Qua người bạn thân là một nhà nhiếp ảnh, tôi được ngắm nhìn các “tác phẩm” của Ngọc Mai gần như mỗi ngày, và ngạc nhiên về sức sáng tạo của chị. Cái tên Khải Gia không chỉ gợi nhớ đến người phụ nữ trẻ đầu tiên đã đưa kỹ thuật lưu giữ hình ảnh bằng chất liệu laminate trở thành một xu hướng thịnh hành với hơn 300 đại lý phủ sóng suốt từ Móng Cái đến Cà Mau.
Mà hơn thế, với niềm đam mê và sự nhạy cảm đầy nữ tính, những chất liệu hoang dã mộc mạc của đất trời đã được chị đưa vào mỗi cuốn album, và biến chúng trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Lúa, rơm rạ, những cánh bướm rực rỡ, hoa dại, cỏ, xơ dừa, rau má, cát… như thể còn giữ nguyên vẻ đẹp khi được “đặt để” trong một không gian khác, làm tôn lên giá trị của mỗi bức hình. Nghệ thuật thiết kế thủ công và công nghệ hiện đại đã làm nên sự khác biệt của Khải Gia, chinh phục cả thị trường trong và ngoài nước và đó cũng là con đường kinh doanh mà chị đã chọn, dù không ít lần nếm mùi thất bại.
Ngọc Mai hẹn tôi ở quán cà phê Ký ức, nơi chị và chồng vẫn thường ngồi trò chuyện như một cặp tình nhân. Chiếc cầu thang gỗ xoắn ốc dẫn lên một không gian mướt xanh của trúc, tiếng nước chảy róc rách như suối reo. Trời mưa tầm tã níu chúng tôi miên man từ chiều đến khi vào đêm… Nguyễn Ngọc Mai không đẹp rực rỡ, nhưng lại toát lên vẻ dịu dàng, đài các. Một phụ nữ biết làm đẹp trong kinh doanh và trong cuộc sống thường nhật, biết nâng niu, gìn giữ những điều nhỏ nhặt để làm nên hạnh phúc. Khi tôi ngỏ lời được “trò chuyện” trên chuyên mục này, chị ngạc nhiên: “Mình nhỏ bé lắm, có gì đâu mà viết?”… Và câu chuyện của chúng tôi cứ xoay quanh những điều nho nhỏ như thế về Ngọc Mai…
____
Tốt nghiệp trường Kiến trúc loại giỏi với đề án thiết kế “Làng trẻ em mồ côi”, vậy mà Ngọc Mai đã nếm mùi “thất nghiệp” suốt hai năm ròng? Làm thế nào một cô gái tiểu thư như chị dám đứng ra thành lập công ty xây dựng của riêng mình?
Cuộc đời tôi mọi thứ đến đều rất tình cờ, chẳng có gì tính trước. Bây giờ nhìn lại, tôi lại cảm ơn hai năm thất nghiệp đó, vì nhờ nó mà tôi hiểu được thế nào là bị xua đuổi, bị khinh miệt. Chính thời gian phụ mẹ buôn bán và học thêm ngoại ngữ đã giúp tôi thu thập những kiến thức xã hội, “khôn” ra một chút (cười), tính tiền không bị lộn! Tình cờ một khách hàng đọc được bài viết về tôi trên báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu tôi vào làm ở SUNIMEX. Vừa làm quản lý, vừa làm hướng dẫn viên du lịch, công việc kiếm tiền cũng khá nhưng tôi vẫn áy náy lắm vì không được làm đúng nghề. Tôi bắt đầu học “làm chủ” nhờ ông giám đốc người Malaysia đã ở nhiều năm tại Úc, một người thầy luôn dạy tôi phải biết bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt nhất, và hỗ trợ tôi rất nhiều.
