Những thương vụ M&A của Vinamilk đang cho thấy tính hiệu quả, doanh nghiệp sau khi được đại gia ngành sữa mua lại có lợi nhuận tăng tiến đột biến.
Thời gian gần đây, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) liên tiếp thực hiện những thương vụ M&A (mua bán sáp nhập), liên doanh với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh thâm nhập thị trường.
M&A tạo động lực tăng trưởng
Thực tế, những thương vụ M&A của Vinamilk đang cho thấy tính hiệu quả, doanh nghiệp sau khi được đại gia ngành sữa mua lại có lợi nhuận tăng tiến đột biến.
Cuối tháng 12/2019, thương hiệu sữa được “định giá” hơn 2,4 tỷ USD (theo danh sách Forbes công bố) là Vinamilk đã hoàn tất mua vào gần 79 triệu cổ phần Công ty cổ phần GTNFoods (mã chứng khoán: GTN) nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75%, chính thức nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp sữa này. Giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 1.800 tỷ đồng.
GTNFoods thời điểm này đang là công ty mẹ của Mộc Châu Milk, sở hữu 51% vốn thông qua công ty con là Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam – Vilico (mã chứng khoán: VLC). Sau khi gián tiếp trực thuộc Vinamilk, lợi nhuận GTNFoods thăng hoa dưới sự hậu thuẫn của VNM. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của GTNfoods tăng đột biến từ 7 tỷ năm 2019 lên 251 tỷ đồng năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của GTN cho thấy công ty đã thoái toàn bộ vốn tại các mảng đầu tư ngoài lĩnh vực nông nghiệp và 100% doanh thu thuần của GTNfoods đến từ Vilico.
GTNFoods hoạt động theo mô hình holdings (công ty mẹ sẽ không trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh tại các công ty con mà chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn), chi phối thương hiệu sữa Mộc Châu.
GTNFoods tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất Thống Nhất được thành lập năm 2011, với mô hình là một công ty đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản.
Năm 2015-2017, GTNfoods thoái toàn bộ các mảng đầu tư ban đầu và tập trung danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được cổ phần hóa.
Công ty đã thâu tóm thành công một số doanh nghiệp đáng chú ý; trong đó, quan trọng nhất là nắm cổ phần chi phối Công ty Sữa Mộc Châu (mã chứng khoán: MCM), gián tiếp thông qua Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam. Năm 2019, doanh thu hợp nhất của GTNfoods đạt 2.970 tỷ đồng; trong đó, doanh thu của Sữa Mộc Châu đóng góp 86,1%.
Thực tế, doanh thu năm 2020 của Vinamilk tăng trưởng là nhờ M&A. Doanh thu hợp nhất 2020 của VNM tăng 5,9% so với cùng kỳ lên 59.636 tỷ đồng. Doanh thu từ GTNFoods đạt 2.823 tỷ đồng, chiếm 85,1% tổng tăng trưởng hợp nhất.
Trong khi doanh thu của các sản phẩm thương hiệu Vinamilk năm 2020 chỉ tăng trưởng 0,8% so cùng kỳ, đạt 56.813 tỷ đồng do tác động của đợt lũ lụt nghiêm trọng kéo dài tại Miền Trung trong quý IV và đại dịch COVID-19.
Dù đang kinh doanh hiệu quả nhưng mới đây, GTNFoods và Vilico cùng tổ chức đại hội đồng cổ đông để thông qua phương án sáp nhập. GTNFoods là công ty mẹ của Vilico.
Sau sáp nhập, thương hiệu GTNFoods sẽ biến mất, Vilico sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu GTN. Tỷ lệ hoán đổi là 1,6:1. Cổ đông sở hữu 16 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ đổi thành 10 cổ phiếu VLC.
Việc sáp nhập hai doanh nghiệp này được đánh giá là bước đi đầy “toan tính” của Vinamilk.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, GTNFoods không trực tiếp hoạt động ngành nghề kinh doanh cốt lõi nào, mà chỉ đơn thuần là công ty nắm giữ cổ phần tại công ty con là Vilico, gián tiếp nắm giữ Mộc Châu và các công ty liên kết. Do đó, việc duy trì công ty mẹ như GTNFoods là không cần thiết.
Việc này cũng giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp của Vinamilk và tăng cường tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vinamilk.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) ước tính việc sáp nhập GTNFoods vào Vilico sẽ giúp lợi nhuận ròng của nhóm công ty tăng thêm khoảng 10 – 12 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm được chi phí quản lý doanh nghiệp.
