Khi tái hiện không khí trí thức của Viện Đại học Đà Lạt trước 1975 cho các cuốn sách biên khảo của mình, có một nhân vật đặc biệt mà tôi nhiều lần muốn viết nhưng rồi lại ngần ngại. Tôi nửa muốn giữ khoảng cách với ông, lại vừa muốn đọc đủ để hiểu lối xuất xử trong đời của một con người vừa gần gũi vừa có gì đó rất bí ẩn. Nhắc đến tên ông, tôi như thể được dẫn đến một lối đi tịch mịch của một đan viện.
Rồi cơ duyên để hiểu, viết về ông cũng đến vào những ngày cuối năm 2020, khi tôi được chính thức đọc cuốn hồi ức và một tập thơ của ông, do các học trò ông tự tổ chức ấn hành để mừng thượng thọ 95 tuổi của người thầy đáng kính…
Cuốn Hồi ức và tập thơ Thế Tâm tạp vận của Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020) ra mắt lặng lẽ như chính cuộc đời tịnh mặc của ông; có lẽ số lượng in chỉ đủ phát cho các học trò và những người yêu mến ông giữ làm kỷ niệm.
Trước những con đường
Ông Nguyễn Khắc Dương chính là bào đệ của GS. Nguyễn Khắc Viện và là bào huynh của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, GS-TS. Nguyễn Khắc Phi. So với các anh, em trai, ông có bề lặng lẽ và ít được biết đến. Ông tự ví mình là “cỏ mọn hoa hèn” trước tạo hóa, kẻ luôn “bên lề trôi dạt” trong cuộc đời.
Ông sinh năm 1925 tại làng Thịnh Xá, nay thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh trong một gia đình Nho học giữa thời Nho giáo mạt vận. Thân phụ là người có tiếng thanh liêm, từng dạy học, làm tri phủ rồi có khi lên đến chức thượng thư dưới thời nhà Nguyễn. Nhưng từ nhỏ, bằng sự nhạy cảm của mình, cậu bé Nguyễn Khắc Dương đã nhận ra những khắc khoải khổ tâm của cha khi làm quan cho Nam triều, đặt dưới chế độ bảo hộ của Pháp.
Ông bộc bạch: “Hình ảnh Người (thân phụ ông, cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm – NVN) bắt chân chữ ngũ, tay phe phẩy chiếc quạt nằm dài trên tấm phản ngựa kê trước thềm nhà Dinh Tham tri Bộ Hình ở Huế, tay gác lên trán ngâm thơ với giọng hơi trầm dưới ánh hoàng hôn, có một cái gì buồn nản, tuy nhẹ nhàng, không bi đát lắm nhưng thật thấm thía”.
Và cũng từ nhỏ, cậu bé Dương đã sớm để ý đến những bạn bè trí thức mà cha mình thường giao du, đàm luận thơ văn, thế cuộc. Trong số đó, có các cụ Võ Bá Hạp, Huỳnh Thúc Kháng…
Xuất thân từ một “danh gia vọng tộc” trong xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân tư sản ở vùng quê xứ Nghệ trước Cách mạng 1945, Nguyễn Khắc Dương lại bước chân vào trường Tây khá sớm. Ông được gia đình cho vào học hành ở Huế từ sớm. Một kỷ niệm đặc biệt, khi còn là học sinh tiểu học trường Bao Vinh (Hương Trà, Huế), có lần cậu bé Dương được duyên gặp gỡ cụ Phan Bội Châu. Câu hỏi mà cụ Phan đố cậu bé tiểu học lúc ấy là: “Con có biết nước ta tên gì không?”.
“Chẳng hiểu sao cụ Phan lại hỏi tôi câu hỏi ấy?! Phải chăng cụ Võ Bá Hạp giới thiệu với cụ Phan rằng tôi là con trai của thân phụ tôi, một vị hoàng giáp đất Nghệ Tĩnh hiện đang làm quan phủ doãn (tỉnh trưởng), nên cụ hỏi thử xem tôi có đến nỗi mất gốc chăng! May mà tôi chưa học câu ‘Nos ancêtres les Gaulois’ (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois) mà trái lại, rất ham và rất thuộc môn sử Việt Nam, nên tôi trả lời đúng: ‘Dạ bẩm, con là người Việt Nam’”, ông nhớ lại.