Tuổi trẻ ai mà không mơ mộng. Mở công ty xây dựng bắt đầu từ số không, lại là nữ và còn quá trẻ, nên chẳng ai tin tôi cả. Tôi toàn phải nhận công trình qua một trung gian khác, tức lắm. Ngày ngày dãi nắng dầm mưa ngoài công trình, vất vả đã đành, nhưng điều làm tôi đau xót hơn là thị trường thiết kế xây dựng lúc ấy không cạnh tranh bằng tài năng, mà bằng các “mối quan hệ”, liên kết “mafia” không trong sạch. Tôi buồn, thất vọng, tủi thân, và hiểu mình đã chọn một việc làm quá khả năng. Nhưng tôi không hề ân hận. Lập tức giải thể công ty sau ba năm hoạt động, tôi nhảy sang một lĩnh vực kinh doanh mới.
“Cảm xúc theo đơn đặt hàng”, đó là châm ngôn tôi đặt ra cho mỗi người trong công ty.
____
Và lại thất bại?
(Cười) Bước mạo hiểm thứ hai của tôi là chuyển sang lĩnh vực sản xuất máy đồng hồ treo tường. Lúc này tôi mới lấy chồng, anh ấy vốn là một kỹ sư cơ khí am hiểu về lĩnh vực này. Chúng tôi đã bỏ vốn đầu tư lớn, nhập khẩu toàn bộ máy móc, khuôn mẫu để sản xuất ruột máy đồng hồ cung cấp cho các hãng đồng hồ cả nước. Anh phụ trách phần kỹ thuật, còn tôi lo phần thiết kế mỹ thuật, giao tế. Công việc rất thuận lợi, chúng tôi đã trở thành một trong ba hãng lớn chuyên cung cấp máy đồng hồ cho thị trường trong nước và thị trường Đông Âu. Nhưng rồi đồng hồ Trung Quốc nhập lậu tràn sang phá giá thê thảm, chỉ một tháng thôi toàn bộ máy móc đầu tư lúc ấy đáng giá cả ngàn cây vàng bỗng trở thành… đống sắt vụn! Hàng loạt khuôn mẫu cả chục ngàn USD bán đổ bán tháo cũng chỉ được… ba triệu đồng. Ông xã an ủi: “Không sao, mình còn trẻ mà em, làm lại mấy hồi, vả lại ba má luôn động viên an ủi hai đứa mình, có gì đâu phải buồn”.
____
Chị đã “mua” được bài học nào từ sự thất bại này?
Tôi đã tập được thói quen phải lo xa, nhìn xa. Luôn luôn kinh doanh hai lĩnh vực, chuẩn bị thị trường, chuẩn bị vốn liếng để khi có sự cố là lập tức có thể chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Nhưng tôi cũng hơi dị đoan, tôi tin kinh doanh có số, trời cho mình đến đâu mình hưởng đến đó, mất là không tiếc, vì tiếc là lại mất thêm nữa. Mọi chuyện đến và đi với tôi vì thế đều nhẹ nhàng…
____
Chị có tin rằng mình sẽ trụ lại với thương hiệu Khải Gia lâu bền, trong một thị trường cạnh tranh quyết liệt và không thực sự lành mạnh như thế này? Nhất là khi ảnh kỹ thuật số đang áp đảo cả những đại gia lừng lẫy như Kodak, Konica…?
