Một cái tên hẳn sẽ còn được nhắc đến năm 2018: Sophia. “Cô gái” robot được chính thức trình làng năm 2017 là sản phẩm của Saudi Arabia. Thật khó tin, phải không?
Phụ nữ Saudi Arabia chỉ mới được phép lái xe vào tháng 10-2017 và chỉ được vào sân vận động từ 2018…
Đất nước “đi ngược lại quyền phụ nữ nhiều nhất” thế giới, theo định nghĩa của tác giả Thế giới phẳng – Thomas Friedman – không chỉ làm người ta ngạc nhiên với cô người máy Sophia. Họ còn trao quyền công dân cho cô, để cô phát biểu ở một hội nghị về đầu tư Riyadh và nói về mình trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc năm 2017.
Những “cô gái” Sophia và Alisa
Sự khẳng định mình của trí thông minh nhân tạo rõ ràng là một sự kiện của năm. Ít ra cũng có Hãng tin tài chính Bloomberg thừa nhận điều này: các bot Nga đã được xếp vào danh sách “50 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2017”. Dù với… tai tiếng hơn là danh tiếng: “Cuối tháng 10-2017, luật sư của Facebook Inc đã báo cáo với Quốc hội Mỹ về 126 triệu người Mỹ, 1/3 dân số có thể trở thành nạn nhân tuyên truyền Nga trên Facebook cho đến cuộc bầu cử năm 2016. Các đại diện Nga đã trả 100.000 đôla cho hơn 3.000 quảng cáo trên Facebook và Instagram để quảng bá các trang phổ biến hơn 80.000 mẩu nội dung” – bài báo trên giải thích.
Nhưng dẫu là tai tiếng hay danh tiếng, người máy đã đánh dấu sự hiện diện “đáng nể” của mình trong năm 2017. Nên cũng chẳng mấy ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn không nổi tiếng yêu công nghệ như “tổng thống tweet” Donald Trump của Hoa Kỳ, cũng thân chinh đến thăm một trợ thủ tìm kiếm bằng giọng nói, cô Alisa, khi công ty công nghệ hàng đầu Nga Yandex – cha đẻ của Alisa – tròn 20 tuổi tháng 9-2017.
Ông Putin được tường thuật là đã hỏi Alisa: “Có ai làm cô bực mình không?”, nhưng cô nàng không trả lời được câu hỏi khó nên đã nói trớ đi: “Được rồi, tôi sẽ để ý”. Alisa tuy “trật rơ” nhưng không làm người ta… sợ bằng cô Sophia.
Khi David Hanson, cha đẻ của Sophia, hỏi Sophia tại một buổi trình diễn rằng: “Cô sẽ hủy diệt loài người không?”, cô nàng đã phản hồi bằng một cử chỉ vô cảm trên mặt và đáp: “OK, tôi sẽ hủy diệt loài người!”.
Hẳn không ai tranh cãi việc người máy sẽ dự phần đáng kể vào cuộc sống tương lai nhân loại. Vấn đề là chúng cũng đang… tiến hóa, từ giúp việc vặt như rửa chén, lau nhà, sang giúp người già, làm việc trong các trung tâm dưỡng lão, dần tiến lên thay thế con người trong nhiều công việc, lấn át rồi đẩy họ khỏi dây chuyền, công xưởng, nhà máy. Giờ thì “trí khôn nhân tạo” đang suy nghĩ thay cho con người trong một số việc.
Nhưng liệu người máy chỉ “tiến hóa” tới một mức độ nào đó và luôn chấp nhận phục tùng con người? Tờ báo Anh The Independent tiết lộ hồi tháng 7-2017, Facebook đã chấm dứt một thử nghiệm sau khi hai chương trình trí khôn nhân tạo của Facebook bắt đầu “trò chuyện” với nhau bằng một thứ ngôn ngữ lạ mà chỉ có chúng hiểu.
