Tờ Lancet, một trong những nhật báo y học có uy tín nhất thế giới, vừa có bài viết đề cập đến sự bất công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giá cả dược phẩm cao ngất đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên hành tinh này. Các tác giả bài báo đánh giá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng Hiệp định Hợp tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là những thủ phạm gây ra tệ trạng này. Họ cho rằng những hiệp định trên đã tăng cường sự bảo vệ bằng sáng chế, trao sự độc quyền lâu dài cho các hãng dược, hệ quả là giá thuốc điều trị bệnh tăng cao.
Trước vấn đề nóng bỏng liên quan đến sức khỏe và cuộc sống của hàng trăm triệu người, tổ chức Thầy thuốc không Biên giới (MFS) từng đoạt giải Nobel Hòa bình cho rằng hiệp định TPP với những điều khoản chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ đã làm mất đi sự cân bằng giữa quyền lợi thương mại của các hãng dược và sức khỏe cộng đồng. Tại các nước đang phát triển, giá thuốc trị bệnh quá cao sẽ vượt ra khỏi tầm với của người bệnh, trở thành một vấn đề sinh tử cho hàng triệu người. Trong quá trình đàm phán để ký kết hiệp định TPP, đại diện các nước ASEAN cố gắng làm giảm nhẹ những đòi hỏi của phía Mỹ về những quyền sở hữu trí tuệ rất chặt chẽ, song kết quả chẳng được bao nhiêu, và chương cuối về lĩnh vực này vẫn phản ánh những yêu cầu quá đáng của Mỹ. Nay TPP đã bị hoãn thực hiện, nhưng không vì thế mà các nước phát triển sẽ không dựa vào tinh thần những điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ đã thông qua (trong TPP) để thương lượng những hiệp định thương mại mới.
Tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các thành viên được yêu cầu thực hiện thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ có tên TRIPS, nhưng họ không bị buộc phải tuân thủ một nghĩa vụ bổ sung nào khác. Nhiều điều khoản trong TRIPS cho phép một nước lựa chọn những chính sách có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên nếu thỏa thuận TRIPS được bổ sung nội dung quyền sở hữu trí tuệ của TPP thì người bệnh nghèo trên thế giới sẽ khó mà tiếp cận với loại thuốc “nhái” rẻ hơn rất nhiều so với thuốc chính hãng. Hiện nay, chỉ riêng bệnh viêm gan siêu vi C, cả thế giới đã có nhiều triệu người mắc phải. Để chữa trị bằng thuốc chính hãng bán với giá cao, mỗi người bệnh phải chi 80 ngàn USD trong một liệu trình kéo dài 12 tuần. Tất nhiên, rất nhiều người bị bệnh này không thể đảm đương nổi khoản tiền trên. Một vài nước đang phát triển đã áp dụng thỏa thuận TRIPS một cách mềm dẻo, cung cấp thuốc nhái cho người bệnh viêm gan siêu vi C chỉ với giá 500 USD/liệu trình/người. Nhưng nếu những điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ của TPP được bổ sung và có hiệu lực tại các nước thành viên thì cơ may mua thuốc giá rẻ của người bệnh sẽ không còn. Điều khó giải quyết hiện nay là các tập đoàn dược không nhắm vào việc khai triển những phương thuốc mới mà bỏ ra hàng triệu USD tiếp tục sử dụng thuốc cũ hoặc thay đổi chất phụ gia. Họ nỗ lực kéo dài thời hiệu của bằng sáng chế, nhằm tiếp tục bán thuốc trị bệnh với giá cao.
- LHCT tổng hợp