Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trông trẻ hơn nhiều so với tuổi lục tuần, từ trang phục chỉn chu đến cách trò chuyện hài hước. Những người quen biết anh lâu năm thường nói rằng Nguyễn Ngọc Thiện chăm chút cho vẻ bề ngoài cẩn thận giống như chăm chút cho lời ca trong bài hát của mình vậy. Dù viết về tình yêu hay sức trẻ, nhạc chậm hay nhanh, anh cũng mất nhiều thời gian để tìm kiếm, cân nhắc từng câu chữ trong mỗi bài hát mình sáng tác.
Nếu từng yêu mến những lời ca rất hay của Nguyễn Ngọc Thiện như: “Tình yêu đó như phép nhiệm màu cho ta qua từng ngày/ Tình yêu đến như sóng dịu dàng ta yêu nhau nồng nàn/ Tình như gió bay đến tình cờ/ Để muôn kiếp khô héo đợi chờ” (Chia tay tình đầu), người nghe nhạc có lẽ sẽ bất ngờ khi anh cho biết:
Hầu hết ca khúc về tình yêu của tôi đều được “dệt” nên từ chuyện tình của người khác, chứ không bắt nguồn từ chuyện ái tình của tôi như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi vốn là người lý trí, không hay yêu và chưa từng thất tình. Thời trẻ, tôi thường nghĩ rằng dành quá nhiều thời gian để “tán gái” là vô bổ và tôi không cho việc “cưa đổ” một cô gái đẹp là một thành tích trong tình trường.
____
Nhiều người nghĩ, hẳn anh đã từng trải qua những mối tình dang dở thì lời ca mới day dứt đến thế này: “Em vội đi còn lại anh ngõ vắng mênh mang/ Em vội đi còn lại anh một đóa hư vô/ Để muôn kiếp ôm cơn đau vùi/ Tựa như trái tim đang lưu đày…” (Tình sương khói)
Khi chuyện tình của một người bạn nào đó tan vỡ, tôi đặt mình vào tâm trạng của họ để viết nên ca khúc, đơn giản thế thôi. Bài hát Tình sương khói là tâm trạng của nhà báo Vũ Duy Giang khi chia tay một cô nữ sinh ở Đà Lạt sau một thời gian dài quen nhau. Anh ấy hay trách đùa rằng tôi “tranh thủ” chuyện buồn của anh ấy để sáng tác. Đùa mà có lẽ là thật, nhiều bài hát khác của tôi được sáng tác từ những chuyện tình của Vũ Duy Giang. Như khi bắt gặp đôi mắt rất buồn của một cô gái đến quán quen tìm anh ấy nhiều lần không gặp, tôi đã ngẫu hứng sáng tác bài hát Anh mãi là niềm đau.
Cũng như anh Giang, những người bạn cùng nhóm nghệ sĩ của tôi thường thích những cô gái trông mềm mỏng, yếu đuối. Ngược lại, chỉ những phụ nữ trông mạnh mẽ, thích sống tự lập và không có thói quen mè nheo, đòi hỏi được chiều chuộng mới có sức hấp dẫn với tôi.
____
Bà xã của anh hiện tại hẳn là một điển hình phụ nữ mạnh mẽ và độc lập…
Đúng vậy, cô ấy không có thói quen sống phụ thuộc vào chồng, có thể thay tôi giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và cùng tôi vượt qua sóng gió một cách dễ dàng. Dù là mẫu phụ nữ mạnh mẽ nhưng về bản chất, cô ấy vẫn có những nét mềm mại, dịu dàng rất đàn bà. Nhờ vậy nên cuộc sống của chúng tôi không nhàm chán.
