Những nữ binh sĩ cứng như thép của Na Uy
Jannike, một cô gái 19 tuổi đến từ miền Bắc Na Uy, thừa nhận rằng bản thân “khá cứng rắn”. Cô là một phần của Hunter Troop, chương trình đào tạo lực lượng đặc biệt toàn nữ đầu tiên trên thế giới. Jannike nói: “Tôi muốn làm điều gì đó lớn hơn, những gì khó khăn nhất mà quân đội có thể cung cấp cho tôi. Tôi muốn thử xem mình có thể cứng rắn đến mức nào”.
Sau 6 tháng, mặc dù có một số “thời điểm thực sự tệ”, cô vẫn quyết tâm vượt qua khóa huấn luyện trong quân đội. Tiếp theo trong lịch trình huấn luyện là chiến đấu cận chiến và tấn công. Hunter Troop (tiếng Na Uy là “Jegertroppen”) được thành lập năm 2014. Giới chỉ huy quân sự Na Uy nói rằng cuộc chiến ở Afghanistan đã chứng tỏ một “nhu cầu hoạt động” tồn tại đối với những nữ binh sĩ được đào tạo chuyên sâu, những người có thể thu thập thông tin tình báo và tương tác với phụ nữ và trẻ em trong quá trình triển khai tại các xã hội bảo thủ.
Những gì bắt đầu như một loại chương trình thử nghiệm hiện được coi là một thành công lớn. Hơn 300 phụ nữ nộp đơn trong năm đầu tiên, và khoảng một chục tân binh vượt qua khóa huấn luyện khắc nghiệt hàng năm và từ đó có thể cung cấp một nguồn nữ binh sĩ ưu tú có thể được triển khai ở trong nước hoặc nước ngoài. Jannike cho biết phần khó nhất cho đến nay là “tuần địa ngục” – bài kiểm tra sức mạnh tinh thần và thể chất liên quan đến những cuộc hành quân dài ngày với ít thời gian nghỉ ngơi và lượng thức ăn và nước uống tối thiểu.
“Họ chỉ xem liệu bạn có thể chịu đựng được áp lực hay không”, Jannike nói. Các nữ binh sĩ trẻ luyện tập chiến đấu thoát khỏi một cuộc phục kích đô thị. Họ làm việc theo từng nhóm 2 người: ẩn nấp sau những chiếc xe tăng cháy rụi, dội hỏa lực mạnh bằng súng máy H&K MP7 và ném lựu đạn khói để cả đội có thể thoát ra ngoài an toàn. Mỗi khi một nhóm nữ binh sĩ bắn trúng một trong những mục tiêu bằng kim loại trong vùng tuyết phủ phía trước, một tiếng “ding” rõ ràng vang lên cho thấy sự chấp nhận của Đội trưởng Ole Vidar Krogsaeter, người giám sát quá trình huấn luyện của họ.
Người điều hành lực lượng đặc biệt kỳ cựu nói: “Để chuẩn bị cho họ, chúng tôi cố gắng cung cấp chương trình huấn luyện tốt nhất có thể, càng thực tế càng tốt. Chúng tôi đã cho các nữ binh sĩ xem qua các bài tập rất nhiều lần để họ cảm thấy thoải mái với nó”. Giữa các “hiệp”, những nữ binh sĩ ở độ tuổi từ 19 đến 27 được nghỉ ngơi, và sự năng động thay đổi hoàn toàn. Họ hát, đùa giỡn, nằm dài trên một hộp thiết bị, tận hưởng thời gian thư giãn ngắn ngủi.
Sau đó, họ đốt lửa và mở một bữa tiệc nướng. Trở lại giữa thập niên 1980, Na Uy trở thành một trong những quốc gia đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho phép phụ nữ phục vụ trong mọi vai trò chiến đấu, mặc dù con số thực sự làm như vậy vẫn còn thấp. Phụ nữ cũng được phép đăng ký vào lực lượng đặc biệt. Mỹ và Anh, trong khi gần đây mới bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với phụ nữ chính thức nhập ngũ trong các đơn vị chiến đấu. Tuy nhiên, những người lính đặc nhiệm nam ở Mỹ đã thể hiện sự phản kháng đặc biệt với những thay đổi.
Một cuộc khảo sát của Viện Rand năm 2014 về nam giới trong Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ (USSOCOM hay SOCOM) cho thấy 85% phản đối việc để phụ nữ làm công việc chuyên môn của họ, với 71% phản đối phụ nữ gia nhập đơn vị của họ. Mối quan tâm chính là các tiêu chuẩn cứng rắn sẽ giảm và sự gắn kết của nhóm có thể bị ảnh hưởng. Nam giới cũng phàn nàn về những tác động đáng sợ của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), đối phó với những lời phàn nàn của vợ họ và ảnh hưởng của việc sống tách biệt.