Tôi tin, vì đây là công việc tôi yêu thích nhất và gắn bó như máu thịt của mình. Tôi học thêu, học vẽ từ khi mới lên 5 tuổi, biết thêu trước khi biết chữ. Bản tính tôi lại thích những công việc tỉ mỉ, thơ thẩn, êm ái như thế, vì nó rất hợp với tạng của tôi. Tôi có thể lang thang trong rừng cả mấy ngày trời để tìm kiếm những mẫu cây mới cho việc trình bày của mình. Đi du lịch theo kiểu Tây ba lô khắp thế giới đối với tôi là để khám phá những chất liệu mới… Chuyện làm laminate cũng bắt đầu từ một chuyến đi nước ngoài tình cờ như thế. Cuốn album của hai vợ chồng tôi mang từ nước ngoài về có tráng laminate khiến ai cũng trầm trồ vì lạ. Ban đầu chỉ định làm chơi cho bạn bè thôi, nào ngờ ai cũng thích. Thế là chúng tôi bàn nhau lập tức nhập máy về. Việc “liều” nhất trong tiếp thị của tôi là tham gia hội chợ, hết Hoàng Văn Thụ, Nhà văn hóa Quận 5, đến Tao Đàn… Huy động một dàn sinh viên do mình làm đầu trò, tôi lôi hết ảnh của bạn bè ra, rồi rao lên như kiểu “sơn đông mãi võ” vậy đó. Để quảng cáo cho công dụng của laminate, tôi cho hết ảnh vào nước rồi vớt lên để bà con coi tận mắt, sờ tận tay. Ban đầu cũng run và hồi hộp lắm, nhưng cứ miệt mài, vất vả, tự mình như thế, dần dần tôi đã chinh phục được các nhiếp ảnh gia, và qua họ tìm đường đến với khách hàng. Lấy tên con trai để đặt thành thương hiệu, làm sao mình có thể làm dỏm được. Đưa hội họa, thiết kế, những chất liệu đồng quê vào việc lưu giữ hình ảnh bằng cách làm thủ công là một lĩnh vực mới mẻ và đầy sáng tạo. Tôi bắt đầu gầy dựng dần, hướng dẫn từ một thợ, hai thợ… để họ hiểu được phong cách, chất lượng của Khải Gia, đó là việc cực khổ nhất. Nhưng càng làm, tôi lại càng thích, có hôm thấy hoa văn trên áo của chồng đẹp quá, thế là cắt phăng ra ép laminate luôn (cười). Tôi biết mình không giỏi, nhưng siêng năng, chịu khó, đằm tính, nhẹ nhàng, nên tôi có thể làm hài lòng người khác, thế thôi.
Có nhân viên mình đào tạo thành nghề lại bỏ mình ra mở cửa hàng riêng, nhưng tôi không buồn, vì câu đầu tiên họ giới thiệu với khách hàng là: “Tôi là thợ của Khải Gia”. Nhưng tôi buồn vì sự cạnh tranh “dưới sức”. Bây giờ quá nhiều người không đăng ký kinh doanh để trốn thuế, rồi hạ giá thành đến mức phá giá để lôi kéo khách hàng khiến chất lượng tồi tệ thê thảm. Nhưng tôi tin dù kỹ thuật số phát triển tới đâu, thì những khách hàng khó tính vẫn tìm đến Khải Gia, bởi họ biết quý những giá trị nghệ thuật thật sự. Tôi nhớ một công ty Mỹ đã đặt hàng tôi trình bày cuốn album cho khách hàng rất đặc biệt của họ, và tôi đã đưa vào hoàn toàn những chất liệu đồng quê Việt Nam. Sau đó tôi mới biết vị khách hàng đó là một triệu phú Mỹ, ông gửi lời cảm ơn đến tôi và nói rằng rất thích “hương vị đồng quê đó”. Hiện tôi đã mở rộng được thương hiệu Khải Gia sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… Hy vọng thời gian tới Khải Gia sẽ có thêm nhiều khách hàng qua mạng Internet. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị nhập máy móc để đưa một công nghệ mới vào Việt Nam.
Tôi học kiến trúc cũng là vì… cứng đầu, muốn chứng minh cho ba tôi thấy con gái vẫn có thể làm những việc của đàn ông.
____
Trong quá trình kinh doanh của mình, điều gì chị cảm thấy khó khăn nhất?
Đó chính là vấn đề quản lý. Ngành của tôi rất đặc thù, nhân viên hầu hết đều là họa sĩ, mỗi người là một phong cách nghệ thuật, một cá tính riêng, làm thế nào để vừa phát huy sức sáng tạo của mỗi người, vừa chiều lòng khách là vô cùng khó. “Cảm xúc theo đơn đặt hàng”, đó là châm ngôn tôi đặt ra cho mỗi người trong công ty. Nói thì dễ, nhưng thực hiện thì khó vô cùng, mình phải hết sức nhẹ nhàng, tinh tế, để họ hiểu và phục mình, chứ không phải để họ sợ và đối phó với mình. Tôi muốn công ty như một gia đình lớn, muốn thế mình phải quan tâm đến từng người, tin tưởng ở họ, đào tạo từ từ, không sốt ruột, nóng vội. Nhân viên có người gắn bó nhiều năm, nhưng cũng có người bỏ đi làm công ty riêng, ban đầu tôi cũng bối rối lắm, nhưng tôi hiểu như thế tốt hơn cho họ, nên không buồn nữa. Tôi lại tiếp tục đào tạo, gầy dựng đội ngũ mới, để bất cứ lúc nào mình vắng mặt công việc vẫn trôi chảy. Ngoài động viên, theo sát từng người, giúp họ làm thật tốt công việc, còn phải khiến họ tin tưởng và yên tâm ở mình, mới giữ người được lâu dài.
