Trong suốt thời kỳ Edo (1603-1868), đây là vùng đất của các võ sĩ đạo và các tướng quân đồng thời cũng là khu vực buôn bán sầm uất. Từ sân bay Narita về nhà ga trung tâm Narita chỉ mất 10 phút đi tàu hoặc bus. Cửa ga là bến xe bus và cũng là trung tâm của thành phố Narita, mọi tuyến du lịch khám phá Narita đều bắt đầu từ đây.
Công viên Naritasan
Cơm lươn và ngôi đền ngàn năm tuổi
Thật ra lịch sử hình thành của vùng đất Narita được biết đến từ xa xôi hơn. Một trong những dấu tích còn lại là ngôi chùa ngàn năm tuổi Naritasan Shinsho-ji được xây dựng từ năm 940, đến nay vẫn là một trong những điểm hành hương quan trọng của đất nước mặt trời mọc. Hằng năm, Shinsho-ji đón khoảng 13 triệu lượt người tới tham quan.
Đầu bếp trình diễn làm cơm lươn
Món cơm lươn nổi tiếng Nhật Bản
Chỉ mất chừng 15 phút đi bộ từ cửa nhà ga chính của thành phố là tới Shinsho-ji. Nhưng đừng vội vã bởi con đường nhỏ duyên dáng và đầy màu sắc Omote-sando dài hơn một cây số nối giữa nhà ga và ngôi chùa ngàn năm tuổi ấy chắc chắn sẽ níu chân bạn lại. Hao hao giống những con đường dốc quanh co ở Kyoto, Omote-sando ở Narita cũng dốc, cũng quanh co, hai bên đường thâm thấp các cửa hàng bán đồ lưu niệm và tiệm ăn. Vẫn những ngôi nhà gỗ được xây cất theo kiểu truyền thống, vẫn kiểu trang trí cửa hiệu và tiệm ăn mang đậm màu sắc Nhật Bản không thể trộn lẫn, nhưng Omote-sando lại có thêm không khí của làng chài nhờ những cửa hàng bán khô cá, khô tôm đủ loại và cá tươi. Cá tươi, chủ yếu là cá chạch được thả trong các chậu to đựng đầy nước đặt ngay trên vỉa hè. Và đặc sản của Narita là… lươn. Những cửa hàng cơm lươn san sát trên phố Omote-sando. Nét độc đáo của cơm lươn ở đây là thực khách được nhìn tận mắt món ăn của mình được chế biến như thế nào. Màn làm lươn được đầu bếp trình diễn thoăn thoắt: Những con lươn chỉ bé bằng cái đũa được bắt, lột da, mổ lấy ruột và cắt từng khúc, xiên vào que tre và cho vào lò nướng. Món cơm lươn nướng với xốt teriyaki nổi tiếng khắp Nhật Bản nhưng ăn ở Omote-sando thực khách sẽ được kèm thêm chén xúp lươn, một trong những đỉnh cao tinh tế nấu ăn của người Nhật. Chén xúp thật trong, dậy mùi thơm của lươn mà không tanh, bộ ruột lươn được làm sạch nằm dưới đáy chén bùi và ngậy không thể tả… Nhưng tất nhiên nên để dành món ấy cho bữa trưa thư thả. Bây giờ vẫn còn sớm, con đường Omote-sando đưa chúng tôi tới không gian uy nghi và tĩnh lặng của ngôi chùa ngàn năm tuổi Naritasan Shinsho-ji.
Cổng chùa Naritasan
Trong tiếng Nhật, Naritasan có nghĩa là núi Narita, thể hiện độ cao của ngôi chùa, còn Shinsho-ji có nghĩa là ngôi chùa Chiến Thắng, là một quần thể đồ sộ với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng qua nhiều thời đại. Ngôi chùa chính được khởi công xây dựng vào năm 940 để tưởng nhớ chiến thắng của một vị tướng quân. Sau đó, nhiều công trình khác trong quần thể tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện: Cổng Komyo-do được xây dựng vào năm 1701, ba tòa tháp cao 25 mét được xây dựng vào năm 1712, cổng chính Niomon vào năm 1830, khu vườn Narita-shan Park mở cửa vào năm 1928, chính điện (Great Pagoda) mới được dựng lên vào năm 1984… Bởi vậy Naritasan không chỉ là một ngôi chùa, mà còn là một bách khoa thư về nhiều giai đoạn lịch sử của nước Nhật. Và bởi vậy, tới Naritasan, ngoài du khách hành hương còn có rất đông học sinh đủ lứa tuổi. Mỗi nhóm chừng 10-15 em, có hướng dẫn viên đi cùng và những bài học lịch sử, văn hóa được trao đổi ngay dưới mái chùa thật thú vị.
