Ông là một doanh nhân Việt kiều được nhiều người biết đến, là người đầu tiên đưa tập đoàn Siemens vào Việt Nam. Hơn 10 năm xây dựng, tên tuổi Siemens trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Đội ngũ của Siemens ở Việt Nam còn có một tình cảm gắn kết con người lại với nhau bằng lòng tận tụy thắp sáng những trái tim biết sống yêu thương và nhân ái, mà người “giữ lửa” không ai khác hơn là ông. Có lẽ những trải nghiệm trong cuộc sống là bài học lớn giúp ông nhận ra rằng cái quý nhất ở đời là tình người nên trong hoàn cảnh nào ông cũng cố công xây đắp. Trong vai trò là Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã từng bước góp phần xoay chuyển hoạt động của hiệp hội bằng những sáng kiến mang tính khả thi trong việc tập hợp lực lượng Việt kiều dưới một mái nhà chung cùng hướng về quê hương.
Phải nhìn nhận ông có cách nói thuyết phục không phải bởi “oai quyền” của người sếp mà bằng một phong thái đĩnh đạc, trầm tĩnh. Hình như trong con người ông, dễ nhận thấy sự mộc mạc, chân tình, cái khí chất của người Sài Gòn rất mực tình cảm pha lẫn tích cách của văn hóa phương Tây. Ông ít khi nói về mình, nhưng qua công việc và những trăn trở, suy tư về tương lai, vận mệnh của đất nước trước thềm hội nhập mới thấy tấm lòng của ông như một dòng chảy ngầm lặng lẽ khơi nguồn ra biển rộng.
Một sáng tại Khách sạn Legend, ông sếp của Siemens tiếp chúng tôi rất đúng giờ dù rất bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Phải hứa trước là chỉ viết nhẹ nhàng thôi, không có gì “lên gân” cả ông mới yên tâm trò chuyện. Khi chuyện đời, chuyện nghề đã qua, ông bày tỏ những bức xúc trong công tác kiều bào thời gian qua vẫn chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý, lại đau đáu nỗi riêng, chung…
____
Nhìn ông có vẻ giống một chính trị gia hơn là một doanh nhân thành đạt…
(… Cười ngạc nhiên). Thật vậy à? Tôi không thích chính trị đâu. Làm việc chuyên môn và quản lý thôi cũng đã đủ lắm rồi.
Người ta chơi với tôi, sẵn sàng hết lòng với tôi vì tôi là Nguyễn Ngọc Thạch chứ không phải là ông sếp gì đó của Siemens.
____
Là Việt kiều hơn 20 năm sống ở nước ngoài, duyên cớ nào ông quyết định về Việt Nam làm việc ở thời điểm đất nước vẫn còn nhiều khó khăn như thế?
Năm 1968, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi sang Đức du học tại Trường Đại học Kỹ thuật Muenich, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật điện năm 1977 và bắt đầu đi làm. Siemens là tập đoàn công ty lớn của Đức, rất nổi tiếng trên thế giới về nhiều ngành kỹ thuật công nghệ cao, điện công nghiệp, nguyên tử, viễn thông, thiết bị y tế… là nơi mà sinh viên kỹ thuật nào cũng muốn được thử sức mình. Tôi may mắn là một trong số những người trúng tuyển, được Siemens nhận vào làm công việc nghiên cứu và thiết kế hệ thống an toàn cho nhà máy điện nguyên tử hạt nhân. Trong quá trình làm việc, tôi có tham gia đào luyện cho một số chuyên gia của Hàn Quốc, Nhật Bản… Qua đó, công ty cũng thấy được khả năng và tin tưởng hơn, thường giao cho tôi quản lý và thực hiện những công trình ở châu Á.