____
Hẳn chị phải có một động lực vững vàng từ những người thân để tự tin như thế? Chị cảm nhận như thế nào về hạnh phúc?
Công việc của mình là làm cho mọi người vui, làm ra những sản phẩm đẹp, tiếp xúc với cái đẹp, thì làm sao buồn được? Nhưng điều quan trọng nhất giúp tôi luôn lạc quan chính là nhờ gia đình. Ba mẹ tôi ly dị nhau từ khi tôi còn nhỏ, ngay từ bé tôi đã rất bướng bỉnh, không thích làm theo sự chỉ dẫn của người khác, mà chỉ quyết làm theo ý mình. Tôi học kiến trúc cũng là vì… cứng đầu, muốn chứng minh cho ba tôi thấy con gái vẫn có thể làm những việc của đàn ông. Tôi ảnh hưởng rất lớn từ mẹ tôi, một người phụ nữ đảm đang, mạnh mẽ, có khiếu kinh doanh. Nhưng từ khi lấy chồng, sinh con, rồi tham gia kinh doanh, tôi dần hiểu kinh doanh là để giúp mình làm vợ, làm mẹ được tốt hơn. Chính vì thế dù mạnh mẽ đến đâu thì tôi cũng luôn thấy mình thật nhỏ bé, thơ ngây bên mẹ. Trong tình yêu, tôi thích được chiều chuộng, được “nhõng nhẽo”, được yêu thương… Tôi thích mặc đồ đẹp, thích điệu, buổi sáng thức dậy là phải trang điểm đàng hoàng, ăn mặc đẹp rồi mới gặp gỡ mọi người. Tôi chẳng mong thành bà này, bà kia, giây phút hạnh phúc nhất là khi tôi ngồi làm việc trên máy tính, còn anh ấy và hai con thì quây quần bên tôi, bố giảng bài cho con, con dạy tiếng Việt cho bố. Tôi cố gắng đơn giản hóa mọi vấn đề, khó khăn thất bại thì tìm cách khắc phục chứ không bao giờ bi quan. Có lẽ vì thế mà lúc nào tôi cũng cười.
____
Lấy chồng người Đài Loan, có bao giờ chị rơi vào tình trạng “mặc cảm” khi xã hội có quá nhiều tai tiếng về chuyện con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan?
Có đấy. Một lần qua Đài Loan, người lái xe tưởng tôi không biết tiếng Hoa đã hỏi anh ấy: “Anh cưới cô này mất bao nhiều tiền?”. Tôi nghe mà chết điếng cả người. Mọi người thường nghĩ con gái Việt lấy chồng nước ngoài một là vì tiền, hai là được xuất ngoại. Nhưng điều đầu tiên khi cưới anh ấy, tôi đã ra điều kiện: “Em chỉ có một mình mẹ, nên không thể rời Việt Nam, nếu anh yêu em, hãy ở lại Việt Nam”. Rất may là tôi đã có một gia đình chồng tuyệt vời. Bố mẹ chồng đều yêu quý và tôn trọng tôi, mẹ anh đã nói với tôi: “Các con ở đâu cũng được, miễn là hạnh phúc”. Tình yêu của chúng tôi thì… lãng mạn lắm. Suốt ba năm đầu quen nhau đêm nào anh cũng hát cho tôi nghe qua điện thoại, ngày nào cũng gửi hoa đến tặng tôi. Cưới nhau được 13 năm rồi, nhưng mức độ lãng mạn thì ngày càng tăng lên… Thứ Bảy là ngày chúng tôi đi chơi với các con, còn Chủ nhật là ngày của hai vợ chồng. Chúng tôi thường đi du lịch xa với nhau. Anh ấy là người nhân hậu, tình cảm, bản lĩnh. Trước đây tôi vẫn thầm hay trách tại sao ba mẹ lại ly dị để cho con cái phải buồn đau như thế. Giờ thì tôi hiểu, điều quan trọng nhất để tạo nên hạnh phúc chính là sự hòa hợp. Bây giờ thì ông xui bà xui thân nhau lắm. Người Đài Loan có phong tục ngày thứ ba trong tuần con dâu phải làm cơm đãi khách, mà tôi thì nấu ăn rất vụng về. Thế là mẹ chồng tôi phải nấu hết, tôi chỉ việc “làm màu” bưng ra. Trong nhà tôi bây giờ nói với nhau bằng… bốn thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa phổ thông, tiếng Phúc Kiến (Đài Loan), mỗi lần bực bội nhau điều gì cũng chẳng giận lâu được vì anh ấy cứ nói ra là thấy… buồn cười.
