Con người cần có kế hoạch và bản thiết kế chi tiết để tiến hành xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ nhưng các sinh vật sống khác thì không. Dù vậy, chúng vẫn thành công khi tạo nên các cấu trúc hoàn mỹ, vĩ đại bậc nhất, thậm chí còn kiêm luôn tính năng điều hòa không khí.
Hệ sinh thái trên trái đất luôn bị chia cắt và tái định hình bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là vì sự dịch chuyển, hình thành của các lục địa.
Sau đó là do những dãy núi cao, vách đá dựng đứng ngăn cách, hoặc núi lửa phun trào… Các thay đổi về địa hình và địa chất ấy có thể khiến nhiều loài mới xuất hiện và cũng có thể khiến nhiều loài cũ chết đi.
Từ hàng tỉ năm trước, sự sống đã có mặt trên hành tinh. Mỗi ngày, nó từ từ biến đổi bề mặt ảm đạm nguyên sơ của trái đất.
Vào khoảng hơn 2 tỉ năm trước, các vi sinh vật biết quang hợp (vi khuẩn lam), khai thác năng lượng từ ánh nắng mặt trời và giải phóng oxy ra đời.
Chúng khởi động sự kiện oxy hóa vĩ đại nhất, biến khí quyển trái đất thành bầu không khí trong lành. Từ cuộc cách mạng đầu tiên ấy, hằng ha sa số các sinh vật lũ lượt khai sinh.
Mỗi mảnh đá vôi, đá phấn chúng ta thấy ngày nay đều là một nghĩa trang xác chết của các sinh vật cổ xưa. Chúng có thể là hóa thạch của san hô, động vật có vỏ hoặc hài cốt vi mô của các sinh vật đơn bào.
1. Cá mỏ vẹt biến san hô thành cát
Không phải ngay từ đầu, trái đất đã có cát biển. Đáy đại dương thuở nguyên sơ là những “giàn giáo” san hô khổng lồ. Chúng được “xây dựng” bởi hàng tỉ cây san hô muôn hình vạn trạng.
Những sinh vật sống như trai, bọt biển, cầu gai, cá gặm nhấm san hô lần lượt chào đời, nhờ vào ăn san hô mà sống. Dù nhỏ bé, chúng đông đến hàng tỉ cá thể.
Mỗi ngày, những động vật biển này cần mẫn gặm nát, nhai vụn thân san hô. Dần dà, lượng vụn xác san hô do chúng gặm ra không chỉ đủ trải một lớp dày dưới đáy biển, mà còn trải dọc bờ đại dương, vun lên nhiều hòn đảo mới.
Trong những sinh vật có công tạo ra cát, cá mó mỏ vẹt là loài tích cực hơn cả. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2015 trên tờ Geology của nhà địa chất học Chris Perry (Anh), mỗi năm đảo Vakkaru của Maldives (quốc gia ở Nam Á) lại được bồi đắp thêm 680 tấn cát mới. 80% lượng cát mới đó là “công lao” của nhà cá mó mỏ vẹt. Loài cá này ưa ăn san hô sống.
Chúng nhai vụn thân san hô để lấy dinh dưỡng nuôi cơ thể. Những phần cứng không thể tiêu hóa sẽ bị cá mó mỏ vẹt nhè ra, hoặc nếu có nuốt vào bụng thì cũng theo đường hậu môn mà về lại lòng biển. Nếu lặn ở Vakkaru, bạn sẽ nghe thấy cả âm thanh gặm san hô của nhà cá mó. Cứ gỡ rạn san hô dưới nước rất yên tĩnh, ai dè lại khá ồn ào.
2. Vi sinh vật tạo nên thảm vi sinh
Bạn đã từng nhìn thấy thảm vi sinh vật chưa? Nó đủ lộng lẫy để bất cứ ai trông thấy cũng hóa đá vì ngỡ ngàng. Đương nhiên là chỉ một vi sinh vật (vi khuẩn, tảo, vi khuẩn cổ…) sẽ chẳng làm được gì cả.
Nó còn nhỏ bé đến nỗi chúng ta không thể thấy được bằng mắt thường. Nhưng tỉ tỉ vi sinh vật hợp lại với nhau thì khác. Màu sắc của các vi sinh vật rất sặc sỡ. Nó tạo nên những thảm vi sinh vật đẹp diệu kỳ.
