Richard Nixon, vị tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, nhân vật có liên quan rất nhiều đến chiến tranh Việt Nam, nổi tiếng với cá tính phức tạp, khuynh hướng “chơi nổi” và những chuyện bí mật ít người biết về đời tư của ông.
Từ giấc mộng FBI đến máu mê chơi bài poker
Người ta thường hay nói câu “giả sử”. Giả sử Hitler trở thành một hoạ sĩ thành công thì sao nhỉ? Ắt hẳn hắn sẽ không thành một tên bạo chúa khét tiếng.
Giả sử tổng thống John F. Kennedy không đến Dallas, có thể ông sẽ không bị ám sát. Ở đây, chúng tôi muốn hỏi câu: giả sử Richard Nixon đã trở thành một nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) thì sao? Liệu ông ta có trở thành một tổng thống hay không?
Khi theo học ngành luật ở Đại học Duke, Nixon đã toan trở thành một nhân viên FBI. Năm 1937, ở tuổi 24, Nixon đã nộp đơn phỏng vấn xin việc. Nói chung cuộc phỏng vấn được đánh giá tốt. Nhưng nghề nghiệp FBI của ông chưa bao giờ đi xa hơn cuộc phỏng vấn đó.
Mấy năm sau, sau khi Nixon trở thành phó tổng thống của Tổng thống Dwight Eisenhower, sự thay đổi này có thể do sự cắt giảm ngân sách hoặc vì kế hoạch của Nixon không phù hợp với kế hoạch tuyển dụng của Cục.
Dù sao sự chuyển hướng nhỏ nhặt này cũng vẫn có thể dẫn đến sự thay đổi lịch sử, nếu giả sử Nixon được tuyển mộ làm một nhân viên FBI.
Thoạt nghe hai chủ đề: nhân viên FBI và dân chơi poker sành sỏi có vẻ trái ngược nhau. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này vẫn đi đôi trong con người của Richard Nixon.
Tháng 5.1944, khi Thế chiến thứ hai còn một năm nữa mới chấm dứt, lúc đó Nixon đóng quân ở đảo Green Island ngoài khơi Papua New Guinea, ông phụ trách chất hàng và xuống hàng cho các phi cơ vận tải.
Những lúc rảnh, ông còn làm chủ một quán rượu nhỏ tên “Nick’s”, đó là nơi bán bia, nước giải khát kiêm phục vụ đánh bài cho đám thủy thủ.
Theo sử gia Rick Perlstein, có lẽ Nixon đã học chơi bài poker thời ông còn là một nhân viên phụ trách hội hè ở Arizona.
Nixon mê chơi bài poker đến mức đã bỏ luôn cơ hội gặp gỡ Charles Lindbergh, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất hành tinh, vì ông còn bận đánh bài với bạn bè.
Cuộc gọi điện thoại đầu tiên lên Mặt Trăng
Nếu phải mô tả cá tính của Richard Nixon trong một từ ngữ thì đó là từ “phức tạp”. Trước hết, ông thực sự là một người vô cùng lãng mạn.
Đặc biệt, ông rất si mê bà Pat, vợ ông. Hai người quen nhau trong một nhà hát cộng đồng năm 1938; ông đã phải lòng bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chỉ có Pat là hoàn toàn không để ý đến Nixon.
Ông tán tỉnh bà trong khi học trượt băng. Sau một thời gian theo đuổi, cuối cùng họ đã đến với nhau. Ông viết thư tình cho bà: “Mỗi ngày và mỗi đêm, anh đều muốn gặp em và được ở bên em”.
Ngoài tình yêu, Nixon còn đam mê thể thao, đặc biệt là môn bóng chày. Ông là một fan nhiệt tình về bộ môn này. Trong thời gian ở Nhà Trắng, ông đã tham dự 11 trận thi đấu và là vị tổng thống đầu tiên ném trái bóng khai mạc tại West Coast.
Ông cũng là vị tổng thống đầu tiên và duy nhất sáng tạo ra đội bóng All-Star hư cấu của riêng ông, một phần vì đam mê bóng chày và một phần để tranh thủ các mục tiêu chính trị.
Nói Nixon ưa chơi ngông vì ông là người đã gọi cuộc điện thoại đầu tiên từ Nhà Trắng lên… mặt trăng vào thời đó. Trong khi Nhà Trắng còn bận bịu với hàng trăm cuộc điện thoại, có lẽ cuộc gọi lịch sử nhất đã diễn ra vào ngày 20.7.1969 giữa Tổng thống Richard Nixon và các phi hành gia trên mặt trăng.
