Tạp chí trực tuyến Listverse của Anh vừa công bố danh sách 10 cuốn bị cấm trong thế kỷ 21 (10 Books Banned In The 21st Century). Rất có thể, trong nhiều hoàn cảnh, các ấn phẩm này đã đụng chạm tới các vấn đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo hay đạo đức…. Bốn cuốn dưới đây nằm trong danh sách cấm này.
1. Cẩm nang viên thuốc tự tử hòa bình
Cẩm nang viên thuốc tự tử hòa bình (The Peaceful Pill Handbook) xếp thứ nhất trong danh sách, là cuốn sách không đề cập tới chính trị, giới tính hoặc bí mật quốc gia, mà nói về tự tử, chính xác hơn là đề cập chi tiết cách quyên sinh hiệu quả nhất mà những người chán sống, bệnh tật hay vì lý do nào đó muốn kết thuốc cuộc đời. Rất chi tiết như dùng insulin cho đến thuốc phiện opioid liều cao v.v.
Ở nhiều quốc gia, tự sát, tự tử hay quyên sinh đều là bất hợp pháp, nhưng hai tác giả người Úc Philip Nitschke và Fiona Stewart lại lập luận rằng mọi người đều có quyền sống thì dĩ nhiên cũng có quyền lựa chọn cái kết cho cuộc đời; đó là cách ra đi hòa bình, nhất là nhóm người cao niên, mắc bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa, bị bệnh tật hành hạ “sống khổ hơn chết”.
Ngoài sách in còn có cẩm nang trực tuyến eHandbook Peaceful Pill, kèm theo video clip về các phương pháp tự tử tự nguyện và các vấn đề liên quan, nhưng không cung cấp hướng dẫn cách thực hiện cụ thể. Sách điện tử được cập nhật 6 lần/năm. Ấn phẩm in được phát hành lần đầu tại Mỹ 2006, ấn bản tiếng Đức in có tên Die Friedliche Pille được xuất bản năm 2011 còn ấn bản tiếng Pháp La Pilule Paisible đã được phát hành vào tháng 6.2015.
Cách tự tử được sách đề cập có sử dụng khí như khí nitơ, carbon monoxide, các loại thuốc không kê đơn như chloroquine, thuốc theo toa như insulin, thuốc phiện và thuốc an thần… Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhiều hơn của cuốn sách là phạm vi phủ sóng trên Internet khiến việc tự tử lan rộng, kèm theo nạn thuốc giả hoành hành.
Năm 2008, Hiệp hội Xúc tiến Tiêu chuẩn cộng đồng New Zealand đã phản đối việc xuất bản sách, nhưng một thời gian ngắn, sách lại được tái bản sau khi biên tập lại. Tại Úc, chính phủ cấm lưu hành và xem đây là tội ác.
Về phần mình hai tác giả muốn phát hành cẩm nang để giúp đỡ những người mắc bệnh nan y quyên sinh nhưng giới nhân khẩu học lại lập luận, nó sẽ trở thành nguy cơ làm tăng tỷ lệ quyên sinh, nhất là ở nhóm người mắc bệnh tâm thần, thần kinh, như trầm cảm chẳng hạn.
2. Chiến dịch trái tim đen tối
Chiến dịch trái tim đen tối (Operation Dark Heart) xếp thứ 5, của cựu điệp viên tình báo quân đội Anthony Shaffer đã được chính phủ Mỹ cấm không cho phát hành vì nó thuộc tài liệu bí mật quốc gia chưa được giải mật, đề cập tới các hoạt động quân sự mờ oám của Mỹ tại Afghanistan năm 2003.
Anthony Shaffer chính thức cho ra mắt tác phẩm ngày 31.8.2010, nhưng gần như ngay lập tức, 3 cơ quan tình báo chính phủ là Cơ quan Tình báo Quốc phòng, NSA và CIA đã lên án sách đề cập quá nhiều thông tin nhạy cảm.
Vào ngày 20.9.2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hơn 47.000 USD để mua lại và sau đó tiêu hủy 9.500 ấn phẩm. Đáng tiếc là chính phủ không thu hồi được toàn bộ mà ngay sau đó nó lại được tái bản trực tuyến với một số lượng đáng kể kể cả bản gốc. Để xoa dịu dự luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tung ra ấn bản thứ hai đã được kiểm duyệt.
Chiến dịch trái tim đen tối dài khoảng 300 trang của trung tá Anthony Shaffer kể về thời gian tại ngũ của ông trong Cơ quan Tình báo quân đội (DIA) tại Afghanistan năm 2003. Nói ngắn hơn là mô tả một vài chiến dịch mà ông đã trực tiếp tham gia. Sau khi biết toàn bộ số sách phát hành đợt đầu bị mua lại hết, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Shaffer tuyên bố cuốn sách của ông không chứa những thông tin bí mật.
- Xem thêm: Bóng tối trong trang văn
Cũng phải nói thêm rằng đề tài Afghanistan được Mỹ quan tâm vì nó đụng chạm tới nhiều vấn đề mà trước đó đã được trang web WikiLeaks công bố như việc đánh nhầm của quân đội Mỹ vào dân thường hay những vũ khí được bí mật được Mỹ tại Afghanistan sử dụng, nhất là hành động của lính Mỹ đã cố tình sát hại thường dân, dùng chính thi thể của họ để làm chiến lợi phẩm hoặc chuyện về chứng loạn thần của Tổng thống Hamid Karzai. Trong khi đó Mỹ lại tung tin sẽ rút hết quân đội Afghanistan vào tháng 7.2011…
3. Mật mã Da Vinci
Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) đứng vị trí thứ 6 của tác giả người Mỹ Dan Brown thuộc thể loại hư cấu, trinh thám được xuất bản năm 2003.
