Buổi tối cuối năm, khi cả nhà ngồi cùng với nhau quanh bộ ghế salon, có ngọn gió lạnh và khô thổi vào vương vấn trên bộ lư đồng vừa đánh, bình hoa cúc vàng. Phòng khách hẹp, đèn sáng nên càng ấm cúng. Chị Tư pha ly trà bông cúc, nhấm nháp từng ngụm nhỏ, nhìn ra cây mai già trước nhà: “Nhớ lặt lá mai thay ba!”. Cả nhà im lặng như lắng nghe thời gian đang trôi lặng lẽ. Rồi lại tết!
Đêm tháng Chạp luôn gợi cảm xúc đối với người Sài Gòn sống lưu niên trên mảnh đất sôi động này. Bây giờ không còn những phút dịu dàng như khi xưa, chỉ cần chạy xe ra chút xíu là tới ngoại thành, hít không khí xuân, ngắm dưa hấu bày thành đống cao hay tìm về một cái bến thuyền nào đó xem cây trái từ lục tỉnh lên.
Bao bọc Sài Gòn cho tới chân trời xa là nhà cửa bê tông, đường trên đường dưới, vô hồn và cứng ngắc. Nên khi có chút thì giờ sum họp bên nhau, cảm xúc chung là hoài niệm, là nhớ nhung tuổi thơ tuy không vất vả nhưng cũng là của con nhà lao động. Vì vậy nên từng có nhiều thèm thuồng, mong ước. Khát vọng một thuở của từng người được rù rì kể lại.
Ông anh Năm nhớ hồi mười tám tuổi đã nghĩ đến lúc học xong, ra trường, may một bộ vest thật đẹp để đi “ăn nói” với đời. Mơ về tương lai với những bức tranh đầy cảm xúc mình có thể sáng tác được. Sẽ có một bức tranh lấy tên là “Đông phong”, diễn tả ngọn gió chướng từ phía đông, từ biển thổi vào mang hơi lạnh những ngày giáp tết trên đất miền Nam nóng bức này, cũng là ngọn gió khiến mai nở, khiến đất trời dậy lên một nỗi niềm đã cũ nhưng vẫn luôn lay động lòng người, khiến thấy yêu Sài Gòn hơn sau cả năm chán ngán vì hầu như không còn đường để đi đâu.
Ông anh Hai nhắc đến một ngọn gió khác luôn nhắc nhớ tết Sài Gòn. Hồi anh chưa tới tuổi ba mươi còn đi dạy trên biên giới Việt – Campuchia trước 1975, dịp tết vẫn được phụ huynh học sinh ở Tây Ninh mang biếu những xâu lạp xưởng để ăn tết. Lạp xưởng họ mua từ chợ trời Gò Dầu Hạ, đưa từ Nam Vang xuống. Lạ một điều là lạp xưởng trên đó cũng do người Hoa làm, công thức, thịt thà giống nhau nhưng người Hoa Chợ Lớn khó qua mặt được miếng lạp xưởng thơm ngon từ đất Campuchia. Tìm hiểu mãi anh mới biết ở Nam Vang có ngọn gió thổi từ hướng Bắc gọi là “Pak phóng” (bắc phong?) thổi vào mùa giáp Tết có tác dụng làm cho lạp xưởng được phơi ngoài trời chuyển hương vị ngon hơn, như nhiều người cả quyết như vậy.
- Xem thêm: Ao làng
Má ngồi im lặng không nói cho tới khi nghe nhắc đến món lạp xưởng từ chợ trời biên giới. Tết đối với người vợ là gì ngoài thú vui chăm sóc cho chồng con miếng ăn ngon, bộ quần áo mới và chưng dọn cửa nhà. Má nhớ trước 1970, đang giai đoạn chiến tranh, đất nước chia cắt mà người Sài Gòn vẫn mua đuợc nhiều hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc từ các chợ trời biên giới Thường Phước, Gò Dầu, Sở Thượng, Tịnh Biên. Các thứ hàng này nhập vào Campuchia và được đưa đến đó bán cho thương buôn đánh hàng về Sài Gòn. Đó là cái bình thủy đựng nước, thau tráng men, rượu Mai quế lộ, Ngũ gia bì, cao hổ cốt. Sản vật ngon từ chợ trời không thiếu, đó là bún tàu Nam Vang cũng của người Hoa, nhờ có đậu xanh ngon làm nguyên liệu nên dai và trong hơn bún tàu Chợ Lớn.