Được học trong môi trường ảnh hưởng sâu bởi chương trình giáo dục Tây học (đậu tú tài toàn phần Pháp), nhưng câu chuyện những cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, những gương anh hùng trong sử Việt từ Trưng Vương đến Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung… đã sớm đi vào suy nghĩ của cậu bé Dương với niềm kính trọng đặc biệt.
“Lạc bước miền Nam”
Nhưng con đường xuất xử trong đời của Nguyễn Khắc Dương lại nằm ngoài những chọn lựa dấn thân tranh đấu trực tiếp. Không khí các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, Phố Châu với Nguyễn Khắc Dương trong thập niên 1940, chỉ “âm vang từ xa”, “không thôi thúc đi đến chỗ tham gia một phong trào nào cả”. Cách chọn lựa thế sống của những thầy học, đàn anh như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu hướng tới văn hóa, giáo dục, tu thân, đào sâu suy tư và giữ mực thước trí thức trước thời thế hỗn loạn cũng ảnh hưởng đến ông.
Về tâm linh, ông sớm đọc và đam mê Pascal, lại được trưởng thành trong không gian trường học Công giáo (ở trường Thiên Hựu, Huế) nơi có không khí của một gia đình mật thiết mà ông gọi là liên-ngã-vị (relation intersubjective), ông bị hấp dẫn bởi những cuộc tìm kiếm đào sâu tâm thức theo truyền thống Kitô giáo.
Năm 1948, Nguyễn Khắc Dương về dạy Việt văn lớp đệ nhị, đệ tam trong một ngôi trường trung học dân lập tại quê nhà Hương Sơn, Hà Tĩnh theo ý muốn của thân phụ. Đó là thời kỳ gia đình ông rơi vào không khí ảm đạm, khủng hoảng: gia thế địa chủ quan lại đã phải chịu ít nhiều bị ép uổng bởi thế lực chính trị mới nổi. Ông thoát khỏi cuộc khủng hoảng tinh thần thời điểm đó bằng một con đường riêng: tìm đến với nhà thờ. Một lễ rửa tội, trở thành con chiên, tín hữu Kitô giáo là một hướng cứu rỗi trong tâm hồn. Và một bước tiến khác trong chọn lựa cá nhân: một năm sau đó (1950), ông vào dòng Francis ở Vinh để “đi tìm một cuộc đời tinh thần phù hợp với bản thân”. Thời gian sau, ông được chuyển đến nhà dòng Francis Nha Trang để học thần học. Rồi thật khó ngờ, một sự kiện không mong muốn đã xảy đến: năm thứ nhất thần học, ông bị gọi lính.
Tháng 4.1954, ông cùng một thầy dòng khác bỏ dở thần học để lên đường vào trường Võ bị Thủ Đức, rơi vào cuộc sống binh lính ở quân trường, như ông nói, là “đầy những tập tục không mấy thanh cao của đời đi lính”. Nhưng ông may mắn được làm “lính văn phòng”, nhờ đó, có thể nuôi hy vọng giữ mình không “lấm máu”, để khi giải ngũ có thể trở về lại tu viện. Một anh lính ngoài “quân ngũ văn phòng” thì dành thời gian đọc kinh lần hạt. Ông biến môi trường quân đội để suy niệm về thân phận con người trong cuộc chiến.