Theo Listvese, đây là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới với trên 80 triệu bản và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau.
Mật mã Da Vinci là một trong 4 tiểu thuyết liên quan tới nhân vật Robert Langdon, cùng với Thiên thần và Ác quỷ (Angels and Demons), Biểu tượng thất truyền (The Lost Symbol, trước đây được biết đến với tên The Solomon Key) và Hỏa ngục (Inferno).
Cốt truyện kể về âm mưu của Giáo hội Công giáo nhằm che giấu sự thật liên quan tới Chúa Giê-su. Truyện ám chỉ Tòa thánh Roma biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua, nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực. Sau khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy mạnh mẽ sự tò mò khắp thế giới đi tìm hiểu sự thật về sự tích Chén Thánh, và vai trò của Mary Magdalene.
Mật mã Da Vinci nhận được nhiều phê bình sâu sắc ngay kỳ ấn hành đầu tiên năm 2003. Phe ủng hộ thì cho rằng tiểu thuyết rất sáng tạo, đầy kịch tính và làm cho người xem phải suy nghĩ. Phía phản đối thì lại nói tiểu thuyết đã “thổi phồng các chuyện xấu trong lịch sử của Kitô giáo truyền thống”.
Phần lớn chỉ trích việc suy đoán và xuyên tạc của những phần quan trọng nhất thuộc về Kitô giáo và lịch sử của Giáo hội Công giáo Roma, xúc phạm những người Thiên Chúa giáo, miêu tả sai về mỹ thuật, lịch sử, và kiến trúc châu Âu. Phản ứng của các giám mục Công giáo ở Mỹ là mở một website để bác bỏ các luận điệu và lỗi sai quan trọng trong tiểu thuyết nói trên.
Trung tâm Thông tin Công giáo (CIC) ở Lebanon đã cấm cuốn sách này 5 tháng sau khi nó được ấn hành. CIC đưa ra một tuyên bố: sách đã lăng mạ Chúa Giê-xu là “xúc phạm đến Kitô giáo” nên CIC đã áp đặt lệnh cấm bất chấp sự nổi tiếng của tiểu thuyết này tại Lebanon.
4. Persepolis
Các ấn phẩm như Nhật ký của Anne Frank cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quý giá, giúp người đọc kết nối và hiểu thêm và tri thức của nhân loại.
Tương tự, Persepolis (xếp vị trí thứ 9 trong danh sách) là hồi ký của Marjane Satrapi nêu chi tiết cuộc sống của tác giả sinh ra và lớn lên như thế nào trong cuộc cách mạng Iran, được viết theo phong cách tiểu thuyết đồ họa, song nó lại bị cấm ở nhiều nơi.
Persepolis là một câu truyện kể về cuộc đời của một cô bé tên là Marjane Satrapi ở Iran. Tuổi thơ của Marjane Satrapi đã chứng kiến biết bao nhiêu những sự kiện và thay đổi trong xã hội, như cuộc Cách Mạng Hồi giáo, chiến tranh với Iraq.
Điều khiến câu chuyện này hay và đặc biệt là cách Marjane Satrapi nhìn nhận những vấn đề đó qua một lăng kính ngây thơ, hồn nhiên, không thiên vị nhưng không kém phần sắc sảo.
Ví dụ, có đoạn Marjane Satrapi mô tả những thay đổi sau cuộc Cách mạng Hồi giáo, cho đến những quy định bắt mọi người phải đeo khăn choàng… Tuy các tình tiết rất nhỏ, song nó không chỉ đơn thuần về đồng phục hay cách ăn mặc mà xa hơn muốn đề cập tới quyền tự do của con người.
Persepolis là một cuốn truyện hay và rất đáng đọc, vì nó đã thành công trong việc kể lại những khó khăn phụ nữ sống trong chế độ Hồi giáo một cách nhẹ nhàng và thâm thúy.
Những thông tin về giai đoạn lịch sử đầy biến động của Iran, nội dung súc tích, ngắn gọn và sống động với những hình vẽ giàu biểu cảm. Persepolis đã được chuyển thể thành phim hoạt hình bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp với sự tham dự của các ngôi sao điện ảnh Pháp như Danielle Darrieux (vai bà của Satrapi), Catherine Deneuve (mẹ của Satrapi)… hay phiên bản tiếng Anh với sự góp mặt của nữ minh tinh Deneuve và Gena Rowlands (vai bà và mẹ của Satrapi).
Tuy chuyện xảy ra ở Iran nhưng năm 2013, Trường Công lập Chicago (CPS) đã rút cuốn sách khỏi chương trình lớp 7 và cho rằng học sinh Mỹ đánh giá qúa cao cuốn sách này. Tuy nhiên, Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) lại yêu cầu không loại bỏ sách khỏi danh sách “kiểm duyệt”.
ALA quan tâm đến tính thực tế, rằng cuốn sách đã nói lên vấn đề cản trở dân chủ và giáo dục, khiến nhiều trường công lập ở Mỹ phải đóng cửa giống như những gì đã được Marjane Satrapi mô tả trong Persepolis.