Magnus, một người lính đặc nhiệm Na Uy, người đã huấn luyện Jegertroppen, không đủ kiên nhẫn trước những vấn đề mà anh gọi là “nhân tạo”. “Các binh sĩ nam và nữ chủ yếu ở chung phòng ở Na Uy, và PMS ‘không là một vấn đề gì cả’ trong huấn luyện”, Magnus bình luận. Magnus nhận ra rằng có một số mối quan tâm xác đáng: nhất là khả năng của một nữ quân nhân để nhanh chóng vận chuyển một đồng nghiệp nam bị thương đến nơi an toàn. Tuy nhiên, Magnus nói thêm: “Tôi không nghĩ bạn nên mong muốn các cô gái sẽ làm giống hệt như các chàng trai.
Nữ binh sĩ sẽ không giành chiến thắng trong cuộc chiến tay đôi, nhưng phần lớn thời gian chúng tôi sử dụng súng và rất nhiều lần họ bắn giỏi hơn những người khác”. Hầu hết các thành viên của Jegertroppen đều là những vận động viên trung học ưu tú, nhưng họ có những điểm mạnh khác ngoài khả năng thể chất. Venderla, 22 tuổi, nói: “Phụ nữ có suy nghĩ khác biệt. Đàn ông chỉ làm những gì họ được cho là phải làm. Có lẽ chúng ta có nhiều khả năng nhìn thấy một giải pháp khác tốt hơn”.
Bình đẳng giới được thực hiện tốt trong quân đội Na Uy – cũng như trong xã hội nước này – với 11% quân nhân là phụ nữ, phản ánh sự tiến bộ trong việc tuyển dụng và giữ chân nữ giới. Phụ nữ Na Uy phù hợp với chế độ tuyển chọn của quân đội nước này và họ chiếm khoảng 25% trong số 8.000 thanh niên được tuyển dụng, có nghĩa là tỷ lệ này sẽ tăng lên theo thời gian.
Venderla cho biết cô chưa từng bị phân biệt giới tính trong lực lượng đặc biệt, nhưng đã từng gặp điều đó ở một tiểu đoàn khác. Venderla bị một số binh sĩ nói rằng cô yếu hơn và kém khả năng vì là người phụ nữ. Thậm chí, một nam binh sĩ còn đưa ra nhận xét lệch lạc về tình dục. Vấn đề dừng lại sau khi Venderla phàn nàn: “Tôi nghĩ anh ta có thể hơi bất an. Tôi biết mình đủ giỏi để vượt qua các bài kiểm tra nên đó là vấn đề của anh ta”.
Lực lượng đặc biệt Na Uy hiện đang được triển khai ở Jordan, giúp huấn luyện các phiến quân Syria trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Không ai trong số những phụ nữ đã qua Jegertroppen cho đến nay được triển khai vào một chiến dịch đặc biệt, nhưng các chỉ huy nói rằng điều quan trọng là họ được đào tạo và sẵn sàng chiến đấu nếu có nhu cầu. Jannike nói một cách điềm tĩnh nhưng đầy niềm tin rằng ở một đất nước yên bình như Na Uy, thật khó để cô ghi nhớ trong quá trình huấn luyện rằng họ thực sự đang “học cách giết người”. “Nhưng tôi cố gắng có quan điểm đó, bởi vì đó là những gì chúng tôi đang thực sự được đào tạo”.
Tây Ban Nha nỗ lực tuyển mộ phụ nữ vào lực lượng đặc biệt
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cố gắng mở rộng nhiều hơn vai trò của phụ nữ trong các lực lượng đặc biệt như một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles cho biết Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi các nước tuyển mộ nhiều phụ nữ hơn vào quân đội để giúp giải quyết các cuộc xung đột trên toàn thế giới. Phụ nữ nói tiếng Ả Rập nằm trong số những người được tìm kiếm cho các sứ mệnh do Liên Hiệp Quốc hoặc NATO lãnh đạo tại các khu vực xung đột, chẳng hạn như Iraq hoặc Libya.
Tại trung tâm chỉ huy (MOE) ở Rabasa, gần Alicante, Margarita Robles theo dõi một cuộc tấn công giả vào một tổ hợp khủng bố với mục đích thu thập thông tin tình báo – kiểu đột kích thường được tiến hành nhằm vào quân nổi dậy ở Afghanistan và Iraq. Robles cho biết MOE phải sẵn sàng chiến đấu không chỉ về robot quân sự và công nghệ tiên tiến khác, mà còn “bằng cách hiểu lĩnh vực văn hóa và xã hội của bọn khủng bố”.