Tuy nhiên, thảm vi sinh đẹp nhất trên quả đất phải là thảm cổ khoáng. Chúng chính là nghĩa địa của vi khuẩn lam, loài vi khuẩn đầu tiên biết chuyển hóa cacbon dioxit thành khí oxy trong lành.
Trong quá trình quang hợp, vi khuẩn lam không chỉ tạo ra CO2 mà còn hình thành cả glucose, từ đó kích hoạt sự hình thành của chất khoáng canxit. Đá canxi chào đời. Khi các vi khuẩn lam bị nước cuốn trôi qua đá canxit, xác chết của chúng mắc lại trên bề mặt hòn đá.
Những cái xác cứ tích tụ dần, cuối cùng hình thành một lớp mịn. Từ lớp mịn xác vi khuẩn lam ấy, vi khuẩn lam mới lại mọc lên, tiếp tục chu kỳ sống.
Sau hàng thiên niên kỷ, vòng tuần hoàn vô tận của chúng khiến mặt đá canxit mỗi lúc một dày lên, có hình dạng như nấm cục hoặc giọt bê tông.
Tập hợp của những “nấm cục” và “giọt bê tông” ấy hình thành thảm vi sinh kỳ diệu nhất. Đó chính là thảm măng – nhũ đá.
Trong tất cả các loại khoáng cổ thì khoáng canxit là đẹp hơn cả. Chúng có hình dạng hộp thoi ba phương, tồn tại ở cả ở thể sợi lẫn hình hột, lá mỏng hoặc khối đặc. Màu sắc của canxit lại càng đặc biệt tuyệt mỹ.
Chúng có thể có màu trắng, xám, đỏ, vàng, xanh, tím, nâu hoặc trong vắt. Khi lẫn tạp chất, khoáng canxit còn lên cả sắc đen bóng huyền ảo. Không dừng lại ở đó, những canxit còn có khả năng phát quang hoặc phát lân tinh.
- Xem thêm: 5 bí ẩn kỳ dị nhất nửa đầu năm 2018
3. Mối xây cung điện điều hòa nguy nga
Con người là sinh vật giỏi nhất trong việc xây các tòa nhà chọc trời. Song nếu tính theo tương quan cơ thể, chúng ta vẫn thua loài mối. Mối là loài côn trùng bé nhỏ nhưng cực kỳ đông đảo. Khi tụ họp với nhau, chúng biến thành một đội quân xây dựng hùng hậu.
Một tổ mối lớn có thể cao hơn 2m, chia thành ngàn vạn ô ngăn. Mỗi ô ngăn này (dù là trên mặt hay trong lòng đất, bên ngoài hay chính giữa) đều được thiết kế sao cho không khí luôn điều hòa. Nhờ vậy, đám nấm được mối “trồng” trong các ô (thức ăn chủ yếu của mối) sinh trưởng đều đặn, bền vững.
Kiến trúc của mọi tổ mối đều có khả năng tận dụng triệt để sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm.
Nó được các kỹ sư mối cẩn trọng tính toán để sao cho ban ngày, khi hơi nóng từ mặt trời phả xuống, không khí nóng từ bên trong ụ mối sẽ bay lên, thoát ra ngoài qua các lỗ hổng; còn không khí lạnh hơn lại luồn xuống bên dưới, giữ mát cho các ngăn.
Trái lại, vào ban đêm, sự lưu thông của không khí ra vào tổ mối sẽ đảo chiều. Khí nóng được đưa xuống dưới lòng đất, còn khí lạnh bị đẩy lên trên bề mặt. Hệ thống thông gió thông minh bậc nhất này cũng kiêm luôn nhiệm vụ xả CO2 ra ngoài, giữ cho “cung điện” mối luôn thông thoáng.
4. Hải ly đắp đập ngăn nước
Con người không phải loài duy nhất hay đầu tiên biết đắp đập ngăn nước. Kỹ năng ấy thuộc về hải ly, một loài thuộc bộ Gặm nhấm.
Hải ly là loài ăn thực vật hoặc côn trùng, nhưng dù là hải ly ăn côn trùng cũng vẫn là con mồi của nhiều động vật săn mồi khác.
Để đảm bảo an toàn, mỗi ngày chúng đều cặm cụi tha cành cây về ngăn dòng chảy, tạo nên các đập tự nhiên tĩnh lặng, nước sâu. Các “gia đình” hải ly trú ẩn trong đập nước đó, tránh xa nguy cơ bị ăn thịt.
