Lợi ích của tập luyện thể dục thể thao thì khỏi phải bàn nữa. Bệnh gì khi đi khám thì lời khuyên đầu bảng là không hút thuốc và phải tập thể dục. Hút thuốc thì không phải ai cũng “đang” để từ bỏ. Còn thể dục thì chẳng ai dám nói không. Lạc hậu chết. Mà lỡ có việc gì, người ta lại nói tại không vận động thể dục, thế là bệnh gì cũng trúng phóc.
Trai thanh gái lịch, dân “cao cấp” đi xe xịn, làm văn phòng hay có chức vụ thì không mấy khi xuất hiện chỗ “thể dục đường phố” như các dụng cụ ven sông, công viên. Ở đó trừ những người nhà gần (không tranh thủ thì phí), còn lại là dân “thất nghiệp” (các ông bà hưu trí, nội trợ) ra đó ngoáy ngoáy đu đu, chẳng ra thể thao cũng chẳng ra văn nghệ. Kỳ lắm.
- Xem thêm: Ai muốn sống lâu?
Rồi còn hội nhảy đầm xong đi cà phê gần chín giờ mới về (tỉ phú thời gian là đây). Có thêm hội “áo trắng” – đồng phục sạch sẽ để… đi nằm. Nằm giường rung, sưởi của Hàn Quốc không mất tiền, bắt mặc đồ trắng cho sạch sẽ văn minh như bệnh viện, hoặc “cửa hàng y khoa”.
Những người đẳng cấp, họ tập tennis, ra sân đánh golf những ngày nghỉ, sắm đồ nghề đầy đủ. Có ông khoe cái vợt mấy chục triệu đồng. Thanh niên văn phòng thì tập trong các phòng gym, trả tiền đàng hoàng, dụng cụ thể dục thể thao chuyên nghiệp.
Đó là chưa kể các anh tập võ thuật bụng sáu múi, các chị tập yoga chăm chỉ không chỉ vì sức khỏe mà quan trọng nhất là giữ gìn nhan sắc (chứ nói thật, chỉ sức khỏe không thôi thì các cô các chị còn trẻ, chưa bệnh gì nặng, dễ lên cơn lười lắm).
Bùng nổ vào hạng nhất, lan ra toàn thế giới chính là môn “thiền – thở” xem như môn thể dục cho vừa sức khỏe vừa tâm trí.
Nhưng môn này rất “khó gặm”. Nhiều người bị bệnh, chạy khắp các thầy, thử một núi thuốc, nghe ai nói có môn tập hay, đặc trị, không thuốc thang gì, thì rất mê. Nhưng khi người ta nói “đó là thiền” thì thở dài.
Nghe sao tuyệt vọng quá. Thuốc men như thần, thầy giỏi như tiên còn chẳng lui bệnh, nay nói ngồi… thở, khó tin quá. Mà thở cũng khó khăn, bắt ngồi kiết già kiết trẻ gì đó, chân đau thế làm sao ngồi.
Lại nói, phải làm rỗng cái đầu. Vô lý. Bản chất cái đầu là suy nghĩ, chỉ có… chết toi hoặc ngủ say thì mới không nghĩ ngợi. Thành ra, ngoài dân thiền “chuyên nghiệp” như các thầy chùa, người tập thở như cụ Nguyễn Khắc Viện lấy đâu ra nhiều. Có người còn nói, cụ ấy bị phổi nên tập thở là phải rồi, mình bị dạ dày thấp khớp, có quan hệ gì mà phải tập thở.
Vậy mà bây giờ trên thế giới người ta còn lan truyền lý thuyết hạnh phúc của cái ông Meng – kỹ sư hãng Google, trong đó lại nêu lên điểm đầu tiên là “giữ cho đầu óc bình thản” – thôi rồi, lại… tập thở. Ngày nào cũng thở, có ai không thở đâu mà lại bắt tập thở, thiền. Chỉ có nhắm mắt, hít vào biết mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra. Hết.
- Xem thêm: Muốn sống lâu
Nghe dễ vậy mà tức anh ách, mình chưa biết thở có chết không? Nguyên tắc thứ hai của ông Meng là “Ghi nhận những khoảnh khắc vui vẻ”. Cái này có vẻ dễ. Ông ấy nói, cứ nghĩ mình đang vui vì cười với bạn, lúc được ăn ngon, mua cái áo mình thích (Trời, cái này dễ. Cứ chém trên “Phây” cho vui cười cũng dễ mà).
Nhưng nguyên tắc thứ ba của ông Meng mới khó này. Ông ấy nói chúng ta phải “mong muốn cho người khác được hạnh phúc”. Mà ông nói tập nghĩ thế vài phút mỗi ngày là hiệu nghiệm. Ừ thôi, cũng dễ đi, mong cho cha mẹ vợ con ta hạnh phúc vậy, cũng là “người khác”. Nhưng ông Meng còn nói tiếp “Sự tốt bụng là nguồn đem lại hạnh phúc lâu dài” thì trời ơi…, hơi bị khó.
Xã hội cạnh tranh phân hóa, hay nghĩ xấu về nhau, kèn cựa tỵ nạnh đang bị coi là đức tính của người Việt. Ở nước ngoài, Việt kiều cũng “thích ở chỗ có rất ít người Việt”.
Thôi rồi, khó hơn cả thở rồi, phải tốt bụng – trời ơi, tập thế nào bây giờ hả ông Meng?