Mái nhà ấy đã không còn phập phồng như một trái tim trong những đêm trăng tỏ, không còn tí tách gieo những giọt nước bên thềm trong những chiều mưa. Nó đã bị đốt cháy trong một buổi chiều tháng Ba khi lúa ngoài đồng chưa gặt xong để kịp thay cho nó một chiếc áo mới.
Đó là ngôi nhà lá mái già đến hơn bảy mươi tuổi, cùng tuổi với ông tôi, như hai anh em song sinh. Nhà lá mái chứ không phải mái lá.
Nghĩa là một ngôi nhà đường bệ được xây cất công phu, nếu không muốn nói là quá công phu, với những cây cột được đẽo tròn như cột đình lên nước nâu bóng, những xà những trính chạm trổ tinh vi. Nó chỉ khác những ngôi nhà rường ngày nay đáng giá hàng tỉ đồng, ở chỗ nó lợp bằng tranh thay vì lợp ngói.
Sao lại lợp tranh nhỉ? Liệu có xứng với bộ khung làm bằng gỗ quý có thể chống lại mối mọt đến vài trăm năm? Khoác lên mình nó một mái tranh, nào có khác gì khoác lên vai người đẹp một chiếc áo vải sần sùi!
Nhưng theo ông tôi, đó mới là cái độc đáo và cũng là cái bí mật của nhà lá mái ở Bình Định. Độc đáo ở chỗ cứ năm năm nó lại được thay áo mới.
Áo được may bằng những tấm tranh vàng óng. Mà tranh lại được kết bằng những thân lúa phơi khô sau khi đã để cho người những hạt lúa no tròn.
Với chiếc áo mới vàng như lụa, nhất định nó lộng lẫy kiêu sa hơn những mái ngói già cỗi rêu phong. Phảng phất đâu đây mùi hương của đồng lúa chín, mùi của bùn đất và cũng là mùi của mọi người trong nhà.
Còn cái bí mật? Đó là sau khi dựng xong cái sườn nhà, thay vì lợp ngói hay tranh, người ta lại trộn rơm và đất làm thành một cái mái gọi là da cái, y như cái da cái thịt của một con người.
Với bốn bức vách bằng đất, trần cũng đất, ngôi nhà đóng kín cửa giống như hang động của tổ tiên loài người xa xưa. Rất ấm áp khi mùa đông, rất mát dịu khi mùa hè, lại cũng rất yên bình trước mưa bão sấm sét và ngay cả thú dữ.
Sau đó, trên nền da cái, người ta lại dựng cột kèo rui mè bằng tre, dùng chính rơm rạ ngoài đồng để lợp như mặc áo cho nó. Chiếc áo to sù như đôi cánh của gà mẹ lúc nào cũng sẵn sàng che chở cho đàn con chiu chít.
- Xem thêm: Dấu xưa của làng
Một bí mật khác nữa, ấy là cái mùi của ngôi nhà. Mùi thịt da của cô vợ mới cưới, mùi sữa chảy vào miệng con, mùi thuốc bắc khi có người ốm đau, mùi chiên xào trong những ngày giỗ chạp.
Tất cả thấm âm thấm ỉ vào những cột kèo xà trính, vào từng nan tre cọng rạ, và vào tận hồn người. Đó là mùi hương thầm kín không thể nào phai nhạt được, khiến chồng nhớ vợ, mẹ nhớ con, cháu nhớ ông bà mỗi khi đi xa.
Những lần thay áo mới cho ngôi nhà. Tranh được những người thợ đánh rất khéo, sau khi đã giũ sạch hết những lá lúa khô gọi là nhau kết lại bằng hai cây hom tre đơn giản nhưng rất chắc.
Tranh đánh xong xếp từng chồng như bà tôi đúc bánh xèo. Bọn trẻ con chúng tôi thường lén leo lên đó nhún nhảy như lũ trẻ bây giờ nhảy trên giường nệm.