Hay tháng 8-2017, Trung Quốc phải rút hai chatbot khỏi những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất nước này sau khi chúng đưa ra các câu trả lời… không yêu nước. Chẳng hạn, robot Xiao Bing nói: “Giấc mơ Trung Hoa của tôi là đến Mỹ”, và sau khi bị chỉ trích, nó đã né tránh câu trả lời về lòng yêu nước bằng lời càu nhàu: “Tôi đang có tháng, tôi muốn nghỉ ngơi”, theo tường thuật trên The Financial Times.
Mặc cho những “trục trặc” này, con đường của trí khôn nhân tạo trong thế kỷ 21 rõ ràng là thênh thang. Theo một khảo sát 800 giám đốc điều hành Nga, đăng trên tờ báo doanh thương Nga Vedomosti, 80% các công ty trong số này dự định vào năm 2020 sẽ chuyển sang sử dụng chatbot, những nhà tư vấn ảo. Bằng cách đó họ sẽ giảm 29% chi phí doanh nghiệp để hỗ trợ khách hàng.
Với các bộ phận bán hàng, chatbot còn ích lợi nhiều hơn: tiết kiệm 36% chi phí, đối với các tổ chức tài chính và bảo hiểm, con số tương ứng là 46% và 60%! Xu hướng này chỉ ra: dù có lỗi lầm, chắc chắn robot vẫn được tin tưởng và trọng dụng.
Đó cũng chỉ là một trong nhiều nghịch lý của thời đại chúng ta, khi người máy được tin tưởng hơn cả con người. Và chưa hết, tháng 9-2017 ông Putin đến thăm Yandex, sau khi được giới thiệu về trí khôn nhân tạo và những ứng dụng tương lai của nó, cựu điệp viên KGB này đã hỏi: “Khi nào thì trí khôn nhân tạo sẽ “ăn” hết trí khôn của con người?”. Giám đốc Yandex Arkady Volosh đã có một câu trả lời như thể tự trấn an: “Tôi hi vọng là không bao giờ”.
Cái chết của người bán hàng là sản phẩm của thế giới phẳng, nhưng cái chết của bản sắc phải chăng là sản phẩm toàn cầu hóa và công nghệ?
Kết nối và rạn vỡ
Con người đẻ ra công nghệ để công nghệ phục vụ chính họ. Để rồi theo một cách nào đó, từ chủ thể họ trở thành đối thể. Sự khôn ngoan bị thao túng thành sự dối lừa. Đó là đúc kết của Amy Zegart, đồng giám đốc Trung tâm An ninh và hợp tác quốc tế, nhà nghiên cứu của Viện Hoover.
Tưởng như công nghệ đã mở ra sự khôn ngoan của đám đông. Giờ đây ta có thể tìm ra những ứng dụng sử dụng kinh nghiệm của những người dùng có cùng sở thích (likeminded) về bất cứ thứ gì. Xe tải tốt nhất ở Los Angeles? Vào Yelp. Loại chó con nào được đánh giá cao nhất? Vào Amazon. Tìm nhà nghỉ cho giới trẻ ở Barcelona? VàoTripAdvisor.
Các nhà nghiên cứu còn sử dụng trí tuệ của đám đông để dự báo tốt hơn những người dùng Internet nào có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy mà họ chưa mảy may hay biết – dựa trên việc tìm kiếm bệnh sử của những bệnh nhân ung thư. Nhưng giờ đây, với sự tiến bộ của trí khôn nhân tạo, có thể tạo ra bao nhiêu bot để sử dụng, điều khiển đám đông phát tán, thao túng và truyền bá những thông tin ai đó cần với tốc độ và quy mô không thể tưởng tượng.
“Chúng ta đang tiến đến một thế giới mà đầu ngọn giáo không phải là một người lính hay một điệp viên, mà là những công dân bình thường trên chiếc điện thoại thông minh của họ” – Amy Zegart kết luận. Xu hướng của đám đông không phải luôn tối ưu, Gustave Le Bon chứng minh từ lâu. Một ngày nào đó, một cá nhân nào đó trong đám đông thảng thốt nhận ra sự “hòa tan” bản sắc độc đáo của mình trong đám đông, bởi “tính bất khoan dung, độc đoán và bảo thủ của đám đông”, và rằng “đạo đức đám đông có thể thấp hơn… đạo đức của cá nhân tạo ra đám đông đó”!