Má thích mua bộ chén sứ hạt dưa vẽ bông trên thành có cẩn những hạt men trong thuôn dài, soi lên ánh sáng thấy trong veo. Chén cơm đẹp như vậy, ngày tết bày ra ăn với gạo nàng hương Chợ Đào, thịt kho nước dừa với miếng thịt heo kho nâu hồng thơm phức, chan nước mắm Hòn và có miếng dưa giá trắng ngần, mới thấy hết cái ngon lành của hương vị tết. Mua cho ba cái áo Montaigre của Pháp bán ở chợ trời né thuế nên rẻ. Áo này ba có thể mặc vài năm, chỉ mỏng dần đi chứ rất lâu rách, mát mẻ vì dệt bằng tơ tằm. Mua mớ đồ Pháp cho nhà bếp, nước suối Vichy, xì dầu Maggi, bánh Lu, bơ Bretel… Những thứ vốn xa xỉ nhưng ngày tết cho con cái thưởng thức cũng vui. Tết nào mua được dưa hấu Hà Tiên chở lên thì đám con vui mừng lắm vì nó ngon ngọt lại lớn trái, nguyên do là được bón bằng phân dơi từ các hang động ngoài biển…
- Xem thêm: Bông ô môi
Bà chị thứ Tư thôi không uống trà, mắt ngó mông ra con hẻm nhỏ vắng lặng trong một đêm đột nhiên trở lạnh. Lâu quá mới có dịp cả nhà ngồi lại với nhau trong lúc này, để nhớ những chuyện mới đây đã trở thành kỷ niệm. Lúc ba má mới về cái xóm này năm mươi năm trước chỉ có cái xe bò chứa ít đồ. Nhà mình nghèo nhất xóm, vách bằng gỗ, mái lợp tôn. Hồi mới về, ba có chiếc xe Sachs, kiểu xe chạy xăng pha nhớt của Đức nên mới còn có gì đó hãnh diện với làng xóm.
Nhớ những đêm tết Mậu Thân cả nhà chui xuống gầm bộ ván gõ phía trên chất đầy bao cát để tránh đạn pháo đi lạc. Cả xóm con nít chạy rông, người lớn đánh bài tứ sắc quanh năm, đến tết chơi thêm bầu cua cá cọp. Bầy thanh niên đi lính về mang theo hỏa châu để phóng thay pháo đêm giao thừa. Con nít trong nhà ráng cày cục học, lên lớp mỗi năm để bây giờ tuổi ai cũng trọng. Nhìn lại từ tóc đứa em út nhất cũng đã có vài sợi bạc, mới thấy thật đáng quý khi anh em vẫn còn gần gũi nhau, khi ba đã gần tuổi trời, mẹ đi đứng lụm cụm.
Con cái không ai giàu có nhưng có thể ngửa mặt với đời, học hành đàng hoàng, tạo dựng nhà cửa khang trang cho ba mẹ sống mon men tới tuổi trăm. Cơn gió Tết miên man thổi cuối năm quyện nhẹ khói nhang nhà ai, có chút gì man mác buồn như nuối tiếc thời gian đã qua. Mấy năm nay chị sống xa nhà, thỉnh thoảng về thăm và bây giờ mới có dịp ở lâu để chăm sóc ba đang nằm một chỗ, gặp và tâm sự với đứa em gái út cũng ở rất xa bôn ba tụ về gia đình. Để rồi cùng ngồi với nhau trong đêm cuối năm, vẩn vơ nhớ về tuổi nhỏ và thì thầm với chính mình: “Mai kia con có về quê nội. Xõa tóc thơ ngây đuổi nắng trên đồi.
Nhớ hỏi mùa xuân năm xưa tháng mấy. Có một ngày cuống rún đã lìa nôi”(*).
(*) Thơ Nguyễn Nam Trân
- Xem thêm: Bếp lửa chiều đông