Hướng đến việc tạo nên những giá trị bền vững cho ngành sản xuất cà phê và người nông dân, những cái tên như Cầu Đất Farm, Nam Long Coffee… đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác tại Cafeshow lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam từ 12 đến 14-5-2016. Đây là những nhân tố mới góp phần tạo nên sinh khí cho ngành cà phê vốn đang gặp khó ở khâu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm.
Bạn đồng hành cùng người nông dân
Từng là phóng viên của một tờ báo lớn, anh Ngô Phi Bay, sáng lập viên và điều hành Nam Long Cofffe, đã có dịp đi đến nhiều vùng miền ở Việt Nam, đặc biệt là những vùng trồng cà phê. Sau những chuyến đi như thế, anh phát hiện một thực trạng đáng buồn. Đa số người trồng cà phê có cuộc sống bấp bênh vì giá cà phê thấp, nguyên do phần nhiều là nông dân không biết cách chăm sóc, thu hái cà phê khiến tỷ lệ cà phê sống nhiều hơn cà phê chín làm giảm chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều thương lái ép giá nông dân để thu lợi nhiều hơn về mình. Chính vì điều này, ngay cả những nông dân cần mẫn, biết cách chăm sóc vườn tược và trung thành với sản phẩm chất lượng vẫn phải đối diện với giá cả bấp bênh. Ý nghĩ “phải làm gì đó để đồng hành cùng người nông dân” đã nảy nở trong anh và Nam Long Coffee, doanh nghiệp gắn kết với nông dân từ khâu trồng trọt, chăm sóc cho đến thu hái, chế biến, đưa sản phẩm ra thị trường, đã ra đời vào năm 2012. Sau hơn ba năm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, Nam Long Coffee đã ra mắt thị trường từ cà phê phin/espresso đến cà phê túi lọc, cà phê viên nén áp dụng kỹ thuật máy móc hiện đại để phục vụ các khách hàng là hệ thống các quán cà phê trung, cao cấp. Hiện doanh nghiệp này đã gắn kết với năm hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, cung cấp ra thị trường 4 tấn cà phê thành phẩm mỗi tháng.
Khác với Nam Long Coffee, dự án phát triển vùng trồng cà phê, trà và rau quả tại Cầu Đất, Lâm Đồng của Cầu Đất Farm đến từ tiềm năng của thị trường và sự đồng lòng của những bạn trẻ giàu tâm huyết. Theo anh Đinh Anh Huân, đại diện của quỹ Seedcom cũng là chủ đầu tư dự án này, ban điều hành quỹ rất tin tưởng bởi thị trường cà phê không chỉ còn nhiều tiềm năng khai thác ở Việt Nam mà là toàn khu vực châu Á, nếu làm tốt, khả năng xuất khẩu và mở rộng thị trường là rất lớn. Với thế mạnh về nhân lực và vốn từ Seedcom, chỉ sau một năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tháng 3-2016, Cầu Đất Farm đã chính thức ra mắt và giới thiệu các sản phẩm gồm cà phê, trà, rau củ quả các loại tại showroom trên đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM cùng một website bán hàng chuyên nghiệp. Dự kiến trong năm nay, nông trại này sẽ cung cấp hơn 100 tấn cà phê cho chuỗi The Coffee House, Pizza For Good (thành viên của đại gia đình Seedcom) và hướng đến khách hàng mục tiêu là các chuỗi cà phê tầm trung, cao cấp tại TP.HCM.
Đi chậm mà chắc
Mặc dù có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm lẫn nguồn tài chính, khi đầu tư vào ngành cà phê, Đinh Anh Huân chọn cách đi chậm mà chắc. Để thực hiện dự án này, anh và các thành viên khác trong ban điều hành quỹ Seedcom đã đi tham quan, học hỏi mô hình, công nghệ từ nhiều doanh nghiệp khác, họ cũng thuê nhiều chuyên gia về thử nghiệm giống, phương pháp trồng. Trong một lần đi khảo sát tại Cameron Highland, Malaysia, một vùng đất có khí hậu và thổ nhưỡng khá tương đồng với Đà Lạt, họ đã rất bất ngờ khi một sản phẩm tương tự như thếở Đà Lạt chỉ bán có 1 USD, còn tại Cameron Highland, giá lên đến 30 USD. Nhận thấy việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và đầu tư phát triển thương hiệu đã giúp doanh nghiệp tại Cameron Highland tăng giá trị sản phẩm, Seedcom quyết định chọn hướng đi này để sản xuất cà phê, trà và các loại rau quả khác tại Cầu Đất Farm. Sau khi hình thành ý tưởng, họ tập trung vào việc tu bổ đất đai và hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm với sáu bước nghiêm ngặt từ nông trại cho đến từng tách cà phê mang đến khách hàng, bên cạnh đó là việc hoàn thiện khâu tiếp thị và tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo anh Đinh Anh Huân, để tránh rủi ro cho nông dân, bản thân Cầu Đất Farm đã tự đầu tư và tiến hành nhiều thử nghiệm để có quy trình sản xuất chuẩn mực và tìm kiếm thị trường, sau đó mới tiến hành việc tăng sản lượng bằng cách liên kết, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Đó cũng là những trăn trở của Nam Long Coffee trong suốt ba năm tiến hành sản xuất, nghiên cứu sản phẩm. Theo anh Ngô Phi Bay, thử thách lớn nhất của doanh nghiệp là làm sao để thuyết phục người nông dân trung thành với quy chuẩn đã cam kết, trong đó có việc chỉ hái và sản xuất cà phê chín, bởi việc hái chín tốn nhiều công sức, đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ cao hơn các công ty khác. Để làm được điều này, anh và các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của Nam Long Coffee đã đồng hành cùng nông dân tại các nông trại để đảm bảo chất lượng đầu vào của sản phẩm. Bên cạnh đó, Nam Long Coffee cũng chú trọng đến việc nghiên cứu – phát triển sản phẩm bằng cách đầu tư bài bản cho khâu rang xay, chế biến và có hẳn một đội ngũ barista (pha chế) chuyên nghiệp để chăm chút cho từng ly cà phê mang đến khách hàng. Trước thực trạng nhiều đơn vị sản xuất – chế biến cà phê trong nước vẫn chọn cách làm ăn chộp giựt, tẩm ướp nhiều loại phẩm màu và hương vị, cà phê Nam Long với tiêu chí sạch từ nông trại đến từng ly cà phê (from farm to cup) đã được nhiều chuỗi cà phê đón nhận. Dự kiến, Nam Long sẽ tăng sản lượng vào năm tới khi đã ổn định đầu ra và hướng đến việc sản xuất sản phẩm cà phê hữu cơ.
Việt Nam đang đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị thấp. Tại thị trường trong nước, sự xuất hiện của nhiều hệ thống cà phê rang xay thành công với cách thức vừa làm thương hiệu, vừa chế biến và bán thành phẩm đã cho thấy một xu hướng mới trong kinh doanh cà phê. Những nhân tố mới như Nam Long Coffee hay Cầu Đất Farm bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, chú trọng khâu quảng bá sản phẩm và hướng đến việc tạo ra chuỗi giá trị bền vững được kỳ vọng sẽ là đối tác tin cậy cho các chuỗi cà phê lớn trong tương lai. Cũng từ đây, sẽ có những sản phẩm cà phê chất lượng cao tự hào dán nhãn “made in Vietnam” xuất khẩu ra nước ngoài.
Diệp Khánh (DNSGCT)