Dựa trên thông tin đã có, Mirae Asset cho rằng việc hoán đổi cổ phiếu GTN và VLC có tác động tích cực tới lợi ích kinh tế của nhóm doanh nghiệp.
Mirae Asset đánh giá cao kế hoạch nuôi bò và sản xuất thịt bò của VLC vì doanh nghiệp (dưới sự hậu thuẫn của VNM) có lợi thế đặc biệt về kinh nghiệm, kỹ thuật, đất đai, thức ăn và vốn trong việc nuôi bò thịt tại Việt Nam.
Ước tính dự án sẽ đóng góp 1.000 tỷ đồng mỗi năm (bằng 35% doanh thu 2020 của VLC) nếu vận hành hết công suất.
Đánh giá về kế hoạch nuôi bò thịt, chuyên gia từ SSI cũng cho rằng kế hoạch này khá tiềm năng do Vilico sở hữu quỹ đất lớn, ngoài ra Vilico cũng có cơ sở chế biến thịt. Đây cũng là cơ hội tốt để tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ thịt bò hiện đang gia tăng ở Việt Nam.
Chăn nuôi bò thịt có thể trở thành động lực tăng trưởng cho Vinamilk trong dài hạn, đặc biệt là khi thị trường sữa đã bão hòa. Vilico thành lập liên danh với Công ty Sojitz với tỷ lệ 51%: 49% để thực hiện dự án, SSI cho biết.
Thực tế mới đây, Công ty Sojitz của Nhật Bản và Vilico đã đạt được thỏa thuận thành lập một liên doanh mới (JVL) nhằm mục đích nhập khẩu, chế biến và bán các sản phẩm thịt bò tại Việt Nam.
Vilico cũng công bố định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Quy mô thị trường thịt Việt Nam khoảng 10 tỷ USD; trong đó, mặt hàng thịt trâu, bò là hơn 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng thịt trâu, bò đạt từ 6-7%/năm, gấp đôi thịt heo, gà…
Vilico cũng đặt kế hoạchđầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.
Liên doanh để thâm nhập thị trường
Ngày 4-2-2021, Vinamilk thông báo đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty liên doanh tại Philippines với quy mô vốn 6 triệu USD. Vinamilk sẽ nắm giữ 50% vốn của liên doanh.
Liên doanh được thành lập với chức năng nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa của Vinamilk tại thị trường Philippines. Năm 2021, Công ty chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng thị trường mới này sẽ giúp doanh thu xuất khẩu trực tiếp của Vinamik tăng thêm 0,5% so với cùng kỳ.
Ngày 5-2-2021, Vinamilk tiếp tục công bố việc thành lập liên doanh với Kido Group, tập đoàn sản xuất thực phẩm đóng gói hàng đầu Việt Nam để sản xuất và phân phối kem cùng đồ uống không cồn dưới thương hiệu VIBEV.
Tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 của Vinamilk vào liên doanh là 400 tỷ đồng; trong đó, Vinamilk nắm 51% quyền sở hữu.
Thông tin từ Vinamilk cho biết, một danh mục sản phẩm đa dạng sẽ được tung ra chính thức từ tháng 4-2021. Tập đoàn Kido là nhà sản xuất kem và dầu ăn lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu của Eurmonitor, KIDO hiện nắm 41% thị phần kem trong nước.
KIDO và Vinamilk đạt được thỏa thuận liên doanh từ tháng 6-2020 và dự kiến doanh thu của VIBEV đạt 2.000 tỷ đồng trong năm hoạt động đầu tiên. Thực tế, Vinamilk đã và đang sản xuất nước giải khát và các sản phẩm đồ uống không cồn khác như nước ép trái cây, nước dừa, nước cam dưới thương hiệu Vinamilk.
Mirae Asset tin rằng Vinamilk sẽ chuyển toàn bộ mảng kinh doanh này qua VIBEV. Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng VIBEV sẽ bổ sung từ 300-400 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất của Vinamilk trong năm 2021.
Như vậy có thể thấy rằng, các nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vinamilk đang tích cực thực hiện M&A, chuyển đổi và mở rộng các mảng kinh doanh, tận dụng lợi thế của các công ty liên doanh để thâm nhập thị trường, tạo động lực phát triển mới khi ngành sữa đã dần bão hòa.