Con người chúng ta khá nhạy bén trong việc nhận diện ra các âm thanh. Nhờ khả năng đó mà tổ tiên xa xưa của chúng ta có cơ hội sống sót vì họ có thể phân biệt sự khác biệt giữa tiếng huýt gió và tiếng rít của một con mèo răng cưa sắp tấn công…
Nhưng đứng trước thiên nhiên, đôi tai của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, và điều đó làm cho con người lo sợ trước các âm thanh bí mật xuất hiện chung quanh họ.
Tuy nhiên, nhờ vào sự tiến bộ của khoa học, nhiều âm thanh từng được phân loại là “không giải thích được” hiện có thể xác định được. Ví dụ như “Bloop”, một tiếng ồn bí ẩn mà các nhà nghiên cứu đã ghi lại ở vùng biển Thái Bình Dương năm 1997. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) từng phân loại nguồn gốc của Bloop là “không xác định”. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng Bloop có thể là do sự nứt vỡ của những tảng băng trôi, gây ra chấn động được gọi là động băng.
1. Tín hiệu Wow!
Trở lại năm 1977, chỉ vài tháng trước khi phim “Close Encounters of the third Kind” (Kiểu tiếp xúc thứ ba) của đạo diễn Steven Spielberg được phát hành, các nhà khoa học thực tế đã phát hiện ra thứ mà ít nhất ban đầu họ đã tin là một tin nhắn bằng sóng vô tuyến được gửi bởi những người ngoài hành tinh xa xôi.
Tại đài quan sát kính viễn vọng vô tuyến Big Ear thuộc Đại học bang Ohio, lúc đó đang tìm kiếm những tín hiệu như vậy, một tình nguyện viên tên Jerry Ehman nhận thấy một tín hiệu cực kỳ mạnh, lớn hơn 30 lần so với tiếng ồn chung quanh điển hình của không gian sâu thẳm, và rất gần với 1.420 megahertz, tần số của hydrogen. (Điều này được biểu thị bằng chữ “U” trong bản in tần số điện từ của kính viễn vọng. Ehman quét các bản in này mỗi ngày). Nhưng tín hiệu chỉ kéo dài 72 giây và hơn 100 cuộc nghiên cứu tiếp theo về cùng một khu vực bầu trời đã thất bại. Và Wow! Liệu tín hiệu đó đã được gửi bởi một nền văn minh xa xôi với một máy phát cực kỳ mạnh, hay chỉ là một hiện tượng dị thường tự nhiên? Nhiều thập niên sau, người ta vẫn chưa biết.
2. Upsweep
Các đại dương trên trái đất là thế giới của những tiếng ồn thường là kỳ quái, gây ra bởi nhiều nguồn khác nhau, từ những rung chuyển của núi lửa đến các con tàu, đến các động vật hữu nhũ dưới nước như cá voi lưng gù. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã nghiên cứu những âm thanh này trong nhiều năm, với sự trợ giúp của mạng nghe dưới nước bằng cách sử dụng đầu thu sóng dưới nước, tạo ra tín hiệu điện áp trên một dải tần số khi chúng phát ra âm thanh dưới nước từ mọi hướng.
Một âm thanh bí ẩn không giải thích được, có tên là Upsweep, đó là một tập hợp các âm thanh phát ra theo dải hẹp, mỗi âm thanh kéo dài vài giây và lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học vào năm 1991. Upsweep dường như xuất hiện theo mùa, thường đạt đến đỉnh điểm vào mùa xuân và mùa thu, mặc dù không ai biết chắc chắn tại sao. Mức nguồn đủ cao để có thể ghi lại trên khắp Thái Bình Dương.
3. Tiếng kèn trumpet
Mùa hè năm 2013, một phụ nữ ở British Columbia đã bắt đầu nghe thấy một âm thanh lớn như tiếng kèn trumpet, và vào một buổi sáng sớm, cô đã ghi lại nó bằng máy quay video của mình và đăng nó lên YouTube. Trong khi một số người nghi ngờ tính xác thực của nó, đã có những báo cáo khác về thứ âm thanh tương tự từ Texas đến Na Uy.
Có một số biến thể: Đôi khi tiếng ồn nghe giống như tiếng rên rỉ của động vật, trong khi các biểu hiện khác giống như tiếng ầm ầm cường độ thấp, tiếng rên rỉ hoặc tiếng đập mạnh. Không ai xác định được nó là gì, mặc dù giáo sư vật lý Jean Pierre St. Maurice thuộc Đại học Saskatchewan đã đưa ra giả thuyết rằng những tiếng ồn có thể là từ các sóng điện từ đến hiện tượng cực quang (loại ánh sáng tự nhiên phần lớn được nhìn thấy trên bầu trời Bắc Cực và Nam Cực).
4. Lincolnshire Poacher
Trong thời Chiến tranh Lạnh từ những năm 1950 đến 1980, những người say mê đài phát thanh sóng ngắn trên khắp thế giới bắt đầu chú ý đến những chương trình phát sóng kỳ lạ thường bắt đầu bằng âm nhạc hoặc âm thanh của những tiếng bíp, những gì theo sau còn lạ lùng hơn nữa: ví dụ giọng nói của một phụ nữ đang đếm bằng tiếng Đức, hoặc tiếng của một đứa trẻ đọc các chữ trong bảng chữ cái bằng tiếng Anh. Những người nghe đã đặt cho chúng những cái tên thú vị, chẳng hạn như “Richard Nancy Susan”, “Khúc cuồng tưởng Thụy Điển” hoặc “Đài cồng chiêng”. Những người nghe cho rằng chúng là những tín hiệu của các tin nhắn bí mật cho các điệp viên.
