Văn hóa Phật giáo số 192 phát hành đúng ngày đầu năm mới 1-1-2014, với lời chúc chúng sanh an lạc, thế giới hòa bình và đất nước thịnh vượng.
Như các số khác, Văn hóa Phật giáo số lần này cũng phản ánh những vấn đề xã hội một cách khách quan và toàn diện. Đầu tháng 12-2013, kết quả của chương trình “Đánh giá học sinh quốc tế” (PISA 2012) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Việt Nam đang ở vị trí 17/65 nước và vùng lãnh thổ có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn 500 và học sinh Việt Nam ở thứ hạng cao hơn cả các nước Mỹ, Anh, Úc. Tuy nhiên, VN cần tỉnh táo để đánh giá đúng về ý nghĩa của kết quả này vì giáo dục chúng ta đang có những vấn đề “khó chữa”, cần nhìn lại một cách nghiêm túc để có cách “chạy chữa” phù hợp. Bài viết “Những gì PISA không đo được” sẽ phân tích kỹ “căn bệnh” của nền giáo dục nước nhà.
Chúng ta thường lẫn lộn giữa thân xác và tâm thức nên chưa thể tìm thấy sự bình an. Muốn có bình an, chúng ta phải luyện tập để tâm thức thanh khiết. Vậy làm sao để rèn luyện tâm thức? Bài viết “Như một dòng nước lặng lẽ trôi” sẽ cho người đọc câu trả lời thỏa đáng.
Có một lúc nào đó cái tôi của chúng ta được khơi dậy làm thay đổi con người vốn an phận trước đây, quên mất mình đang có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Bài viết “Chấp ngã” sẽ phân tích cho chúng ta thấy những tội lỗi, sân si trong cuộc đời đều do cái tôi mà ra, đồng thời hướng dẫn chúng ta cách chế ngự cái tôi để có được sự an lạc.
Trong cuộc sống, chúng ta thường vui từ các mối quan hệ với tha nhân, như một người lớn tuổi cô độc bỗng có khách ghé thăm, hay một anh chàng độc thân bỗng chốc có người yêu. Nhưng rồi tha nhân có ở với chúng ta mãi mãi hay không? Bài viết “Vui trong nỗi lo” sẽ là lời nhắc nhở đừng lệ thuộc niềm vui vào kẻ khác mà nên tự tìm niềm vui tự do cho riêng mình.