Cuối tháng 5 vừa qua, M – phụ trách thu mua của một công ty chuyên cung ứng thực phẩm cao cấp cho chuỗi resort – khách sạn năm sao được giao nhiệm vụ tìm mua 20kg tenderloin bò Kobe hạng A5, độ vân mỡ BMS 8/9 để phục vụ cho bữa tiệc cực kỳ đẳng cấp tại TP. Hồ Chí Minh.
Chưa bao giờ M cảm thấy áp lực như vậy, vì đối tác khách sạn chỉ cho anh đúng 24 giờ để trả lời có mua được chừng đó thịt bò Kobe hay không. Và khó khăn hơn nữa là đối tác nêu rất cụ thể hàng loạt giấy tờ phải có như CR, CQ, CO, để chứng nhận đó đúng là bò Kobe nhập khẩu chính ngạch từ Nhật về Việt Nam.
Nguồn cung vẫn còn hỗn loạn
Sau một loạt liên hệ, khá nhiều nơi đề nghị cung cấp thịt bò cho M với nhiều mức giá khác nhau. Có nơi còn nói M cần bao nhiêu họ cũng sẽ cung cấp đủ sau ba ngày, nhưng không nơi nào cung cấp được những loại giấy tờ mà khách sạn năm sao đòi hỏi. Khi chỉ còn 12 giờ đồng hồ là hết hạn trả lời đối tác, M mới tìm ra một doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu chính thức bò Kobe vào Việt Nam. May mắn là công ty còn đủ 20kg và có đủ tất cả các giấy tờ đi kèm như yêu cầu. Đối tác của anh đồng ý ngay với mức giá đề xuất khi nhìn thấy đầy đủ giấy tờ chứng minh là bò Kobe chuẩn nguồn gốc.
Xong nhiệm vụ được giao, M biết thêm được một số “mặt tối” của thị trường thịt bò nhập khẩu cao cấp tại Việt Nam. Cũng như tại một số nước khác hiện nay, nhiều cửa hàng và nhà hàng ở Việt Nam đang sử dụng thương hiệu bò Kobe để đánh lừa người tiêu dùng. Thật ra, các nơi này đã “đánh lận con đen”. Họ nhập về bò wagyu và quảng cáo là bò Kobe. Thực tế, wagyu là tên dùng cho bò Nhật nói chung, được nuôi ở nhiều nơi khác nhau tại Nhật Bản.
Bò Kobe là một loại wagyu, tức bò Nhật – nhưng không phải tất cả bò wagyu đều là bò Kobe. Bò wagyu của Nhật bao gồm rất nhiều loại, như bò Kobe, Mishima, Matsusaka, Omi hay Sanda. Trong đó nổi tiếng nhất là loại bò Kobe của tỉnh Hyogo thuộc vùng Kansai Nhật Bản. Tuy vậy, để được công nhận là thịt bò Kobe, quy trình chăn nuôi, sản xuất loại bò này rất khắt khe và cầu kỳ.
Đầu tiên, những con bò phải được sinh ra tại tỉnh Hyogo và phải thuộc giống bò Tajima – một giống bò cổ được nuôi dưỡng tại đây. Giống bò đen Tajima là giống bò hoàn toàn thuần chủng, không pha tạp (chúng được lai giống cận huyết). Tuy nhiên, không phải tất cả bò Tajima đều là bò Kobe, mà chỉ với những con bò đạt được tiêu chuẩn như sau mới được công nhận là bò Kobe: 1) Phải thuộc giống bò đen Tajima và được nuôi tại tỉnh Hyogo Nhật Bản (có thủ phủ là thành phố Kobe); 2) Khi đến độ tuổi xuất chuồng phải có trọng lượng dưới 470kg để đảm bảo độ ngọt của thịt; 3) Thịt bò đạt tiêu chuẩn từ A4 với vân mỡ hạng 6 trở lên.
Sau đó, quá trình giết mổ phải được diễn ra tại Kobe, Sanda, Kakogawa, Himeji hay Nishinomiya là những thành phố thuộc tỉnh Hyogo, Kansai, Nhật Bản với những kỹ thuật và quy trình truyền thống. Chưa cần bàn tới tính khắt khe của chất lượng thịt, chỉ riêng việc quá trình giết mổ phải diễn ra ở một số địa phương nhất định của Nhật Bản là đủ hiểu không bao giờ có chuyện bò Kobe được đưa về Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới để chăn nuôi và giết mổ; vì như vậy sẽ không được gọi là thịt bò Kobe nữa.
Hiện có khoảng 260 trang trại tại vùng Kansai Nhật Bản đạt tiêu chuẩn để chăn nuôi bò Kobe và với những quy trình và tiêu chuẩn nghiêm ngặt như vậy, số lượng thịt bò Kobe chuẩn nguồn gốc được xuất xưởng không nhiều. Mỗi ngày chỉ có thịt của vài con bò là đạt tiêu chuẩn và xuất xưởng. Một năm số lượng bò Kobe được xuất xưởng chỉ 5.000 con và được phân phối một ít trong nước Nhật cũng như xuất đi toàn thế giới.
