Thông tin tại hội thảo Cập nhật thông tin cho doanh nghiệp: thủ tục hải quan, vận dụng C/O ưu đãi, lộ trình thuế trong các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia do WTO TP.HCM tổ chức ngày 8-5-2015 cho biết, ngành Hải quan đã có nhiều cải tiến hiện đại trong quản lý doanh nghiệp.
Giảm thiểu thủ tục hải quan là nỗ lực của chính phủ, cũng là mong ước của doanh nghiệp bấy lâu nay nhưng hầu như vẫn chưa có kết quả trong những năm qua. Theo thông tin từ chính phủ, thủ tục hải quan cho xuất khẩu mất bốn ngày, cao gấp hai lần so với bình quân khu vực.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Phản ánh của các doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy thủ tục thông quan còn nhiều bất cập, một bộ phận công chức tùy tiện đưa ra nhiều loại giấy tờ không chính thức nhằm gây khó khăn và nhũng nhiễu doanh nghiệp. Việt Nam chỉ cần giảm một ngày trong thủ tục hải quan là có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp 1,6 tỉ USD”.
Cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế thì ngành hải quan đã có nhiều bước tiến trong cải cách các thủ tục hành chính. Theo Phó trưởng phòng giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến thời điểm này đã có khoảng 95% các thủ tục hải quan được thực hiện thông qua hệ thống hải quan điện tử, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, hàng loạt các quy định cũng được thay đổi theo hướng tinh gọn, rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Công bố thủ tục hành chính; số lượng, hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết, các quy định về thủ tục hải quan trên trang web: http://www.customs.gov.vn.
Có mặt tại hội thảo, một đại diện cho doanh nghiệp nói rằng tuy thủ tục hải quan điện tử đã giúp thuận tiện hơn trong thủ tục xuất nhập khẩu nhưng doanh nghiệp vẫn phải xuất trình hồ sơ giấy. Mà số lượng hồ sơ giấy doanh nghiệp phải cung cấp ở mỗi nơi mỗi khác, đã vậy thường phải nộp hơn 10 loại giấy tờ chứ không phải chỉ có năm, sáu loại như quy định. Hơn nữa, thời gian hàng hóa thông quan vẫn còn cao do các quản lý chuyên ngành như: cấp phép, kiểm tra chuyên ngành… chiếm từ 70 – 80% thời gian thông quan hàng hóa. Hy vọng trong thời gian tới, việc áp dụng cơ chế một cửa sẽ tháo gỡ những vướng mắc này, tiếp tục giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Một điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là hải quan sẽ kiểm tra theo đánh giá rủi ro với nhiều ưu tiên đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp được phân làm bốn loại: doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ, doanh nghiệp không tuân thủ và doanh nghiệp chưa đủ điều kiện đánh giá. Những doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong vòng ba năm như: miễn kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, được ưu tiên trong giải quyết các thủ tục về thuế, gia hạn nộp tờ khai hoàn chỉnh…
Doanh nghiệp được công nhận là ưu tiên nếu hội đủ các điều kiện như: Tuân thủ pháp luật hai năm liên tục, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu 100 triệu USD/năm, thực hiện thủ tục hải quan, thuế điện tử, thực hiện thanh toán qua ngân hàng, có hệ thống kiểm soát nội bộ, chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán… Còn doanh nghiệp không may bị xếp vào dạng không tuân thủ, thường xuyên có những vi phạm về chính sách thuế, hải quan… sẽ bị kiểm tra toàn diện, gay gắt về hồ sơ cũng như hàng hóa thực tế.