Ở miền Tây Nam bộ, một loài chim gắn liền với nước lớn ròng mà dựa vào tiếng kêu của nó dân gian gọi là chim bìm bịp.
Bìm bịp là giống chim mà chim trống và chim mái có sắc lông không quá khác biệt nhau. Lúc nhỏ, toàn thân phủ lông màu nâu chấm đen.
Khi trưởng thành, phần đầu mỏ, cổ và ngực cũng như đuôi có màu đen lợt. Mình và hai cánh có màu nâu đỏ. Đôi mắt đỏ au, đôi chân đen bóng.
Bàn chân bốn ngón sắp xếp đặc trưng phía trước và sau đối xứng nhau, một cặp ngắn, một cặp dài. Chim trưởng thành có khi nặng hơn nửa kg. Bìm bịp hay làm ổ trong những cây mọc hoang chen với các đám lá dừa nước, lau, sậy rậm rạp.
Có khi người ta gặp ổ bìm bịp ở các bụi tre, trúc, cũng có khi chúng làm ổ trên các nhánh bần, mù u hay trâm bầu, dái ngựa nơi có nhiều dây leo quấn chằng chịt.
- Xem thêm: Nước mắt chim trời
Tổ bìm bịp bằng cỏ và lá cây có hình túi dài, miệng tổ hơi nghiêng, thường ở vị trí cao quá đầu người một chút. Mỗi lứa, chim mẹ thường đẻ 3-4 trứng. Loài chim này thường sống quanh quẩn trong vùng nó làm tổ.
Và chúng cũng sẵn sàng đánh đuổi những đồng loại nếu vi phạm vào lãnh địa của chúng. Bìm bịp là loài chim ăn thịt. Thức ăn của bìm bịp là rắn, cóc, nhái, đặc biệt bìm bịp cũng như diều, cắt, quạ, chúng còn săn bắt gà con mới nở.
Ở nhà quê, mỗi khi có bầy gà vừa mới xuống, người ta phải luôn canh chừng và xua đuổi những loài chim này.
Trong dân gian người ta bắt chim bìm bịp chủ yếu bằng hai cách: bắn nạng giàn thun và gài nhử.
Khi công việc đồng áng đã rảnh rang, người ta thường ra vườn kiếm chạc ổi, vú sữa, mù u,… có chảng ba, đốn về phơi khô rồi đẽo gọt cho nhẵn và vừa tay cầm.
Dùng dây thun khoanh hoặc dây thun luồn quần buộc ở hai đầu nạng, mỗi dây dài khoảng 3-4 tấc. Chỗ hai dây buộc lại thường được kèm thêm miếng da, nhựa để bọc “đạn”.
Cũng có khi kiếm được sừng trâu hoặc khúc gỗ cứng, nhiều người khéo tay trổ tài gọt giũa mấy ngày để có được món đồ “săn chim” như ý.
Đạn để bắn có thể lượm những cục đất tương đối tròn, nhỏ là được. Nhưng muốn có đạn tốt, bắn dễ thì phải tốn thêm công.
Ra bờ ao, hoặc lội xuống sông lặn móc đất sét đem về chờ đất ráo, người ta vo thành những viên đạn tròn vo cỡ đầu ngón tay người lớn. Đạn đem phơi nắng cho thiệt khô rồi bỏ vô miểng vùa để dành.
Khi thấy chim bìm bịp bay nhảy trên những tàu dừa, nhánh me, cành khế,… người ta nhanh chóng đem nạng giàn thun và xử chúng. Người bắn hay, chỉ cần một, hai viên đạn nhỏ là bìm bịp sa cánh, bị bắt dễ dàng.
Cũng có người gặp được ổ bìm bịp con, người ta bắt cả ổ về nuôi dưỡng rồi chọn con tốt, rèn dạy nó thành chim mồi.
- Xem thêm: Mùa chim én bay
Giống như cách gác cu, muốn gài bắt bìm bịp, người ta cũng dùng cái lục. Đây là vật dụng chuyên để gác, bắt chim, nó gồm các bộ phận được người ta đặt theo thuật ngữ chuyên môn của nghệ thuật gác các loại chim trời như: đầu sấu, cái rọ, cửa kéo, cây trục, cành lục, vỉ lục, cây cầu, dây máy và một cây chốt gắn ở đầu lục, một cây chốt gắn ở đít lục. Tóm lại, đây là cái bẫy để dụ bìm bịp rừng vào đá bìm bịp mồi, bẫy sập, bìm bịp rừng bị tóm gọn, vậy thôi!
Lục được ngụy trang cho thật khéo giống hệt như môi trường tự nhiên chung quanh. Đặt mồi xong, người gác bìm bịp hút gió ra hiệu, bìm bịp mồi sẽ lên tiếng kêu rõ từng tiếng: bịp… bịp!
Lát sau, các con bìm bịp rừng khác nghĩ rằng có kẻ xâm phạm giang sơn của chúng. Chúng tìm đến, xông vào quyết tử chiến với kẻ thù ở trong lục.
Quay tới quay lui, lục sập cửa xuống. Người gác ra hạ lục xuống… bắt con bìm bịp hoang dã ấy một cách dễ dàng.
Bìm bịp thường ít được dân gian dùng để ăn thịt. Bởi thịt chúng vừa dai, vừa tanh. Thỉnh thoảng, cũng có người nấu cháo đậu xanh với chim bìm bịp. Nhưng phổ biến nhất trong đời sống của người dân Cửu Long giang là dùng bìm bịp để ngâm rượu.