Muốn tìm bò thật phải truy xuất xứ
Bà Diệp Nguyễn, Giám đốc Công ty cổ phần Bio Planet, công ty “anh em” với Bio Farm – một trong hai doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu chính thức bò Kobe vào Việt Nam, cho biết: Theo quy định của Hiệp hội bò Kobe Nhật Bản, mỗi đối tác ở nước ngoài như Bio Planet mỗi lần muốn nhập bò Kobe thì phải mua ít nhất là một set premium (tức bao gồm những phần thịt đắt tiền nhất của một con bò) khi đặt hàng mới giết mổ con bò. Vì vậy, tổng quy trình đặt hàng, từ gửi đơn hàng, thanh toán, làm giấy phép tại Nhật Bản và Việt Nam, vận chuyển bằng máy bay, làm thủ tục kiểm dịch và thông quan… kéo dài 20-30 ngày. Do đó nếu có nơi nào nhận rằng có thể “gom” 5 – 7kg thịt bò trở lên trong vài ba ngày, thậm chí 1-2 tuần thì chắc chắn hoặc nơi đó không phải là bán bò Kobe thực sự, hoặc họ chỉ thu gom từ các cửa hàng bán lẻ chứ không thể đặt hàng từ nhà máy và chuyển chính ngạch về thị trường Việt Nam.
Theo bà Diệp Nguyễn, về hình thức, màu sắc, kiểu dáng miếng thịt bò Kobe và wagyu khá giống nhau, nếu không phải người có chuyên môn và kinh nghiệm thì khó phân biệt được. Thậm chí tem dán lên các miếng thịt cùng xuất xứ từ Nhật Bản về cơ bản cũng không khác nhau nhiều (trừ khi người mua đọc được tiếng Nhật thì trên tem có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của bò Kobe). Do đó người chưa từng ăn thịt bò Kobe sẽ rất dễ nhầm.
Vậy làm sao để phân biệt thịt bò Kobe chuẩn nguồn gốc và nhập khẩu chính ngạch?
Trên mỗi miếng thịt bò Kobe đều có một tem dán thể hiện thông tin nguồn gốc xuất xứ của miếng thịt đó như: loại thịt gì, nhà máy giết mổ và đóng gói, trọng lượng… và đặc biệt là có số ID của con bò được giết mổ. Số ID này rất quan trọng vì toàn bộ thông tin về nguồn gốc xuất xứ của con bò có ID này sẽ được thể hiện một cách rõ ràng, minh bạch. Người mua chỉ cần truy cập vào website của Hiệp hội bò Kobe: www.kobe-niku.jp/en/contents/certification/index.html, sau đó click vào nút System bên dưới.
Rồi nhập dãy số ID trên tem xuất xứ của miếng thịt vào ô trắng và ấn Search. Nếu số ID đó là của thịt bò Kobe chuẩn nguồn gốc sẽ hiện ra tem hoa mai (biểu trưng đã được công nhận và đăng ký độc quyền) kèm bảng thông tin chi tiết về con bò được giết mổ như: thời gian sinh, thời gian giết mổ, tên người nông dân nuôi dưỡng, người nông dân chăm sóc hằng ngày và đặc biệt là có thể truy xuất nguồn gốc ba đời của con bò được giết mổ.
“Cũng từ website của Hiệp hội bò Kobe, chúng ta có thể kiểm chứng thịt bò Kobe có phải được nhập chính ngạch vào Việt Nam hay không với đầy đủ các thông tin: – Công ty xuất khẩu – Công ty nhập khẩu – Số lượng nhập khẩu – Thời gian xuất khẩu – Số ID của con bò Kobe. Bên cạnh đó, thịt bò Kobe được nhập khẩu chính ngạch sẽ có đầy đủ các chứng nhận CO, CQ, CA đi kèm” – bà Diệp Nguyễn cho biết.
Theo nhận định của Giám đốc Công ty cổ phần Bio Planet, nhu cầu thịt bò Kobe tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Dù sự “nhiễu” thông tin khiến doanh nghiệp nhập khẩu bò Kobe chính ngạch gặp không ít khó khăn, bà Diệp Nguyễn và các đồng nghiệp của mình vẫn kiên trì theo đuổi và đặt niềm tin vào thị trường cực kỳ cao cấp này. “Ngày càng nhiều khách hàng lớn tìm đến chúng tôi. Họ không chỉ lớn về tên tuổi hay đơn hàng, mà đẳng cấp và sự trân trọng của họ dành cho nhà nhập khẩu chân chính khiến chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục” – bà Diệp Nguyễn chia sẻ.