Là xứ sở của trò đấu bò tót mạo hiểm, nơi phát xuất của điệu múa Flamenco quyến rũ và quê hương của chàng trai Don Quixote nghĩa hiệp, Tây Ban Nha cũng là trung tâm của nhiều phát minh, sáng chế vĩ đại làm thay đổi thế giới, giúp cho cuộc sống dễ dàng, văn minh hơn. Khó có thể kể hết được những đóng góp của nước này trong lĩnh vực khoa học, chỉ xin nói tới một số phát minh độc đáo, thú vị.
Đầu tiên, ai cũng biết là chiếc mũ nồi Boina hay Bilba của Tây Ban Nha. Một chiếc mũ tròn mềm, phẳng dẹt, ôm khít đầu, che ngang trán như một nắp vung rực rỡ. Chiếc mũ này đã ra đời trước thế kỷ 19 trong cộng đồng du mục vùng Basque, phía Bắc Tây Ban Nha, rồi lan khắp nước, thậm chí cả châu lục.
Mũ được làm bằng len, bông nỉ nên cực ấm áp, song lại cao vừa phải và có thể đội thẳng hay lệch tùy ý, ở cả nam lẫn nữ. Mũ của nam giới thường có kết cấu mộc mạc, ít trang trí, còn mũ của nữ giới có thể đính hoa, nơ, phụ kiện đa dạng. Ở vùng Basque, nó thường có màu xanh nước biển, trong khi tại vùng Navarre lại đỏ đậm tựa son.
Nói chung, thiết kế của mũ khá nhẹ nhàng, nhưng vẫn hấp dẫn bởi sự tiện dụng, dễ tháo, dễ đội và tôn khuôn mặt, vầng trán cao rộng, cùng mái tóc ngắn nam tính hoặc mái tóc dài nữ tính, chưa kể tới là sự khỏe khoắn, thanh tú và hiện đại. Rất nhiều nam nhân như họa sĩ Rembrandt hay nhà cách mạng Che Guevara đều thích đội Boina vì sự gọn gàng, rắn rỏi do chiếc mũ mang lại, thậm chí quân đội nhiều nước cũng áp dụng nó cho trang phục quân nhân và cảnh sát, khi ấy trên mũ có thêm các huy hiệu, sọc kẻ, đuôi nheo.
Từ sản phẩm của những người chăn cừu vào đông, Boina đã trở thành mũ đội thường ngày của cả Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Mỹ, Úc…, đặc biệt là lực lượng vũ trang, tổ chức của Liên Hiệp Quốc và văn nghệ sĩ. Tại Việt Nam, nó cũng phổ biến trong nam phục các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan… Và dĩ nhiên, ở mỗi nơi, Boina đều được cải biến đi một chút, song luôn lấy sự thoải mái, vui nhộn, làm tiêu chí hàng đầu.
Không chỉ có mũ nồi, nhắc tới Tây Ban Nha, người ta còn nhớ đến Spacesuit, một bộ áo giáp phi thường, dành cho du hành gia. Bộ áo này đã xuất hiện từ năm 1935, và là công trình của nhà vật lý, kỹ sư quân sự, đại tá Emilio Herrea Linares.
Từ nhỏ, thích phiêu lưu do đọc nhiều tiểu thuyết của Jules Verne, rồi học hàng không vũ trụ nên ông đã mày mò chế tạo được nhiều thiết bị phục vụ việc bay trên cao cho quân đội. Và một tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc là bộ áo vũ trụ Spacesuit chịu được áp lực, có tên là Escafandra Estratonautica.
Nó không những dày dặn, giúp người mặc tránh khỏi những tia bức xạ, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, sức ép kinh khủng trên không gian, mà còn cung cấp ô xi liên tục cho phép các du hành gia làm việc bền bỉ suốt hai tiếng ngoài trời.