Gia đình từng không hài lòng khi tôi kết hôn với một người học cao như cô ấy. Nhưng qua năm tháng, tôi càng thấy quyết định về hôn nhân của mình là đúng đắn. Cũng may, cả nhà đã không ngăn cấm quyết liệt vì biết tôi rất “cứng đầu”. Lúc nhỏ, tôi học guitar cổ điển nhưng lại thích chơi những bài nhạc nước ngoài thập niên 60, 70, thầy giáo hay mắng vì sợ hỏng tay đàn. Năm học lớp 10, tôi mê đi đánh đàn cho ban nhạc ở các phòng trà, đại nhạc hội… đến nỗi thầy dạy nhạc phải đến tận nhà để xin phép ba mẹ giúp tôi. Những năm đầu ở vị trí người sản xuất nhạc, tôi từng “xông” thẳng vào phòng sang băng đĩa (nơi chỉ có giám đốc mới được vào) để đảm bảo băng nhạc của tôi không bị thu kém chất lượng…
“Tôi thích sự đa dạng trong phong cách, sáng tác đơn giản, dễ hiểu, mọi người đều có thể hiểu và hát các ca khúc của tôi.”
____
Đến thời điểm này, anh vẫn rất “cứng đầu” khi không ủng hộ những ca khúc có lời ca dễ dãi và những ca sĩ chú trọng vũ đạo hơn giọng ca…
Chúng ta lại bắt đầu nói về nhạc thị trường, một vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi” rồi đấy. Nhạc sĩ thế hệ chúng tôi sáng tác theo cảm hứng và niềm đam mê nên thường chăm chút cho phần lời lẫn phần nhạc rất kỹ. Người viết nhạc cần tích lũy vốn sống và thời gian tư duy, có khi cả năm mới hoàn thành một bài. Phần lớn nhạc sĩ hiện nay tuổi đời khá trẻ, chưa có nhiều vốn sống, lại sáng tác cho kịp đơn đặt hàng nên phải nghĩ vội viết vội, khó trách nhiều ca khúc hời hợt và lời sáo rỗng.
Tôi may mắn được là thành viên của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh và của nhóm “Những người bạn” nên những sai sót, vụng về trong bố cục cấu trúc tác phẩm của tôi đều được những nhạc sĩ nhiều kinh nghiệm góp ý một cách chân tình. Khi nghe bài hát Nếu tôi là ác mộng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng: “Phụ nữ là đại diện cho những điều tươi đẹp nên ví họ như ác mộng thì thật độc ác”. Tôi thấy chí lý nên sau đó đã đổi tên bài hát thành Nếu em là giấc mộng.
Tôi luôn trân trọng những góp ý của anh em, bạn bè, dù khen hay chê, dù có hữu ích cho tác phẩm của tôi hay không. Cũng có những góp ý tôi chỉ hẹn chứ không làm theo. Chẳng hạn như bài hát Trái tim yêu, tôi viết: “Cho anh thuê một nơi trong trái tim em” để“Từ nơi ấy anh sẽ ươm bao hoa hồng, và từ nơi ấy anh sẽ thắp lên ngọn nến ước mơ…”. Có người nói rằng nên đổi “thuê” thành “xin” nghe nhẹ nhàng và hợp lý hơn. Tôi lại cảm thấy “thuê” là một sự trân trọng, “xin” nghe có vẻ… bừa bãi.
____
Ca từ trong các bài hát của anh thường đơn giản và dễ hiểu…
Ca từ nghe đơn giản và mộc mạc như con người tôi vậy. Tôi thích sự đa dạng trong phong cách, sáng tác đơn giản, dễ hiểu, mọi người đều có thể hiểu và hát các ca khúc của tôi. Tôi thích viết về những gì mình tiếp xúc hằng ngày. Những hình ảnh, âm thanh quen thuộc bỗng tạo nên một bức tranh đẹp, một cuộc sống mến thương. “Cuộc sống hôm nay tuy vất vả/ Nhưng cuộc đời ơi ta mến thương/ Ta đã nghe trong tiếng cười đường tương lai đang rực rỡ/ Ta đã nghe trong tim mình/ Lời yêu thương của con người…” (Ơi cuộc sống mến thương).
____
Trong những năm gần đây, khán giả ít thấy anh xuất hiện trong các chương trình về âm nhạc như trước và cũng không thấy anh cho ra đời tác phẩm mới. Phải chăng vì anh thấy ca khúc của mình không phù hợp với thị hiếu của giới trẻ?
Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhạc sĩ cùng thời đều cảm thấy nhạc thời nay để “nhìn” nhiều hơn để nghe, còn tôi lại muốn nhạc của mình được nghe nhiều hơn nhìn. Ngày trước, “nhạc nghe” phổ biến vì nhạc hầu như được nghe từ băng đĩa, chiếc tivi trắng đen còn hiếm hoi. Ngày nay, nhà nào cũng có tivi màu, internet vào tận ngõ, “nhạc nhìn” phát triển là tất yếu. Vì vậy, ca sĩ hiện nay không cần hát thật hay, chỉ cần có ngoại hình bắt mắt, vũ đạo tốt, dàn ánh sáng lazer rực rỡ. Thực phẩm nhiều màu xanh đỏ thường chứa nhiều phẩm màu độc hại, còn âm nhạc màu sắc lòe loẹt có khi làm hại mắt chúng ta không chừng.
____
Nhưng thực tế, âm nhạc là một loại hình nghệ thuật đồng thời là một loại hình giải trí…
Đúng vậy, âm nhạc giải trí và âm nhạc nghệ thuật rất khó phân biệt rạch ròi. Thường thì bây giờ, nhắc đến giải trí người ta nghĩ đến cái gì đó xấu và bị chê bai nhưng thực tế tốt xấu là do tự thân nó. Giải trí mà chú tâm đến nghệ thuật, đến những ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống thì vẫn là nghệ thuật. Nhưng ngược lại, nghệ thuật cũng phải có chất giải trí trong đó thì công chúng mới dễ dàng thưởng thức.
Trong buổi họp về Văn hóa Nghệ thuật mới đây, ông Nguyễn Huy Hoàng (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay, cái xấu đang phát triển quá nhanh, nhưng những người làm nghệ thuật chân chính không thể nản chí mà phải quyết tâm đầu tư cái tốt để trong tương lai, cái tốt sẽ lấn át cái xấu. Tôi cho rằng điều này hoàn toàn đúng. Dù lĩnh vực âm nhạc hiện nay đang rối ren, những sáng tác có chất lượng đang rất khó tìm được nguồn tiêu thụ, nhưng người nhạc sĩ đam mê nghệ thuật vẫn phải cố gắng sáng tác những lời ca đẹp, giàu chất thơ.
____
Liệu những lời ca đẹp ấy có thể kéo giới trẻ trở lại với “nhạc nghe” trong tương lai?
Tương lai có lẽ còn xa vời nhưng có niềm tin thì hẳn là sẽ thành công trong một chừng mực nào đó. Tôi bắt đầu gia nhập thị trường âm nhạc từ thời điểm tân nhạc không ai muốn nghe. Người ta mua băng tân nhạc chủ yếu là để xóa đi và thâu lại cải lương từ radio. Cả một hãng thu băng đĩa chỉ có một bộ trống đánh không ra hơi. Lớp nhạc sĩ lớn tuổi sống trong điều kiện thiếu thốn nhờ đồng lương nhà nước nhưng vẫn sáng tác biết bao ca khúc hay và sống mãi với thời gian. Ngày nay, với điều kiện vật chất đầy đủ, viết nhạc lại có thể bán kiếm tiền, người nhạc sĩ trẻ nếu chịu khó học hỏi và làm việc với đam mê, hẳn sẽ cho ra những tác phẩm hay. Thêm vào đó, nghề đào tạo và quản lý ca sĩ hiện nay cũng có nhiều biến tướng. Ngày trước, bầu show chỉ có trách nhiệm hướng dẫn ca sĩ phát triển về giọng hát và phong cách biểu diễn chứ không giúp ca sĩ tạo scandal như hiện nay.
“Thực phẩm nhiều màu xanh đỏ thường chứa nhiều phẩm màu độc hại, còn âm nhạc màu sắc lòe loẹt có khi làm hại mắt chúng ta không chừng.”
____
Rất nhiều ca sĩ được anh phát hiện và đào tạo đã có những thành công lớn trên thị trường âm nhạc như: ca sĩ Thủy Tiên, tam ca Áo Trắng, nhóm nhạc Mắt Ngọc, đặc biệt là “Tứ quý Sài Gòn” (ca sĩ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Việt Quang, Quang Dũng). Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về nghề này?