Một số công việc dành riêng cho phụ nữ, chẳng hạn như khám xét phụ nữ tại các trạm kiểm soát. Trong các xã hội bảo thủ và gia trưởng, phụ nữ có thể dễ dàng thu thập thông tin tình báo từ phụ nữ địa phương, những người bị buộc phải tránh xa đàn ông nước ngoài. Trong chuyến thăm MOE vào tháng 4.2019, Robles cho biết “chúng tôi muốn thực hiện một nỗ lực đáng kể để thu hút nhiều phụ nữ hơn vào các nhiệm vụ này – đây là một ưu tiên”.
Năm 1999, Tây Ban Nha đã mở rộng cửa hầu hết các vị trí quân sự dành cho phụ nữ và tỷ lệ phụ nữ trong các lực lượng vũ trang của nước này hiện là 12,7% – cao hơn mức trung bình của NATO là 11,1%. Margarita Robles cho biết Tây Ban Nha vẫn cần tuyển thêm nhiều phụ nữ. Hiện có gần 15.300 trong quân đội Tây Ban Nha. Jesus Nunez, chuyên gia Tây Ban Nha về các cuộc xung đột quốc tế, cho biết “nhu cầu về các đơn vị đặc biệt đang tăng lên. MOE đang kết hợp tất cả các khả năng hoạt động đặc biệt, vì họ nhận ra rằng cần có nhiều khả năng hơn trong các cuộc chiến tranh phi đối xứng”.
Nunez nói rằng có nhu cầu rõ ràng đối với phụ nữ trong một số vai trò nhất định, vì lý do văn hóa. “Ví dụ, ở một số quốc gia Hồi giáo, rất khó để lấy thông tin từ phụ nữ nếu bạn là đàn ông”. Jesus Nunez đứng đầu Viện nghiên cứu xung đột IECAH có trụ sở tại Madrid, nơi tư vấn cho Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Tây Ban Nha. Hiện MOE có khoảng 1.000 nhân viên, nhưng chỉ có khoảng một chục là phụ nữ. Trong quân đội Tây Ban Nha, tỷ lệ phụ nữ nhiều hơn nam giới trong các vai trò phi chiến đấu và trung bình họ ở cấp thấp hơn.
Nhưng vào tháng 7.2019, Patricia Ortega đã trở thành nữ tướng đầu tiên trong lực lượng vũ trang của Tây Ban Nha. Đã có những cột mốc quan trọng khác đối với phụ nữ trong lực lượng vũ trang Tây Ban Nha. Năm 2005, Esther Yanez trở thành nữ chỉ huy đầu tiên của một tàu chiến – tàu tuần tra Laya. Và vào năm 2006 Rosa Maria Garcia-Malea trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Tây Ban Nha; sau đó cô tham gia đội nhào lộn trên không Patrulla Águila. Nunez cho biết động lực tuyển mộ phụ nữ vào quân đội Tây Ban Nha đã “rất thành công” cho đến nay.
Hungary đứng đầu về phụ nữ trong lực lượng vũ trang (19,3%), tiếp theo là Slovenia (16,5%) và Mỹ (16,2%) – theo số liệu của NATO năm 2017. Tây Ban Nha xếp sau Pháp, nhưng trước Đức, Anh và Hà Lan. Các đơn vị Tây Ban Nha đã phục vụ với các đối tác của NATO ở Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Iraq, Afghanistan và vùng Sừng châu Phi. Nunez cho biết phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc làm êm dịu các mối quan hệ với dân thường ở các khu vực xung đột: “Nếu bạn đang lãnh đạo một đơn vị trong một ngôi làng, bạn cần tiếp xúc với dân làng, bạn cần tạo niềm tin, và phụ nữ cung cấp một kênh khác để tạo điều kiện thuận lợi cho sứ mệnh”.
Tháng 4-2019 , Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết điều quan trọng là phụ nữ phải đóng một vai trò lớn hơn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình: “Trong phạm vi quân đội, họ giảm tỷ lệ bóc lột và xâm hại tình dục; báo cáo nhiều hơn về bạo lực tình dục và giới; và có thể tiếp xúc gần các mạng lưới phụ nữ địa phương”.
Phần Lan có sự lựa chọn phụ nữ tham gia quân đội
Saara Piitulainen, nữ binh sĩ phục vụ tình nguyện 22 tuổi, nói: “Tôi quyết định từ lâu rằng mình sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cha tôi là một người lính gìn giữ hòa bình, và đó là điều tôi muốn tự mình làm”. Piitulainen đã đến đúng nơi. Huovinrinne ở Sakyla, phía tây Phần Lan, là nơi lực lượng gìn giữ hòa bình Phần Lan huấn luyện trước khi họ lên đường tới các khu vực khủng hoảng trên khắp thế giới. Bây giờ Piitulainen được đào tạo để trở thành một hạ sĩ quan.
