Đã từ lâu lắm, từ khi dân Việt bị Tàu đô hộ 1.000 năm, ta cho rằng chữ Tết do chữ Tiết (節) gợi ý hình ảnh vật gì chia ra từng đoạn, từng thời kỳ. Và các năm tuổi (thập can, thập nhị chi) cũng do lịch Tàu mà ra.
“Thanh minh trong tiết tháng ba”
(Truyện Kiều)
Ảnh hưởng Tàu chỉ trong vòng 1.000 năm đó thôi. Thật ra, lễ Tết đã có ít nhất 6.000 năm trước, từ khi dân Đông Nam Á biết trồng lúa nước, biết lợi dụng mùa mưa đến đều đều mỗi năm theo gió mùa (mousons) để cày cấy gieo hạt. Cả một vùng Nam Á rộng lớn trải dài từ Ấn Độ qua Lưỡng Quảng của dân Bách Việt xưa đến vùng Đông Nam Á lục địa trở thành một vùng canh nông trồng lúa: Một vùng độc nhất của gió mùa và mùa mưa, của con trâu nước và lúa gạo mà tài liệu khoa học của Đại học Hawai đã phát hiện ở Thái Lan. Đó là hạt lúa Oriza sativa của 6.000 năm trước.
Chữ Tết là do biến âm của chữ Teej, tên một ngày lễ lớn ở Ấn Độ hiện nay vẫn còn cử hành. Lễ này không phải để ăn mừng đầu năm mới, mà để ăn mừng mùa mưa đến, cái mùa quan trọng nhất cho nhà nông Ấn Độ và tất cả các dân tộc Đông Nam Á trồng lúa (trong đó có Việt Nam). Gió mùa và mùa mưa tùy thuộc vào đất trời. Trời không mưa gây hạn hán hay mưa nhiều quá tàn phá hàng trăm ngàn ruộng đồng, cuốn trôi hàng ngàn con người và gia súc. Sự sống còn của nhà nông Đông Nam Á và Ấn Độ tùy thuộc vào ân huệ của mùa mưa cho nên cơn mưa đầu mùa là một hứa hẹn cho đời sống mới được mọi nông dân chờ đợi khắc khoải và hân hoan đón mừng bằng một ngày lễ lớn. Đó là Tết với ý nghĩa ăn mừng mùa mưa đến.
Mưa và lúa là hai tiếng thiêng liêng luôn hiện diện trong mọi lĩnh vực sinh hoạt xã hội nông nghiệp như phong tục tập quán, ca dao tục ngữ, tôn giáo và huyền thoại.
Lễ lớn này được cử hành trong mấy ngày đầu của cơn mưa đầu mùa vào khoảng tháng tư (dương lịch) đúng vào mùa xuân. Đây là mùa nghỉ ngơi, vui chơi, ca hát. Ban ngày, người ta hát trống quân, nhảy múa, đánh đu, hát đối đáp nam nữ. Ban đêm, tổ chức các lễ kín gọi là hèm, trong đó trai gái tự do ân ái… tất cả là để đánh thức đất trời vạn vật tham gia vào sự sinh sôi nảy nở (fécondité, Fruchtbarkeit) của con người và vạn vật.
Sự sinh sôi nảy nở được các dân tộc Ấn Độ và các dân tộc chịu ảnh hưởng Ấn Độ như Khmer, Chăm… tôn làm thần và lấy cái Yoni (cơ quan sinh dục nữ) làm biểu tượng, được thể hiện trong điêu khắc, kiến trúc Ấn Độ, Khmer, Chăm, đặc biệt trong các đền thờ hay tháp Chăm.
- Xem thêm: Ngọn gió cuối năm
Các dân tộc Thái, Khmer, Chăm, Lào chịu ảnh hưởng Ấn Độ nên cũng ăn Tết vào ngày 13 đến 15 tháng Tư (theo lịch xưa Ấn Độ) và cũng trúng vào đầu mùa mưa bên Ấn Độ, chứ không phải vào đầu tháng giêng (âm lịch) như Việt Nam ta theo lịch Tàu.
Chữ Tết không phải là chữ của người Tàu. Họ gọi Tết là hoành tán hoặc huyên hán (nguyên đán). Năm mới họ gọi là xing-nến (tân niên), không hề biết đến chữ Tết hay Tiết để chỉ ngày đó vì chữ Tết không phải là chữ của họ.
Tiếng Việt Nam thuộc ngữ hệ Nam Á (Austro-asiatique) như tiếng Phạn (Sanscrit) của Ấn Độ, Lào, Thái, Campuchia.
Cổ tự Kharosthi của Ấn Độ (thế kỷ V TCN) là chữ phóng theo tiếng Semitic của các dân tộc cổ ở Syrie, Ba Tư, Mésoptamie (Lưỡng Hà, cái nôi của văn minh Trung Đông và châu Âu). Tiếng Phạn của dân Ấn-Aryen trong các kinh Veda là ngôn ngữ gần gũi với thổ ngữ Ba Tư dùng trong thánh kinh Avesta của Ba Tư.
Vào thế kỷ IX TCN, giới thương nhân Ấn-Dravidien đã mang từ Tây Á (Trung Đông) một thứ chữ viết thuộc ngữ hệ Semitic tựa như chữ viết Phenician mà hồi ấy người Ấn gọi là “chữ của Brahma”. Từ thứ chữ trên, sau này người Ấn tạo ra mẫu tự Ấn.
Như thế, tiếng Việt vốn thuộc ngữ hệ Nam Á, qua tiếng Ấn-Dravidien có bà con gần gũi với chữ Semitic và Phenician của Trung Đông vốn là cái gốc của tiếng Indo-Germain (ngôn ngữ Ấn-Âu) phổ biến toàn châu Âu (Đức, Anh, Hà Lan…). Ngày nay, 42% dân số thế giới nói ít nhất một ngôn ngữ Ấn-Âu như tiếng Mẹ đẻ.
Qua đây, chúng ta hiểu được tại sao nhà ngôn ngữ học người Pháp, đại tướng Frey sau nhiều năm đi khảo sát các ngôn ngữ trên thế giới, đã soạn ra tác phẩm được thế giới quan tâm, đó là cuốn L’Annamite, mère des langues (Tiếng An Nam, mẹ các thứ tiếng) đã khẳng định rằng: Tiếng Việt là một trong những tiếng cổ xưa nhất của loài người có thể nói là “tiếng nói thôi nôi của nhân loại”.
Chúng ta phải tự hào với tiếng nước ta và hát to lên với nhạc sĩ Phạm Duy:
“Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời, người ơi…”.
- Xem thêm: Cái ăn ngày Tết ở Sài Gòn