Sứ mệnh của trường là đào tạo một đội ngũ các nhà lãnh đạo và những người hoạch định chính sách ở khu vực nhà nước và tư nhân, hướng tới sự thịnh vượng và phát triển của các quốc gia.
Được thành lập năm 2004 trên cơ sở hợp tác với Trường Đại học Harvard, Trường chính sách công Lý Quang Diệu đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những trường đào tạo chính sách công phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện nay có hơn 400 sinh viên đến từ 53 quốc gia đang theo học trong ba khóa cao học và một khóa tiến sĩ tại trường.
Website của trường: http://lkyspp.nus.edu.sg/
Các khóa học
Hiện nay Trường chính sách công Lý Quang Diệu có ba chương trình cao học và một chương trình tiến sĩ. Tất cả các chương trình đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy.
Cao học về chính sách công – MPP (hai năm)
Chương trình cao học về chính sách công là chương trình hai năm cung cấp cho các sinh viên trẻ một nền tảng vững chắc về nhận thức và các công cụ phân tích trong lĩnh vực quản lý, chính sách và kinh tế. Theo học chương trình này, sinh viên có thể đăng ký học bằng hai với các đối tác uy tín thuộc Mạng lưới chính sách công toàn cầu như Trường Columbia (SIPA), Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) và Siences Po (Paris).
Cao học về quản trị công – MPA (một năm)
Chương trình cao học về quản trị công giúp các cán bộ quản lý bậc trung rèn luyện kỹ năng phân tích và ra quyết định nhằm cải thiện hiệu quả công việc và chuẩn bị để tiếp nhận các vị trí quản lý và lãnh đạo.
Cao học về quản lý công – MPM (một năm)
Chương trình cao học về quản lý công dành cho những người có kinh nghiệm quản lý và đang giữ các vị trí quản lý cao cấp. Chương trình sử dụng các phương pháp học tập dựa vào phân tích vấn đề, giúp học viên tiếp cận những kiến thức và thực tiễn mới nhất về chính sách công. Trong chương trình, sinh viên học một học kỳ tại Trường Đại học Harvard.
Chương trình tiến sĩ
Chương trình tiến sĩ giúp học viên cải thiện khả năng và hiệu quả công việc thông qua việc trang bị cho học viên các khuôn khổ lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và các công cụ phân tích khoa học về các vấn đề chính sách khác nhau. Theo học tại trường, các sinh viên có cơ hội:
– Học tập trong môi trường có cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy đạt tiêu chuẩn quốc tế;
– Trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ các giảng viên và sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới;
– Lấy bằng hai từ các trường uy tín trên thế giới (Đại học Columbia, Đại học Tokyo, Sciences Po…), hoặc trường Luật, trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore;
– Tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tại bảy trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Sinh viên Việt Nam
Cho tới nay, hơn 80 học viên Việt Nam đã tốt nghiệp các khóa cao học và hơn 200 người khác tham dự các khóa học ngắn hạn tại trường trong khuôn khổ dự án đào tạo với Bộ Nội vụ và do Ngân hàng Châu Á tài trợ. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đang giữ các trọng trách trong các bộ như Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Tài chính, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công thương, v.v… Trung bình mỗi năm có khoảng 10 sinh viên Việt Nam nhận học bổng theo học tại trường.
