Sau khi tụt hạng bốn năm liên tiếp, Mỹ bất ngờ tăng hạng trở lại để góp mặt vào tốp ba nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong năm 2014-2015 theo bảng khảo sát vừa được công bố tuần trước bởi Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu (WEF). Một số cải thiện trong điều kiện kinh doanh và đổi mới trong luật thương mại đã giúp nền kinh tế số 1 thế giới trở nên an toàn hơn và hấp dẫn hơn đối với dòng tiền quốc tế đến Mỹ đầu tư và kinh doanh, bất kể môi trường kinh tế vĩ mô lẫn hệ thống quản lý nhà nước còn kém hiệu quả từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của WEF xác định tính cạnh tranh kinh tế dựa trên một bộ tiêu chí bao gồm bộ máy quản lý, luật pháp, chính sách và nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động của một quốc gia. Để so sánh và đánh giá tính cạnh tranh, WEF chia 144 quốc gia được tiến hành khảo sát thành ba nhóm khác nhau, dựa trên giai đoạn phát triển của mỗi đất nước. Theo WEF, những nền kinh tế “chi phối bởi yếu tố khách quan” bao gồm những nước kém phát triển nhất, phần lớn lệ thuộc vào lao động kỹ thuật thấp và tài nguyên thiên nhiên. Các nhóm nước này cũng được xếp hạng chót bảng tổng sắp những nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu, điển hình như Guinea, Chad, Yemen, Mauritania và Angola. Những nước phát triển hơn được xếp vào nhóm “chi phối bởi tính hiệu quả” bởi họ tập trung vào việc cải thiện sản lượng kinh tế bằng cách gia tăng tính hiệu quả sản xuất. Phần lớn những nước này thuộc khu vực Nam Á, Bắc Phi, Đông Âu và Mỹ Latinh. Chẳng hạn, Columbia (hạng 66), Việt Nam (69), Ấn Độ (71), Morocco (74) và Croatia (77). Ngoài ra, các nước phát triển nhất, phần lớn dựa vào sự cách tân và thay đổi công nghệ để phát triển, được xem là “chi phối bởi sự cách tân” bao gồm các thành viên thuộc Tổ chức hợp tác và và phát triển kinh tế OECD.
Mặt khác, khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế của một quốc gia thường tỷ lệ thuận với tổng sản lượng quốc gia GDP. Tất cả 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu đều thuộc nhóm 25 nền kinh tế có GDP trên đầu người cao nhất thế giới. Thụy Sĩ (hạng 1), Singapore (2), Phần Lan (4), Đức (5), Nhật Bản (6), Hongkong (7), Hà Lan (8), Anh (9) và Thụy Điển (10). Còn những nền kinh tế chót bảng thì có GDP đầu người trung bình mỗi năm dưới 1.000 USD, như Mauritania, Burundi và Sierra Leone.
Margareta Drzeniek, nhà kinh tế tại WEF, giải thích rằng WEF đánh giá tính cạnh tranh kinh tế dựa trên 12 tiêu chí nhưng trong đó cấu trúc vận hành nhà nước, cơ sở hạ tầng và nền giáo dục đóng vai trò lớn nhất. Theo bà Drzeniek, yếu tố tổ chức đất nước ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư và cơ cấu sản xuất cũng như đóng vai trò chủ chốt quyết định cách phân phối của xã hội cũng như chi phí của các chiến lược tăng trưởng kinh tế chung. Có điều để duy trì một cơ cấu vận hành đất nước hiệu quả, cơ sở hạ tầng chất lượng cao và nền giáo dục ưu việt, nhóm các nước phát triển buộc phải đầu tư rất nhiều vào hệ thống an sinh xã hội và họ phải đi vay vốn quốc tế để duy trì thế cạnh tranh của mình. Do đó, không lấy gì là ngạc nhiên khi có sáu trong 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới có tổng số nợ vượt hơn 75% GDP quốc gia, trong đó đáng chú ý là Singapore, Mỹ và Nhật với tỷ lệ nợ lần lượt là 103%, 104% và 240% GPD. Trái lại, những nền kinh tế kém cạnh tranh lại có tỷ lệ nợ quốc tế rất thấp vì họ gặp khó khăn khi vay vốn cũng như năng lực lãnh đạo của nhà nước là một chướng ngại không nhỏ.
Kiên Lâm theo 24/7 Wall St.