Anh và Mỹ luôn được biết đến như hai nền giáo dục tiêu biểu và nổi bật nhất của phương Tây từ nhiều thập niên qua. Tuy vậy, trừ những điểm giống nhau cơ bản như: giảng dạy bằng tiếng Anh, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình cập nhật… thì trên thực tế hai nền giáo dục này có rất nhiều điểm khác biệt có tác động không nhỏ đến đời sống và quá trình học tập của sinh viên. Biết được những điểm khác nhau này sẽ giúp các sinh viên tương lai có được sự lựa chọn phù hợp hơn cho mình.
Thời gian học
Giai đoạn bắt đầu chuẩn bị cho bậc đại học ở Anh được tính từ khi học sinh bắt đầu theo học chương trình A/AS Level vào cuối lớp 11. Chương trình kéo dài hai năm này được xem là bước nền tảng bắt buộc cho tất cả học sinh muốn học đại học ở Anh. Trong hai năm ấy, học sinh sẽ theo học các môn học tự chọn có liên quan đến ngành học đại học của mình và sau đó tham dự vào một kỳ thi quốc gia để xét điểm vào đại học. Chính vì vậy, những học sinh đã xác định sự lựa chọn của mình là nước Anh thì từ sớm đã nên chuẩn bị cho mình một lộ trình theo học A/AS Level chứ không nên chờ đến khi tốt nghiệp xong trung học. Ngoài A/AS Level, học sinh quốc tế còn có thể chọn theo học chương trình dự bị Foundation Programme chỉ kéo dài một năm, tuy nhiên không phải trường nào ở Anh cũng chấp nhận chứng chỉ này. Bù lại, bậc đại học ở Anh chỉ kéo dài ba năm và tập trung ngay vào chuyên ngành. Đa phần các chương trình học thạc sĩ của Anh cũng chỉ kéo dài trong khoảng một năm. Thời gian từ bậc dự bị cho đến thạc sĩ ở Anh là hai năm A/AS Level, ba năm đại học và một năm thạc sĩ, tổng cộng là sáu năm.
Ở Mỹ, sinh viên có thể theo học đại học ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 nhưng với điều kiện đã phải hoàn thành kỳ thi SAT hoặc ACT. Tuy hiện nay, nhiều trường đại học tại Mỹ đã không còn xét điểm SAT hoặc ACT mà dựa vào kết quả học tập cấp 3 của học sinh nhưng số lượng trường yêu cầu xét tuyển vẫn chiếm đa số. Việc luyện thi SAT hoặc ACT có thể được thực hiện trong thời gian học sinh học trung học và hầu như tất cả các kiến thức của SAT và ACT đều là kiến thức bậc trung học ở Mỹ chứ chưa đi vào nội dung dự bị cho đại học. Các chương trình đại học của Mỹ kéo dài bốn năm, trong đó hai năm đầu được xem là giai đoạn đại cương và sinh viên có thể dễ dàng đổi ngành học trong quãng thời gian này. Bù lại, các chương trình thạc sĩ ở Mỹ lại kéo dài đến hai năm. Tổng thời gian cho hai bậc đại học và thạc sĩ ở Mỹ cũng là sáu năm.
Hoạt động ngoại khóa
Các trường đại học ở Anh có đầy đủ các hoạt động ngoại khóa ở nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao, học thuật, các hoạt động cộng đồng. Sinh viên có thể tham gia như một thú vui ngoài giờ hoặc hoạt động ở cấp độ chuyên nghiệp tại các khoa thể thao.
So với Anh, hoạt động ngoại khóa ở Mỹ không khác về số lượng nhưng lại khác về quy mô và ảnh hưởng đến đời sống ở sinh viên. Nếu ở Anh, đa phần các hoạt động ngoại khóa chỉ là một phần nhỏ trong việc học thì ở Mỹ, đây lại là một phần ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống học đường. Các đội tuyển thể thao hay câu lạc bộ nghệ thuật trong các trường đại học ở Mỹ được xem là nơi đào tạo các tuyển thủ, nghệ sĩ tham gia thi đấu chuyên nghiệp để mang lại vinh quang cho trường mình cũng như đất nước mình tại các đấu trường quốc tế. Tinh thần “màu cờ sắc áo” của sinh viên Mỹ cũng mạnh mẽ hơn nhờ vào nền văn hóa học đường này.
Chỗ ở
Sinh viên tại Anh có thể tự do lựa chọn chỗ ở phù hợp nhất với mình, có thể lựa chọn ở ngoài hoặc trong ký túc xá của nhà trường. Ký túc xá của nhà trường được vận hành không khác gì một trung tâm cung cấp chỗ ở với các mức giá khác nhau tương ứng với tình trạng và trang thiết bị đi kèm.
Khác với Anh, nhiều trường ở Mỹ gần như bắt buộc sinh viên phải đến ở tại ký túc xá của trường trong thời gian theo học bậc đại học. Tại đây, sinh viên sẽ được sắp xếp ở cùng phòng với một sinh viên khác. Khu ký túc xá của các trường đại học Mỹ thường được chia thành các nhà chung khác nhau có lịch sử và văn hóa lâu đời mà mỗi thành viên sẽ phải giữ gìn và tiếp nối.
Chi phí
Anh luôn được biết đến như một trong những quốc gia đắt đỏ nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Chi phí du học tại Anh đắt đỏ chỉ khi sinh viên chọn những thành phố lớn như London, Manchester… Học phí tại các trường đại học ở Anh được xem là khá hợp lý khi học phí trung bình một năm thường nằm ở khoảng 12-15 ngàn bảng Anh (hơn 300-400 triệu đồng). Tuy nhiên, điểm trừ của nền giáo dục Anh là có khá ít học bổng và hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên quốc tế.
Chi phí giáo dục ở Mỹ có thể nói là vô cùng đắt đỏ, đặc biệt là ở những trường đại học hàng đầu. Học phí ở một trường đại học Mỹ có thể dễ dàng vượt quá con số 50 ngàn USD/năm (khoảng hơn 1 tỉ đồng). Cũng như Anh, chi phí sinh hoạt ở Mỹ phụ thuộc vào từng thành phố khác nhau và đắt đỏ nhất là ở New York, Los Angeles… Tuy nhiên, Mỹ lại được xem là “miền đất hứa” với sinh viên khắp thế giới vì số lượng học bổng và hỗ trợ tài chính dồi dào mà chính phủ cũng như các trường đại học trao tặng cho các sinh viên xuất sắc.
Làm thêm
Tại Anh, du học sinh được phép làm thêm 20 tiếng/tuần. Các công việc mà các du học sinh tại Anh hay làm là gia sư, trông trẻ, giúp việc nhà, bán hàng…
Đa phần các trường đại học ở Mỹ chỉ cho phép sinh viên nhận các công việc trong phạm vi nhà trường như thư ký, đánh máy, nhân viên thư viện… Tuy là các công việc trong trường nhưng sinh viên vẫn được trả lương đầy đủ khi làm công việc này. Trong nhiều trường hợp, phần tiền lương từ công việc này được trừ thẳng vào khoản nợ học phí như đã cam kết ban đầu giữa nhà trường và sinh viên.
Nhật Hà (DNSGCT)