Hôm rồi con gái đi chợ về, khoe mua được mớ cá linh còn tươi rói. Hỏi bao nhiêu một ký, câu trả lời làm giật mình: “Một trăm ngàn!”. Con chỉ mua nửa ký kho lạt ăn đỡ ghiền thôi. Biết cả nhà mình thích cá linh mà.
Nhìn mấy con cá vảy bạc lấp lánh lớn cỡ hai ngón tay nằm trong thau mà lòng nao nao bao nỗi cảm hoài. Giờ loại cá quen thuộc với người dân châu thổ này đã trở nên quý hiếm vậy sao?Cứ mỗi năm cùng với mùa chướng, con nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước từ từ dâng lên, dâng lên. Cư dân hai bên sông Tiền, sông Hậu lại hồi hộp, náo nức đợi nước tràn về, kéo theo bao loài cá tôm.
Ngay từ tháng Sáu, tháng Bảy Âm lịch, khi lớp lớp phù sa cuồn cuộn đổ về thành mùa nước son đỏ quạch, đám cá bống trong hang hốc sông rạch bị đỏ mắt phải trồi lên bám vào các chùm rễ của những giề lục bình trôi trên sông. Chỉ cần nắm một giề lục bình đưa lên cao, đã nghe tiếng lách tách quẫy mình của loại cá nhỏ xíu đem “kho tiêu, kho mỡ, kho hành” ăn hoài không biết chán này. Qua mùa nước son, cùng với những ngày mưa già trên vùng châu thổ là mùa nước nổi.
Trong lòng người dân miền Nam, hình như cái tên gọi “mùa lũ” vẫn còn lạ lẫm bởi con nước từ trên đổ về phía hạ nguồn vẫn dâng lên từng bước cho đến lúc khắp nơi con nước trên sông rạch tràn trề miên man và những thân cây ven bờ chỉ còn ló lên có cái ngọn. Tôi nhớ cách đây chỉ vài chục năm thôi, những ngày rằm, ngày Ba mươi tháng Tám, tháng Chín và cao điểm nhất là tháng Mười, cư dân theo nghề hạ bạc vẫn vui vẻ đón mùa nước về với hy vọng cuộc mưu sinh những ngày này sẽ khấm khá hơn, sẽ thêm chút thu nhập để chuẩn bị đón cái tết liền kề. Đó cũng là lúc cá linh về trắng chợ, đầy sông.
- Xem thêm: Nghe tiếng kêu… bìm bịp!
Làm sao quên được mùi vị ngọt thơm, béo ngậy của nồi cá linh non nấu ngót nhúng bông điên điển rực vàng mà bà con chống xuồng đi tuốt từng cụm thả vào khoang cho đến khi đầy ắp. Có người còn nói sống ở đồng bằng Nam bộ mà chưa ăn được món này thì coi như uổng phí cả cuộc đời. Đâu chỉ có vậy, con cá linh về nhiều đến nỗi mắm cá linh, nước mắm cá linh cũng trở thành đặc sản của vùng châu thổ này. Quả có một thời những mùa nước nổi hằng năm đem nước về tưới tắm cho ruộng đồng rồi khi rút đi đã để lại lớp lớp phù sa màu mỡ cho vườn tược xanh mướt, sum xuê. Nếu gọi đây là mùa lũ thì đó cũng là cơn lũ lành mà cư dân xứ này bao đời biết sống chung hòa bình với nó.
Mấy năm gần đây nào là đắp đê bao chống lũ, nào là xây đập thủy điện và bao nhiêu thứ khác nữa, mùa nước nổi mỗi năm dường như ngày càng cạn nước, héo hắt. Lưu lượng nước bất thường, lên xuống không đều khiến những người sống bám vào sông nước càng ngày càng hoi hóp, khốn đốn. Nhớ lại mấy năm trước, hình như năm 2009 thì phải, cùng bạn bè về Tràm chim (Tam Nông – Đồng Tháp) vào tháng Tám, nước đã tràn bờ, buổi sáng ghe xuồng cập lại bến dưới khoang đầy ắp, trắng dã cá linh. Cá nhiều đến nỗi mỗi ký mua tại ghe chỉ có hai ngàn đồng, lên sạp thì được năm ngàn.
Những ngày ấy, các chợ của thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long giá cũng chỉ hai mươi ngàn đồng một ký, người dân không đến nỗi thòm thèm không dám mua như năm nay. Buồn nhất là những nồi lẩu cá linh bây giờ có khi phải ăn cùng bông điên điển trồng bên Thái Lan làm giảm đi biết mấy mùi vị của món ngon mùa nước nổi này. Chị bạn ở Châu Đốc thường than phiền, mình ở xứ này mà còn phải đi tìm mua bông điên điển. Bởi giờ làm gì có điên điển mọc hoang khắp nơi, ngày thường khô cằn, chỉ đợi nước về là ra bông rực vàng, mỗi lần tuốt xuống cả ôm, ăn không hết như ngày xưa.
- Xem thêm: Cánh diều mơ ước
Hoài niệm của bạn hình như cũng đang lan tỏa trong tôi những ngày này. Cùng lúc lại chạnh nghĩ đến những cơn bão lũ vừa hoành hành dữ dội trên miền Trung, khúc ruột mềm của tổ quốc mà quay quắt, băn khoăn. Người xưa hay nói “Thiên tai, địch họa” gây cảnh thảm sầu. Những con người từng chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai ấy chắc không ngờ rằng “nhân họa” cũng thảm sầu không kém.
Năm nay, bạn bè lại rủ về Tràm chim đón con nước ba mươi, con nước cuối cùng của mùa nước nổi. Cũng muốn đi nhưng cuối cùng tôi lắc đầu. Có lẽ tôi không muốn phải thất vọng khi nắm níu vào con nước muộn này. Bởi theo các thông tin trên báo đài, ba năm nay nước đã không còn “nổi” nữa, ngược lại càng ngày càng cạn khô. Và tình trạng “con cá chờ nước” đã như một thảm cảnh khiến lòng dạ xót xa.
Theo dòng đời, các loại cá sông phải tìm lên thượng nguồn để đẻ, trứng nở thành cá con lại theo con nước đổ xuống, trên đường đi cá sẽ lớn dần, lớn dần, đông ken, trùng trùng có khi dẫn đến hiện tượng “cá bục đồng” vô cùng lý thú, lạ lùng. Giờ không có nước, nhiều đập ngăn sông, ngáng đường cá làm sao về đẻ? Nước không đổ xuống, cá con lấy gì ăn để lớn? Bất chợt trong đầu lại hiện ra vẻ mặt rầu rĩ của mấy chị đan lưới, bán lưới vì buôn bán ếẩm trên miệt Thơm Rơm (huyện Thốt Nốt – Cần Thơ).
Cái xóm lưới đa phần là dân miền Trung nhập cư này vừa đau đáu ngóng về quê nhà mưa lũ lại vừa ủ rũ vì mùa nước nổi thiếu nước miệt đồng bằng Nam bộ. Đúng là những mâu thuẫn ngậm ngùi! Và rồi những năm tới, năm tới nữa không chỉ nước không về mà những loài cá sông, cá đồng sẽ ngày càng vắng bóng trên Đồng bằng sông Cửu Long do những đập nước dày đặc ở thượng nguồn.
Ơi, những mùa nước nổi tràn sông! Ơi, những chú cá bống nhảy lách tách, lách tách trong mưa, những chú cá linh quẫy mình trắng dã trong khoang ghe… Có phải mọi thứ rồi mỗi ngày mỗi xa?