Spacesuit cũng có cấu tạo linh hoạt với nhiều khớp nối, xếp nếp giống một cây đàn accordion dễ dàng co kéo, vặn vẹo. Thật không may, vì nội chiến, ông đã chưa thể thử nghiệm nó ở các độ cao và thực địa như mong muốn, tuy nhiên Nga và Mỹ là hai nước đã thay ông sang sửa và thử nghiệm nó thành công trong cuộc chạy đua thám hiểm không gian chỉ ít lâu sau.
Vào năm 1961, du hành gia người Nga Yuri Gagarin là người thứ nhất, đã mặc Spacesuit dựa theo phát minh trên, bay được vòng quanh quỹ đạo trái đất. Tiếp tục năm 1969, hai nhà du hành người Mỹ Neil Amstrong và Edwin Aldrin thậm chí còn dùng nó bước ra ngoài khoảng không, đặt chân lên mặt trăng và làm việc trong ba tiếng.
Xưa nay, việc leo núi, đi từ chân lên đỉnh hoặc từ đỉnh này sang đỉnh kia vẫn luôn là một điều khó nhọc, tốn sức song nhờ cáp treo, mọi sự đã trở nên nhanh nhẹn, hanh thông. Xe cáp treo cũng là một thành quả của một kỹ sư Tây Ban Nha, ông Leonardo Torres Quevedo.
Vào năm 1887, ông đã thử dựng một cáp treo, dài 200m tại quê hương Molledo, và dùng hai con bò kéo hàng hóa lên cao, và nhờ nhiều lần thành công vào năm 1907 đã có tuyến cáp treo chở người trên núi Ulia, và rồi nhiều tuyến cáp treo ngắm cảnh khác, như cáp treo lên thác Niagara.
Từ đó tới giờ, ở các vùng núi, khu nghỉ dưỡng sơn địa nói chung đều có hệ thống cáp treo, sử dụng nguyên tắc điều khiển từ xa, và có thể đưa người hoặc vật lên cao hàng trăm mét, ví dụ như tuyến Peak2peak Gondola của Canada, lên cao 436m và đi một quãng đường giữa hai đỉnh núi xa 3,03km.
Ngoài đi trên không, nước này cũng phát minh ra tàu ngầm lặn biển Submarine với con tàu quân sự chạy điện tiền phong Peral, và được thiết kế bởi nhà khoa học Isaac Peral. Tàu bằng thép, dài khoảng 22m, có hệ thống điều hòa không khí và chứa một ống phóng hai quả ngư lôi.
Nó được chạy bởi hai mô tơ điện, mỗi cái sản sinh 22kw, và khi được sạc đầy dễ dàng lao nhanh với tốc độ dưới nước là 5,6km và trên mặt nước – 14,4km. Vào năm 1888, nó đã hạ thủy và phục vụ Hải quân suốt một thời gian dài trong và sau Đại thế chiến I cho tới khi được trưng bày tại hải cảng Cartagena, giới thiệu lịch sử hàng hải và quân sự.
- Xem thêm: Những phát minh giải cứu trái đất
Cũng nhờ tình yêu hàng không, vào năm 1923, Juan de la Cierva, một kỹ sư nữa của Tây Ban Nha, đã nghĩ ra chiếc Autogyro, tiền thân của loại máy bay lên thẳng ngày nay, với khả năng bay và đậu ở những nơi rất nhỏ hẹp, cũng như cho tốc độ vừa phải.
Autogyro chính là một máy bay trực thăng, dùng một thanh rôtơ lớn, cho xoay tự do để tạo lực nhấc và được cất cánh lần đầu vào tháng giêng năm 1923, sau đó nâng cấp dần để có hình dạng lý tưởng. Hôm nay, nó chuyên được dùng trong các hoạt động cứu nạn, cứu trợ, tham quan cả trên đất liền và biển, và các khu quân sự, dinh thự lớn trong thành phố đều có thể có máy bay này đậu ở trên nóc, và hay được gọi là phi cơ riêng.
Đế chế La Mã có lẽ là một trong các đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, vì ở đâu cũng thấy thuộc địa của La Mã hoặc chịu ảnh hưởng từ những thành tựu La Mã. Sở dĩ như vậy là vì người La Mã đi chinh chiến, mở mang bờ cõi khắp nơi.
