Qua những tình huống khác nhau trong lịch sử, đa phần là vào thế kỷ 19, các cổ vật khác nhau đã bị đem ra khỏi xứ sở của một số quốc gia. Ngày nay chúng vẫn còn hiện diện tại các viện bảo tàng của những nước khác, và các quốc gia khổ chủ không thể nào đòi lại được.
Các đá cẩm thạch Elgin (Lấy từ Hy Lạp và được trưng bày ở Anh)
Elgin Marbles là một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc và chi tiết kiến trúc của Hy Lạp, vốn là một phần của Đền Parthenon ở Athens, Hy Lạp. Trong thời kỳ cai trị của Đế chế Ottoman (tức Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ), đại sứ của đế chế, Thomas Bruce, Bá tước Elgin thứ 7, đã sắp xếp để lấy những đá cẩm thạch ra và đưa về Anh.
Ông lo lắng về thiệt hại sẽ xảy ra với chúng và hy vọng sẽ bảo vệ chúng khỏi bị phá hủy bởi sự thờ ơ của người Thổ. Vì vậy, vào đầu thế kỷ 19, bộ sưu tập đã được đóng gói và gửi đến Anh. Phần lớn đã đến nơi an toàn (ngoại trừ một con tàu chở hàng bị chìm trong một cơn bão, nhưng các tác phẩm điêu khắc cuối cùng đã được vớt lên từ đáy biển).
Việc lấy đi những kho báu này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của người dân Hy Lạp và cả những người đồng hương của Lord Elgin, bao gồm nhà thơ nổi tiếng Lord Byron. Trong vòng vài năm ngắn ngủi, tất cả bộ sưu tập đã được Hoàng gia Anh mua từ Elgin và cuối cùng được trưng bày trong Bảo tàng Anh ở London.
Năm 1832, người Ottoman công nhận Hy Lạp là một quốc gia độc lập, nghĩa là Hy Lạp có quyền kiểm soát các đá cẩm thạch. Tuy nhiên, bộ sưu tập đã không được trả lại. Trong một thời gian, người Anh cho rằng không có cơ sở vật chất thích hợp nào ở Hy Lạp để trưng bày các đá cẩm thạch Elgin. Nhưng vào năm 2009, một bảo tàng trị giá 200 triệu đô la, rộng 21.000m2 đã được xây dựng gần vùng nền của Quần thể Acropolis.
Vào một thời điểm, Bảo tàng Anh đề nghị cho Bảo tàng Acropolis mượn đá cẩm thạch với điều kiện họ thừa nhận quyền sở hữu của Anh đối với các hiện vật. Đề xuất này đã bị từ chối và những nghệ phẩm cẩm thạch vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở London.
Cổng Ishtar (Lấy từ Iraq và trưng bày ở Đức)
Cổng Ishtar là một công trình kiến trúc hùng vĩ từng là một trong nhiều lối vào nội thành Babylon ở Iraq ngày nay. Được xây dựng bởi hoàng đế Nebuchadnezzar II, cánh cổng được dâng hiến cho Ishtar, nữ thần Tình yêu và Chiến tranh của Lưỡng Hà.
Nó được làm bằng gạch tráng men màu xanh lam ghép lại trong một bức tranh khảm bao gồm phù điêu sư tử, các bò rừng châu Âu và rồng. Từ năm 1899 đến năm 1917, cấu trúc được khai quật và chuyển đến Đức. Cuối cùng, một phần của cánh cổng đã được tái tạo và trưng bày tại Bảo tàng Pergamon ở Berlin.
Giống như rất nhiều kho báu khảo cổ bị lấy từ quê hương của họ, Cổng Ishtar là một phần lịch sử gây tranh chấp. Mặc dù từ nhiều năm qua, Chính phủ Iraq đã yêu cầu trả lại, nhưng nó vẫn ở Berlin vì đã được thực hiện hợp pháp vào thời điểm đó. Từ năm 1533 đến năm 1918, đất nước ngày nay được gọi là Iraq nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman. Sau đó, khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Anh trong một vài thập niên. Trong thời gian đó, nhiều cổ vật đã được đưa sang châu Âu một cách tự do theo luật của Đế chế Ottoman và Anh.