Nhiều phụ nữ Phần Lan thực hiện nghĩa vụ quân sự tình nguyện từ trước khi Saara Piitulainen được sinh ra. Ở Phần Lan, nam giới phải phục vụ quân đội từ 18 tuổi trong khi phụ nữ có thể lựa chọn tình nguyện. Người Phần Lan hiện đang đặt câu hỏi liệu quy định tự nguyện có tốt cho phụ nữ hay không và liệu đó có phải là mô hình phù hợp cho lực lượng vũ trang của họ hay không. Alexiana Gaudiat, 21 tuổi, nói: “Một trong những điều tuyệt vời nhất về phụ nữ trong quân đội là động lực mạnh mẽ của họ. Tôi cũng nghĩ rằng các nữ lãnh đạo trong quân đội rất có năng lực”.
Alexiana Gaudiat cùng nhóm với Saara Piitulainen và cả hai đều phản đối ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan về việc loại trừ phụ nữ khỏi quân đội. Alexiana Gaudiat cho biết: “Tôi đã được đào tạo về khả năng lãnh đạo khi nhập ngũ”. Cả hai người phụ nữ đều là đầu bếp nhà hàng trong cuộc sống thường dân của họ. Làm việc dưới áp lực và kỷ luật được yêu cầu trong cả hai lĩnh vực. Saara Piitulainen nói: “Có một hệ thống phân cấp khó khăn trong thế giới nhà hàng; vì vậy, tôi biết nó có thể như thế nào trong quân đội”.
Cũng như các nơi khác, ở Phần Lan, chiến dịch #MeToo đã vạch trần tình trạng quấy rối tình dục trong xã hội. Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế Phần Lan cho thấy, hơn một nửa số phụ nữ dưới 35 tuổi từng bị quấy rối tình dục. Trong quân đội Phần Lan, tỷ lệ đó là một phần tư, mặc dù một nửa số phụ nữ đã phải chịu sự phân biệt đối xử, theo nghiên cứu của Hiệp hội lính nghĩa vụ Phần Lan.
Tuy nhiên, cả hai cuộc thăm dò đó đều được tiến hành trước khi chiến dịch chống quấy rối lan ra toàn cầu, và ở Phần Lan, nó đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Alexiana Gaudiat nói: “Tôi hơi lo lắng trước khi nhập ngũ, vì tôi đã đọc rất nhiều trên Internet về thái độ đối với phụ nữ trong lực lượng. Suy nghĩ của tôi đã thay đổi hoàn toàn khi tôi đến đây.
Tôi không hề trải qua bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Đôi khi chúng tôi hành quân một quãng đường dài với ba lô rất nặng trên lưng. Binh sĩ nam luôn giúp đỡ. Tất nhiên, bạn không nên bỏ cuộc và nằm dài trong nước mắt trên một đống tuyết”. Saara Piitulainen tin rằng việc trở thành tình nguyện viên làm nổi bật sự phân biệt giữa hai giới, và sau khi Hiệp hội lính nghĩa vụ tiết lộ tỷ lệ phân biệt đối xử trong các lực lượng mà họ kêu gọi bắt buộc phải mở rộng cho phụ nữ cũng như nam giới.
Liên minh lập luận rằng không chỉ tăng số lượng phụ nữ mà còn buộc phải thay đổi dần cách xã hội Phần Lan nhìn nhận các lực lượng vũ trang của mình. Một đề xuất khác hoàn toàn đến từ một tổ chức tư vấn do Elisabeth Rehn, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu. Một số lính nghĩa vụ sẽ tham gia lực lượng vũ trang, một nhóm khác sẽ làm công tác phục vụ cộng đồng ở những nơi khác nhau trong xã hội, trong khi nhóm thứ ba hoàn toàn không tham gia.
Hai nhóm đầu tiên sẽ không phải đóng thuế trong một số năm sau thời gian phục vụ trong quân đội, trong khi nhóm thứ ba sẽ đóng thuế. Dù tương lai có ra sao đối với phụ nữ trong quân đội Phần Lan, rõ ràng là Bộ trưởng Quốc phòng đã khơi mào cho một cuộc tranh luận cấp quốc gia ở một quốc gia có quan hệ đối tác với NATO, nhưng giống như nước láng giềng Thụy Điển không phải là thành viên.
Niinisto tin rằng không nên có lựa chọn tự nguyện cho các tân binh vì ông lo ngại điều đó gây nguy hiểm cho số lượng lính nghĩa vụ mà Phần Lan cần. Niinisto nói với kênh truyền hình công cộng Phần Lan: “Chúng ta phải có một nghĩa vụ quân sự toàn dân, để có thể huấn luyện cho chiến tranh với 280.000 người”. Alexiana Gaudiat bình luận: “Đôi khi bạn cần một sự dẻo dai nhất định để đương đầu, chẳng hạn như khi bạn bắt đầu cuộc hành trình 20km trên ván trượt khi bạn thực sự không muốn làm việc đó”.