Năm 1956, ông trở lại nhà dòng và được cử sang học thần học tại học viện của tỉnh dòng Francis ở Paris. Tại đây, ngoài hoàn thành chương trình nghiên cứu thần học, ông ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne, tốt nghiệp cử nhân năm 1960. Ông bỏ ngang chương trình nghiên cứu tiến sĩ triết học để chuyển vào đời sống chiêm niệm ẩn tu trong Đan viện Biển Đức (Benedict). Và thế rồi chỉ hơn sáu tháng, ông lại lang thang giữa nước Pháp như một kẻ loay hoay tu chỉnh những gì chưa thật sự khớp trong đời sống hướng thượng. “Hình như tôi vẫn mơ mộng một dạng học thức “tâm truyền”, một bác phó mộc vừa bào vừa thỉnh thoảng hút thuốc lào, khề khà câu chuyện với em bé hốt dăm bào, tung tóe trước một túp lều trước ngõ đường làng. Tôi thật là lạc hậu phản tiến bộ quá đỗi!” (trang 198, Hồi ức).
Cuối 1965, ông rời Paris về miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, anh trai ông, GS. Nguyễn Khắc Viện lại là cán bộ văn hóa cấp cao, bác sĩ miền Bắc được nhiều người trọng vọng. Đã có nhiều tin đồn rằng Nguyễn Khắc Dương được miền Bắc “cài cắm”. Đó là lý do mà GS. Nguyễn Văn Trung muốn đưa ông về Đại học Văn Khoa Sài Gòn mà không được chấp nhận.
- Xem thêm: Lan man với ký ức
Năm 1966, linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt mời ông “thầy tu tài tử” Nguyễn Khắc Dương lên cao nguyên giảng một số giờ triết tại Văn khoa Đại học Đà Lạt theo chế độ giảng huấn mà trường này thường liên kết với các giảng viên, giáo sư và chuyên gia ở Sài Gòn. Bấy giờ, Khoa trưởng Văn khoa là Linh mục Lê Văn Lý, Trưởng ban Triết học là linh mục, nhà nghiên cứu Lê Tôn Nghiêm. Ban giảng huấn Văn khoa của viện này quy tụ những tên tuổi lớn của học thuật miền Nam.
Sau những tiết mời giảng, GS. Nguyễn Khắc Dương tìm thấy môi trường Viện Đại học Đà Lạt êm đềm, có thể gắn bó lâu dài nên đồng ý ở lại làm giáo sư thường trực.
Nguyễn Khắc Dương được đồng nghiệp yêu mến bởi sự uyên bác lẫn lối sống nhẹ nhàng, thanh bạch. Ông được mời đi giảng ở Đại học Sài Gòn và Đại học Huế. Trong môi trường giảng đường mà các giáo sư đa phần là linh mục, giám mục nghiêm trang thì phong thái tự do, thân mật của thầy Nguyễn Khắc Dương được sinh viên nể phục và gần gũi. “Tôi có quan niệm rằng, không có ai dạy triết cho ai, không có ai học triết với ai được cả! Chỉ là kẻ trước người sau trên đường đi tìm triết lý cho mình, do mình; gặp nhau thì giúp đỡ nhau, khuyến khích nhau, nâng đỡ trao đổi kinh nghiệm với nhau mà thôi. Do đó thi cử tôi cho là phản triết học, chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ!”, GS. Nguyễn Khắc Dương kể lại.
Là một người có sự khiêm cung của một tu sĩ, lại có lối sống cởi mở như một giáo dân, nên trong Viện Đại học Đà Lạt, không gian học thuật, giáo dục do các trí thức là tu sĩ công giáo lập nên, ông Dương được xem là người trung lập, có thể tháo gỡ nhiều vướng mắc; có lối cư xử nhã nhặn, hài hòa trong tương quan đồng nghiệp. Ông được tín nhiệm và giữ chức vụ Trưởng ban Triết học thay cho Lê Tôn Nghiêm, và quyền Trưởng Văn khoa từ 1965.
“Bên lề và trôi dạt”
Sau đảo chánh 1963, Viện Đại học Đà Lạt gặp nhiều khó khăn (lý do được giải thích là Viện Đại học Đà Lạt do Giám mục Ngô Đình Thục sáng lập, nên vẫn bị chính quyền quân đội miền Nam coi là gắn với chính phủ Ngô Đình Diệm). Có những thời điểm Linh mục Viện trưởng phải đi vay tiền để phát lương cho giáo sư và nhân viên.