- Xem thêm: Những khám phá lạ về khảo cổ
Tuy nhiên, khi Iraq giành được độc lập, luật quản lý di sản văn hóa của nước này đã thay đổi. Đến năm 1936, luật pháp cho phép các nhà khảo cổ nước ngoài khai quật và công bố nghiên cứu dựa trên những gì họ tìm thấy, nhưng tất cả các hiện vật thu hồi đều thuộc sở hữu của Iraq.
Năm 2013, một người đàn ông Iraq đã biểu tình tại Bảo tàng Pergamon của Đức bằng cách giơ một tấm bảng trước Cổng Ishtar có nội dung: “Vật này thuộc về Iraq”. Cổng Ishtar và các hiện vật liên quan vẫn được trưng bày ở nhiều viện bảo tàng trên thế giới.
Đá Rosetta (Lấy từ Ai Cập và trưng bày ở Anh)
Đá Rosetta là một phiến đá granit có cùng thông điệp được viết trên đó bằng 3 ngôn ngữ: chữ tượng hình Ai Cập, chủ yếu được sử dụng bởi các tu sĩ; tiếng Ai Cập bình dân, được sử dụng cho các mục đích hàng ngày; và tiếng Hy Lạp cổ đại.
Trước khi phát hiện ra Đá Rosetta, các chữ tượng hình là một bí ẩn đối với các học giả. Tuy nhiên, vì hiện vật có cùng một thông điệp được ghi bằng một ngôn ngữ mà các học giả đã hiểu, họ có thể giải mã và cuối cùng hiểu được được những chữ tượng hình.
Hiện vật độc đáo này được phát hiện vào năm 1799 trong chiến dịch Ai Cập của Napoléon Bonaparte gần thị trấn Rashid (Rosetta), chi tiết giải thích cái tên của nó. Nó thuộc quyền sở hữu của người Anh khi họ đánh bại Napoléon ở Ai Cập 2 năm sau. Sau đó, họ mang Đá Rosetta về Anh.
Suốt nhiều thập niên, các quan chức Ai Cập đã yêu cầu cho hiện vật hồi hương. Các nhà khảo cổ Ai Cập cũng đã cố gắng thuyết phục Bảo tàng Anh ở London trả lại cổ vật, nhưng vô ích. Nó vẫn được trưng bày ở London cho đến ngày nay.
Tượng đá Hoa Hakananai’a (Lấy từ Rapa Nui (Đảo Phục sinh) và được trưng bày ở Anh)
Rapa Nui (hay còn gọi là đảo Phục Sinh) nổi tiếng với những tượng chạm khắc khổng lồ gọi là moai, được làm từ năm 1100 đến 1600. Trong 500 năm đó, moai ngày càng trở nên phức tạp, phần lớn đã được kiến tạo và dựng lên, tổng cộng khoảng 900 tượng. Quay lưng về phía đại dương, chúng trông chừng hòn đảo quê hương của chúng.
Hầu hết được chạm khắc từ đá tuff (đá hình thành từ tro núi lửa) của hòn đảo, nhưng một số ít được làm từ đá basalt (bazan, đá núi lửa đen bóng). Một tượng bazalt được coi là một kiệt tác, có tên là Hoa Hakananai’a, được dịch một cách khéo léo là “người bạn bị đánh cắp”.
Được cho là đã được tạo ra vào khoảng năm 1000 đến năm 1200, Hoa Hakananai’a vẫn tồn tại trên Rapa Nui trong hàng trăm năm. Sau đó, đến năm 1869, nó được đưa đến một hòn đảo khác có tên là England và được tặng cho Nữ hoàng Victoria. Từ đó, Hoa Hakananai’a được trao cho Bảo tàng Anh ở London, nơi nó vẫn hiện diện cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, moai không chỉ là nghệ phẩm. Người dân Rapa Nui tin rằng moai chứa linh hồn của tổ tiên họ. Năm 2018, thống đốc của Rapa Nui đã đến thăm Anh và cố gắng đàm phán để đòi lại Hoa Hakananai’a, kể cả giao kèo xin cho mượn. Bà nói: “Tất cả chúng tôi đều đến đây, nhưng chúng tôi chỉ là cái xác. Người dân Anh đã giữ linh hồn của chúng tôi”.
