Khi thâm nhập vào kinh đô điện ảnh Hollywood, Hedy Lamarr được xem là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới. Nhưng nữ diễn viên người Áo không chỉ là một phụ nữ đẹp.
Trong thời Thế chiến thứ Hai, bộ não biết tư duy này đã phát minh ra bản mẫu sơ khai của công nghệ wifi, Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System – GPS), điện thoại di động, hiện được các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao sử dụng và xem là biểu tượng của những đổi mới trình bày tại Phòng triển lãm công nghệ điện tử tiêu dùng (Consumers Electronics Show – CES) tại Las Vegas (Hoa Kỳ).
Phòng triển lãm công nghệ điện tử tiêu dùng vừa mở cửa tại Las Vegas để cho công chúng vào xem. Nhân dịp này, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao giới thiệu những đổi mới của họ từ hệ 5G đến các công cụ kết nối, xe tự hành…
Đây là cách họ thúc đẩy công chúng tiến xa hơn nữa trong công nghệ siêu kết nối và sự lệ thuộc vào công nghệ mới.
Điều mà cho đến nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết là một nữ diễn viên Hollywood được ca tụng trong những năm giữa hai thập niên 1930 và 1960 đã đóng góp đáng kể cho tiến bộ công nghệ. Gần 80 năm trước, Hedy Lamarr đã phát minh ra bản mẫu sơ khai của công nghệ wifi, GPS và điện thoại di động.
Ngất ngây bước vào thế giới Hollywood
Nếu được sinh ra 50 năm sau, Hedy Lamarr có thể đã trở thành một nhà phát minh nổi tiếng với thiên tài của mình. Nhưng lịch sử đã không lặp lại.
Tên thật là Hedwig Kiesler, nữ diễn viên Hedy Lamarr sinh ngày 9-11-1914 tại Vienne với hai dòng máu Áo – Hungary, trong một gia đình khá giả.
Hedy Lamarr học nhiều ngôn ngữ và được cha cô tạo cảm hứng, dẫn dắt vào thế giới kỹ thuật, công nghệ. Nhưng Hedy Lamarr đã từ bỏ việc học không bao lâu sau đó.
Được trời phú cho một sắc đẹp chim sa cá lặn, Hedy Lamarr quyết định khai thác nó và thử vận may trong nghề diễn viên.
Cô giành được vai diễn lớn đầu tiên ở tuổi 18 trong phim Extase của đạo diễn người Tiệp Khắc Gustav Machaty ra mắt khán giả vào năm 1933.
Cô đóng vai một phụ nữ bị chồng bỏ rơi, quay những cảnh khỏa thân 100% và trở thành nữ diễn viên đầu tiên đóng cảnh sex trên màn ảnh rộng.
Màn diễn xuất của cô đã bị Đức Giáo hoàng Pie XI lên án mạnh mẽ và thế giới điện ảnh không ngớt lời bình phẩm về cô.
Vào năm phát hành bộ phim Extase, Hedy Lamarr kết hôn với Freidrich Mandl, một trong những nhà kinh doanh vũ khí lớn nhất thế giới, nhà cung cấp vũ khí cho Mussolini.
Vì ghen, chồng cô đã tìm cách phá hủy tất cả các bản sao của bộ phim Extase làm cho Hedy Lamarr cảm thấy nghẹt thở, nghẹn ngào.
Năm 1937, Hedy trốn chồng, rời nước Đức và đến bờ Tây nước Mỹ, nơi các nam và nữ diễn viên khắp nơi trên thế giới ước mơ được đến để thử vận may nghề nghiệp.
Tại đó, Hedwig Kiesler chính thức trở thành Hedy Lamarr với hợp đồng đóng phim trong bảy năm cho hãng MGM (Metro-Goldwyn-Meyer), hãng phim lớn nhất của Hollywood, và đóng nhiều phim truyện dài.
Nổi tiếng là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới, Hedy còn bị xem là người lừa đảo đàn ông với sáu cuộc hôn nhân và nhiều mối tình tan vỡ.