Tháng 2/1993, lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau 25 năm ở Đức, ăn một cái Tết ở quê nhà mới thấm thía nỗi xa quê. Không thể đem Việt Nam so với nước ngoài, nhưng với những gì biết được qua thông tin, và lúc tôi đi đang thời chiến tranh thì rõ ràng Việt Nam đang trên đà phát triển, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu chú ý đến thị trường này. Với cương vị là người của Siemens, tôi có đi thăm một số khách hàng trong ngành điện. Khi tiếp xúc, nói đến Siemens, nhiều người chỉ biết tới mảng điện thoại mà không biết tới các mảng khác. Lúc đó bật ra cho tôi suy nghĩ, Việt Nam đang là một thị trường mở, cần phải xây dựng rất nhiều về cơ sở hạ tầng mà điện là một thứ thiết yếu. Vì vậy, tôi xác định Siemens phải có mặt ở Việt Nam.
Khi trở về Đức, có sự trùng hợp là tôi đọc được bài viết rất hay của ông chủ tịch tập đoàn Siemens đánh giá về tình hình châu Á – Thái Bình Dương, nói là có một cuộc chiến kinh tế đang diễn ra tại đây, và Siemens đủ nội lực để tham gia cuộc chiến này. Chỉ có điều kiện là người đại diện ở đây phải giống như con cá bơi trong nước, chứ nếu là người mới tập tành bơi thì sẽ chết chìm ngay. Đọc xong bài báo, tôi nghĩ đây là cơ hội rất lớn để mình phát huy khả năng, mình là người Việt Nam thì đúng là con cá bơi trong nước khi trở về Việt Nam. Thế là tôi đặt vấn đề và được công ty chính thức cử làm đại diện của Siemens tại Việt Nam.
____
Hỏi thật, nhìn lại những ngày đầu xây dựng Siemens, phải vượt qua không ít cản ngại mà lớn nhất là cơ chế, ông có cảm thấy mình là người “dũng cảm” hay được may mắn không?
Với tôi, thuyết phục được lãnh đạo công ty để xây dựng Siemens tại Việt Nam đã là thành công đầu tiên, tôi rất hứng thú khi được xây dựng một công trình mang dấu ấn của riêng mình. Thế nhưng khi về Việt Nam, phải tập thích nghi với một xã hội hoàn toàn mới, thật sự tôi cũng rất ngỡ ngàng. Thực tế từ khi ra đời bươn chải để sống, tôi thấy áp dụng được cái mình học chỉ chừng 10%, còn lại là phải tự học trong cuộc sống rồi điều chỉnh, rút kinh nghiệm dần cái hay, cái dở mà hoàn thiện mình. Vì thế, tôi nghĩ mình cứ thử nghiệm, nếu không thành công thì ít ra cũng thành nhân. Đội ngũ nhân viên của Siemens đều là những người trẻ, ham học hỏi nên những khó khăn đều có thể vượt qua.
____
Và ông đã học được điều gì? Cái nào là hay và cái nào là không hay mà ông thấy được ở Việt Nam?
Tôi sống ở Đức đã 25 năm nên cũng có rất nhiều thay đổi, tuy nhiên với tôi, tiếp thu cái mới không có nghĩa là quên cái cũ. Quan trọng là mình biết sàng lọc và kết hợp cho phù hợp. Tôi thấy phải hiểu văn hóa thì nói chuyện mới hiểu nhau nên trong suốt nửa năm trời tôi chỉ học những điều mình chưa biết, tìm ra nguyên nhân để hiểu những cái khác biệt là do đâu. Người Việt Nam chúng ta rất giỏi về chuyên môn, tiếp thu nhanh, siêng năng là điều ai cũng nhìn nhận. Tuy nhiên, người ta còn nói người Việt Nam lách cũng rất giỏi. Có thể thấy tính cách ấy từ việc nhỏ như đi đường, cho tới việc lớn trong làm ăn kinh tế. Đây là nguyên nhân gây khó khăn trong vấn đề quản lý đất nước, vì ý thức tuân thủ pháp luật của người dân không cao, quy định gì thấy không có lợi cho mình thì nhiều người cũng tìm cách lách cho bằng được. Đất nước mình có tiềm lực để phát triển, nhưng muốn phát triển thì phải bỏ những níu kéo làm trì trệ xã hội. Mười chín năm sống ở Việt Nam trước khi sang Đức, tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều tính ấy. Tôi hiểu nguyên nhân mọi vấn đề đều do giáo dục đề cao tính cá nhân chủ nghĩa mà ra.