Uy lực của họ có được là nhờ đoản kiếm Antennae, vừa sắc, vừa cứng, lại có hai lưỡi, và khi nằm ở cự ly gần phát huy sức mạnh tối cao, giúp đánh nhanh, thắng nhanh. Thế nhưng, kiếm Antennae thật ra lại là một vũ khí lâu đời của các bộ tộc trên bán đảo Iberia – Tây Ban Nha, và được các binh đoàn La Mã sử dụng từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên, khi phát hiện ra thế mạnh vô song của nó, thay vì kiếm dài và có một lưỡi.
Trong một lần tới Mỹ thập niên 1960, ông Manuel Jalon Corominas, một kỹ sư hàng không khác của Tây Ban Nha, nhìn thấy một bác lao công đang dùng một mảnh vải nhúng nước để cọ một nhà chứa phi cơ. Thấy bác vất vả, chốc chốc lại chạy tới chạy lui giặt giẻ, nên về nhà ông đã nghĩ ra chuyện lắp cán vào mảnh giẻ và thiết kế chậu nước ép nước ra mà tạo nên bộ chổi lau nhà hiện đại vào năm 1956. Nhờ nó, các bà nội trợ đã không phải quỳ gối khi lau nhà, cũng không mất sức vặn giẻ và hơn cả còn có thể dùng xà phòng tẩy rửa sàn sạch, rồi lau lại mau chóng.
Ngay cả cái dập ghim nhỏ bé cũng là của Tây Ban Nha. Vào thế kỷ 18, theo lệnh vua Louis XV (Pháp), các thủ thư phải đóng rất nhiều thư tịch, mà phần lớn đều là dán từng trang bằng sáp ong và hồ ướt. Nhằm giảm thiếu sức lao động, nhất là thời gian, tên là Charles Henry Gould, một thủ thư người Tây Ban Nha đã tạo ra những cái máy gập ghim, giúp việc đóng sách khẩn trương. Yêu thích chúng, đức vua còn cho phép ông làm chúng bằng vàng, nạm đá quý và khắc biểu tượng hoàng gia. Thế nhưng, phải đến năm 1866, máy gập ghim mới được cấp bằng và thuộc về nhà sáng chế người Mỹ George McGill.
Chiếc xe lăn hiện giờ đã rất quen thuộc trong các bệnh viện và nhà dưỡng lão. Song vào thế kỷ 16, nó là một thứ hết sức kỳ lạ và nhiệm màu, nhờ giúp người thương tật, không đi bộ được có thể di chuyển khắp nơi. Và chiếc xe lăn đầu tiên là xe của vua Philip II Tây Ban Nha. Do bị bệnh gout không đi lại nổi, đức vua đã nhờ rất nhiều nhà khoa học trong nước chế tạo một ngai vàng di động; và sau khi nó hoạt động, các vương công, hoàng tử ốm yếu của cả châu Âu đều tìm tới Tây Ban Nha đặt hàng.
Việc dùng thủy tinh- kính mắt cải thiện thị lực đã bắt đầu từ thế kỷ 9 tại Andalusia, một vùng của Tây Ban Nha. Bấy giờ, nhiều người ở đây có thị lực rất kém, thậm chí không nhìn thấy nhau, huống chi đọc thơ. Nên một thầy thuốc, kỹ sư, đồng thời là thi sĩ Abbas ibn Firnas đã làm nên những viên đá đọc, tức kính lúp, giúp họ nhìn rõ hơn.
Dù rằng bút chì đã phổ biến từ thế kỷ 16, nhưng phải tới năm 1945, người ta mới có cái gọt bút, còn đâu toàn dùng dao nạo. Phát minh này thuộc về Ignacio Urresti, người Tây Ban Nha, và có hình dạng của một chiếc máy xay cà phê với máy chụp ảnh, và gọt được bút chì nhờ quay cán cầm tay. Mới đầu, nó khá nặng, tới 1,5 kg và to bằng một cái điện thoại bàn.