Đầu thập niên 1970, vì những khó khăn đó, Viện Đại học Đà Lạt có chiều hướng “thực tế” khi khuếch trương phân khoa Chánh trị Kinh doanh, nhưng vẫn phát triển chuyên môn sâu cho Văn khoa, như việc kết hợp với Giáo hoàng Học viện thánh Pio X đưa các nhà nghiên cứu thần học về giảng dạy và sau đó sáp nhập khoa Thần học của Giáo hoàng Học viện vào Viện Đại học Đà Lạt (1974). Dù những ông thầy của Viện thời kỳ đó có thể bị đặt trước rất nhiều áp lực và trở lực, nhưng một điều thiêng liêng và cốt yếu nhất mà họ bảo vệ cho bằng được đó là không khí tự trị đại học, tôn trọng học thuật, đúng với một tên gọi khác mà người ta thường dùng để gọi Viện Đại học Đà Lạt: Viện Đại học Thụ Nhân!
Bánh xe lịch sử đã lăn qua những khoảng gập ghềnh này, rồi lại đến những trận nghiêng ngửa khác. Cuộc chiến kết thúc, đất nước hòa bình. “Ông thầy tài tử” ra trình diện và chấp nhận đi vào trại học tập Sông Mao (Phan Thiết) 16 tháng. Trái với sự dằn vặt khổ đau của nhiều trí thức thời kỳ ấy, từ trại Sông Mao, ông Dương lại thực hành chiêm niệm. Ông nhận ra trại cải tạo là bước chuyển, hồng phúc lớn trong đời sống tinh thần, theo nghĩa, nhưng cái nghĩa chính yếu nhất: trong ngặt nghèo, con người được dịp kiểm nghiệm và nhìn thấy bản thân.
Ông viết, “16 tháng, tôi mới thực sự được học, mà tôi nghĩ ở trần gian này không có trường đại học nào có thể dạy tôi học tập như thời gian ấy”. Ở đó, ông nhận ra rằng trước nhọc nhằn và cái chết, con người của mình có lúc đã không thanh cao hay nhân ái như những gì mình từng nghĩ, dạy người khác. Tình huống xót xa nhất: ông từng giấu những viên thuốc cứu mạng khi một bạn tù cần đến, từng phải bỏ qua một bên cái tôi của một ông thầy dạy văn khoa trước những bài học tập duy ý chí…
Ông là giáo sư duy nhất của Viện Đại học Đà Lạt vẫn ở lại Đà Lạt sau 30-4-1975. Trong một ngôi trường đã đóng cửa, ông lặng lẽ làm vườn trồng su, trồng rau dưới những thửa rừng thông để sống qua ngày. Không được Nhà nước lưu dụng trong môi trường Đại học Đà Lạt thời kỳ mới, phải mang hồ sơ đi kiếm việc; có hai năm làm viên chức ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, năm năm ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhưng rồi có khi người ta lại thấy ông làm vườn trong thửa đất mà một sinh viên cũ nhường cho.
Cuộc đời thanh bần và ông vẫn giữ được sự bình thản dẫu mãi “bên lề và trôi dạt”.
Có một chi tiết cảm động “oái oăm” được ông thuật lại trong cuốn hồi ức, đó là sau khi đi cải tạo trở về Đà Lạt, ông gặp lại anh cả của mình – GS. Nguyễn Khắc Viện (lúc bấy giờ là một học giả uy tín, được trọng vọng của miền Bắc) trong một buổi tọa đàm tại chính Đại học Đà Lạt.
