Không phải ai ở vị trí làm sếp cũng hành xử giống nhau. Không ít người làm sếp nhưng gần như không thể tạo ảnh hưởng đối với người khác. Và khi nhân viên không thể có được sự huấn luyện, bồi dưỡng, tầm nhìn và những nguồn lực mà họ cần để thực thi tốt công việc thì họ sẽ xuống tinh thần, không còn quan tâm, không còn cố gắng làm việc nữa. Trong những trường hợp như thế, thông thường có năm hành vi yếu kém có thể đang xảy ra ở vị trí lãnh đạo.
Người lãnh đạo có “khuynh hướng ái kỷ”
Rối loạn nhân cách ái kỷ hay yêu bản thân thái quá là một dạng rối loạn nhân cách. Theo tác giả, nhà trị liệu tâm lý Joseph Burgo, những vị sếp yêu mình thái quá có thể là “hung thần” hủy hoại sự nghiệp của cấp dưới. Những người này thường bất chấp tất cả để chứng tỏ rằng họ là người thắng cuộc và không ngần ngại làm cho người khác cảm thấy mình là kẻ chiến bại. Anh ta sẽ hạ thấp thành quả trong công việc của bạn hoặc nhạo báng bạn ngay tại cuộc họp. Khi anh ta cần điều gì đó từ bạn, anh ta có thể trở nên nguy hiểm. Và ở mức độ “độc hại” nhất, người được gọi là sếp này sẽ làm cho bạn nghi ngờ chính mình và hồ nghi giá trị của bạn đối với tổ chức hay người tuyển dụng bạn.
Sếp không nhìn nhận thành quả, nỗ lực của thuộc cấp
Người lãnh đạo giỏi không bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc khích lệ và nhìn nhận những kết quả xuất sắc mà nhân viên đạt được. Viện Gallup đã khảo sát hơn 4 triệu nhân viên trên khắp thế giới về chủ đề này. Theo kết quả khảo sát, những nhân viên thường xuyên được nhìn nhận và khen ngợi sẽ tăng năng suất làm việc, tương tác nhiều hơn với đồng nghiệp, gắn bó lâu dài hơn với tổ chức và khách hàng do họ phụ trách cũng hài lòng hơn, trung thành hơn với doanh nghiệp; đồng thời họ cũng ít gặp sự cố trong công việc.
Lãnh đạo ứng xử với nhân viên như những con số
Đối với các cấu trúc quyền lực theo hình tháp từ trên xuống dưới, nhân viên bị xem như những “con ong thợ”, là chi phí hơn là tài sản. Tại những môi trường làm việc như thế, hạnh phúc và đời sống vui khỏe của nhân viên ít được quan tâm vì động cơ thuê họ thuần túy là năng suất và lợi nhuận. Người lãnh đạo hiếm khi thể hiện lòng trắc ẩn và sự cảm thông đối với nhân viên như những cá thể quý giá. Kết quả là nhân viên sẽ đối mặt với stress nặng, thường xuyên bị luân chuyển và kiệt sức.
Kiểm soát thái quá
Một người quản lý kiểu vi mô chỉ chăm chăm kiểm soát nhân viên. Họ tạo ra môi trường làm việc độc đoán và ngột ngạt. Vị sếp này không tin tưởng tập thể và hiếm khi giao việc cho người khác. Cũng khó diễn ra thảo luận nhóm hoặc phản hồi liên tục vì phong cách quản lý chuyên quyền của họ sẽ hạn chế sự sáng tạo và niềm khao khát được học hỏi những điều mới mẻ.
Không chia sẻ thông tin
Một lý do hàng đầu khiến nhân viên phải bỏ việc là sự che giấu thông tin – hay người quản lý thiếu minh bạch từ góc độ cá nhân lẫn góc độ tổ chức. Đây là dạng lãnh đạo mà nhân viên không bao giờ tin tưởng. Sự tin tưởng là nền tảng cho bất cứ mối quan hệ tốt đẹp nào và chúng ta không thể có được nền tảng đó nếu không có sự minh bạch trong môi trường làm việc. Nếu lãnh đạo chia sẻ thông tin một cách cởi mở thì cấp dưới sẽ làm việc cật lực hơn, kính trọng họ hơn, sáng tạo hơn và giải quyết vấn đề nhanh hơn.