Bà Nguyễn Thị Bích – Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế – Bộ Tài chính: Tôi là một trong hai học viên cao học của Việt Nam ở Trường chính sách công Lý Quang Diệu trong năm học 2004. Chương trình có những môn bắt buộc như phân tích chính sách, kinh tế vĩ mô và vi mô, quản lý công, mối quan hệ giữa chính phủ và khu vực tư nhân… Cách dạy và học mới là điều đáng nói hơn. Chúng tôi tiếp cận với các vấn đề bằng nhiều cách khác nhau: nghe các giáo sư tận tâm và dày dạn kinh nghiệm giảng trên lớp, brainstorm (động não) các vấn đề theo nhóm, tự nghiên cứu ở thư viện, tham gia các chương trình ngoại khóa và đi thực tập ở các cơ sở. Với cách học như thế chúng tôi thẩm thấu vấn đề tốt hơn. Chương trình cao học ở Trường chính sách công Lý Quang Diệu có một khóa học ở Kennedy School of Government của Đại học Harvard.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó TGĐ Ngân hàng TMCP An Bình: Là học viên khóa cao học năm 2000 tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu, tôi thấy với chương trình đào tạo có tính tổng hợp và thực tiễn cao, sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc trong các ngành nghề và lĩnh vực liên quan đến kinh tế, xã hội,…
Những sinh viên tốt nghiệp được trang bị năng lực tư duy hệ thống và khả năng ra quyết định, hành động hiệu quả nên cơ hội kiếm việc làm và phát triển trong nghề nghiệp cao. Những điều học được tại trường đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong điều hành và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là khả năng đánh giá tổng hợp vấn đề, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phương pháp triển khai công việc một cách hiệu quả, thực tế, các kỹ năng trong đàm phán, ra quyết định.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp: Chương trình đào tạo của trường rất toàn diện, sinh viên được học các môn bắt buộc về kinh tế vĩ mô và vi mô, chính trị, thống kê, thiết kế nghiên cứu và phương pháp luận, phân tích và đánh giá chính sách, quản lý công và lãnh đạo.
Hằng tuần, nhà trường còn mời các diễn giả nổi tiếng đến trường để trao đổi về rất nhiều chủ đề nóng hổi khác nhau. Thiết lập được các chương trình trao đổi sinh viên với Trường quản trị công Kenedy thuộc Đại học Harvard và một số đại học danh tiếng khác của Hoa Kỳ.[/note] [note color=”#dadada”]
Cơ hội nhận học bổng của Trường chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore
Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy – LKY School), thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) là cơ sở đào tạo sau đại học có uy tín tại châu Á và trên thế giới. Hằng năm, trường cấp một số học bổng bậc thạc sĩ cho các ứng viên Việt Nam xuất sắc đăng ký học tại trường.
Hiện trường cung cấp ba chương trình đào tạo bậc thạc sĩ các ngành:
1. Chính sách công (hai năm)
2. Hành chính công (một năm)
3. Quản lý công (một năm)
Thông tin chi tiết về điều kiện, thủ tục nhập học, chương trình đào tạo và cơ hội học bổng xem tại website: http://www.lkyspp.nus.edu.sg/.
Hạn nộp hồ sơ cho khóa học kỳ Thu 2014: 15-1-2014.
Thông tin chi tiết liên hệ: apply.lkyspp@nus.edu.sg.
[note color=”#dadada”]Hội thảo dành cho nhà khoa học trẻ
Trong khuôn khổ chương trình Kết nối các nhà khoa học, Hội đồng Anh Việt Nam sẽ tổ chức hai hội thảo dành cho các nhà khoa học trẻ từ ngày 18 đến 20-2-2014 tại TP. Hồ Chí Minh:
– Công nghệ sinh học: “Tăng cường chế tạo vắc-xin và chiến lược thực hiện: các ứng dụng của khoa học protein, protein và tá dược” – được phối hợp tổ chức cùng Đại học Aston, Vương quốc Anh và Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
– Viễn thông: “Những tiến bộ và phát triển của hệ thống viễn thông” được phối hợp tổ chức cùng Đại học Leeds, Vương quốc Anh và Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Hội đồng Anh sẽ tài trợ chi phí tham gia hội thảo (ăn, ở và đi lại) cho các nhà khoa học trẻ từ Anh và Việt Nam được lựa chọn. Hạn nộp hồ sơ đăng ký vào ngày 16-12-2013.
Thông tin chi tiết, vui lòng xem tại website của Hội đồng Anh tại: http://www.britishcouncil.vn/en/researcher-links[/note]
Thiệu Nam (Tổng hợp)