Quản lý ca sĩ là một nghề “nhức đầu” vì phải chịu áp lực từ nhiều phía. Thị trường luôn cần những ngôi sao mới nên bầu show phải liên tục tìm kiếm và đào tạo các ca sĩ trẻ. Nhưng các bạn này ít khi bằng lòng với vị trí của mình. Một số ca sĩ do tôi quản lý vẫn tự ý hát cho bầu show khác vì được trả giá cao hơn. Nhiều ca sĩ lại không đủ kiên nhẫn trên con đường phát triển nghề nghiệp mà muốn thành ngôi sao thật nhanh nên khó tránh khỏi việc đi “đường tắt” bằng cách tạo scandal. Không ít người thắc mắc vì sao một số ca sĩ từ “lò” của tôi chưa từng được học qua nhạc viện. Tôi chọn ca sĩ để đào tạo thường không căn cứ vào tấm bằng mà chủ yếu dựa trên năng khiếu và khả năng tỏa sáng. Ngoài ra, nghề quản lý ca sĩ rất cần sự rạch ròi về công việc và tình cảm để tránh những rắc rối có thể ảnh hưởng đến tên tuổi của ca sĩ lẫn bầu show.
____
Với một nam nhạc sĩ kiêm nhà quản lý trẻ tuổi thì việc rạch ròi về tình cảm với những nữ ca sĩ trẻ đẹp dường như là việc không mấy dễ dàng?
Thật may, tôi vốn rạch ròi cả về tình cảm lẫn tiền bạc nên hầu như không gặp phải điều tiếng không tốt trong suốt nhiều năm làm nghệ thuật. Khi làm nhà sản xuất kiêm quản lý, không ít cô gái trẻ đẹp muốn có những mối quan hệ tình cảm với tôi để dễ tiến thân trên con đường sự nghiệp nhưng tôi luôn thể hiện tình cảm đồng nghiệp rõ ràng, tránh để “lửa gần rơm”. Còn về tiền bạc, tôi cho tiền người khác trong khả năng của mình chứ không cho mượn tiền. Vì vậy, tôi không cần nhớ ai nợ mình, không cảm thấy tiếc khi bị người mượn không trả, nhờ vậy mà lòng tôi thanh thản hơn và giấc ngủ ngon hơn.
____
Vì sao trong quá trình sáng tác, có những giai đoạn anh “biến mất” trên thị trường âm nhạc, vì khó khăn hay vì bận làm bác sĩ?
Một vài giai đoạn tôi tạm ngưng sáng tác vì nhận ra dòng giai điệu đã cũ hay bị rơi vào lối mòn. Tôi dành thời gian nghiên cứu và phân tích các tác phẩm âm nhạc mới để tìm ra cho mình một hướng sáng tác mới, đề tài mới, cách thể hiện mới. Thời điểm này tôi cũng đang “tạm nghỉ” để bắt đầu một hướng đi hoàn toàn phù hợp hơn và cũng dành thời gian để cho toàn cuộc sống gia đình. Cuộc sống của người nhạc sĩ sáng tác phục vụ cho đam mê và nghệ thuật bây giờ chật vật hơn xưa rất nhiều.
____
Còn anh thì vẫn ung dung vì có nghề tay trái là bác sĩ nha khoa…
Nói đúng ra bác sĩ nha khoa là nghề tay phải của tôi, là “cần câu cơm” chính của cả gia đình đấy chứ. Ngày trước, khi thấy tôi vừa sáng tác vừa làm nha khoa, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng thắc mắc vì sao tôi không chuyên tâm sáng tác âm nhạc. Thực tế tôi cũng muốn giống như các nhạc sĩ tài hoa ấy, sống hết mình với âm nhạc, chuyên tâm sáng tác để cho ra những tác phẩm hay nhưng điều kiện kinh tế không cho phép, gia đình tôi cũng không đủ điều kiện để có thể cưu mang tôi suốt đời.