Cũng vì nội chiến năm 1936 mà nhà thơ và in sách người Galicia Alejandro Campos Ramirez đã bị thương nặng và phải nằm viện khá lâu. Buồn bực vì không thể đi đâu chơi, và nhất là nghe bọn trẻ than phiền, chúng không được phép ra đường đá bóng, nên ông đã nghĩ ra trò chơi đá bóng trên bàn- foosball, với mỗi vị trí trên sân cỏ được quy đổi bởi một hàng cầu thủ bằng nhựa trên thanh sắt, và khi chơi ta chỉ cần cầm thanh này mà kéo, xoay, đẩy bóng về tứ phía. Foosball năm sau đã được cấp bằng sáng chế.
Em nhỏ nào cũng thích kẹo mút vì nó ngọt thơm, nhiều màu và kích cỡ. Thế nhưng, phải tới năm 1958, các em mới có loại kẹo này nhờ ý tưởng của một nhân viên xí nghiệp mứt táo khi nhìn thấy một đứa trẻ mút tay khi kẹo dính đầy các ngón, và cũng nghĩ ra việc phải gắn một cái que cho nó, bọc nhiều giấy màu, rồi đặt thương hiệu là Chupa Chups, theo tiếng Tây Ban Nha là “mút”, và về âm thanh thì gợi tiếng động hóm hỉnh. Để thu hút hơn, ông đã nhờ họa sĩ Salvador Dali quảng cáo hàng vào năm 1968, đưa nó lừng danh thế giới và tới nay có mặt ở 150 nước, và vào năm 1995 còn là kẹo đầu tiên được “mút” trên vũ trụ.
Vừa có nhiều kẹo, Tây Ban Nha cũng là vua của nhiều loại sô cô la, nhất là sô cô la nóng. Vốn sô cô na này đã xuất hiện từ Nam Mỹ vào thế kỷ 5, và do người Maya nghiền hạt ca cao thành bột và pha với nước, ớt xay để uống, song khi đến Nam Mỹ, thực dân Tây Ban Nha thấy nó cay chát, không ngon nên đã bỏ ớt mà thêm đường, uống nóng, giống như uống cà phê sữa bây giờ, và đưa nó thành một đồ uống tuyệt nhất thế giới.
Những cây đàn guitar sáu dây hôm nay đều đã ra đời từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18 ở Tây Ban Nha nhờ cải tiến cây đàn cổ vihuela. Vì thế, chúng có tên là đàn guitar Tây Ban Nha hay guitar cổ điển. Trước đó hàng nghìn năm, dân gian các nước cũng đã dùng đàn hạc, đàn lia giống với guitar song hình dạng cồng kềnh, khó chơi, và về dây cũng không thống nhất, chứa từ 4 – 10 dây, âm thanh ở mỗi dây phát ra không rõ rệt.
Mỗi năm, ngành y phải đối mặt với vô số dịch bệnh lan truyền qua đường tiêm trích, và chỉ giảm đi từ khi có loại xi lanh dùng một lần đến từ nhà khoa học Manuel Jalon Corominas, tác giả của cây chổi lau nhà. Nhờ khá rẻ, lại nhỏ gọn, sau khi tiêm, nó sẽ được bỏ đi, đảm bảo vệ sinh.
Trước khi tiêm hay mổ, bác sĩ bao giờ cũng phải khử trùng, và những người Moor ở Andalusia là những người đi đầu về việc khử trùng cho bệnh nhân. Họ đã dùng nhiều thảo dược và hóa chất thiên nhiên để khử trùng trong các cuộc phẫu thuật trong thế giới Hồi giáo từ thế kỷ 10.
Người Hy Lạp cổ đại và người Phoenicia là hai dân tộc đầu tiên đã mổ xẻ động vật để quan sát hoạt động bên trong. Tuy nhiên, những thí nghiệm trên chúng chỉ bắt đầu diễn ra khi có thầy thuốc người Moor Avenzoar vì ông là người giải phẫu động vật để nghiên cứu trước khi giải phẫu trên người.