Một trong những điều kỳ lạ nhất đó là đài “Lincolnshire Poacher” đã sử dụng một đoạn của một bài hát dân gian tiếng Anh có cùng tên. Sau khoảng 10 phút âm nhạc, một giọng nữ nói tiếng Anh sẽ đọc một tin nhắn được mã hóa.
Theo nhà sử học mật mã Hà Lan Dirk Rijmenants, Lincolnshire Poacher xuất hiện trong những năm 1970 và được phát sóng hằng ngày cho đến năm 2008, khi nó chợt biến mất một cách bí ẩn. Giả định phổ biến là đó là một loại liên lạc giữa tình báo và đặc vụ Anh trong lĩnh vực này, nhưng cũng chưa bao giờ có bất kỳ lời xác nhận chính thức nào xảy ra.
5. UVB-76 biệt danh “Người thông tin”
Nếu bạn nghĩ Lincolnshire Poacher thật là lạ, thì câu chuyện về UVB-76 thậm chí còn kỳ lạ hơn. Theo phóng viên Peter Savodnik của tờ Wired UK, bắt đầu từ đầu những năm 1980, một đài phát thanh bí ẩn ở phía bắc Moscow đã truyền đi những tiếng bíp kỳ quái, và sau đó vào năm 1992 đã chuyển sang những âm thanh vo vo kéo dài khoảng 21 đến 34 lần mỗi phút.
Cứ sau vài tuần, thói quen đó sẽ bị gián đoạn ngắn ngủi bởi một giọng nam đọc thuộc các chuỗi số và từ ngữ ngắn, thường là các tên tiếng Nga chẳng hạn như Anna và Nikolai. Các âm sắc, biên độ và cao độ của tiếng vo vo thay đổi, và khoảng thời gian giữa chúng cũng sẽ khác nhau.
Nhưng mỗi giờ, đúng vào lúc đã định, trạm nhanh chóng kêu vo vo hai lần. Những tín hiệu như vậy còn kéo dài đến năm 2010 rồi đột ngột biến mất. Một lần nữa, giả định của các bíp sóng ngắn là trạm đang truyền tin nhắn đến các đặc vụ bí mật.
6. Hiện tượng giọng nói điện tử (EVP)
Trong nhiều thập niên, các tín đồ hâm mộ chuyện huyền bí đã chọn những giọng nói khác lạ trên các băng ghi âm, mà một số người cho rằng chúng đã đến từ những người chết hoặc người ngoài hành tinh. Như một trang web dành cho những người đam mê huyền bí giải thích, chọn các hiện tượng giọng nói điện tử (electronic voice phenomena, EVP), thường yêu cầu một người nghe bản ghi âm bằng tai nghe và làm việc chăm chỉ để chọn lọc ra giọng nói từ các tiếng ồn nền và đôi khi phải phát một bản ghi âm ngược lại để thông báo xuất hiện. (Một kỹ thuật tương tự đã được sử dụng bởi các nhà lý luận về ban nhạc Beatles vào cuối những năm 60, khi họ chơi bản nhạc “Strawberry Fields Forever” trong một nỗ lực để nghe khác đi, như thể tiếng nói “Tôi đã chôn Paul”). Nhưng không phải ai cũng tin EVP thực sự là huyền bí.
7. Những âm thanh kỳ lạ từ Sao Thổ
Trở lại năm 2009, tàu vũ trụ Cassini đã thu được Saturn Kilometric Radiation (SKR), các tín hiệu vô tuyến tự nhiên được phát ra bởi Sao Thổ. Điều kỳ lạ là mô hình của âm thanh họ không thể giải thích được. Nó thực sự có hai tín hiệu, một từ cực bắc của hành tinh và một từ cực nam, trong một bản song ca không đồng bộ.
Trong khi những âm thanh này thường không thể nghe được bằng tai người, các nhà khoa học đã thay đổi chúng để tạo ra những bản ghi âm thực sự ma quái. (Nghe chúng hơi giống như tiếng còi báo động có không kích.) Nhà khoa học thuộc Đại học Iowa, ông Don Gurnett, người đứng đầu nhóm nhạc cụ Cassini, nói với trang web Space.com rằng, những dữ liệu này cho thấy Sao Thổ kỳ lạ như thế nào.
8. Những tiếng ngân nga ở Taos
Thành phố Taos, thuộc bang New Mexico, Hoa Kỳ, không phải là nơi duy nhất người ta nghe thấy tiếng ngân nga xung quanh kỳ quái, nhưng có lẽ đó là địa điểm nổi tiếng nhất về sự xuất hiện bí ẩn của vật thể bay không người lái, rất nhiều điều được nhắc đến trong sách hướng dẫn du lịch về khu vực này. Tiếng ngân nga ở Taos chỉ được nghe thấy bởi 2% dân số địa phương và được mô tả là một âm thanh tương tự như tiếng ầm ầm của động cơ xe tải diesel.
Những người nghe thấy nó bị làm phiền ở nhiều mức độ khác nhau, với một số người chỉ cảm thấy hơi khó chịu, trong khi những người khác nói rằng họ bị rối loạn giấc ngủ, chóng mặt và chảy máu cam. Một số người cho rằng nó gây ra bởi một loại hệ thống truyền tin quân sự bí mật nào đó được sử dụng để liên lạc với tàu ngầm, hoặc một chương trình thử nghiệm vũ khí bí mật.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nó có thể được gây ra do các sóng tần số thấp bắt nguồn từ bầu khí quyển hoặc do các rung động từ sâu thẳm bên trong lòng Trái Đất. Giả thuyết thứ ba nói rằng có một số người rất nhạy cảm với các tần số điện từ nhất định và tiếng ồn đó gây ra bởi các thiết bị như điện thoại di động. Nhưng một lần nữa, không ai thực sự biết chắc chắn nguồn gốc của những tiếng ngân nga này.