làm tốt và khách hàng đang hài lòng
Cho dù doanh nghiệp không nhận được than phiền từ khách hàng thì điều đó không hoàn toàn có nghĩa là họ đang hài lòng. Doanh nghiệp phải có những chương trình, cơ chế khuyến khích khách hàng đưa ra phản hồi.
Các trang web xây dựng quan hệ xã hội, các kênh truyền thông điện tử hiện nay mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội để lắng nghe những ý kiến phản hồi có giá trị từ khách hàng nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.
7. Không hiểu được mối liên hệ giữa marketing và bán hàng
Một đội ngũ nhân viên bán hàng giỏi chỉ là một trong nhiều kênh giúp doanh nghiệp phát triển. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là người đi đầu trong việc xây dựng các chiến lược, đưa ra các ý tưởng cho các hình thức và hoạt động tiếp thị khác: từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, làm PR, nghiên cứu thị trường đến quảng cáo, xây dựng nhãn hiệu.
Nếu không chủ động theo đuổi những chiến lược này, doanh nghiệp sẽ khó có thể thắng các đối thủ cạnh tranh khác trên thương trường.