Đi làm thì đồng lương là quan trọng, nhưng đến một mức nào đó người ta lại chọn môi trường làm việc và người sếp là quan trọng hơn.
____
Từ một người làm chuyên môn về điện ở Đức chuyển sang làm công tác quản lý ở Việt Nam, ông đã xây dựng như thế nào để tạo nên một đội ngũ Siemens như ngày hôm nay? Ông thấy làm sếp có sướng hơn không?
Siemens là một công ty mang tính xã hội rất cao, vấn đề tạo ra môi trường làm việc tốt là mối quan tâm hàng đầu. Đó là chính sách của hãng, nhưng cũng còn tùy theo người lãnh đạo như thế nào nữa. Riêng tôi quan niệm môi trường làm việc tốt để nhân viên thích đi làm. Cuộc sống của con người từ khi trưởng thành cho đến tuổi về hưu là gắn bó với công sở. Vì vậy, nếu phải làm công việc mình không yêu thích thì giống như ở tù cả đời.
Làm việc trong tập thể thì phải có luật chung. Cách làm việc của tôi không phải là ở trên xuống mà luôn mở rộng, có sự thảo luận, trao đổi với nhân viên, tức là đối thoại để tạo nên sự tín nhiệm lẫn nhau để có tiếng nói chung. Nguyên tắc của tôi là không để nhân viên sợ mình, vì càng sợ thì họ càng giấu sự việc, đến khi mình biết được thì có khi “bể” hết rồi.
Thật ra vai trò của người sếp quan trọng không phải ở chỗ thể hiện quyền lực, mà là người hỗ trợ và giúp nhân viên, phải theo sát để thấy nếu họ chưa biết đường đi thì mình mở lối, nếu họ làm sai thì mình phải phân tích để họ thấy và đừng lặp lại nữa. Đó cũng là cái gốc để tôi giữ sát được nhân viên của mình, có những người rất giỏi được nhiều công ty cạnh tranh gợi ý trả lương rất cao nhưng họ vẫn không đi. Đành rằng đi làm thì đồng lương là quan trọng, nhưng đến một mức nào đó người ta lại chọn môi trường làm việc và người sếp là quan trọng hơn.
____
Người ta nói doanh nhân thường cô đơn. Còn ông thì có nhiều bạn nên rất có thể chưa biết qua cảm giác này…
Tôi thấy điều đó là đúng, không những thế, ai ở địa vị càng cao thì càng cô đơn. Nhất là trong cuộc sống mà ai cũng bận rộn với công việc, gần như không đủ thời gian để làm việc, khi buông ra chẳng ai còn nghĩ đến việc gì khác. Tôi rất sợ mình phải như thế nên về Việt Nam cũng là một cách để “hạ cánh” an toàn, chứ nếu nghỉ hẳn mới về, không làm gì cả thì chẳng khác nào mình bị đào thải. Cũng may, tôi còn có những người bạn tâm giao, tuy ít thôi nhưng khi mình cần là có bạn. Người ta chơi với tôi, sẵn sàng hết lòng với tôi vì tôi là Nguyễn Ngọc Thạch chứ không phải là ông sếp gì đó của Siemens. Cuộc sống mà không có bạn thì buồn lắm. Qua nhiều năm, bạn bè thâm giao, sơ giao tôi đều có. Chính thời gian giúp mình sàng lọc để nhận ra ai là bạn, ai là bè.
____
Là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chắc ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với thành phố này?
Tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác rất lạ khi lần đầu tiên đặt chân trở lại Sài Gòn, về thăm xóm cũ và gặp lại bạn bè. Nhà tôi ngày trước ở đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ. Bạn bè chia tay thời trai trẻ, ai cũng có mơ ước cho cuộc đời nhưng rồi mỗi người một số phận, gặp lại nhau sau hơn 20 năm có biết bao là thay đổi. Có một số bạn đã mất trong chiến tranh, rồi lưu lạc, còn lại cũng có người thành đạt, cũng có người vất vả với chén cơm manh áo. Ngày trước vì chiến tranh, tôi chưa có dịp đi nhiều, chỉ biết Sài Gòn vì sống ở đó, có về quê cha ở Cần Giuộc, biết xa nhất chỉ đến Vũng Tàu, Nha Trang. Vì thế khi về, tôi đi một chuyến từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng xe lửa, thấy cảnh sắc quê hương mình sao mà đẹp quá.
Không chỉ tôi mà các con tôi cũng rất thích về Việt Nam. Con tôi đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định ở Đức, chúng dự định sau thời gian làm việc tích lũy kinh nghiệm cũng sẽ về Việt Nam làm việc. Tôi tôn trọng ý kiến của các con, riêng việc này thì tôi rất ủng hộ.
____
Đó cũng là cách thu hút chất xám bằng sự trở về của thế hệ Việt kiều thứ hai. Điều này chúng ta đã nhiều lần nghe nhắc đến trong chương trình của Chính phủ, nhưng hình như bà con kiều bào vẫn chưa cảm thấy tin tưởng lắm. Ông có biết tại sao như vậy không?
Theo kinh nghiệm, tôi thấy những Việt kiều về nước thành lập hiệp hội, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật phần lớn là những người đã hoặc sắp về hưu. Đồng ý là thế hệ nào hoạt động đóng góp cho đất nước đều đáng trân trọng, nhưng tôi nghĩ đóng góp mạnh nhất phải là thế hệ Việt kiều thứ hai, tức lớp con cháu của chúng tôi mới là chính. Vậy cách nào để thu hút 300 ngàn Việt kiều này? Đây là thế hệ sinh trưởng ở nước ngoài, ít có hiểu biết sâu sắc về quê hương mà gắn bó với quê hương chủ yếu là qua gia đình, cha mẹ, ông bà đã về sinh sống ở Việt Nam. Ở nước ngoài được cái vật chất đầy đủ, chế độ an sinh xã hội cao nhưng rất thiếu thốn về tinh thần nên nhiều người thế hệ tôi muốn trở về quê hương sống khi đến tuổi hưu. Nếu họ được tạo điều kiện tốt, trở về được dễ dàng thì tất nhiên con cháu họ sẽ tự động trở về thăm. Khi tận mắt thấy cuộc sống ở quê hương thì có thể tình cảm sâu xa của người trẻ sẽ trỗi dậy, sẽ muốn làm cái gì đó cho đất nước theo khả năng. Đó là sự kết hợp giữa tình cảm gia đình và sự đóng góp cho đất nước mà tôi nghĩ sẽ rất hiệu quả. Tôi nghĩ thế hệ Việt kiều thứ hai này sẽ là nguồn lực rất lớn mà khơi thông càng sớm thì càng có lợi cho đất nước. Còn bây giờ chưa làm được như vậy mà cứ hô hào, kêu gọi đóng góp, xây dựng thì không phải là giải pháp tốt.
Nói thật, Việt kiều về nước xin visa còn khó hơn khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam. Nếu như bỏ visa hoặc thủ tục nhanh chóng hơn thì chắc chắn lượng người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm ăn sẽ tăng lên rất nhiều. Trong thực tế, ai đã về nước cũng đều thích, đã về một lần rồi không thể không về nhiều lần nữa, còn người nào chưa về thì lại sợ. Nếu mình không tạo điều kiện cho Việt kiều sớm an cư lạc nghiệp ở quê nhà thì làm sao nói đến việc thu hút đầu tư lâu dài. Tôi nghĩ thế hệ thứ nhất không về ổn định cuộc sống thì chúng ta có nguy cơ mất luôn thế hệ thứ hai.