- Xem thêm: Chuyện súng đạn ở Mỹ
Hiển nhiên, đó là một cuộc gọi không đơn giản chút nào. Quá trình bao gồm từng người thuộc Không Lực cho tới công ty viễn thông AT&T và yêu cầu cuộc gọi nối dài từ thủ đô Washington D.C tới Houston, kế đến phát nó đi tới các ăngten đĩa trên khắp thế giới. Cuộc gọi đi qua vũ trụ, trên quãng đường dài 385.000km đến mặt trăng, kết nối với hai phi hành gia Buzz Aldrin và Neil Armstrong.
Vấn đề là cuộc gọi đó thật ngắn ngủi. Nixon tuyên bố: “Vì những gì các bạn đã làm được, những thiên đường nay đã trở thành một phần của thế giới loài người, và khi các bạn nói với chúng tôi từ Biển Yên Bình (Apollo 11 đã đáp xuống một địa điểm trên mặt trăng có tên là Sea of Tranquility, nghĩa là Biển Yên Bình), nó đã gợi ý cho chúng ta phải tăng cường gấp đôi những nỗ lực đem lại hòa bình và yên bình cho trái đất.”
Hai phi hành gia đáp lại rằng họ “đang đại diện cho những đất nước yêu chuộng hòa bình, những người mang tầm nhìn của tương lai,”chỉ vài giây sau hai bên đều gác máy, kết thúc cuộc gọi điện thoại đầu tiên của con người tới mặt trăng.
Chưa hết, Nixon cũng là một fan ghiền xem phim nữa. Hầu như mỗi tối thứ sáu và thứ bảy ông đều xem phim. Trong thời gian làm tổng thống, tổng cộng ông đã xem tất cả 528 phim.
Ông là một fan lớn của các tài tử nổi tiếng như Jimmy Stewart, John Wayne và Clint Eastwood, ông cũng thích xem phim của minh tinh màn bạc Audrey Hepburn, nhưng ông không thường xem những phim trong đó phụ nữ giữ vai chính.
Riêng phim The Sound of Music là một ngoại lệ. Hai phim tâm đắc nhất của ông là Vòng quanh thế giới trong 80 ngày và phim Patton. Riêng những phim thuộc thể loại chiến tranh cổ điển, ông có thể xem lại tới 3 lần.
Nhưng có lẽ hành động kỳ quặc nhất của Nixon là ông đã bắt tay với diễn viên đóng vai RoboCop (cảnh sát người máy) trong cuốn phim cùng tên.
Đối đầu từ tập thể đến cá nhân
Richard Nixon không phải là người xa lạ gì với Tòa án Tối cao. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông đã để cử 4 thẩm phán, sau này 3 trong số họ đã phán quyết chống lại ông.
Năm 1966, Nixon đã tranh cãi với Tòa án Tối cao vì ông chống lại tự do báo chí. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1952, khi có ba phạm nhân vượt ngục xâm nhập vào một ngôi nhà ở Lewiburg, Pennsylvania, bắt gia đình nhà Hill làm con tin.
Những tên tội phạm không định gây tổn thương cho gia đình họ. Sau 19 giờ, chúng tẩu thoát, để lại gia đình nhà Hill ở phía sau. Tất cả ba tên đều đã bị giết hoặc bị bắt. Câu chuyện gây nên sự phẫn nộ của quần chúng. Riêng gia đình nhà Hill muốn tránh né giới truyền thông tò mò.
Nixon cũng không thích gần giới nhà báo, nhất là những kẻ ưa nhúng mũi vào các công việc của ông. Có rất nhiều phóng viên đã được liệt vào “sổ đen” của Nixon. Trong số đó là trường hợp suýt chết của nhà báo Jack Anderson.
Nhà Trắng gọi Anderson là “cái gai lớn bên cạnh tổng thống”. Anderson đã tiết lộ chuyện Nixon bí mật tiếp tế vũ khí cho Pakistan năm 1971 chống lại Ấn Độ.
Biết chuyện Nixon rất tức giận. Sau một cuộc họp với CIA, có hai quyết định được đề ra: đột nhập vào nhà của Anderson, cho một viên thuốc độc vào chai thuốc của anh, hoặc là bôi thuốc gây ảo giác LSD vào tay lái xe hơi của anh. May cho Anderson là sau đó kế hoạch bị hủy bỏ, vì Nixon còn phải đối phó với vụ scandal động trời Watergate.