Tháp ba tầng
Con đường hai bên toàn cây anh đào cổ thụ chạy dài dẫn du khách tới công viên Naritasan cũng chính là nét độc đáo của quần thể tâm linh này. Công viên chùa rộng hơn 16ha với những con đường mòn quanh co dưới tán cây rậm, cùng những khu vườn đá uy nghi, lạ lẫm. Gọi là công viên – rừng cũng không ngoa vì sự rộng lớn và cảm giác hoang sơ của nó, một khu rừng nhân tạo theo đúng phong cách của người phương Đông “cỏ cây chen đá lá chen hoa”, khiến đôi lúc người đi có cảm giác… bị lạc.
Sầm uất Aeonmall
Sau bữa cơm trưa lươn nướng teriyaki không thể quên trên con phố Omote-sando, biết không còn đủ thời gian để tiếp tục khám phá Narita, chúng tôi quyết định quay trở lại sân bay. Nhưng trước khi trở lại sân bay Narita, có một nơi rất gần chùa Naritasan mà du khách không thể không tới, đó là trung tâm mua sắm Aeonmall. Với khoảng 150 cửa hàng cửa hiệu, Aeonmall có đa dạng, phong phú các mặt hàng, từ đồ ăn tới thời trang, sách vở, băng đĩa, đồ nhà cửa… và có cả một trung tâm chiếu phim hiện đại Humax Cinema Theaters.
Nhà cổ ở Sawara
Khách du lịch trước khi rời Nhật Bản qua cửa ngõ Narita thường ghé qua Aeon để tiêu nốt những đồng yen cuối cùng. Mặc dù sân bay Narita nổi tiếng với hệ thống các cửa hàng miễn thuế vô cùng phong phú và một thế giới đồ ăn cực hấp dẫn nhưng hàng hóa ở Aeon vẫn rẻ hơn. Đặc biệt ở đây có cửa hàng 100 yen (tất cả các món đồ đều đồng giá 100 yen, khoảng 22.000 đồng) mà du khách khó có thể ra cửa tay không. Phần nhiều các món đồở đây có xuất xứ từ Trung Quốc được gia công theo tiêu chuẩn đặt hàng của hãng Daiso, Nhật Bản. Nhưng cũng có không ít món đồ “made in Japan” hẳn hoi, nhất là các đồ dùng trong nhà, đồ nhà bếp, được bán với giá rẻ giật mình (nếu so với mặt bằng giá cả chung ở đất nước được liệt vào hàng đắt đỏ nhất thế giới này). Và nếu gặp may, bạn sẽ có thể tìm được những món hàng bày mẫu, hàng thử, hàng đã qua sử dụng đảm bảo chất lượng, được bán với giá rất mềm như những đôi giày “made in Japan” chỉ 1.000 yen (hơn 200 ngàn đồng), “made in Spain” hoặc “made in Italy” chỉ 2.000-3.000 yen… Vào Aeonmall du khách cũng rất dễ lạc trong ma trận hàng hóa. Những món đồ theo tiêu chuẩn Nhật Bản không chỉ nổi tiếng về chất lượng mà còn rất độc đáo, khác biệt về kiểu dáng thiết kế, nhìn là biết… chỉ có ở Nhật. Bởi vậy, đến Aeon, ngoài việc canh túi tiền người ta còn phải canh giờ nếu không muốn lỡ chuyến bay.
Một góc phố Omote-sando
Thị trấn trên bờ kênh Sawara
Xe bus từ Aeonmall ra sân bay đón khách ngay từ cửa trung tâm mua sắm, bỏ ra 200 yen và sau 20 phút là đã nhìn thấy phi trường. Mười giờở Narita đã trôi qua như chớp mắt. Trong lòng ai nấy dường như vẫn còn nguyên cảm giác chìm trong tĩnh lặng vô bờở ngôi chùa ngàn năm tuổi, còn nguyên vị xúp lươn thơm ngọt lạ lùng trên con phố Omote-sando. Và còn nguyên sự tiếc nuối, vì Narita còn nhiều hơn rất nhiều những gì chúng tôi vừa được trải qua. Còn một bảo tàng ngoài trời của thời Edo, ngôi làng Bono-no Mura. Còn một thị trấn trên bờ kênh với những ngôi nhà cổ Sawara. Còn một thành phố có cái tên tuyệt đẹp, Sakura (Anh đào), thành phố của các samurai, nơi giờ đây là Bảo tàng lịch sử quốc gia Nhật Bản, mà chúng tôi mới chỉ được nhìn thấy qua ô cửa sổ con tàu. Tạm biệt để trở lại nhé, Narita…
Thủy Phạm