Đừng nghĩ con hải ly chỉ lớn vài kg thì làm được gì mà lầm! Những đập nước do chúng ngăn lại đủ để thay đổi hoàn toàn quan cảnh tự nhiên.
Trước khi người châu Âu đến Bắc Mỹ (nơi sinh tồn chính của nhà hải ly), ước tính có tới hàng triệu đập nước được đắp bởi hải ly trên khắp vùng này.
Hàng chục triệu đập nước ấy lại tích tụ hàng trăm tỉ mét khối trầm tích. Không chỉ cảnh quan mà cả hệ sinh thái cũng phải thay đổi theo.
Hiện nay, số lượng hải ly đang ngày càng giảm (do sự lạm sát và xua đuổi của con người). Tuy nhiên, chúng vẫn chưa phải là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Không thể chống lại loài người, một vài nhánh hải ly đang tiến dần vào Bắc cực vắng lặng. Chúng đi đến đâu liền biến đổi cảnh quan thiên nhiên tới đấy.
Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ về điều này, hãy đến Công viên Quốc gia Wood Buffalo của Canada. Tại đây, nhà hải ly đã thành công đắp hẳn một đập nước rộng 800m.
- Xem thêm: Kiến cứu thương
5. Thú có mai lớn và lười đất khổng lồ đào hang to
Hầu hết các hang lớn trên trái đất đều là sản phẩm của quá trình kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Tuy nhiên, một số hang khổng lồ ở Argentina và Brazil thì lại khác. Chúng là “công trình” thuộc về hai giống loài đã tuyệt chủng, thú có mai kích thước lớn và lười đất khổng lồ.
Những “công trình ngầm” này đủ dài, rộng, tỏa nhánh đến mức khiến người xem phải choáng ngợp. Chúng có thể rộng tới 4m và dài những 40m, phân nhánh phức tạp.
Theo thông kê của các nhà khảo sát thực địa, có 310 hang như thế ở Argentina và Brazil. Phần lớn chúng đều vẫn ra vào được.
Đáng tiếc là cả hai “nhân công” đào hầm này đều đã không còn nữa. Loài thú có mai bây giờ chỉ là thú có mai kích thước nhỏ. Chúng cũng đào hang nhưng chỉ là hang nhỏ thôi. Còn với loài lười, chúng lại tiến hóa để sống trên cây thay vì dưới mặt đất.
Cả cơ thể lẫn chức năng của họ nhà lười hiện tại đều khác xa so với tổ tiên. Để đối phó với sự thiếu hụt thức ăn, nhà lười nỗ lực hạn chế vận động và ngủ liên tục (đỡ mất năng lượng).
Tất nhiên, với độ lười kinh khủng, chúng tuyệt đối không đi đào đất. Kích thước của loài lười hiện đại cũng rất nhỏ, chỉ nặng vài ba kg. Còn tổ tiên của chúng nặng sơ sơ cũng cỡ 4 tấn.
6. San hô kiến tạo “kiến trúc sống” khổng lồ
Người ta thường ví von rạn san hô là “kiến trúc sống” kỳ vĩ nhất trên địa cầu. Lý do là bởi vì những nguyên liệu xây dựng nên các “kiến trúc” này đều vẫn đang sống thật sự.
“Kiến trúc sống” lớn nhất của hành tinh xanh hiện tại là rạn san hô Great Barrier. Nó nằm ở Đông Bắc Úc, điểm du lịch sinh thái biển hấp dẫn nhất toàn cầu. Chiều dài của Rạn san hô Great Barrier là 2.250km, được kiến tạo từ 3.863 loại san hô.
Nó là “nhà” của gần 9.000 loài sinh vật biển, trong đó có 1.600 loài cá biển, 6 loài rùa biển, 30 loài thú biển và 14 loài rắn biển.
Vĩ đại như thế nhưng Great Barrier thật ra lại khá trẻ, chỉ chừng 6.000-9.000 tuổi. Thật buồn là rạn san hô này đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng khiếp chưa từng có kể từ khi ra đời. Đó là sự biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến một nửa rạn san hô Great Barrier bị hư hỏng nặng. Chỉ trong đợt nắng nóng nhất năm 2016, Great Barrier đã chết mất hẳn 1/3 diện tích. Trong những đợt nóng tiếp theo, Great Barrier cũng không cách nào bảo vệ các “giàn giáo sống”.