Chiếc khiên Gweagal (Lấy từ Úc và trưng bày ở Anh)
Khoảng 250 năm trước, nhà thám hiểm người Anh James Cook đã đến nơi sau này được gọi là Vịnh Botany ở Úc. Ông gặp hai người địa phương mang theo những chiếc khiên và giáo. Trong nhật ký của mình, James Cook cho biết đã bị những người này tấn công bằng đá và giáo. Điều này buộc thủy thủ đoàn của ông phải xả súng và bắn bị thương những kẻ tấn công, bọn họ bỏ chạy và để lại một số trang bị của họ. Tuy nhiên, từ cái nhìn của bộ tộc Gweagal, thủy thủ đoàn của James Cook là những vị khách không được báo trước và cần phải thương lượng để được phép vào quốc gia của tộc. Đôi khi, điều này sẽ diễn ra qua đối thoại hoặc qua nghi lễ tâm linh.
Tuy nhiên, James Cook không hiểu về phong tục địa phương. Vì vậy, cuộc họp này đã kết thúc trong sự thù địch, trong đó chiếc khiên Gweagal bị rơi. Cuối cùng, chiếc khiên này được đưa về quê hương của James Cook và được trưng bày cùng với nhiều hiện vật khác trong Bảo tàng Anh.
Kể từ năm 2016, Rodney Kelly, một hậu duệ có thể có của người đàn ông đã đánh rơi chiếc khiên trong cuộc tranh cãi với James Cook, đã tập hợp lại để xin đưa chiếc khiên trở lại Úc. Trong 4 năm qua, ông ta đã nhiều lần đến Anh để vận động cho việc hồi hương chiếc khiên. Nhưng vô ích. Đạo luật Bảo tàng Anh năm 1963 cấm bảo tàng vứt bỏ vĩnh viễn các tài sản của mình, chỉ có những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.
Kho báu Kumluca (Lấy từ Thổ Nhĩ Kỳ và được trưng bày tại Hoa Kỳ)
Bộ sưu tập hơn 50 tác phẩm này phần lớn bao gồm các hiện vật tôn giáo bằng bạc như thánh giá, chân nến và bát đĩa. Nó được cho là bắt nguồn từ một nhà thờ duy nhất. Tuy nhiên, bộ sưu tập đã được khai quật một cách bí mật và có thể là bất hợp pháp khiến việc xác định niên đại chính xác của các hiện vật trở nên khó khăn. Nhưng chúng có nguồn gốc từ Byzantine.
Được phát hiện vào những năm 1960, những di tích này đã bị buôn lậu ra khỏi đất nước và vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đạo luật Ottoman năm 1906 quy định rằng tất cả các cổ vật được phát hiện trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là tài sản của chính phủ. Không rõ ràng về mặt pháp lý, liệu Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có thể sử dụng phiên bản luật bảo vệ tài sản văn hóa này của mình để đòi lại những vật phẩm trong môi trường quốc tế hay không.
Bộ sưu tập đã được tách ra và hiện được trưng bày tại một số bảo tàng khác nhau. Chúng bao gồm Bảo tàng Getty, Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Thư viện Nghiên cứu và Bộ sưu tập Dumbarton Oaks tại Đại học Harvard.
Ngay từ năm 1970, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu đòi lại các nghệ phẩm bằng bạc Kumluca, nhưng yêu cầu này đã bị phớt lờ. Kể từ đó, nhiều yêu cầu đã được đưa ra. Theo văn bản này, không có bảo tàng nào được phép lưu giữ bất kỳ vật phẩm nào của Kumluca Silver và phải trả lại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2012, Dumbarton Oaks đã khẳng định trong một tuyên bố báo chí rằng họ có quyền hợp pháp đối với các hiện vật mà họ đang sở hữu.