Nhắc đến Ghana (Tây Phi) là nhắc đến một đất nước có một mỏ vàng lớn nhất thế giới và hiện nay vẫn là nơi sản xuất nhiều vàng nhất châu lục. Nước này có tới hơn 300 mỏ vàng lớn nhỏ và hàng năm cho ra tới 150 tấn vàng. Chưa dừng lại ở đó, Ghana cũng có cực nhiều đá quý, kim cương, bauxite và măng gan…
Do chiếm tới 70% lượng vàng của Tây Phi nên trong hàng trăm năm, nơi đây luôn bận rộn với việc buôn bán vàng và thu hút rất nhiều bạn hàng ngoại quốc tới để đầu tư vào vàng. Mọi người sẽ tự hỏi: nếu nhiều vàng như vậy thì họ sẽ cân đong, đo đếm thế nào? Tất nhiên, người bán vàng hẳn sẽ có cách để cân được vàng, và cách thông dụng nhất được biết từ thế kỷ 14 trở đi đến cuối thế kỷ 19 là những quả cân bằng đồng thau (mrammuo) hết sức đa dạng, mà vì cũng có một màu vàng óng, chúng có giá trị còn hơn cả vàng.
Những quả cân này xuất phát từ một vùng đất có nhiều vàng nhất Tây Phi, cũng là nơi có một nền văn hóa lâu đời với nghệ thuật điêu khắc, đúc đồng đạt trình độ tinh xảo, tuyệt đẹp, vượt xa nhiều nền văn hóa xưa nay. Đó là nền văn hóa Akan được nuôi dưỡng bởi một ngôn ngữ rất giàu từ vựng, châm ngôn và tục ngữ. Để đáp ứng việc cân vàng, các nghệ nhân đã đúc những quả cân và gửi gắm vào đó cả sự giàu có về động thực vật lẫn các sinh hoạt dân dã trong một nước, cùng với khá nhiều kỹ thuật, công nghệ tiến bộ nhất bấy giờ để phục vụ cho một chất liệu ai cũng yêu thích là vàng.
- Xem thêm: Nghề chạm khắc xương ở Lucknow
Thứ kim loại này không phải ở đâu cũng có, mà chỉ tập trung tại vùng Akan và một số vùng thuộc Ghana, và do nằm gần bờ biển nên có cái tên Bờ Biển Vàng. Đối với người Akan, vàng không chỉ đem lại sự thịnh vượng cho đất nước qua thương mại, mà còn là biểu tượng của mặt trời đem tới hơi ấm, sự sống cũng như một biểu hiện của kra (linh hồn). Và để kiểm soát được vàng, xem người ta mang đi, mang đến bao nhiêu vàng, vua chúa, các thương nhân Akan đã cho làm những quả cân mrammuo có nhiều vạch, đơn vị, từ lớn tới nhỏ giống như bao quả cân khác nhằm cân những hạt bụi vàng, vàng cám, vàng cát…
Ai nấy đều mang theo nhiều quả cân, và do sự đặc sắc cùng độ chính xác của chúng, những quả cân luôn được lưu truyền đến nay và mọi người vẫn thấy chúng trong các bộ sưu tập triển lãm tại gia hoặc bảo tàng. Cách cân vàng cát ngày xưa là: người ta sẽ đặt một quả cân lên một đĩa cân và đổ vàng cát lên đĩa cân còn lại, khi chúng thăng bằng có nghĩa là số hạt vàng ấy đã được xác định. Sau đó, nó sẽ được cất trong một cái hộp trang trí diêm dúa, gọi là hộp vàng kuduo. Mặc dù nhỏ xíu, nhưng mỗi hạt vàng đều là những đồng tiền quý giá của cả châu Phi lúc đó. Một hạt có thể mua được nhiều thứ, hai hạt thì mua gấp đôi…
Được dùng để cân vàng nên những quả cân Akan cũng phải cực kỳ trang nhã và ngay trong khâu đúc khuôn, tạo hình, người ta cũng cần hết sức cẩn trọng. Người ta thường dùng đồng thau nhập khẩu, kết hợp với khuôn sáp ong, tức là lấy sáp ong tạo khuôn, rồi rót đồng nóng chảy vào đó. Đôi khi họ cũng dùng các vật nhỏ thay cho sáp, ví dụ như vỏ sò, càng cua, quả cứng hay các con bọ, và dĩ nhiên khi ra lò cũng tạo được những tác phẩm xinh xinh. Tựu trung, quả cân Akan có 2 dạng sau: hình học và hình nhân. Hình học là các hình cơ bản thường thấy như vuông, tròn, tam giác, chữ thập, hình thoi, ngoài ra là các công cụ, vũ khí, đồ đạc trên mặt khắc đầy họa tiết.
