Chúng ta phải tập đi. Những ai đi nước ngoài – ở những nước tiên tiến, nhìn vỉa hè rộng lớn, dòng người đi bộ trong yên lặng nhấp nhô như những đợt sóng. Không nghe còi xe inh ỏi, không nghe người gọi nhau í ới thét lác nói to. Họ bước rất nhanh, để đến ga tàu điện ngầm gần nhất.
Nói vậy, sẽ có người phản bác ngay: Thử có hệ thống tàu điện ngầm hoành tráng xem, chúng tôi đi bộ liền. Chúng tôi nào có thích gì chen chúc trong dòng người và xe cộ nhốn nháo mất trật tự trên đường phố đâu?
Đường phố… điên loạn, lách được về đến nhà là như… cuộc sống sót. Qua đám đông, dưới chân nước ngập, trên đầu mưa xối, tưởng thích thú lắm sao? Đủ lý do chính đáng rồi nhé, ai đó có lỗi chứ không phải tôi. Ai đó có nhiệm vụ làm đường lớn cho tôi đi… Đấy, người Việt nói chung chỉ có một kiểu lý sự như vậy. Mọi chuyện do lỗi người khác, không do tôi.
Đúng rồi, lo giao thông, tổ chức đời sống đô thị là của cơ quan chức năng, chuyện vĩ mô, không phải chuyện của tôi. Tôi đóng thuế là đủ rồi, được toàn quyền đòi hỏi được phục vụ.
- Xem thêm: Môn thể dục khó ưa
Người Việt chỉ được cái… nói gì cũng đúng. Chỉ có hành vi sống của từng người thì họ tha hồ sai, rồi đổ cho hoàn cảnh, đổ cho đám đông hết.
Thì đây, một bà đi nước ngoài về, trề môi chê bai: Xứ người ta đâu có buôn bán vỉa hè con cá mớ rau lộn xộn thế này rồi ông nọ ông kia đơn thương độc mã đi dẹp, đi giành giật cái xe bán hàng rong của ông cụ già cho dân chúng chửi.
Xứ người ta có buôn bán vỉa hè cũng sạch đẹp có tổ chức, chia khu vực ra tử tế. Mình thì lộn xộn. Cái nhìn thấy đầu tiên khi về Việt Nam là sự mất trật tự. Xứ người ta mua bán đến siêu thị, đi thật xa chứ đâu có thói quen hở chút là sà vô, cà phê quán xá hàng rong chỗ nào cũng có sẵn. Xứ người ta, đi tìm một quán ăn, cửa hàng tạp hóa,… phải đến khu vực quy định chứ đâu có chạy ra đầu hẻm, cái gì cũng có sẵn.
Miệng thì nói đúng lắm, nhưng chính bà ta, cần mua mớ rau ngay đầu hẻm, cũng cứ… lên xe máy, vài chục bước chân cũng đâu có chịu đi bộ. Cũng cứ leo lên xe máy, cúi xuống trả tiền rồi phóng về. Ở Việt Nam, đi một bước cũng lên xe máy. Nói chính xác là… người Việt không biết đi bộ. Không biết đi.
“Các thợ cãi bậc 7” liền nói ngay: Sao dám nói tôi không biết đi? Sáng nào tôi cũng lên xe chạy tới công viên để… đi bộ. Không thấy các công viên đầy người đi bộ đó sao? Xong rồi lại… lên xe máy đi về, chạy xe máy đến tiệm cà phê, chém gió xong lại lên xe về.
Mà kiểm tra xem, bao nhiêu khu nhà cao cấp có phòng gym, máy đi bộ, thiên hạ ra cả các bờ sông cũng có máy đi bộ. Nhiều bà mua đủ các loại máy tập thể dục, nhưng tập một mình thì… không đủ kiên nhẫn. Đành xếp xó cho bụi phủ, đi ra công viên với… hội tập đi bộ, chuyện trò như bắp rang. Cụ Nguyễn Công Hoan còn sống chắc sẽ viết ngay tập 2 “Tinh thần thể dục” hay lắm chứ chẳng chơi. Đó, nói chúng tôi không biết đi là thế nào, láo quá.
- Xem thêm: Thứ gì đắt nhất?
Rồi người khác thì nói, đi bộ à, có mà điên. Đi bộ mới… hay bị té, va chạm, bị tông, chứ cứ ngồi lên chiếc xe máy, xe hơi dũng mãnh phóng như… những con cọp, thiên hạ tránh dạt ra hết, mới “mở đường thắng lợi” và đi được chứ? Lóp ngóp đi bộ xuống lòng đường, xe cộ tông cho què sao? Thiếu gì người bị tai nạn trên đường ra nơi… tập đi bộ về đó thôi?
Nhiều lý do quá, cãi không nổi. Nhưng rõ ràng là người Việt rất… lười đi, “không biết đi” là chuyện có thật chứ chối sao nổi. Ra nước ngoài phải đi bộ xái cẳng thì đành chịu, chứ về một cái là leo lên xe máy. Bây giờ có tàu điện ngầm thử xem, bao nhiêu người chịu đi bộ từ nhà để ra ga? Leo lên xe máy đi mua cái bánh mì ngay đầu hẻm quen rồi. Câu hỏi này khó trả lời à nha…