Gia đình tôi xuất thân từ một xóm lao động nghèo nên tôi cũng từng nếm trải những quãng đời cơ cực. Sau khi tốt nghiệp Nha khoa, tôi bị điều lên Lộc Tấn, Lộc Ninh, nơi “rừng thiêng nước độc”, chiều tắt nắng là chui vào mùng ngay vì đàn muỗi mang mầm bệnh sốt rét vo ve khắp nơi. Đến khi từ chối công việc nhà trường phân công và trở về nhà, tôi trở thành kẻ thất nghiệp, đi chữa răng “chui” quanh địa bàn thành phố để kiếm sống.
“Khách hàng khi gặp tôi xong đảm bảo sẽ phấn chấn tinh thần vì được nghe nhạc của tôi lại vừa… hết đau răng.”
____
Nghe nói trước khi làm ở Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, anh còn làm phóng viên kiêm vác báo?
Đó là giai đoạn cuối năm 1977, khi những người thất nghiệp như tôi bị điều động đi đến vùng kinh tế mới, tôi may mắn được người quen giới thiệu làm công việc mang vác báo ở tòa soạn báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh. Để làm công việc này, tôi phải giấu nhẹm tấm bằng y khoa của mình. Nhưng thời gian rảnh rỗi, tôi tham gia cộng tác với những bài hát thiếu nhi, truyện ngắn dịch từ báo nước ngoài. Nhờ vậy mà lương của tôi rất khá. Về sau tôi dần kiêm luôn vị trí lái xe và phóng viên của báo. Vì vậy, thu nhập hằng tháng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Chỉ có điều khi cùng phóng viên ảnh đến tác nghiệp ở các tỉnh, nhiều người thắc mắc: “Sao phóng viên báo phụ nữ lại là hai người đàn ông?”.
Khoảng thời gian gắn bó với báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với tôi. Từ một người giao báo, tôi trở thành nhân viên phát hành rồi là phóng viên của báo. Công việc của một phóng viên giúp tôi học hỏi, quan sát được nhiều điều và vượt qua được giai đoạn bế tắc nhất trong cuộc đời mình. Nếu không chuyển về bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, có lẽ tôi đã gắn bó với tờ báo này nhiều năm sau nữa.
____
Trong nghề nha sĩ, anh có nhận được sự yêu mến như là nhạc sĩ?
Tôi chỉ được bệnh nhân làm răng yêu mến chứ không được lòng đồng nghiệp, nhất là thời tôi làm trưởng khoa ở bệnh viện. Tôi thường cố gắng khám và điều trị thật nhanh để bệnh nhân không phải xếp hàng chờ đợi nhưng nhân viên cấp dưới lại tỏ vẻ không đồng ý. Có lẽ theo họ, nhân viên của một bệnh viện nhà nước thì chỉ nên làm việc với năng suất phù hợp với mức lương mỗi tháng mà thôi.
Khách hàng yêu mến tôi một phần vì tôi có tâm với nghề, một phần vì tôi khá dễ tính. Có người làm răng xong quên trả tiền. Tôi làm xong ba cái răng, có người chỉ trả tiền hai cái vì: “Giờ em chỉ có đủ tiền hai cái thôi”. Thời tôi còn làm dịch vụ tại nhà, có khách hàng thản nhiên nói: “Anh cầm tạm cái đồng hồ này thay cho chi phí làm răng nhé, đồng hồ đắt tiền đấy!”. Cũng có người trả tôi một căp loa nghe nhạc thay cho phí làm răng vì: “Anh xem quanh nhà còn vật dụng này anh ưng ý thì cứ lấy, chứ giờ tiền em không có”.
____
Cả hai nghề nhạc sĩ và nha sĩ anh đều làm rất tốt, nhưng nếu phải chọn một trong hai, anh sẽ chọn nghề nào?
Tôi sẽ chọn… cả hai. Tôi vốn mê cái đẹp nên phải vừa làm nhạc sĩ để làm đẹp cho đời, vừa làm nha sĩ để làm đẹp cho người. Khách hàng khi gặp tôi xong đảm bảo sẽ phấn chấn tinh thần vì được nghe nhạc của tôi lại vừa… hết đau răng.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc anh tiếp tục thành công trong đóng góp cái đẹp cho cuộc sống và con người.