Việt kiều về nước xin visa còn khó hơn khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam. Nếu như bỏ visa hoặc thủ tục nhanh chóng hơn thì chắc chắn lượng người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm ăn sẽ tăng lên rất nhiều.
____
Còn về việc đầu tư, doanh nghiệp Việt kiều được thành lập ngày càng nhiều, điều đó có chứng tỏ là họ làm ăn thành công ở quê nhà?
Thị trường Việt Nam có những đặc thù riêng mà nếu không am hiểu thì dù có đầu tư tài chính mạnh cũng không thể thành công. Việt kiều bên cạnh lợi thế là tiếp thu được những kinh nghiệm, kiến thức của nước ngoài nhưng cũng không thể mang áp dụng hoàn toàn tại Việt Nam. Bây giờ muốn phát triển, muốn thay đổi những cơ chế cũ là điều không dễ, không thể hy vọng nói ngày một, ngày hai mà được. Việt kiều hướng về quê hương đầu tư, làm ăn là điều rất đáng khích lệ. Vì vậy, để hấp dẫn đầu tư mạnh phải có một vài khu công nghiệp với một cơ chế đặc biệt riêng, không ảnh hưởng tới cơ chế bình thường bên ngoài. Hiện nay có quá nhiều cơ chế đôi khi chồng chéo nhau, không ai giải quyết được, chỉ mỗi việc chờ đợi thôi, mất thời gian có khác nào mất tiền. Điều đáng sợ là những vướng mắc nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn vì người ta cứ truyền miệng với nhau. Kinh nghiệm của tôi là muốn thành công, thay vì so sánh Việt Nam với nước ngoài thì nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như thế và một khi tìm ra được mấu chốt sẽ có hướng giải quyết vấn đề.
____
Một điểm yếu của người Việt Nam ở nước ngoài được nhắc đến là tính cộng đồng còn thấp. Trong phương hướng hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, tại sao mình không phát triển mạnh hơn tính cộng đồng bằng cách thành lập chi nhánh của hiệp hội ở các nước?
Điều này chúng tôi cũng đã có nghĩ đến, nhưng vì hiệp hội hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận nên cũng phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên là tổ chức nhân sự. Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ đặt văn phòng đại diện tại một số nơi có đông người Việt như Mỹ và châu Âu… Chúng tôi cũng đang vận động nhiều người hưởng ứng, hỗ trợ hoạt động này.
Phải nhìn nhận điểm yếu của người Việt Nam là không biết kết hợp, hầu như mỗi người cứ tự “bơi” riêng. Bản thân tôi cái tính Việt Nam này vẫn còn nhưng vì biết là không tốt nên cố gắng dẹp bỏ. Người ta nói một người Việt Nam thì không thua ai nhưng ba người Việt Nam thì lại không bằng ai là vì không biết kết hợp như thế. Đây là điểm yếu không chỉ làm hạn chế sức sáng tạo cá nhân mà còn kéo cả dân tộc chậm lại. Biết kết hợp, biết phát huy tính cộng đồng sẽ đủ sức làm nhiều việc lớn lao hơn nhiều.
____
Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại không? Và khi từ giã Siemens, ông sẽ làm gì?
Đến tuổi này thì làm việc gì cũng phải nhìn vào gia đình, vì tương lai của mình là con cái. Được thấy con cái thành nhân, thành tài là niềm vui của tuổi già. Đây là hạnh phúc cao nhất của mọi người làm cha mẹ chứ không riêng gì tôi. Tuy hiện tại tôi còn làm việc nhưng cũng phải chuẩn bị để khi mình không làm nữa thì mọi việc vẫn trôi chảy. Tôi rất tin tưởng vào lớp trẻ. Đó là cách để họ phấn đấu, vươn lên trong nghề nghiệp. Vợ tôi cũng đã về Việt Nam cùng với tôi, bà ấy là bác sĩ. Chúng tôi dự định sẽ mở một cơ sở y tế từ thiện. Cuộc sống đối với tôi rất công bằng, và tôi hài lòng về điều đó.