Nhà văn đã chia sẻ suy nghĩ của mình với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần trong một cuộc phỏng vấn ngắn.
Trong năm qua, sự kiện văn hóa đọc nào ở Việt Nam và thế giới nào khiến ông quan tâm nhiều nhất? Vì sao?
Nói thế này thì có thể hơi lạ, nhưng sự kiện nghe và đọc gây ấn tượng nhất đối với tôi trong năm qua là quanh cái chết của Nelson Mandela. Nhân tang lễ ông vừa rồi, khắp thế giới đã nói và viết rất nhiều về nhân vật này. Những cuốn sách về ông được nhiều đối tượng công chúng tìm đọc. Ở Việt Nam cũng đã có sách có tính chất tự sự của ông, chẳng hạn như cuốn Chuyện về danh nhân thế giới – Nelson Mandela.
Nelson Mandela không chỉ là một chính khách lớn, một người anh hùng. Ông ấy là một vĩ nhân, một nhà hiền triết lớn mà thế giới mãi mãi cần. Nhân loại cần những con người như vậy để đạt cho kỳ được đến cái mốc thật sự thoát ra khỏi thời đại dã man, thật sự trở thành nhân loại văn minh. Riêng nước ta, dân tộc ta, xã hội ta càng cần. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tại tang lễ Nelson Mandela vừa rồi, những nguyên thủ quốc gia các nước đều đến chia buồn. Riêng Hoa Kỳ, tổng thống đương nhiệm và tất cả các cựu tổng thống còn sống đều có mặt.
Một cuốn sách nói về cuộc đời của Nelson Mandela
Hẳn rồi thế giới, rồi nhân loại sẽ còn phải suy nghĩ rất nhiều về con người này, về cuộc đời, cuộc chiến đấu có một không hai của ông, còn phải đọc và suy nghĩ về những lời ông viết, ông nói. Ông là “Người tù của thế kỷ”, bị chế độ Apartheid cầm tù biệt giam 28 năm, và cuối cùng con người ấy đã đánh bại vĩnh viễn cái chế độ đã cầm tù ông. Hãy thử lắng nghe, chẳng hạn những lời ông nói khi vừa ra tù và Tổ quốc Nam Phi của ông vừa được giải phóng. Vô cùng bình tĩnh và trầm tư ông bảo: “Chúng ta chưa được tự do. Chúng ta mới giành được tự do để có tự do”. Nghĩa là cuộc đấu tranh để đất nước và con người trở thành đất nước và con người tự do thì bây giờ, khi đã đánh đổ được chế độ Apartheid, cuộc đấu tranh khó khăn nhất ấy bây giờ mới bắt đầu. Chứ không phải đã kết thúc. Mandela cũng nói: “Khi tôi bước ra khỏi cánh cửa về phía dẫn đến tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ nỗi đau và sự căm thù lại phía sau thì tôi vẫn ở lại trong tù”. Rồi ông nói tiếp: “Bây giờ đến lúc phải giải phóng cho người da trắng”, bởi vì, ông lại nói: “Tôi biết rõ rằng người áp bức cũng phải được giải phóng như người bị áp bức. Một người tước đoạt tự do của kẻ khác là tù nhân của sự hận thù, của các thành kiến và của tinh thần hẹp hòi”.
Nelson Mandela không chỉ đấu tranh cho một đất nước Nam Phi được giải phóng. Ông đấu tranh cho một nền văn hóa tương lai trong đó con người thật xứng danh là con người. Phải đọc Mandela, đọc nữa, đọc mãi về ông. Để mong cho mỗi chúng ta thật sự trở thành một người tự do. Đất nước mình thật sự thành một đất nước tự do.
Coi trọng việc đọc sách như thế, tại Trường Phan Chu Trinh của ông, ông có biện pháp cụ thể nào để khuyến khích sinh viên đọc sách không? Ông nhận xét thế nào về thói quen đọc sách của giáo viên và sinh viên trường mình?
Trường chúng tôi có một thư viện còn nhỏ nhưng theo tôi là khá tốt. Chẳng hạn chúng tôi có toàn bộ sách của NXB Trí Thức… Rất tiếc là người đọc còn ít, và đặc biệt lạ và đáng buồn: giáo viên đọc ít hơn sinh viên.
Tôi nghiệm ra một điều: Muốn có được thói quen đọc sách, có được điều ta vẫn thường gọi là văn hóa đọc, thì phải có thói quen đó từ bé. Để đến lớn rồi, mới tập lại thói quen ấy thì rất khó. Tôi cũng hiểu “văn hóa đọc” là đọc trước hết vì thích thú, chứ không phải chỉ vì đọc cho có ích lợi gì đó. Tôi cũng đã tham gia nhiều hoạt động vận động đọc sách trong nhiều năm nay, tôi thấy nói mãi về lợi ích của việc đọc sách với mọi người chẳng mấy ăn thua. Phải tạo lại thói quen đọc sách từ bé trong gia đình, và ở trường tiểu học. Chúng tôi đang cùng chính quyền Hội An cố gắng làm một số việc. Chẳng hạn như trường chúng tôi đã tổ chức một hoạt động gọi là “Không gian đọc Hội An”. Ngày Chủ nhật sinh viên Trường Phan Chu Trinh đưa sách ra một không gian công cộng và mời mọi người đến đọc. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra thêm nhiều điểm khác tương tự. Có người nhận xét rằng chỉ thấy trẻ con đến đọc nhiều. Theo tôi thế là tốt. Tập cho các em quen cầm sách, rồi mê đọc… Nghĩa là phải làm rất lâu dài để tạo lại những thế hệ có thói quen đọc sách.
Ngoài ra, các điểm “Không gian đọc Hội An” là do các em sinh viên hằng tuần đứng ra làm. Chính trong khi cố gắng truyền niềm say mê đọc sách đến cho người khác, các em sẽ tự mình “bị nhiễm” thói quen và niềm say mê tốt đẹp đó.
Đọc sách là một hành vi tự nguyện, không ai bắt buộc được ai, cho nên phải tìm mọi cách để nó “truyền nhiễm” dần trong xã hội. Sự hiền minh, “đạo đức” của sách sẽ đến trong người đọc mà chính họ không ngờ. Khi ấy mới thật sự có văn hóa đọc.
Sách vở, báo chí thường hay nói rằng người Việt Nam có truyền thống hiếu học, thế nhưng khái niệm “hiếu đọc” thì hình như chưa có ai nói đến cả. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Thật tình tôi không thể hiểu làm sao có thể hiếu học mà không hiếu đọc. John Dewey nói rằng trong các xã hội nguyên thủy, tri thức được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau bằng bắt chước. Đến khi tri thức, cũng tức là sự trải nghiệm, trở nên quá phong phú, phức tạp, trừu tượng… thì bắt chước không còn đủ nữa. Tri thức, trải nghiệm phải được đóng kết lại trong nhà trường và trong sách vở. Theo cách nào đó, đấy cũng là một lối định nghĩa về sách.
Hiếu học mà không hiếu đọc thì chỉ có thể là hiếu học để hiếu đi thi, hiếu bằng cấp như trong tình trạng giáo dục hiện nay của chúng ta.
Cho nên chăm lo cho một nền văn hóa đọc cũng là công việc của Bộ Giáo dục, và phải từ cấp thấp nhất của hệ thống giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Cẩm Tú