Sau trận chiến kiến khiêng bạn bị thương về nhà để cứu chữa. Lần đầu tiên, trong trận chiến giữa kiến và mối, người ta quan sát thấy kiến bị thương kêu cứu để đồng đội khiêng mình về nhà cứu chữa. Một cách xử lý mà người ta chỉ thấy ở xã hội loài người!
Đó là câu chuyện về những “chiến sĩ kiến” gan dạ bị thương trên trận địa. 2 đến 4 lần mỗi ngày, từ 100 đến 600 kiến Matabele ở Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) “xuất quân” hàng đàn từ tổ.
Chúng đi đâu? Làm gì? Chúng đi cứu viện đồng đội đang chiến đấu trên mặt trận chống kẻ thù là mối.
Chiến lược của chúng vẫn không thay đổi: những kiến to lớn cỡ 2cm, được gọi là “đội quyết tử” phá nát những thành trì bằng đất trong đó kẻ thù là “giặc mối” đang ẩn náu để chống lại cái nắng gay gắt đến 40oC.
Những chiến sĩ kiến nhỏ hơn từ 2 đến 4 lần chiến sĩ quyết tử, nhưng rất dữ tợn, xông vào các chỗ nẻ, chỗ hở để gây kinh hoàng cho kẻ thù.
Dù đã chống lại giặc kiến một cách kiên cường nhưng có đến từ 500 đến 2.000 lính mối đã hy sinh trong vòng 10 phút. Rất nhanh chóng, bọn kiến Matabele đã sẵn sàng như một đội commando.
Những kiến lớn dùng cái hàm to khỏe của mình đưa xác đồng đội đã hy sinh trên mặt trận – có khi đến 5, 6 xác những đồng đội nhỏ hơn chúng nhiều – lên đường thẳng tiến về tổ kiến.
Một đội quân cứu thương
Sau đó thì sao? Đã ních đầy bụng mối, chúng chờ trận chiến đấu sau? Đúng như vậy, nhưng trước mắt chúng làm một việc mà tất cả chúng ta đều không ngờ lại có trong thế giới động vật, nhất là trong thế giới loài côn trùng nhỏ xíu, hạ đẳng như giống kiến: Cứu chữa đồng đội bị thương trong chiến đấu!
Sau một tháng quan sát, nhà sinh học Đức Erik Frank, người đã lấy đề tài “Kiến Matabele” làm đề tài thi tốt nghiệp, đã ghi lại những quan sát của mình về “tập tính kỳ lạ của kiến Matabele”.
Sau trận chiến đấu có nhiều kiến Matabele không đem chiến lợi phẩm (xác mối) về tổ mà đem những đồng đội bị thương về nhà để cứu chữa!
Có một điều mà không ai có thể tưởng tượng được: đội cứu thương chỉ đem về những kiến bị thương nhẹ thôi, như mất một, hai, thậm chí ba vòi.
Còn những kiến bị thương nặng quá thì chúng đành để lại trên chiến trường, mặc cho chúng sẽ làm mồi cho lũ nhện phục kích đâu đó.
Nhận xét này của Erik Frank không những làm mọi người ngạc nhiên, cho là “bịa đặt khôi hài để lấy điểm”, mà còn làm các nhà côn trùng học nghi ngờ tính xác thực.
Họ quyết đi tìm sự thật để cho sinh viên đang làm đề tài tốt nghiệp một bài học về “tính trung thực của nhà khoa học”.
Họ thấy gì? Rõ ràng kiến bị thương nằm tại chỗ, không di chuyển. Không phải là chúng “phó mặc số phận”; chúng nằm tại chỗ để kiến cứu thương thấy rõ mục tiêu đến dìu chúng về và tránh cho vết thương bị nhiễm trùng khi tiếp xúc với bùn, đất.