Rồi mái tranh cũ được bóc ra, để lộ cái da cái như một anh lực điền vừa đi cày về, cởi phăng chiếc áo bạc màu đẫm mồ hôi, cầm lấy chiếc quạt mo ra phe phẩy.
Những người thợ lợp nhà ngồi trên cao, đón những tấm tranh từ dưới sân ném lên, lượn lờ trông như những chiếc thảm bay.
Suốt một ngày dài, cái om chè vối phải mấy lần đun, cốm bắp trộn mật thơm ngạt ngào phải vơi đi đến mấy đĩa, mái tóc nhà vừa mới bị cạo trọc ban sáng đã lại mọc dày và dài đà đuột.
Sáng hôm sau chỉ còn một ông thợ cả, già như ông tôi, trên một chiếc ghế đẩu với một con dao răng cưa, tỉ mẩn ngồi cắt đuôi tranh. Đây là công đoạn nhẹ nhàng nhưng khó nhất, vì phải cắt sao cho mái tranh thẳng và vểnh lên như mái đình.
Không cần chăng dây, không cần tính góc, ông chỉ chậm rãi đưa dao vao những cọng rạ thừa và chúng lả tả rụng xuống, để rồi sau một ngày cần mẫn, cái gáy của ngôi nhà hiện ra mạnh mẽ và đẹp như gáy của một người đàn ông vừa đi cắt tóc về.
Dĩ nhiên mái nhà lợp bằng tranh rạ ấy không bền như lợp ngói. Chỉ qua một vài mùa mưa là xám như màu tro. Những hạt lúa bắn tung lên trong mùa gặt theo hơi mưa bỗng chốc rủ nhau nảy mầm. Mái nhà trở nên lốm đốm từng vạt xanh non như mạ.
Cũng long lanh trong nắng, cũng rung rinh trong gió, cũng chấp chới dưới những cánh bướm, nhưng chỉ mươi hôm là buồn xo ủ rũ, rồi gục chết trên mái rạ mà chúng cứ tưởng là trên đất.
- Xem thêm: Những căn nhà xưa
Những hạt thóc hẩm hiu đó không được một cái chết cảm động như khi được xay giã để nấu thành cơm. Nằm trong nhà lá mái mà nghe xay lúa giã gạo, cứ như nghe một bản giao hưởng mộc mạc.
Tiếng rì rào của hàng vạn hạt lúa vừa mới bị bóc vỏ, tiếng giàng xay kêu cút kít, tiếng nện thình thịch của chày, tiếng gạo và cám chà xát nhau trong cối, cùng với tiếng gió thổi qua bụi tre, và đôi lúc có tiếng chim sáo hót lên cao vút.
Bao nhiêu cây đàn không dây ấy đã ru tôi suốt một thời bé dại và giờ đây, tuy mái nhà năm xưa trong hồn đã thành một nấm nhà buồn, tôi vẫn không làm sao quên được những âm hưởng ấy cùng với những mùi hương xưa cũ.
Bây giờ ở Bình Định, gần như những ngôi nhà lá mái ấy đều bị chiến tranh tàn phá, hiếm hoi lắm mới gặp được một vài ngôi nhà có hình dạng như thế nhưng không còn giữ được cái hồn của năm xưa.
Thay vì lợp tranh rạ, người ta lợp tôn. Từ xa trông vào cứ như một người vừa bị lột da đầu. Lột chứ không phải cạo! Cũng không trách được vì lúa ngắn quá, mềm quá, và ai lại bỏ công cứ vài ba năm lại thay một lần.
Nhà lá mái cũng như những sinh vật quý hiếm cứ mai một dần. Dù biết đó là một quy luật nghiệt ngã, nhưng vẫn cứ buồn. Tôi viết những dòng này để đừng ai lầm tưởng rằng, nhà lá mái chỉ là một mái lá đơn sơ.