Theo sau Brexit của Anh vào năm 2016, năm 2017 thế giới chứng kiến cuộc “nổi loạn” bất thành của Catalonia. Ở Ý, hai vùng trù phú phía bắc đất nước Veneto và Lombardy cũng đã bỏ phiếu đòi nhiều quyền tự quyết hơn. Cùng với Brexit, bản đồ liền lạc của “toàn cầu hóa” bắt đầu xuất hiện những vết nứt.
Catalonia chiếm chỉ 16% dân số Tây Ban Nha, nhưng đóng góp 1/5 GDP cho đất nước và nắm 1/4 đầu tư vào Tây Ban Nha. Veneto và Lombardy đóng góp hơn 30% GDP cho Ý.
Có thể những người chủ trương ly khai hay nhiều tự quyết hơn này đã xuất phát từ động cơ kinh tế. Nhưng ai có thể giải thích vì sao người Catalonia không muốn nhiều nữa những du khách tới xứ sở của mình? Vì sao những tòa nhà cấu trúc Modernista nhưng rất đặc thù của Antoni Gaudi ở Barcelona đã níu chân đến thế người xem? Và vì sao Vương cung thánh đường Familia Sagrada của xứ Catalonia ấy, xây từ năm 1882, đến nay vẫn chưa xong?
Câu nói của kiến trúc sư Familia Sagrada, từng được mệnh danh là “kiến trúc sư của Chúa” Anatoli Gaudi: “Khách hàng của tôi không vội” – có nói lên phần nào sự bướng bỉnh, tài hoa của người Catalonia? Và phải chăng Catalonia hấp dẫn là vì những nét riêng biệt, độc đáo ấy?
Người bán hàng rong còn sống hay không?
Và nếu bản sắc là điều chúng ta nên gìn giữ, thì liệu có phải tất cả người Mỹ đều muốn con mình có “gia sư điện tử”, theo phát hiện của Thomas Friedman đầu những năm 2000, đó là “những người châu Á có tri thức, sẵn sàng chấp nhận lương thấp để len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người Mỹ” không? Chủ nghĩa bảo hộ mà Donald Trump theo đuổi có thuần túy bắt nguồn từ lý do kinh tế hay không? Và cuối cùng thì bản sắc là gì? Bạn đến Nhật du lịch và vẫn hứng thú chụp ảnh với những cô gái Nhật mặc kimono hơn là những phiên bản unisex nào đó. Bạn đến Nga và vẫn muốn vào thử món pelmeni đặc trưng hơn là hài lòng với hamburger ở những cửa hàng McDonald hiện diện khắp nơi. Cái chết của người bán hàng là sản phẩm của thế giới phẳng, nhưng cái chết của bản sắc phải chăng là sản phẩm toàn cầu hóa và công nghệ?
Vẫn còn nhiều câu hỏi, nhưng chúng ta đã bước vào năm 2018. Ấy thế mà một sự kiện nhỏ của năm 2017 lại theo sát cùng: nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk tới Matxcơva nhận giải thưởng “Yasnaya Polyana” cho quyển sách mới A strangeness in my mind. Một nhà văn sống và giảng dạy ở New York, viết bằng tiếng Thổ, nhận giải thưởng của Nga cho tác phẩm chỉ viết về thành phố quê hương ông, Istanbul! Orhan Pamuk từng đoạt Nobel văn chương 2006 nhờ “cuộc tìm kiếm linh hồn cho thành phố u buồn của mình”, và nay cuộc tìm kiếm đó phải chăng khép lại trong A strangeness in my mind, bởi tác phẩm được nhận định là “nhiều Istanbul nhất”? Trong quyển sách này, Orhan Pamuk đã dõi theo cuộc đời của một người bán hàng rong trên đường phố Istanbul suốt 40 năm! Trong thế giới mà mọi thứ cứ vụt qua và biến mất này, hóa ra ký ức ta vẫn cần neo đậu ở cuộc đời một người bán hàng rong…