Hình nhân có thể là người, chim thú, cây cối, cảnh tượng sinh hoạt nào đó, ví dụ như chèo thuyền, giã gạo, đánh trống… Song dù là gì, chúng đều miêu tả một câu chuyện, một biểu tượng trong văn hóa Akan và có thể được nói ngay trên một quả cân hoặc chia nhỏ ra trên nhiều quả cân và cùng liên hệ với các châm ngôn, tục ngữ.
- Xem thêm: Điêu khắc đá cẩm thạch Agra
Buôn bán, nhất là bán vàng, luôn phải dùng tới những ẩn ý hoặc sự đa nghĩa để hỏi về giá, chất lượng, địa điểm giao dịch, thậm chí người chủ, và người ta sẽ không nói thẳng ra mà đi vòng vo một lúc, chắp ghép cái này cái nọ để tránh lộ bí mật hoặc bị tranh cướp. Vì thế, mỗi quả cân luôn cần phải có người am hiểu những thông điệp đã được mã hóa.
Nói như vậy để thấy rằng người xưa không chỉ khắc ghi những đơn vị đo lường cho vàng mà còn truyền tải vào chúng những thông tin đa dạng, thường là qua các hình ảnh, ký hiệu, câu chữ đưa ra những lời khuyên, gợi ý hay đòi hỏi điều gì.
Một trong những hình ảnh thường thấy trên các quả cân Akan là hình ảnh của con chim thần Sankofa với cái cổ dài giúp nó rỉa lông được từ đằng trước ra đằng sau, có ý nói các thương nhân đừng quên nguồn cội, dù đi tới đâu vẫn nên nhớ về mảnh đất Akan, và cũng ngụ ý về sự tôn trọng quá khứ, bạn hàng, những người đã chơi với mình trước đó mà giữ chữ tín tới cùng, từ đầu chí cuối.
Một hình ảnh quen thuộc nữa là hình ảnh của con voi châu Phi với thông điệp về sự an toàn, che chở khi ta tìm được một đối tác lớn đáng tin để đầu tư; ai nấy muốn phát triển phải tìm được một bạn bè thật tốt. Hình ảnh của chú chim bị buộc một nút lỏng lại nói về sự cẩn thận, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi làm gì, chứ đừng chủ quan để rồi của cải tuột mất. Vẫn là một chú chim song chân dẫm lên một con chim non lại đề cập tới tinh thần trách nhiệm của ông chủ đối với nhân viên, khi biết chở che, dẫn dắt, công bằng song vẫn giữ trật tự với cấp dưới. Vì những ý nghĩa nhân văn phong phú, các thương nhân cũng hay dùng những quả cân này làm các bảo bối và bùa phù.
Mặc dù vàng được chở từ Tây Phi đi khắp nơi, chủ yếu sang châu Âu, trong đó có Anh, nhưng đến năm 1896, chính quyền Anh đã bãi bỏ việc dùng bụi vàng để làm tiền tệ và thay nó bằng đồng bảng sterling, khiến việc sản xuất những quả cân vàng cũng dừng lại từ đây. Nhiều quả cân hiện giờ đã trở thành những đồ lưu niệm và hiện vật cổ kính trong các bảo tàng của Ghana và khu vực. Tuy không được dùng nữa để đo đếm, song vì vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng, chúng vẫn là những vật trang trí, trưng bày tuyệt vời, có lẽ không có gì hấp dẫn hơn.