Cuộc chiến đấu kết thúc, phải chạy đua với thời gian. Thực vậy, những vết thương sẽ được chữa lành nhanh chóng nếu chữa kịp thời, càng sớm càng tốt, trước khi bị nhiễm trùng có thể dẫn đến cái chết. Có “bệnh xá” và “kiến y tá” không?
Erik không rõ điều đó, nhưng hy vọng rằng trong năm 2018 này phải tìm hiểu vấn đề này. Các sinh viên còn bỏ nhiều công phu đặt máy quay phim ở các tổ kiến. Họ thấy gì?
Các kiến bị thương lập tức được chạy chữa: lấy các bụi đất và những mảnh thây của mối còn dính lại ra. Sau đó chúng liếm các vết thương đó một lúc lâu để nước bọt dính vào càng nhiều càng tốt. Phải chăng để khử trùng và bôi một chất kháng sinh vào các vết thương đó?
Thành phần của chất bước bọt là gì hiện nay chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn là cách chữa trị đó rất có hiệu quả: 80% kiến bị thương được sống lại trong vòng 24 giờ. Không có điều đó, tỷ lệ sống sót chỉ chưa đến 10%!
- Xem thêm: Cà phê kiến
Một câu hỏi đặt ra: Vì sao kiến Matabele lại khiêng đồng đội bị thương về nhà để cứu chữa? Vì lòng vị tha? Không phải! Đó là một biểu hiện của “định luật sinh tồn”.
Thực vậy, trái với mối chúa đẻ mỗi giây một trứng, kiến chúa Matabele chỉ đẻ khoảng 13 trứng một ngày. Sau cuộc chiến chỉ có từ 9 đến 15 kiến Matabele được cứu chữa mỗi ngày.
Lý do “khiêng đồng đội về nhà để cứu chữa” như vậy là rất có lý: nếu kiến bị thương không được đem về nhà để cứu chữa thì “quân số” sẽ bị thiếu hụt dần, nguy cơ “tuyệt chủng” là điều sẽ xảy ra.
Hơn nữa, các kiến được cứu chữa chỉ được “nằm viện” một thời gian ngắn khoảng 24 giờ, rồi sau đó nếu cần, chúng cũng phải tham gia vào việc kiếm ăn, hoặc chiến đấu. Số kiến “thương binh” chỉ chiếm khoảng 5% quân số; số kiến què, cụt chiếm khoảng 20% trong cuộc chiến.
Quân số ít hơn, với số chân ít hơn, nhưng không vì thế mà chúng giảm “tinh thần chiến đấu”, vì sự sinh tồn chúng phải chiến đấu dũng cảm hơn.
Đối với kiến bị thương chúng xử lý như thế nào? Rất đơn giản và tàn nhẫn: “Nếu bạn còn đứng dậy được, tức là bạn chỉ bị thương nhẹ thôi, hãy tự cứu mình”. Đó là nhận xét của nhà côn trùng học Erik Frank. Nếu nó mất một hay hai chân thì dễ lắm.
Khi đứng lên, nó được đồng đôi tìm dễ hơn bằng cách phát ra “phérome” (một chất do động vật phát ra khi cầu cứu). Khi đồng đội phát hiện ra, kiến bị thương gập chân lại, thu nhỏ người lại như là một “kiến còn nhỏ” để đồng đội cõng về được dễ dàng.
Đối với những kiến bị thương nặng hơn thì sao? Chúng oằn mình để cố gắng đứng lên, nhưng không đứng lên nổi. Chúng cũng không thử cầu cứu bạn nữa và cũng không co rúm lại để bạn cõng mình dễ dàng về tổ cứu chữa.
Số phận đã an bài, chúng chờ chết mà thôi. Âu cũng là quy luật của sự đào thải nhũng gì không có ích cho sự tồn tại và phát triển. Điều thú vị cuối cùng: tên Matabele của loài kiến này được đặt theo tên của một bộ tộc chiến binh ở Nam Phi.