“Trí tuệ khổng lồ” trong cơ thể nữ diễn viên
Nhưng phía sau khuôn mặt xinh đẹp và danh hiệu ngôi sao điện ảnh, ẩn giấu một nhà phát minh tài danh hiếm hoi mà những người say mê điện thoại thông minh ngày nay nên biết ơn.
Trong một sự kiện xã hội, Hedy đã gặp nghệ sĩ piano George Antheil, một cộng sự thiên tài, người mà sau này đã mô tả Hedy là “một trí tuệ khổng lồ so với những nữ diễn viên khác của Hollywood”.
Hai nghệ sĩ tâm đầu ý hợp bắt đầu nhiều cuộc thảo luận dài về… vũ khí. Cả hai đều hiểu biết và quan tâm đến đề tài này.
Hedy thường hiện diện tại những nơi mà người chồng đầu tiên, Freidrich Mandl, hay lui tới với tư cách là thanh tra quân nhu của Hoa Kỳ.
- Xem thêm: Chiếc máy đọc tư tưởng con người
Thế chiến thứ Hai làm tan nát châu Âu và giết chết nhiều binh sĩ Mỹ. Quân đội gởi nhiều ngư lôi vô tuyến điều khiển để tiêu diệt các tàu lặn của phát xít Đức, nhưng vũ khí lợi hại này thường bị địch phát hiện và đánh lạc hướng.
Hedy Lamarr và George Antheil cùng hợp tác phát minh ra hệ thống mã hóa truyền động vô tuyến có thể đánh lừa kẻ thù.
Kỹ thuật này có thể áp dụng cho ngư lôi vô tuyến điều khiển, chính là bản mẫu sơ khai của “trải phổ bằng cách nhảy tần số”, phương thức truyền này được sử dụng trong công nghệ wifi, định vị địa lý, điện thoại di động và Bluetooth ngày nay.
Cả hai nhà phát minh đã nộp bằng sáng chế vào ngày 10-6-1941 và cho phép quân đội Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng phát minh của mình.
Tuy nhiên, kỹ thuật của họ quá mới mẻ, chỉ được ứng dụng lần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Nhưng cả hai không bao giờ nhận được lời cảm ơn.
Sự thừa nhận muộn màng
Hedy Lamarr tiếp tục góp mặt trong một số phim khác, sau đó sự nghiệp điện ảnh của Hedy bắt đầu sa sút. Sắc đẹp của Hedy không còn đủ để tham gia các bộ phim Hollywood nữa chăng?
Trong quyển tự truyện của mình Ecstasy and Me xuất bản năm 1966, Hedy tâm sự rằng sắc đẹp này “chỉ mang đến cho tôi bi kịch và đau đầu trong suốt năm thập niên.
Khuôn mặt tôi là một chiếc mặt nạ mà tôi không thể tháo ra được. Tôi phải chung sống với nó. Thật là đáng nguyền rủa!”.
Phẫu thuật là một thất bại và quyển tự truyện này phơi bày những khoảnh khắc thầm kín nhất của cuộc đời người đẹp, đã làm xấu thêm hình ảnh của Hedy.
Hedy cáo buộc nhà xuất bản đã lừa đối cô, nhưng cô đã thua kiện. Số tiền hàng triệu đôla Hedy kiếm được trong thời đĩnh cao nghệ thuật cuối cùng rồi cũng tiêu tan theo mây khói.
Ba năm trước khi lìa đời, tài năng sáng chế của Hedy cuối cùng rồi cũng được công nhận: Hedy nhận được giải thưởng của tổ chức Electronic Frontier Foundation vào năm 1997.
Sau khi qua đời, Hedy Lamarr và George Antheil được ghi danh vào National Inventor Hall of Fame, một tổ chức của Hoa Kỳ chuyên vinh danh những nhà phát minh vĩ đại nhất.
Năm 2017, phim tài liệu From Extase to wifi của đạo diễn Alexandra Dean nói về Hedy Lamarr, ngôi sao điện ảnh Hollywood, người đi tiên phong trong phát minh công nghệ wifi giúp chúng ta giao tiếp chỉ bằng cái nhấp chuột hiện nay.