Dân gian cho rằng ngâm rượu bìm bịp gặp được chim non càng có nhiều giá trị. Gặp ổ bìm bịp non, người ta bẻ chân chim con.
Chim mẹ khi về sẽ dùng những lá cây có trong tự nhiên mà chữa cho chim non lành lặn trở lại. Vài ngày sau, người ta lại tìm đến ổ chúng và tiếp làm như vậy, đến lần thứ ba mới bắt bìm bịp vừa mọc lông mọc cánh mới bắt về… ngâm rượu.
Bậc cao niên ở vùng này cũng kể rằng, có người non kinh nghiệm chỉ đứng dưới thấp thò tay lên bắt chim con bẻ chân rồi đặt lại vào ổ. Khi chim mẹ phát hiện, chúng đã tha rắn hổ đất về đặt trong ổ chúng.
Người ấy lại lần ra định bẻ chân bìm bịp con như trước và tất nhiên là… những con rắn nhiều nọc độc ẩn sẵn trong ổ chim sẽ khiến cho người đó gặp họa lớn. Thuốc hay chưa có nhưng bỏ mạng như chơi.
Đặc điểm này xuất phát từ thực tế khi chim con dần lớn, nhu cầu về thức ăn của chúng ngày một nhiều, nên chim mẹ bắt rắn về dự trữ. Vì thế, gần ổ bìm bịp thường có rắn quanh quẩn ở đó.
Có điều, không hiểu sao chim bìm bịp không sợ rắn hổ, cũng chẳng sợ loài rắn này ăn thịt con chúng. Nhiều cụ cao niên cho rằng có lẽ lông chim bìm bịp đã tiết ra chất đó để khắc chế rắn dù là rắn độc như hổ đất cũng chịu thua!
Muốn ngâm rượu bìm bịp, người ta nhổ sạch lông và moi bỏ hết nội tạng, dùng rượu gừng (Gừng tươi ngâm với rượu đế trên dưới 40o) để rửa thay cho nước lã rồi lau sạch máu và các vết bẩn. Bìm bịp để ráo khô rồi chế rượu cao độ vào để ngâm.
Trong dân gian, nhiều khi người ta còn phối hợp ngâm rượu bìm bịp với tắc kè, cá ngựa,… để tăng cường sinh lực chốn phòng the.
Đặc biệt, khi đi thực tế điền dã, chúng tôi còn gặp những người dân quê ngâm bình rượu bìm bịp với… ngũ xà (một con hổ đất; hai con mái gầm: một con khoang đen khoang vàng, một con khoang xanh, khoang trắng; một con rắn hổ hèo và một con rắn hổ ngựa).
Và tất nhiên là trong bình rượu rắn còn có các vị thuốc Bắc quen thuộc như hà thủ ô, ba kích, nhục thung dung, sâm rừng, huyết giác, đại hồi, trần bì,…
Rượu bìm bịp, có màu nâu thẫm, mùi thơm, vị đậm, hơi ngọt. Rượu bìm bịp có nhiều công dụng tốt, đặc biệt để bổ thận tráng dương. Rượu này không dùng cho phụ nữ có thai. Dân gian khuyến cáo như vậy.
- Xem thêm: Mùa chim làm tổ
Trong văn học dân gian không ai ở miền đất này không biết đến câu ca:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi tay.
Nghe câu hát ta thấy thấp thoáng đâu đó là những mảnh đời, cuộc sống nghèo khó của người lao động. Ngày trước, khi lúa mùa gặt hái xong. Mùa nắng gắt bắt đầu, đồng trơ gốc rạ, phèn, mặn khiến cho năn, lác cháy vàng, lụn xuống.
Lúa về đầy lẫm nhà giàu, tá điền nghèo phải bồng bế nhau xuống những chiếc xuồng cui, ngược xuôi chèo chống. Buôn hột vịt, bán ba khía, đổi trầu cau, sống đấp đỗi qua ngày đợi mưa xuống, quay về làm mùa mới.
Đó còn là kinh nghiệm được dân gian đúc kết qua bao đời để dự báo con nước trên sông, rạch. Bìm bịp kêu, nước sắp lớn chảy tràn!
Tiếng kêu chim bìm bịp cũng đã trở thành đề tài cho để các soạn giả cải lương, các nhạc sĩ đưa vào lời hát của mình vừa da diết, vừa đượm tình.
Bài tân cổ giao duyên Bìm bịp kêu của Quế Chi do hai nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy trình diễn đến nay gần nửa thế kỷ mà nhiều người vẫn thuộc, vẫn ngâm nga lúc trà dư tửu hậu:
Bìm bịp kêu bờ sông nước lên cho đầy sông,…
Bìm bịp kêu đầy sông, thấy em chưa chồng,…
Bìm bịp kêu chớ bìm bịp kêu, nước lên ngập đồng,…
Bìm bịp kêu ớ bìm bịp kêu, hỏi em chớ lạnh không.
Ở nhạc phẩm Con sông buồn tiếng bìm bịp kêu, nhạc sĩ Dương Hoàng Giang có đoạn viết:
Chiều nay, chiều nay… tiếng bìm bịp kêu mà tôi xót xa trăm chiều tiếng bìm bịp kêu như ai buồn ai oán người ơi.
Để rồi chiều đông không còn ai nhớ mong tôi về bến sông tiêu điều tiếng chim kêu chiều xót xa não nề.
Mỗi lần qua sông chim kêu buồn nhớ thương một người.