- Xem thêm: Nghe Christophe ở Đà Lạt
“Sau ngày trở về Đà Lạt, anh Viện là người đầu tiên đến thăm tôi tại Trường Đại học Đà Lạt. Điều đáng nói nhất là trong một buổi tọa đàm do trường tổ chức tại phòng khách nhà Viện trưởng cũ, tôi ngồi nghe anh Viện nói chuyện, mà cứ như trong mộng. Thật khó ngờ được rằng lại có cái ngày anh Viện tôi đến thuyết trình cho anh em cán bộ Trường Đại học Đà Lạt, ngồi tại chính cái phòng khách ấy! Và lẽ ra, ít nhất tôi cũng được đón anh tôi với tư cách giáo sư duy nhất ở lại Viện Đại học, lúc toàn Ban Giáo sư di tản, thế nhưng lại ngồi nghe anh như một anh ngụy quân đi học tập về chưa có quyền công dân! Tôi thương mình thì ít mà thương anh thì nhiều! Chẳng biết thâm tâm anh ra sao, nhưng tôi thấy anh có thương tôi nhiều nên mới lên thăm tôi để hai anh em chúng tôi phải sống những giây phút khá oái oăm như vậy!” (trang 261, Hồi ức).
Năm 1977, GS. Nguyễn Khắc Dương về Hà Nội thăm mẹ, như đứa trẻ trước người mẹ già gần đất xa trời. Ông chỉ có thể thốt lên rằng: “Vâng, con đi chơi lạc đường, may anh Viện dẫn về, chứ không chẳng biết đâu mà tìm”.
Từ 1986, sau khi thôi việc công chức ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng, ông ở lại Đà Lạt và sống ẩn dật như một cư sĩ. Cuốn sách đáng kể nhất mà ông dịch trong thời gian này, được xuất bản và gây chú ý một thời gian dài là trường thiên tiểu thuyết Vạn xuân của nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray (NXB Văn Học, 1997, in lại 2004). Đó là cuốn tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Trãi. Ông tìm thấy vẻ đẹp của sự khắc khoải trong hình tượng Nguyễn Trãi trong tác phẩm này. Có những trang văn như chính trải nghiệm cuộc đời trôi dạt của ông, đặc biệt đoạn tả Nguyễn Trãi về Côn Sơn sống ẩn và không thôi tự vấn về thời cuộc. Điều này hơn một lần, được Nguyễn Khắc Dương bộc bạch trên trang hồi ức, rằng từ thuở nhỏ, ông đã hết lòng kính trọng những anh hùng thất bại vì đấu tranh như Nhạc Phi, Nguyễn Trãi. Ông từng tự vấn: “Tôi cứ tự hỏi nếu họ thành công và có quyền lực thì họ có giữ được sự cao đẹp của lý tưởng ban đầu không?”.
Trên tay gấp bìa sách Hồi ức và tập thơ Thế Tâm tạp vận, là nụ cười của cụ già Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, thật nhẹ nhõm đôn hậu, có nét đẹp của một bậc ẩn tu. Nụ cười ấy phảng phất vẻ đẹp tinh khôi có lẽ được giữ lại từ thuở thiếu thời, dẫu cuộc đời đã qua nhiều thăng trầm.
Cụ Nguyễn Khắc Dương đang dành những năm cuối đời để sống trong Tu đoàn Bác ái Xã hội, Hàm Tân, Bình Thuận – nơi cụ vẫn có thể gặp học trò cũ của mình năm xưa ở Viện Đại học Đà Lạt ghé thăm và nhất là được sống trong tương quan liên-nhân-vị theo tinh thần một ẩn sĩ Kitô giáo. Vẫn nhất quán với con đường mà ông tâm niệm từ vài mươi năm trước: “Tự đáy tâm hồn, tôi khao khát một cái gì trường tồn vĩnh cửu tuyệt đối cho cái ngã vị của con người mà tôi nghĩ rằng có in dấu vết trường tồn, vĩnh cửu tuyệt đối, nỗi khao khát mà bất cứ giá trị cao quý nào của thế trần cũng không khỏa lấp được”.
Tôi mạnh dạn viết về ông – Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương – một nhân vật đã từng ghé qua và cống hiến cho một Đà Lạt trí thức trong quá khứ, vì tôi đã nhìn thấy rõ thế sống hướng đến mùa xuân miên viễn của ông trong dòng đời, cuộc thế nổi trôi. Ông là một nhân vật nằm bên ngoài những cuốn sách chưa trọn vẹn của tôi.