Đầu tư vào cuộc chiến chống lại thay đổi khí hậu sẽ giúp tăng trưởng kinh tế chứ không phải hạn chế phát triển như các doanh nghiệp lo ngại, nhưng thời gian không còn nhiều cho việc chần chừ tiến hành các dự án trị giá hàng chục ngàn tỉ USD để thay đổi bộ mặt các đô thị cũng như cách thức con người sử dụng năng lượng hiện nay. Một bản báo cáo do Ủy ban Toàn cầu về Môi trường và Khí hậu công bố tuần qua, được hậu thuẫn bởi cựu lãnh đạo các nước, giám đốc các tập đoàn đa quốc gia, các nhà kinh tế học và nhiều chuyên gia môi trường đã cho biết như vậy và đây là lần đầu tiên một lời kêu gọi bảo vệ môi trường được trình bày cùng với những lợi ích kinh tế đi kèm.
Tại cuộc họp báo, Felipe Calderon, cựu tổng thống Mexico và là đương kim chủ tịch Ủy ban Toàn cầu về Môi trường và Khí hậu, cho biết con người có thể chống lại việc thay đổi khí hậu và quan trọng hơn, điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế. Suốt nhiều năm qua, rất nhiều chính phủ và doanh nghiệp đã hoàn toàn sai lầm khi lo ngại rằng các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm. Sự thật này cũng được trình bày và khẳng định trong cuộc họp thượng đỉnh về môi trường (ngày 23-9) do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chủ trì. Theo bản báo cáo, cách thức phát triển của các đô thị lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn đến tương lai của nền kinh tế và khí hậu toàn cầu. Đến nay, đô thị là nơi ở của hơn một nửa dân số trên hành tinh (hiện là hơn 7,2 tỉ người), mang đến 80% sản lượng kinh tế thế giới và thải ra 70% lượng khí thải hiệu ứng nhà kính. Vì thế, thay đổi được cách thức mà các đô thị vận hành, sử dụng năng lượng và giao thông đi lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài ra, 15 năm tới sẽ là giai đoạn sinh tồn của hành tinh này khi GDP toàn cầu tăng trưởng gấp rưỡi hiện nay, dân số đô thị tăng thêm hơn một tỉ người và công nghệ mới sẽ thay đổi cách hoạt động kinh doanh lẫn sinh hoạt. Do đó, Ủy ban Toàn cầu kêu gọi gói đầu tư 90 ngàn tỉ USD cho 15 năm tới, tương đương 6.000 tỉ USD mỗi năm, vào các cấu trúc cơ sở hạ tầng sử dụng mô hình khí thải carbon thấp tại các đô thị, thay đổi hệ thống giao thông công cộng, năng lượng và hệ thống nước. Trong đó, việc chuyển đổi sang năng lượng có chất thải carbon thấp như năng lượng gió và mặt trời, gia tăng số lượng đô thị xanh sẽ tốn ít nhất 279 tỉ USD/năm nhưng chi phí ấy sẽ được bù trừ vào các khoản chi cho dầu thô và khí đốt. Nói cách khác, theo bản báo cáo, đầu tư vào nền kinh tế có khí thải carbon thấp được xem là một hình thức bảo hiểm hiệu quả chống lại các rủi ro về thay đổi khí hậu chẳng hạn như lũ lụt, hạn hán, dòng khí nóng và nước biển dâng cao. Hiện tại, ô nhiễm không khí đã tiêu tốn khoảng 4,4% GDP toàn cầu và con sốấy riêng tại Trung Quốc đã là 10%. Tương tự, chi phí trợ giá xăng dầu của chính phủ các nước trên thế giới mỗi năm đạt mức 600 tỉ USD trong khi trợ giá cho năng lượng xanh chỉ khoảng 100 tỉ USD. Ước tính, người dân các siêu đô thị như Paris, New York, Tokyo và London tiêu tốn 25% chi phí xăng dầu cho việc tìm kiếm chỗ đậu xe và tắc nghẽn giao thông. Trước mắt, sẽ có khoảng 200 quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc ký cam kết hạn chế khí thải nhà kính vào cuối năm 2015 tại Paris.
B. Trịnh theo Reuters