Trước đây tôi vẫn thầm trách tại sao ba mẹ lại ly dị để cho con cái phải buồn đau. Giờ thì tôi hiểu, điều quan trọng nhất để tạo nên hạnh phúc chính là sự hòa hợp.
____
Là phụ nữ, lại là một kiến trúc sư, những nguyên tắc riêng trong kinh doanh của chị có gì khác biệt so với các ngành kinh doanh khác?
Nghề của tôi là “làm dâu trăm họ”, khách hàng mới chính là người tạo nên giá trị kinh doanh, giá trị đạo lý, làm hài lòng càng nhiều khách hàng tức là mình càng trưởng thành. Tôi chẳng nề hà bất cứ việc gì, đêm nào cũng gần như thức trắng, vì ban đêm là lúc tôi sáng tạo nhiều nhất. Chừng nào còn làm, còn nghĩ, còn linh hoạt, là còn thiết kế được. Cái nghề của tôi nó nghiệt ngã lắm, phải luôn sáng tạo, luôn đổi mới, muốn nghĩ được thì phải đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều. Internet là một trường học vô tận đối với tôi. Tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, khách hàng phải thật ưng ý mới là đích đến làm tôi thoải mái nhất. Cũng không ít lần khách hàng phàn nàn, không hài lòng. Chịu lắng nghe, biết xin lỗi và làm lại từ đầu cũng là điều tôi phải học. Tôi luôn luôn “cảnh giác” với chính mình, luôn chuẩn bị đối mặt với thất bại. “Vũ khí” của tôi là sự đam mê, là niềm vui, là cạnh tranh chất lượng chứ không phải là cạnh tranh giá cả. Khi vui thì “ra” nhiều ý lắm. Kinh doanh thì ai có thể biết trước được là thành công hay thất bại, quan niệm của tôi là luôn có “quỹ dự phòng”. Làm gì cũng phải biết sẽ đi tới đâu, đừng vung tay quá trán, biết đi lên từ những cái nhỏ mới bền chắc. Nghề nào mà không phát huy hết khả năng của mình thì sẽ dễ thất bại.
____
Nhiều người cho rằng phụ nữ giỏi kinh doanh thường không may mắn trong hạnh phúc gia đình, dường như chị muốn chứng minh ngược lại?
Đối với tôi, gia đình là nền tảng đi lên. Tôi không muốn đi theo vết chân của ba mẹ. Tôi muốn dành đủ thời gian để làm vợ, làm mẹ, để hai vợ chồng chăm sóc lẫn nhau. Có thời gian tôi làm việc căng thẳng tới mức bị rối loạn tiền đình, tôi sợ quá, nếu kéo dài thì làm sao mình có sức khỏe mà chiều chồng chiều con? Phải tìm được sự hài hòa từ cuộc sống đến công việc thì mới duy trì được hạnh phúc. Chính vì vậy mà vợ chồng tôi đã quyết tâm theo đuổi nghề này, bởi nó giúp chúng tôi vừa kinh doanh vừa được gần nhau, tận dụng hết thế mạnh của nhau, và được làm ngay tại gia đình. Nhà tôi bây giờ là cả một phòng thí nghiệm. Tôi muốn truyền vào các con lòng yêu thiên nhiên, trở về với thiên nhiên, biết nâng niu từng lá cây, ngọn cỏ.
____
Vậy chị còn mong ước điều gì nữa?
… Được mọi người thương.